Ngày CĐS Quốc gia 2023: Nhiều hoạt động thiết thực dành cho người dân
Các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia 10/10/2023 đang được tổ chức trên cả nước.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10/2023 chiều ngày 5/10, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia - Bộ TT&TT cho biết tại Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày CĐS quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia.
Chủ đề của Ngày CĐS quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, với vai trò dẫn dắt CĐS, Bộ TT&TT thực hiện một số hoạt động sau:
Bộ TT&TT đã xây dựng bộ nhận diện Ngày CĐS quốc gia năm 2023 và đăng tải trên Cổng CĐS quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn.
Bộ TT&TT cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sử dụng, phổ cập truyền thông bộ nhận diện Ngày CĐS quốc gia năm 2023 thông qua việc hiển thị bộ nhận diện trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, trên các bảng điện tử, màn hình công cộng thuộc sự quản lý, các trang web, ứng dụng di động và trên các trang thông tin điện tử…
Bên cạnh đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị hưởng ứng trên không gian mạng bằng cách thay ảnh đại diện có kèm khung hình nhận diện (avatar frame) Ngày CĐS quốc gia 10/10/2023 từ ngày 01/10/2023 đến hết ngày 10/10/2023.
Phát động Tháng hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia từ ngày 1/10 - 31/10/2023, “Tháng 10. Tháng Tiêu dùng số” được tổ chức. Đây là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10/10 hằng năm, là hoạt động hướng tới lợi ích của người dân. Người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà CĐS mang lại.
Căn cứ chủ đề của Ngày CĐS quốc gia 2023, các hoạt động cụ thể gồm:
- Chính quyền nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Doanh nghiệp (DN) (không giới hạn DN trong và ngoài nước) nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
- Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.
- Người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Bộ TT&TT tiếp tục nhận thông tin của các DN triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số năm 2023, đồng thời công khai, cập nhật thường xuyên danh sách chính sách ưu đãi tiêu dùng số của các DN gửi về tại Cổng thông tin điện tử CĐS quốc gia https://dx.gov.vn và thông báo toàn dân.
Ghi nhận đến nay, “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” năm 2023 đã thu hút hơn 80 DN trong 12 lĩnh vực tham gia. Đặc biệt, có nhiều chương trình ưu đãi đã được DN triển khai hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia từ sớm, trước tháng 10/2023 và có các chương trình ưu đãi kéo dài dư âm của Ngày CĐS quốc gia đến sau tháng 10/2023.
Phổ cập nhanh chóng, toàn dân, toàn diện các dịch vụ số cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc với giá thành rẻ, dễ sử dụng
Ông Nguyễn Phú Tiến cũng thông tin Bộ TT&TT đã ban hành danh mục 35 nền tảng số cần ưu tiên đầu tư. Trong năm 2023 dự kiến sẽ có các nền tảng số quốc gia là: định danh điện tử quốc gia VneID, bảo hiểm xã hội VSSID, Truyền hình Việt Nam VTVgo, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng cửa khẩu số, nền tảng họp trực tuyến, nền tảng đào tạo trưc tuyến mở đại trà MOOCs.
Đối với kinh tế số ngành, lĩnh vực, sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dệt may; ngành logistics; ngành nông nghiệp; và ngành du lịch.
Theo đó, Bộ TT&TT đề xuất tập trung thử nghiệm thúc đẩy 10 nhóm nền tảng: (1) Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; (2) Nền tảng du lịch Việt Nam; (3) Nền tảng sàn giao dịch nông sản; (4) Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; (5) Nền tảng cảng biển số; (6) Nền tảng cửa khẩu số; (7) Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải; (8) Nền tảng giao hàng chặng cuối (last miles); (9) Nền tảng bản đồ số; (10) Nền tảng chuyển đổi số xưởng may
Theo Bộ TT&TT, để thúc đẩy CĐS, Việt Nam đạt được thành tích nổi bật trong trong việc thúc đẩy hạ tầng số, nâng cao khả năng tiếp cận của người dùng tới các dịch vụ số như: tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), hộ gia đình được phủ mạng cáp quang và số lượng thôn bản được phủ sóng.
Để đạt được mục tiêu mỗi người dân trưởng thành có một smartphone hoàn thành trong năm 2024 và đảm bảo cơ bản (khoảng 90%) mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang băng rộng vào năm 2024, Bộ TT&TT có các giải pháp mang tính quyết liệt như: tắt sóng 2G vào năm 2024; thực hiện từng bước theo một lộ trình cụ thể hỗ trợ mỗi hộ có một thiết bị thông minh với nguồn lực từ Quỹ Viễn thông công ích, các nguồn vốn hợp pháp và xã hội hóa.
Bên cạnh đó, nguồn lực từ Quỹ Viễn thông công ích cũng được sử dụng để triển khai các tuyến cáp quang đến thôn, bản với việc điều phối mỗi doanh nghiệp viễn thông triển khai tại mỗi huyện, không cạnh tranh thiếu lành mạnh gây lãng phí./.