Truyền thông

Ngành xuất bản từng bước thay đổi để phù hợp với thời đại số

Trí Anh 07/01/2024 08:00

Hiện nay, để tiếp tục phát triển và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghệ số, hoạt động xuất bản đã dần từng bước chuyển mình theo đúng yêu cầu và nhiệm vụ mới đã được nêu ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đó là “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet…”.

Tóm tắt:

- Các nhà xuất bản đã chủ động và tích cực thực hiện xây dựng lộ trình để chuyển đổi phương thức xuất bản, tập trung theo hướng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.

- Phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng chính trong kinh doanh xuất bản phẩm.

Tích cực xây dựng lộ trình để chuyển đổi phương thức xuất bản

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hoạt động xuất bản trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 14.968 cuốn với 176.830.566 bản. Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 13.380 cuốn với 163.888.479 bản; Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 xuất bản phẩm; Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với 12.942.087 bản (giảm 24,9% về số xuất bản phẩm và tăng 115% về bản).

Nhìn chung các nhà xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, các nhà xuất bản còn xuất bản các loại sách phục vụ cho nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, cách quản lý gia đình, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, v.v… Một số mảng đề tài liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh trong nước như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro, thiên tai… cũng được các nhà xuất bản quan tâm đầu tư xuất bản, trang bị cho người dân các kiến thức cơ bản để bảo vệ cuộc sống gia đình và cộng đồng.

Cùng với đó, một số nhà xuất bản đã xây dựng được tủ sách, bộ sách theo chuyên đề, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, ngoài việc bổ sung kiến thức, loại sách này còn có ý nghĩa to lớn, khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp cho lớp trẻ; hoặc những bộ sách, những công trình nghiên cứu, khảo cứu nghiêm túc, công phu về văn hóa, địa chí, về phong tục tập quán, nếp sống văn hóa của những vùng đất ở mọi miền đất nước cũng đã góp phần nêu cao giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, các nhà xuất bản đã chủ động và tích cực thực hiện xây dựng lộ trình để chuyển đổi phương thức xuất bản, tập trung theo hướng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản; đề xuất cơ quan chủ quản quan tâm, xem xét hỗ trợ, đầu tư kinh phí và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu theo tình hình mới; Xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình xuất bản.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên. Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, in và phát hành phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao; có cơ chế chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Công tác tìm kiếm, khai thác các đề tài liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và quảng bá sách. Chủ động tìm kiếm, khai thác hoặc liên kết với các đối tác để có các bản thảo giá trị; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, chủ động nguồn bản thảo để đảm bảo chất lượng sách phục vụ các đối tượng độc giả.

342.jpg

Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng đẩy mạnh liên kết xuất bản, phát hành các ấn phẩm ra nước ngoài để phục vụ cho công tác xuất khẩu và hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ như Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị đầu tiên kí bản quyền với các Nhà xuất bản tại Nhật Bản - một thị trường rất nguyên tắc, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt về bản quyền, quy trình xuất bản; Bên cạnh việc kí kết bản quyền với nhiều nhà xuất bản nhỏ và vừa trên thế giới thì Nhà xuất bản Kim Đồng cũng là đơn vị đầu tiên hợp tác với các tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới: The Walt Disney, National Geography, WarnerBros, Sanrio, Scholastic, Penguin Random House... Khẳng định vị thế là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành xuất bản khi tiên phong là Nhà xuất bản đầu tiên kí kết bản quyền với nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam và trở thành một đối tác uy tín, tin cậy với hầu hết các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Các định dạng sách nói, audio book, sách tương tác... tiếp tục tăng trưởng, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tiếp tục có 03 nhà xuất bản xây dựng Đề án hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử và đang hoàn thiện các điều kiện, thủ tục liên quan để được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Công Thương, Nhà xuất bản Tư pháp).

Như vậy, có thể thấy rằng các nhà xuất bản đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong đại dịch COVID, chủ động thay đổi các phương thức xuất bản để phù hợp với xu thế độc giả và tạo đà cho quá trình chuyển đổi số hoạt động xuất bản.

untitled.jpg
(Ảnh minh họa: VTV.vn)

Đẩy mạnh liên kết xuất bản để mở rộng thị phần sách

Thị trường xuất bản Việt Nam gần đây chứng hiện những sự thay đổi rõ rệt về chất lượng cũng như số lượng các công ty phát hành sách ra đời, những tác phẩm được xuất bản tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường.

Theo số liệu năm 2022 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, cả nước có 2.050 cơ sở phát hành sách. Như vậy, số công ty làm sách đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Các đơn vị làm sách tư nhân trong nhiều năm qua cũng đóng góp rất nhiều công sức để thực hiện các chương trình truyền thông, các hoạt động khuyến khích việc đọc sách cũng như góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng hội nhập của thị trường xuất bản Việt Nam.

Việc các công ty phát hành sách ra đời ngày càng nhiều mang đến tính cạnh tranh cho thị trường sách cao hơn, từ đó nhiều cuốn sách hay, đa dạng chủng loại, đòi hỏi sách có chất lượng cao hơn, hình thức phải đẹp và chỉnh chu hơn so với trước đây. Là điều kiện để tạo nên một thị trường xuất bản sôi động, sáng tạo hơn, có tầm nhìn và đa dạng hóa. Các công ty tư nhân là những đơn vị “chịu chi” nếu họ nhận thấy những cuốn sách có tiềm năng, mang đến những giá trị cao về lợi nhuận và tính phổ quát.

Hiện nay, đa số các xuất bản phẩm phát hành mỗi năm trên thị trường có tới 80-90% là xuất bản phẩm được liên kết xuất bản. Các khâu lựa chọn bản thảo, mua bản quyền, biên tập, in ấn, phát hành chủ yếu do các đơn vị tư nhân thực hiện, Nhà xuất bản thực hiện việc kiểm tra, đọc duyệt bản thảo để bảo đảm nội dung xuất bản phẩm liên kết phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản. Như vậy, qua quá trình biên tập, kiểm duyệt 02 lần, sẽ giúp các xuất bản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi được phát hành ra thị trường.

Có thể thấy, thời gian qua có nhiều cuốn sách hay được ra đời từ mô hình liên kết đã được giải thưởng lớn, như tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 - năm 2022 có một số cuốn, như: “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (NXB Thế giới liên kết Công ty cổ phần Thái Hà) giành giải A; “FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới” (NXB Khoa học và Kỹ thuật liên kết Công ty cổ phần Sách Alpha); “Văn minh vật chất của người Việt” (NXB Thế giới liên kết Công ty cổ phần Zenbooks) giành giải B…

Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm điện tử, ứng dụng thương mại điện tử và phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng chính trong kinh doanh xuất bản phẩm. Cùng với đó, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ AI vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử không tiếp tục gia tăng về số lượng với sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả cùng sự tăng trưởng ấn tượng của một số start up (doanh nghiệp khởi nghiệp) như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Cổ phần Đầu tư Và Phát triển Giải pháp Công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet… cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành Xuất bản trên không gian số.

Hiện nay, chuyển đổi số là trọng tâm phát triển triển mang tính đột phá của ngành Xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Quá trình chuyển đổi số sẽ tạo bước đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành từ đó hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Bởi vậy, hơn lúc nào hết các đơn vị làm công tác xuất bản cần phải đổi mới từ tư duy đến hành động để từng bước phát triển và hội nhập quốc tế./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành xuất bản từng bước thay đổi để phù hợp với thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO