Truyền thông

Ngành thống kê: Nhiều cách làm truyền thông chính sách

Ngọc Anh 24/11/2023 10:10

Để đưa thông tin thống kê tới được đông đảo người dùng tin trong nước và quốc tế, ngành Thống kê đã sử dụng nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

gso_6995-1687167819876.png

Cách đây 59 năm, ngày 31/8/1963, phát biểu tại Hội nghị Tuyên huấn miền núi, sau khi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của cán bộ tuyên huấn trong công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm... Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”. Lời nói của Bác đã trở thành triết lý trong đối với công tác tuyên truyền, nền tảng của công tác truyền thông ngày nay.

Ngày 11/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo định hướng ngành thông tin và truyền thông: “Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh” và “Không để chiến lược trên giấy”.

Đối với công tác thống kê, tại Hội nghị Thống kê toàn quốc ngày 18/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo cần coi trọng vai trò của dữ liệu trong hoạt động truyền thông để đáp ứng yêu cầu “kết quả công việc năm nay phải tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước”. Quản trị Chính phủ dựa trên dữ liệu đòi hỏi triển khai bất cứ nhiệm vụ mới nào cũng phải trên cơ sở tổng kết, đánh giá các công việc đã làm, dựa trên số liệu, “số liệu nói lên tất cả” và làm sao để “số liệu thực sự biết nói”.

Truyền thông số liệu thống kê tạo niềm tin cho người dân và quốc tế

Trong thời gian qua, ngành Thống kê đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để công chúng tin tưởng sử dụng thông tin thống kê thì chất lượng thông tin thống kê phải được đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin Thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của Ngành. Trong đó có việc xây dựng cơ sở pháp lý, cập nhật Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.

Ngành Thống kê xác định, người dân, doanh nghiệp là người cung cấp thông tin đồng thời cũng là người sử dụng thông tin nên ngay khi xây dựng danh mục chỉ tiêu thống kê, ngành Thống kê đã tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Thống kê đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng công nghệ thông tin thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; Nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong Ngành; Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê thông qua các khóa đào tạo trong nước và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế.

1s.jpg
Ảnh minh họa.

Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, Tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF trong Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, trong điều tra giá… Ngành đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như Kinh tế số, logistics…Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế do phương pháp luận luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Có được thông tin tốt việc tuyên truyền cũng phải tốt mới đạt mục tiêu là người dùng tin tin tưởng sử dụng thông tin thống kê. Hàng năm, ngay từ cuối năm trước, căn cứ kế hoạch công tác, ngành Thống kê đã xây dựng tổng thể kế hoạch tuyên truyền, lịch phổ biến thông tin thống kê của ngành cho năm sau. Dựa trên kế hoạch tổng thể này, các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch cụ thể tại từng đơn vị. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị trong toàn ngành chủ động thực hiện công tác tuyên truyền bài bản, rộng khắp từ cơ quan Tổng cục Thống kê đến các cục Thống kê địa phương.

Một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến của Ngành là họp báo. Ngành Thống kê tổ chức các cuộc họp báo định kỳ công bố tình hình kinh tế xã hội cả nước và tình hình lao động việc làm theo quý, năm (ở trung ương) và tình hình kinh tế xã hội 6 tháng và cả năm (tại 63 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương ). Ngoài ra, còn tổ chức họp báo đột xuất về kết quả các cuộc Tổng điều tra và điều tra quan trọng.

Các cuộc họp báo ở Trung ương và địa phương có sự tham dự của đông đảo các phóng viên, biên tập viên, đại diện các bộ, ban, và các sở, ngành liên quan. Ngành Thống kê dành nhiều thời gian để trao đổi, giải đáp thỏa đáng các câu hỏi về thông tin thống kê đã cung cấp. Tài liệu cung cấp cho đại biểu tại cuộc họp báo được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều hình thức như thông cáo báo chí, báo cáo rút gọn, inforgraphic. Sau mỗi cuộc họp báo, ngành Thống kê còn tổng hợp lại những thông tin quan trọng được dư luận quan tâm, tiếp tục cung cấp cho người dùng tin.

20230329090456_img_2519.jpg
Một cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê.

Vì vậy, sau mỗi cuộc họp báo, thông tin thống kê tổng quan và chuyên sâu, các bài phân tích, phỏng vấn được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần giúp các cấp chính quyền, tổ chức, người dân và cộng đồng quốc tế nắm bắt được diễn biến tình hình kinh tế xã hội trên phạm vi cả nước, địa phương.

Thông tin thống kê còn được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông qua website chính thống của Tổng cục Thống kê, Tạp chí điện tử Con số và Sự kiện, web của các đơn vị trong Ngành cùng 58/63 trang web của Cục Thống kê địa phương.

Hiện nay, trong xu hướng mạng xã hội ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống người dân, những người làm công tác thống kê đã xây dựng fanpage Thống kê Việt Nam, tạo thêm một kênh đưa thông tin thống kê tiếp cận đến người dùng tin.

Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin điện tử, trang web, thì hình thức tuyên truyền thông qua việc xuất bản các ấn phẩm thống kê cũng được chú trọng. Hằng năm, ấn phẩm thương hiệu của ngành Thống kê là Niên giám Thống kê ở Trung ương và 63 Cục Thống kê địa phương được đều đặn phát hành. Trung bình, ngành Thống kê xuất bản khoảng 250-300 đầu sách/năm với các thông tin thống kê chuyên đề chuyên sâu, kết quả các cuộc điều tra, Tổng điều tra, sách trắng doanh nghiệp, sách trắng hợp tác xã...

Ngoài ra, ngành Thống kê cũng sản xuất nhiều video clip về một số đề án, hoạt động lớn của ngành phục vụ các đoàn công tác của cơ quan Thống kê ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài đến công tác tại cơ quan Thống kê Việt Nam, giúp cho các cơ quan, tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về công tác thống kê Việt Nam.

Như vậy, để đưa thông tin thống kê tới được đông đảo người dùng tin trong nước và quốc tế, ngành Thống kê đã sử dụng nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện bài bản tại các đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Để người dùng tin trong nước và quốc tế tin tưởng, sử dụng thông tin thống kê, Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng thông tin thống kê, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế ngay từ khi xây dựng văn bản pháp luật đến việc tham gia cung cấp và sử dụng thông tin thống kê nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng thông tin thống kê.

Công tác truyền thông chính sách thời gian qua đã góp phần chia sẻ rõ nét về vị trí, vai trò, các nhiệm vụ lớn, khó, quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược về kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, nhân văn và tiên phong đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực tiễn cho thấy, truyền thông chính sách đã có tác động lớn đến hiệu quả của công tác hoạch định chính sách, tạo đồng thuận xã hội, để các chính sách ban hành hướng tới toàn thể người dân, không ai bị bỏ rơi phía sau của sự phát triển, góp phần vào công bằng xã hội.

Yếu tố quan trọng để truyền thông chính sách đi vào cuộc sống là thông tin phải chính thống, công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời điểm và “cởi mở” với xã hội; mọi hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết./.

Bài liên quan
  • Truyền thông chính sách nhiệm vụ cấp bách hiện nay
    Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành thống kê: Nhiều cách làm truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO