Diễn đàn

Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàng Linh 19:17 02/01/2025

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhân dịp ngày làm việc đầu tiên trong năm mới 2025, ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực TT&TT trong giai đoạn tiếp theo và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phạm Đức Long và Thứ trưởng Phan Tâm.

toan-canh.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.

Việt Nam đạt nhiều thứ hạng cao về lĩnh vực TT&TT

Theo các xếp hạng của các tổ chức, cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc, năm 2024, các xếp hạng của Việt Nam về lĩnh vực TT&TT đã đạt được các thứ hạng cao.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2023. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc cũng công bố Chỉ số an toàn thông tin (ATTT) mạng toàn cầu năm 2024 (GCI), theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.

Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu” (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia “làm gương”, đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.

Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam, theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS, song hành cùng các quốc gia tiên tiến. Việc quản lý mạng xã hội xuyên biên giới cũng được thế giới đánh giá cao.

Với những kết quả và nỗ lực trong những năm qua và năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “Ngành TT&TT cần phải phát huy được những giá trị trong kỷ nguyên mới và Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin cạnh tranh số khi hầu hết các lĩnh vực quản lý của ngành đã có thể đo lường được”.

Giải những bài toán cụ thể bằng công nghệ

Thế giới đang có sự dịch chuyển vĩ đại nhất của nhân loại, đó là di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số. Và từ đó, nhiều câu chuyện chưa thể giải quyết trong nhiều năm thì nay có thể giải bằng công nghệ.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT về định hướng công tác của Ngành TT&TT trong năm 2025.

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, việc giải bài toán úng ngập của TP. HCM trong nhiều năm nay đã có thể giải được bằng những công nghệ số mới như công nghệ bản sao số (digital twin), IoT...

TP. HCM có thể lắp đặt khoảng 10.000 thiết bị đo IoT để từ đó thực hiện mô phỏng toàn bộ thành phố từ đường xá, hệ thống cống, nước biển dâng, lượng mưa… nhờ công nghệ bản sao số. Công nghệ bản sao số có thể ánh xạ thành phố thực tế lên môi trường số để có được những tham số để phân tích và đưa ra được phương án giải quyết tối ưu. Thái Nguyên cũng đang dự kiến dùng công nghệ bản sao số cho một công việc tương tự.

Bản sao số là một trong những ứng dụng lớn của IoT. Một địa phương làm tốt, hiệu quả, theo đó, các địa phương khác có thể học hỏi. Những cơ hội từ việc phát triển IoT là rất lớn. Có khoảng 10 quốc gia đã ban hành chiến lược IoT, Bộ trưởng chia sẻ.

Một năm mới bắt đầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị quản lý thuộc Bộ TT&TT hãy luôn chú ý công việc quản lý nhà nước phải được ánh xạ từ những thực tiễn đời sống như việc người dân bị nhắn tin lừa đảo hay việc phải chờ đèn đỏ quá lâu khi đường vắng… thì cần nghiên cứu giải các câu chuyện này bằng công nghệ.

“Từ những việc cụ thể thì khái quát lên những việc có tầm nhìn lớn, khái quát hơn. Từ những việc khái quát thì ánh xạ vào công việc hàng ngày; ánh xạ quản lý nhà nước vào đời thường của từng gia đình”, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý các lĩnh vực TT&TT cần lưu ý.

Xuất bản học hỏi báo chí về việc trở lại những giá trị cốt lõi

Trước băn khoăn của lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành về bản quyền sáng tạo tác phẩm, sự tồn tại của lĩnh vực khi công nghệ AI có thể thực hiện sáng tạo ra các tác phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ mới như công nghệ AI chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể thay thế sự sáng tạo của con người.

bt-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Xuất bản hãy giữ những giá trị cốt lõi của nghề, dùng AI như một công cụ hỗ trợ thì sẽ giải được bài toán xuất bản.

Xuất bản hãy nghĩ đến câu chuyện của báo chí trong những năm trước đây. Báo chí đã có một thời gian bị mạng xã hội (MXH) lấn lướt, giờ đã lấy lại vị thế khi trở lại với những giá trị cốt lõi, không chạy theo MXH là nhanh, không kiểm chứng.

Báo chí có kiểm chứng, minh bạch, khách quan, có ảnh hưởng xã hội… nay kết hợp với công nghệ số đã khẳng định giá trị, vai trò. Bạn đọc giờ đây đã chán tin giả, tin tiêu cực và quay lại với báo chí. Điều này đã được chứng minh trong thời COVID-19.

Xuất bản hãy giữ những giá trị cốt lõi của nghề, dùng AI như một công cụ hỗ trợ thì sẽ giải được bài toán xuất bản, giống như báo chí trở lại với những giá trị cốt lõi để cạnh tranh với MXH, Bộ trưởng chia sẻ.

Mở không gian cho doanh nghiệp công nghệ

Trước băn khoăn của lãnh đạo Cục ATTT về phát triển thị trường cho ngành, dịch vụ, sản phẩm ATTT trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Phạm Đức Long là việc quan trọng nhất lúc này là cần ban hành các bộ tiêu chí đồng bộ, đánh giá mức độ, chất lượng sản phẩm tương đương, ngang hàng thế giới để tăng thị phần sản phẩm trong nước từ 20% lên 50%.

tt-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần đặt yêu cầu mới cho các sản phẩm, giải pháp ATTT, thậm chí là cho lĩnh vực.

Bộ trưởng cho biết trong năm 2024 có đến 4 doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị mã hóa dữ liệu, theo đó, công việc quan trọng là phục hồi nhanh. Tin tặc (hacker) đi tấn công có nghĩa là giỏi về việc tìm ra sơ hở nên việc phục hồi mạng mới là quan trọng. Bài học rút ra từ những sự cố ATTT vừa qua cho thấy DN công nghệ trong nước có giải pháp, dịch vụ, lại có sẵn hạ tầng đã có thể giúp các DN gặp sự cố tấn công mạng phục hồi nhanh.

Bên cạnh đó, lĩnh vực ATTT cần phải ra tiêu chuẩn của Việt Nam. “Ngoài tiêu chuẩn chung quốc tế cần có tiêu chuẩn “may đo” Việt Nam. ATTT được bảo đảm khi có tiêu chuẩn Việt Nam”.

“Việc tạo ra tiêu chuẩn đặc thù vừa tạo ra sự bền vững cho đất nước vừa tạo điều kiện cho DN Việt phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024 đề cập nhiều nội dung mới về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số song hành, trong đó có nội dung ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ số Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thị trường công nghệ số Việt Nam vô cùng cạnh tranh nhờ chi phí thấp. DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài cũng có nhiều cơ hội thắng lợi bởi giá bán sản phẩm cạnh tranh.

Những năm gần đây, các DN công nghệ như CMC, FPT, VNPT… đi ra nước ngoài kinh doanh thuận lợi hơn nhờ giá cả. DN Việt Nam lại nhanh nhạy, nỗ lực, làm việc cả cuối tuần, dịch vụ khách hàng tốt. Hiện, DN Việt Nam làm giải pháp an toàn, an ninh mạng đi ra nước ngoài còn ít.

Bộ trưởng lưu ý lĩnh vực ATTT cần mở rộng không gian, ban hành được tiêu chuẩn “may đo”, đưa DN trong nước ra nước ngoài…. Những việc này là nghề của cơ quan quản quản lý nhà nước. Mục tiêu năm nay là cần đưa 20% DN ra nước ngoài lên 40%.

“Cần thiết phải mở không gian cho DN thì DN mới lớn được. Nghị quyết số 57 đã đề cập hình thành những DN lớn nòng cốt, có năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, đi ra nước ngoài”.

Cùng với đó, lĩnh vực ATTT phải chỉ ra được các DN nòng cốt để Nhà nước giúp đỡ, giao đề án, việc lớn để vừa thực hiện nhiệm vụ quốc gia vừa lớn lên được. Một mũi tên trúng hai đích. Tương tự, các lĩnh vực cũng phải tìm DN cốt lõi quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh.

Lĩnh vực ATTT của Việt Nam có thứ hạng cao, tại sao không khuếch trương quốc tế, gây dựng thương hiệu Việt Nam về an toàn an ninh mạng? Bộ trưởng đặt vấn đề và đề nghị Cục ATTT cần tổng hợp các thông tin của lĩnh vực để gửi các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để các Đại sứ quán có thông tin để hỗ trợ quảng bá cho lĩnh vực, DN ATTT Việt Nam.

Lĩnh vực ATTT Việt Nam được xếp hạng cao và ATTT được xem là điều kiện tiên quyết để CĐS. Vậy, lĩnh vực ATTT hãy nỗ lực để đạt doanh thu trong nước 30% và nước ngoài 70%. Nếu chỉ “lúi húi” ở thị trường trong nước thì chưa thể tự hào.

Đi ra quốc tế với những kiểm duyệt khắt khe, thực chất mới có thể chứng tỏ mình mạnh. Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm được điều đó, Bộ trưởng cho hay.

5 nội dung xuất khẩu tri thức

Trước ý kiến của lãnh đạo Học viện Công nghệ BCVT về việc mở cơ sở đào tạo ở nước ngoài, xuất khẩu tri thức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 5 nội dung cần lưu ý: Đưa sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài; Xuất khẩu học liệu; Sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; Mở cơ sở đào tạo ở nước ngoài; Trao đổi chuyên gia, giảng viên, đưa giảng viên ra nước ngoài giảng dạy.

tt-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu.

Bộ trưởng cho rằng chuyện kỹ sư Việt Nam đi làm thuê cho nước ngoài hoặc ở nước ngoài/ở Việt Nam trong các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), doanh nghiệp là đúng.

“Người muốn giỏi lên thì phải đi làm. Làm ở nước ngoài, quy trình làm việc tốt hơn, giải được bài toán lương cao nhưng chú ý có cái bẫy làm thuê quen, không làm chủ được. Đã có quốc gia gặp phải bẫy này và không làm chủ được”.

“Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị có câu về “tự cường công nghệ”. Cần phải tự cường, làm chủ công nghệ. Hãy tự chủ ứng dụng tiến tới tự chủ công nghệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp theo, Học viện có thể xuất khẩu tri thức khi khai thác tốt công tác đào tạo trực tuyến (online). Xuất khẩu sang các nước tiên tiến thì hơi khó nhưng cơ hội rất lớn ở hơn trăm quốc gia khác, trong đó có các nước châu Phi.

“Các quốc gia này vô cùng khó khăn về đào tạo đại học, thiếu hụt về giáo dục, thiếu các điều kiện phòng thí nghiệm. Đây chính là cửa để Học viện đi ra nước ngoài về đào tạo”, Bộ trưởng nhận định.

Tinh thần của Nghị quyết số 57 là Việt Nam có trách nhiệm với nhân loại. Đất nước ta đã lớn mạnh, hãy có trách nhiệm đóng góp với sự phát triển của nhân loại. Không tiếp tục là nước ngửa tay đi xin mãi. Việc Việt Nam đã, đang đóng góp cho hòa bình thế giới là một câu chuyên về việc Việt Nam đóng góp trách nhiệm với thế giới.

“Chúng ta phải giải bài toán Việt Nam mang ra toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Thực hiện tốt việc đào tạo online chính là đóng góp vào sự phát triển của nhân loại, nhất là những nước nghèo”.

Cuối cùng, theo người đứng đầu ngành TT&TT, “Việt Nam không nhỏ nữa. Nếu không dám nghĩ lớn thì không làm được. Xây dựng thương hiệu quốc gia chính là đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Hướng đào tạo online rất đúng và dễ làm, có thể làm được. Hãy làm cho toàn cầu, hơn 100 nước nghèo”./.

Bài liên quan
  • 5 năm chuyển đổi số quốc gia
    Việt Nam là một quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, song hành cùng các quốc gia tiên tiến.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Các dự đoán về AI năm 2025
    Năm 2024, chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo (AI) đã chuyển từ giai đoạn thí điểm sang ứng dụng thương mại. Sang năm 2025, AI sẽ mở rộng triển khai toàn diện tại các doanh nghiệp.
  • 5 năm chuyển đổi số quốc gia
    Việt Nam là một quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, song hành cùng các quốc gia tiên tiến.
  • Chuyển đổi ngành công nghiệp viễn thông bằng trí tuệ nhân tạo
    Việc triển khai AI trên quy mô lớn và chuyển đổi sang các tổ chức gốc AI có thể là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới cho các công ty viễn thông
  • Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc
    Nhân dịp đón Năm Mới 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc". Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng.
  • Khẳng định vị thế Việt Nam trong dòng chảy thời đại
    Năm 2024 ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là năm có những chuyển động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra luồng gió mới trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, tạo tiền đề quan trọng để cả nước bứt phá, tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới ngay sau Đại hội XIV của Đảng. Nhân dịp đón năm mới 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.
  • Hy Lạp triển khai ứng dụng giúp bảo vệ trẻ em trên mạng
    Ngày 30/12, Hy Lạp đã công bố kế hoạch tăng cường quyền giám sát của phụ huynh đối với việc sử dụng thiết bị di động của trẻ em vào năm 2025 thông qua một ứng dụng do chính phủ điều hành.
  • Các xu hướng khai thác zero-day hàng đầu trong năm 2024
    Các lỗ hổng chưa được vá luôn là những điểm yếu để tin tặc xâm nhập vào hệ thống CNTT của doanh nghiệp. Hoạt động của tội phạm mạng xung quanh lỗ hổng zero-day cho thấy các xu hướng chính mà bộ phận an ninh mạng cần lưu ý.
  • VNPT 2024: Những dấu ấn nổi bật
    Không chỉ giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, đạt mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ, năm 2024, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) còn ghi dấu ấn với nhiều hoạt động ý nghĩa, khẳng định trách nhiệm với cộng đồng.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá
    Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn TTXVN.
  • Các thảm họa CNTT lớn năm 2024
    Sự cố lớn của CrowdStrike đã làm lu mờ hầu hết các thảm họa CNTT khác, nhưng năm nay chúng ta còn chứng kiến việc ​​các hệ thống CNTT cáo buộc nhân viên trộm cắp, và các nhà sản xuất PC bán thiết bị có chứa phần mềm độc hại.
Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO