Ngành Hải quan hướng tới số hoá toàn bộ hồ sơ vào năm 2025

Ngọc Diệp| 25/11/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) ngành Hải quan là chìa khóa quan trọng để xây dựng hải quan số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn.

Những bước tiến trong CĐS ngành Hải quan

Thuế và Hải quan là hai đơn vị đã chủ động triển khai CĐS từ rất sớm, qua đó đạt nhiều bước tiến vượt bậc, mang đến những thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), lấy người dân và DN làm trung tâm.

Chia sẻ kết quả nổi bật trong CĐS ngành Hải quan tại hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề "CĐS trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, DN làm trung tâm" diễn ra mới đây, ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) cho biết, kết quả CĐS ngành Hải quan thể hiện qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn; ứng dụng CNTT toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan; ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng từng bước công nghệ của cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cụ thể, đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan; tổ chức thực hiện giám sát tự động,...

Kết quả này cũng là cơ sở để người dân và DN đánh giá sự tiến bộ của ngành Hải quan nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong việc lấy người dân và DN làm trung tâm.

Ngành Hải quan hướng tới số hoá toàn bộ hồ sơ vào năm 2025 - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan: đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E

Chia sẻ về kết quả thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration), đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, nhờ ứng dụng CNTT, việc làm thủ tục hải quan của DN được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Theo đó, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Tổng cục Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.

Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% DN tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.

Về thực hiện giám sát hải quan tự động, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM). Hệ thống này còn thực hiện kết nối giữa cơ quan hải quan và các DN kinh doanh cảng kho bãi, vừa tạo thuận lợi cho DN cảng, kho bãi, giảm thời gian, chí phí cho DN xuất nhập khẩu (XNK) trong khi tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan. Trong đó, các DN ở Hải Phòng là đối tượng được thụ hưởng rõ nhất những lợi ích này: ngoài thụ hưởng kết quả thông quan điện tử của cơ quan hải quan, DN còn được hưởng kết quả thông quan trên cảng biển kho bãi tức là khi cơ quan hải quan thông quan, thông tin này sẽ được gửi sang DN kinh doanh kho bãi cảng biển để quyết định việc xếp dỡ hàng hóa và giải phóng hàng trên kho bãi cảng biển. Hiện 100% DN kinh doanh kho bãi cảng biển tại Hải Phòng đã kết nối vào hệ thống này của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với các hệ thống CNTT của các ngân hàng thương mại và Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và DN, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Theo đó, DN có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, kết nối Internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Đến nay, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Ngoài việc thúc đẩy tăng tốc quá trình thông quan hàng hoá, cơ quan hải quan còn phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện cấp giấy phép điện tử, C/O điện tử, nhằm cho phép các cơ quan hải quan phân luồng hàng hóa tự động theo 3 mức: xanh, vàng, đỏ.

E-Manifest bản chất là một loại chứng từ xác nhận các thông tin về hàng hóa XNK của hãng vận tải gửi đến cơ quan hải quan, căn cứ trên giấy tờ đó cơ quan hải quan kiểm tra chéo với hồ sơ hải quan do người khai hải quan khai, từ đó có thể quyết định phân luồng, soi chiếu hàng hóa thậm chí trước khi hàng đến.

Bên cạnh đó, nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện cho hàng hóa XNK được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, từ ngày 27/1/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Với ứng dụng này, các cơ quan chức năng, DN, người điều khiển phương tiện có thể tra cứu theo thời gian thực tình hình ùn tắc tại tất cả các cửa khẩu biên giới. Nhờ đó, có thể chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch XNK, kế hoạch vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế; tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu, tiết kiệm chi phí logistics; giảm thiểu thiệt hại và rủi ro...

Chia sẻ thêm về kết quả CĐS tại hải quan địa phương, đại diện Cục hải quan TP.HCM, cho biết với kim ngạch chiếm 40% toàn ngành nhưng quân số chỉ hiếm 1/6 toàn ngành, hải quan TP. HCM phải xử lý một khối lượng công việc lớn và nếu triển khai theo phương thức truyền thống thì không thể đáp ứng được. Vì vậy, đơn vị này đã tích cực ứng dụng CNTT và đạt được các kết quả tích cực.

Ngành Hải quan hướng tới số hoá toàn bộ hồ sơ vào năm 2025 - Ảnh 2.

Đại diện Cục hải quan TP. HCM chia sẻ kết quả CĐS tại đơn vị

Cụ thể, về các công tác quản lý nội ngành, mọi hoạt quản trị nội bộ, công tác điều hành từ lãnh đạo đến công chức hiện đã được tự động hóa hoàn toàn, hầu như không giấy tờ, 100% xử lý trên môi trường điện tử. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ hàng tháng cũng thực hiện trên môi tường số dựa trên khối lượng công việc được giao trên hệ thống.

Về công tác nghiệp vụ, Hải quan TP. HCM là một trong những đơn vị địa phương của hải quan đã thực hiện tất cả các hoạt động liên quan tới hải quan điện tử và thông quan tự động. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung vào phân tích và xử lý dữ liệu. Trong thời gian qua, Hải quan TP. HCM đã phát hiện và bắt giữ được nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, hàng cấm,... nhờ ứng dụng công nghệ phân tích hình ảnh, robot tự động.

Đến năm 2025: Số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan

Theo ông Lê Đức Thành, trong giai đoạn 2021- 2025, CĐS ngành Hải quan sẽ tập trung vào 3 nội dung chính.

Đầu tiên là số hóa 100% hồ sơ hải quan, không tiếp nhận bảng scan. Hiện nay một bộ phận hồ sơ vẫn gửi đến cơ quan hải quan dưới dạng bản quét (scan). Đã là scan thì chưa phải là số hóa. Do đó một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Hải quan đến 2025 phải đạt được là số hóa toàn bộ hồ sơ hải quan. DN nộp hồ sơ hải quan dưới dạng số chứ không phải điện tử. Nghĩa là tất cả được thể hiện bằng các chỉ tiêu, tiêu chí thông tin và trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ xây dựng được CSDL giúp cơ quan hải quan đánh giá được rủi ro chính xác hơn, quyết định phân luồng chính xác và giảm thiểu tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa.

Thứ hai là thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Hải quan sẽ thực hiện ứng dụng CNTT, đặc biệt ứng dụng công nghệ 4.0 trong số hóa quy trình nghiệp vụ. Trên cơ sở quy trình nghiệp vụ và số hóa hồ sơ, đơn vị này sẽ triển khai các ứng dụng các công nghệ hiện đại như robot tự động quy trình, AI để tạo thuận lợi hơn cho người dân, DN.

Thứ ba là xây dựng CSDL quốc gia về hàng hóa XNK, giúp việc điều hành vĩ mô thuận lợi hơn, hỗ trợ đấu thầu (cung cấp thông tin về giá các mặt hàng nhập khẩu),.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Hải quan hướng tới số hoá toàn bộ hồ sơ vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO