Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu hiện hữu rõ nét
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa ở 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 6-9/2022, đặc biệt tại các nước Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Yemen, Afghanistan và Somalia.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008, vốn xuất phát từ các nguyên nhân như hạn hán, dân số tăng, tiêu dùng lúa mì tăng ở các nước đang phát triển và việc tăng sử dụng lương thực làm nhiên liệu.
Lần này sẽ khó tìm được nguồn cung thay thế khi thế giới bị gián đoạn chuỗi cung ứng từ Nga và Ukraine, hai quốc gia vốn đóng góp khoảng 28% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, 15% lượng ngô và 75% lượng dầu hướng dương trong mùa vụ năm 2020-2021. Hạn hán ở Mỹ dự kiến có thể làm giảm sản lượng lúa mì vụ đông và những trận mưa đá, gió mạnh, mưa lớn trong tháng này sẽ làm giảm sản lượng lúa mì ở Pháp. Argentina - nước xuất khẩu lúa mì đứng thứ 6 thế giới, cũng giảm dự báo sản lượng trong mùa vụ 2022-2023. Ấn Độ phải nhanh chóng rút lại quyết định "giải cứu" thế giới bằng lương thực của mình khi nước này vốn chỉ xuất khẩu một lượng bột mì rất hạn chế, dành hầu hết sản lượng phục vụ nhu cầu của gần 1,4 tỷ dân trong nước.
Đặc biệt, cuối tháng 3/2022 vừa qua, Giám đốc WFP David Beasley cũng đã cảnh báo rằng căng thẳng Nga-Ukraine đã tạo ra "một thảm họa nối tiếp thảm họa", với những tác động tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo thống kê mới nhất của WFP, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, lên 276 triệu người.
Đến cuối năm 2022, dưới tác động tích tụ của các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị liên tục diễn ra, con số này được dự báo sẽ tăng lên 323 triệu người. Những hậu quả trong ngắn hạn là rõ ràng. Nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào, ví dụ như nhiên liệu phục vụ trang thiết bị nông nghiệp và hoạt động sản xuất điện.
Điều quan trọng không kém là hoạt động sản xuất ngũ cốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào phân đạm tổng hợp. Ước tính, khoảng 1/3 dân số thế giới phụ thuộc trực tiếp vào nguồn cung ngũ cốc được sản xuất bằng các loại phân đạm tổng hợp. Do vậy, giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc giá phân bón và giá ngũ cốc cũng cao hơn. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là nạn đói xảy ra nhiều hơn ở các nước nghèo và phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhiều quốc gia sẽ đạt đến "ngưỡng chịu đựng".
Ngoài các thảm họa do con người gây ra, báo cáo nhấn mạnh rằng thiên tai như hạn hán, bão lũ đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng mất an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Hiện tượng La Nina tái diễn kể từ cuối năm 2020 đã ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp, gây ra thiệt hại về cây trồng và vật nuôi ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Afghanistan và Đông Phi.
Đến nay, dưới tác động của nhiều yếu tố, nạn đói hiện đang đe dọa 43 quốc gia. Hạn chế xuất khẩu lương thực của các quốc gia trên thế giới vào lúc này không phải là biện pháp giúp giải quyết khủng hoảng mà đang làm tình trạng tồi tệ thêm, đòi hỏi sự cân bằng có đi có lại giữa các quốc gia trong vấn đề này.
Việt Nam đảm bảo mục tiêu về an ninh lương thực và xuất khẩu
Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực ngày càng trầm trọng, Việt Nam đã linh hoạt đề ra các giải pháp, tăng cường chuỗi sản xuất tại các lĩnh vực có thế mạnh để ổn định tình hình trong nước và đáp ứng mục tiêu xuất khẩu, phát triển nền kinh tế. Về cơ bản, Việt Nam vẫn đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực trong nước, phục vụ đời sống của nhân dân.
Về sản xuất lúa, diện tích gieo cấy cả nước năm nay đạt 2.992 nghìn ha, bằng 99,5% vụ đông xuân năm trước; năng suất ước đạt 66,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19,97 triệu tấn. Hiện nay, cả nước đã xuống giống được 1.829,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 174,4 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, chiếm 12,1% diện tích xuống giống.
Với sản lượng trên, nguồn cung lúa gạo đáp ứng dồi dào cho tiêu dùng trong nước và còn phục vụ cho xuất khẩu. Trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 3,520 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 thu về khoảng 1,72 tỷ USD. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.
Với thực phẩm, mặc dù ngành chăn nuôi cũng gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao; nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi lớn... nhưng các địa phương đã tích cực hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi thông qua biện pháp tăng cường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để đảm bảo nguồn cung trong nước, giúp kiềm chế mức tăng của lạm phát.
Chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, tổng số lợn đến thời điểm cuối tháng 6/2022 ước tính tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2021, sản lượng thịt đạt trên 2.100 tấn; gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt đạt gần 1.000 tấn; tổng số bò tăng 2,2%, sản lượng thịt đạt 240 tấn.
Trong thời gian tới, để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch vụ hè thu, xuống giống vụ ma tại các tỉnh phía Nam; triển khai chăm sóc và đảm bảo thu hoạch vụ hè thu, vụ mùa tại các tỉnh phía Bắc.
Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm chăn nuôi ở các địa phương. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Trước tình trạng, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao, Bộ đã tập trung chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các yếu tố bất lợi. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.