Ngành Tư pháp CĐS nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công

Ánh Dương| 17/10/2022 06:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số (CĐS), kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin và chia sẻ về kinh nghiệm, các mô hình đang triển khai hiệu quả, mới đây Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn “Đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp tiếp cận CĐS”.

Diễn đàn là một trong những sự kiện hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10/10) và chào mừng thành công của Đại hội Đoàn Khối các cơ quan Trung ương lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 - 2027.

CĐS nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công (DVC) của ngành Tư pháp

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Trịnh Xuân Tùng cho biết: "Ngành tư pháp luôn coi công tác CĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng DVC của ngành".

Xác định thể chế và công nghệ là động lực của CĐS và thể chế cần đi trước một bước, do đó, trong thời gian qua Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi các luật và văn bản luật chuyên ngành nhằm phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế trong công tác CĐS.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp với chức năng của mình cũng đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Bộ trong triển khai cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), hạ tầng số đối với một số lĩnh vực như CNTT, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp quốc gia, với mong muốn hoạt động ngày càng thuận lợi, thông thoáng và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.

Ngành Tư pháp CĐS nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công - Ảnh 1.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Trịnh Xuân Tùng: Ngành tư pháp luôn coi công tác CĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng

Một trong những mô hình ứng dụng CNTT và CĐS tiêu biểu đạt được những kết quả đáng ghi nhận được chia sẻ tại diễn đàn là mô hình CĐS tại Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia.

Trước năm 2015, việc cấp phiếu LLTP được thực hiện theo phương thức trực tiếp nộp hồ sơ và nhận phiếu LLTP tại trụ sở cơ quan cấp phiếu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có thêm nhiều lựa chọn phương thức cấp phiếu LLTP, ngày 08/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến" (Đề án 19).

Theo đó, việc cấp phiếu LLTP trực tuyến được thực hiện theo 02 phương thức: Đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính; Gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu. Với các phương thức này, việc cấp phiếu trực tuyến về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu mức độ 03 của DVC trực tuyến.

Theo số liệu thống kê, sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án 19, đã có 60 Sở Tư pháp triển khai phân hệ đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến do Bộ Tư pháp xây dựng, trong đó, 40 Sở Tư pháp đã triển khai tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, có 59.730 trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến được tiếp nhận và xử lý.

Trong đó, có 54.959 trường hợp đăng ký Tờ khai trực tuyến, nộp hồ sơ trực tiếp và nhận phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, chiếm 92,01% tổng số trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP được tiếp nhận và xử lý theo Đề án 19 của cả nước và 4.771 trường hợp gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận Phiếu LLTP trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp phiếu, chiếm 7,99% tổng số trường hợp đăng ký cấp phiếu LLTP được tiếp nhận và xử lý theo Đề án 19 của cả nước.

Bên cạnh đó, Trung tâm LLTP quốc gia cũng đẩy mạnh tăng cường việc ứng dụng CNTT trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP. Nhờ đó, kết quả tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích tại Trung tâm bảo đảm chính xác, 100% phiếu LLTP do Trung tâm cấp đều sớm hoặc đúng thời hạn theo quy định.

Đặc biệt, để triển khai hiệu quả Đề án Cổng DVC quốc gia và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã hoàn thành và đưa vào khai thác Cổng DVC Bộ Tư pháp, thực hiện kết nối Cổng DVC Bộ Tư pháp với Cổng DVC quốc gia và triển khai cung cấp 30% các thủ tục hành chính (TTHC) do Bộ Tư pháp thực hiện trên Cổng DVC quốc gia, trong đó có 03 TTHC trong lĩnh vực LLTP.

Hiện nay, các địa phương cũng đang hoàn thiện việc kết nối, tích hợp dữ liệu đăng ký cấp phiếu LLTP giữa hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh/thành phố với phần mềm quản lý LLTP dùng chung cho Sở Tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, đồng bộ thủ tục đăng ký cấp phiếu LLTP giữa Cổng DVC tỉnh/thành phố với Cổng DVC quốc gia để triển khai thuận lợi việc đăng ký cấp phiếu LLTP trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, Trung tâm LLTP quốc gia cũng đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác CSDL LLTP.

Nhằm từng bước xây dựng CSDL LLTP điện tử, từ tháng 5/2011, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu xây dựng, triển khai phần mềm quản lý LLTP gồm 02 phiên bản: phiên bản dùng chung cho các Sở Tư pháp và phiên bản dành cho Trung tâm LLTP quốc gia.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm LLTP quốc gia và hầu hết các Sở Tư pháp đã sử dụng các phiên bản này để hỗ trợ cho công tác xây dựng quản lý CSDL và cấp phiếu LLTP.

Cả 02 phiên bản phần mềm được xây dựng đều sử dụng chung một nền tảng công nghệ - phù hợp với xu hướng phát triển CNTT, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu hai chiều giữa Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp.

Thời gian qua, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đều đã được quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý CSDL LLTP. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã nhận được 6.180.015 thông tin LLTP.

Với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian thử nghiệm, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện cung cấp thông tin dưới dạng điện tử. Cho đến nay, đã có 63/63 Sở Tư pháp thực hiện chuyển thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử theo quy trình này.

Với những nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ như vậy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhấn mạnh: "Diễn đàn này thực sự là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên tiếp tục trang bị thêm năng lực, nhận thức về CĐS, kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng".

Một số khuyến nghị về CĐS ngành Tư pháp

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Bí thư ĐTN Bộ TT&TT Chung Hải Bằng chia sẻ: "CĐS trong hoạt động của một cơ quan, tổ chức không phải là đích đến mà đây là một cuộc hành trình dài đòi hỏi phải có sự chung tay, nỗ lực đổi mới sáng tạo của tất cả các thành viên, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn về công nghệ. Trong hành trình này chúng ta luôn có sự kế thừa và phát triển".

Đó là sự kế thừa trong kinh nghiệm của những người đi trước, dẫn dắt, chỉ lối cho những người đi sau để từ đó những người đi sau tận dụng sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng của mình, kết hợp với những hiểu biết về công nghệ số tạo nên sự đổi mới và phát triển; là sự kế thừa trong các quy định pháp luật hiện hành, trên cơ sở thực tiễn, kết hợp sức mạnh của công nghệ số, gạn đục khơi trong, giữ lại những điểm hay, tiến hành những cải cách, thay đổi giúp cho cơ quan, đơn vị phát triển theo hướng tích cực.

Đặc biệt, đó cũng là sự kế thừa trong tài nguyên hiện có, số hóa, biến đổi các tài nguyên của đơn vị từ các dạng thông tin khác, sang thông tin số, trên cơ sở đó, áp dụng thành tựu của các công nghệ số giúp cho việc khai thác, kết nối, sử dụng các loại tài nguyên được thuận lợi hơn, đáp ứng nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ.

Đánh giá cao nỗ lực và thành tựu CĐS của ngành Tư pháp nói chung và đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nói riêng, Phó Bí thư ĐTN Bộ TT&TT cho biết, hoạt động CĐS trong các lĩnh vực của Bộ Tư pháp đã và đang diễn ra hết sức sôi nổi, đã có sự gắn kết giữa hoạt động nghiệp vụ chuyên môn với các hoạt động của ĐTN. Đây là một điểm sáng trong hoạt động Đoàn mà ít Bộ, ngành, địa phương nào có thể thực hiện được.

Ngành Tư pháp CĐS nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Cục ATTT - Bộ TT&TT chia sẻ một số khuyến nghị CĐS đối với ngành Tư pháp.

Từ thực tế đó, tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Dũng, Phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin (ATTT) (Bộ TT&TT) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị CĐS đối với Bộ Tư pháp.

Cụ thể, chia sẻ về lộ trình thực hiện CĐS, ông Dũng cho biết lộ trình này gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Chuẩn bị các điều kiện như: Đánh giá thực trạng của tổ chức, xác định mục tiêu CĐS. Nâng cao sự quyết tâm của người đứng đầu, lan tỏa đến tất cả các thành viên của tổ chức; Lập kế hoạch và chiến lược thực hiện.

Giai đoạn 2: Thực hiện CĐS là quá trình số hóa thông tin, các mô hình, quy trình hoạt động. Trong đó, số hóa thông tin là việc biến đổi các loại hình thông tin sang thông tin số. Số hóa mô hình, quy trình hoạt động là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình, quy trình hoạt động từ đó tạo ra các cơ hội đem lại giá trị mới. Sau đó, mở rộng phạm vi thực hiện.

Giai đoạn 3: Đánh giá và tối ưu hóa. Trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi sẽ có những sai sót, do đó cần phải có những đánh giá cụ thể nhằm rút được những điều đã làm được và những điều chưa làm để từng bước cải thiện và tối ưu hóa quy trình.

Theo đó, việc đánh giá phải làm rõ được 3 vấn đề: Cách thức CĐS đang thực hiện có đem lại thay đổi tích cực đối với tổ chức cũng như các đối tượng đang sử dụng dịch vụ của tổ chức hay không? Kết quả của quá trình CĐS đang thực hiện có đạt được như trong kế hoạch đã đề ra hay không? Có cần thay đổi hay cải thiện điểm nào để quá trình CĐS đem lại hiệu quả cao hơn?

Đối với CĐS trong hoạt động quản trị nội bộ, ông Dũng cho biết, CĐS trước tiên sẽ phải là CĐS trong hoạt động chỉ đạo điều hành, đó là đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành.

Theo đó, để hoạt động CĐS hiệu quả và thành công, thủ trưởng các đơn vị phải là người tiên phong ứng dụng phần mềm vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành, hướng tới văn phòng không giấy. 100% văn bản (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) phải được số hóa, lưu trữ điện tử trên phần mềm. 100% văn bản đến (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) được Thủ trưởng đơn vị giao việc thông qua phần mềm. 100% văn bản đi (không thuộc phạm vi quy định về bí mật nhà nước) được phát hành dưới dạng văn bản điện tử.

Trong khi đó, đối với CĐS trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật, từ khâu xây dựng văn bản đến khâu thẩm định, ban hành cũng như kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa có thể tận dụng CSDL Quốc gia (CSDLQG) về pháp luật để triển khai xuyên suốt tất cả các bước.

Do đó, một yếu tố quan trọng cần thực hiện đó là nâng cấp, phát triển CSDLQG về pháp luật, theo hướng: Triển khai, áp dụng ngay từ khâu thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng văn bản, dự thảo văn bản cho đến khi ban hành, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển. Tăng cường rà soát, 100% văn bản được đăng tải trên CSDLQG về pháp luật có dữ liệu điện tử và được chuẩn hóa tình trạng văn bản.

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu tách nội dung điều, khoản, điểm ngay từ khâu xây dựng dự thảo cho đến khi ban hành văn bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác góp ý dự thảo văn bản và cũng như các hoạt động hợp nhất, pháp điển văn bản. Chuẩn hóa danh mục các ngành, lĩnh vực, phục vụ rà soát, hệ thống hóa, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.

Ngoài ra, CSDLQG về pháp luật cần được rà soát, chuẩn hóa quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao vai trò của các đơn vị thẩm định, kiểm tra văn bản, kiên quyết từ chối thông qua đối với dự thảo các văn bản được xây dựng không đúng quy định về thể thức và quy định đối với nội dung; Tránh trường hợp văn bản được ban hành gặp khó khăn trong công tác hợp nhất, pháp điển văn bản.

Đối với CĐS trong một số hoạt động khác của ngành Tư pháp, ông Dũng cũng khuyến nghị cần rà soát, tăng cường xây dựng, triển khai phần mềm hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ; Tăng cường bố trí kinh phí để triển khai số hóa hồ sơ nghiệp vụ, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu điện tử được lưu trữ trên các phần mềm nghiệp vụ.

Trong quá trình số hóa hồ sơ nghiệp vụ, cần tiến hành chuẩn hóa lại các biểu mẫu, thành phần hồ sơ, trên cơ sở tận dụng tối đa dữ liệu điện tử đã có hoặc có thể được chia sẻ từ các hệ thống thông tin (HTTT), CSDLQG/chuyên ngành khác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo ATTT theo cấp độ cho các HTTT ngay từ khâu thiết kế, xây dựng cho đến khi triển khai, vận hành; Triển khai đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATTT cho HTTT; Kiên quyết không đưa vào sử dụng các HTTT chưa kết luận bảo đảm an toàn an ninh mạng; Hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức; Định kỳ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng đối với các HTTT: 02 năm /01 lần đối với các HTTT cấp độ 1, 2; 01 năm/01 lần đối với các HTTT cấp độ 3, 4; 06 tháng/01 lần đối với HTTT cấp độ 5.

Với vai trò đại diện của Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT – Bộ dẫn dắt về CĐS quốc gia, Phó Bí thư ĐTN Bộ TT&TT Chung Hải Bằng mong rằng trong thời gian tới, Ban chấp hành ĐTN Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình hữu ích như Diễn đàn này; đồng thời, hy vọng thông qua Diễn đàn các đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp có thể nắm bắt được rõ hơn nội hàm các vấn đề cốt lõi của CĐS, để từ đó có thể tham mưu đúng, tham mưu trúng cho lãnh đạo đơn vị áp dụng các công nghệ số vào giải quyết các vấn đề đang nhức nhối, cần thay đổi trong các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị mình./.

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tư pháp CĐS nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO