Kinh tế số

Mô hình “Nhà trọ chuyển đổi số” Phương Canh - Hiệu quả phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng số từ cơ sở

Ánh Dương 13/09/2023 08:10

Thông qua việc triển khai nền tảng quản lý nhà trọ, phường Phương Canh đã có những bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả trong việc quản lý nhà trọ trên địa bàn, thúc đẩy quảng bá, tìm kiếm khách thuê rộng rãi trên nền tảng số, từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu nhà trọ riêng cho phường.

Tóm tắt:

- Mô hình “Nhà trọ Chuyển đổi số” Phương Canh - lợi ích đa chiều: quản lý là trọ, quản lý lưu trú; nâng cao giá trị nhà trọ.

- Đẩy mạnh nhân rộng mô hình phát triển kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số từ cơ sở: thuyết phục người dân qua lợi ích thiết thực.

Phường Phương Canh thuộc quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) có diện tích là 260,76ha, dân số 19.975 nhân khẩu với 7.528 hộ gia đình phân bổ trên 8 tổ dân phố. Phường nằm khá xa trung tâm Thủ đô, ở phía Tây Bắc quận Nam Từ Liêm.

Dựa trên tình hình và nhu cầu thực tiễn cần phải chuyển đổi mạnh mẽ để có thể đáp ứng xu thế chuyển đổi số (CĐS) chung, ngày 6/3/2023, Chủ tịch UBND phường Phương Canh đã ban hành kế hoạch thực hiện mô hình CĐS trên địa bàn phường. Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung là CĐS thành công, đồng bộ, đạt hiệu quả cao trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Xây dựng mô hình “Phường thông minh” thúc đẩy ứng dụng CNTT và CĐS trong chính quyền góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong đó, đối với trụ cột kinh tế số, một trong những mục tiêu phường đặt ra là tất cả các hoạt động kinh doanh phòng trọ được triển khai trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua việc áp dụng nền tảng quản lý nhà trọ vào hoạt động quản lý vận hành nhà trọ của các hộ kinh doanh tại phường; Nâng cao nhận diện thương hiệu nhà trọ thông qua Bộ tiêu chuẩn nhà trọ cơ bản; và 100% hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn phường tham gia sử dụng nền tảng.

1.jpg

Từ mô hình “Nhà trọ Chuyển đổi số” Phương Canh…

Về mô hình nhà trọ CĐS, dựa trên tình hình thực tế, hiện tại phường có hai trường học đặt tại đây là Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và trường Đại học Công nghệ Đông Á với số lượng lớn sinh viên đang theo học và sinh sống trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó, phường Phương Canh cũng nằm trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, do đó nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân các nhà máy, xí nghiệp, người lao động đến cư trú là rất lớn. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh nhà trọ chiếm ưu thế về phát triển các mô hình kinh tế tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn phường. Tuy nhiên, việc quản lý dân cư, nhất là số người ở địa phương khác đến sinh sống, công tác, học tập, làm việc… còn nhiều khó khăn.

Nắm bắt được vấn đề này, cùng với tinh thần quyết tâm thực hiện chương trình CĐS, ban lãnh đạo phường Phương Canh đã triển khai “Nền tảng nhà trọ CĐS” trên toàn địa bàn. Nền tảng có thể giúp các chủ nhà trọ tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình quản lý, giúp khách thuê dễ dàng hơn trong việc tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu; đồng thời là công cụ đắc lực giúp lực lượng công an quản lý di biến động dân cư trên địa bàn.

Cụ thể, nền tảng này cho phép chủ nhà trọ quản lý khách thuê, theo dõi tình trạng phòng trống và xem lịch sử thuê trọ, đồng thời cũng có thể tạo hợp đồng cho thuê và tạo các khoản thanh toán định kỳ cho khách thuê trọ. Với nền tảng này, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, chủ nhà trọ có thể dễ dàng tải ứng dụng, rồi nhập thông tin nhà trọ của mình và các khách thuê trọ vào hệ thống phần mềm.

Nền tảng nhà trọ CĐS cung cấp cho mỗi nhà trọ một mã QR-code. Khách thuê có thể dễ dàng quét để khai báo đăng ký thuê phòng và trả phòng bằng cách quét QR-code này, các thông tin khai báo sẽ tự động hiển thị trên phần mềm để chủ trọ có thể theo dõi và quản lý. Đây cũng được coi như một hình thức khai báo lưu trú với công an phường mà không phải làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ như trước kia. Trong trường hợp khách chuyển đi cũng chỉ cần làm thủ tục quét mã QR thông báo là hệ thống tự động cập nhật.

4.jpg

Trên thực tế, trước đây việc quản lý nhà trọ hoàn toàn dựa trên việc ghi chép bằng tay, các thông tin phòng thuê, khách thuê, các hợp đồng, hóa đơn đều được thực hiện theo cách truyền thống. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, theo dõi tình trạng phòng, khách thuê... và đây cũng là tình trạng chung của các chủ nhà trọ trên địa bàn phường. Tuy nhiên, từ khi nền tảng quản lý nhà trọ được triển khai rộng rãi, các vấn đề này có thể được giải quyết một cách dễ dàng hơn.

…Đến nâng cao giá trị nhà trọ trên địa bàn phường

Sau hơn 4 tháng tích cực tuyên truyền và triển khai Nền tảng quản lý nhà trọ trên địa bàn phường Phương Canh với 4 hội nghị về CĐS nhà trọ cho toàn phường, 100% nhà trọ đã cung cấp thông tin lên nền tảng, gần 50% (hơn 4,3 nghìn khách trọ) trên địa bàn phường, gần 46% (2,2 nghìn phòng trọ) khai báo thông tin trên nền tảng và đều có những phản hồi tích cực.

Ngoài việc giúp các chủ nhà trọ tối ưu hóa trong việc quản lý phòng trọ, tiện ích đối với khách thuê (khách thuê có thể truy cập nền tảng để tìm kiếm và lựa chọn nhà trọ phù hợp với tiêu chí của mình), nền tảng quản lý nhà trọ còn giúp cơ quan công an thực hiện tốt công tác quản lý di biến động dân cư trên địa bàn, nhất là số người ở địa phương khác đến sinh sống, công tác, học tập, làm việc… cũng như kịp thời phát hiện các đối tượng vi phạm pháp luật ở nơi khác đến cư trú bất hợp pháp trên địa bàn. Từ đó, an ninh trật tự trên địa bàn Phường cũng được đảm bảo an toàn hơn, giúp người đến thuê trọ an tâm hơn khi lựa chọn nhà trọ và cũng nâng cao được giá trị nhà trọ trên địa bàn phường.

Chia sẻ về lợi ích của mô hình này, ông An - một chủ nhà trọ tại Tổ dân phố số 1, phường Phương Canh cho biết: “Từ khi phường triển khai nền tảng thông minh này, gia đình tôi đã có thể quản lý các phòng trọ một cách dễ dàng và thuận tiện, không còn phải sử dụng sổ ghi chép bằng tay như trước đây nữa”.

Hay chị Dung, một chủ nhà trọ khác có 3 xóm trọ với hơn 60 phòng cho thuê chia sẻ: Trước đây, chị rất vất vả trong việc quản lý phòng trọ và khách ra vào. Từ khi triển khai nền tảng quản lý nhà trọ, chị đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tuy ban đầu chị có gặp chút khó khăn trong việc sử dụng vì không biết nhiều về công nghệ, nhưng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cán bộ phường, chị đã có thể sử dụng nền tảng này một cách thành thạo. Ngoài ra, nhờ có nền tảng mới này phòng trọ nhà chị đã có một số khách thuê tự tìm đến qua thông tin trên hệ thống.

Có thể thấy rằng, thông qua việc triển khai nền tảng quản lý nhà trọ, phường Phương Canh đã có bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả trong việc quản lý nhà trọ trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự cũng như thúc đẩy quảng bá, tìm kiếm khách thuê rộng rãi trên nền tảng số, từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu nhà trọ riêng cho phường Phương Canh. Đây có thể coi là mô hình phát triển kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số tiêu biểu từ cơ sở.

2.jpg
Cán bộ Phường giới thiệu và hướng dẫn người dân cách sử dụng nền tảng.

Đẩy mạnh nhân rộng mô hình phát triển kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số từ cơ sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện CĐS tại phường Phương Canh cũng gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Do chưa hiểu rõ mục tiêu CĐS, cũng như chưa nắm được những lợi ích của CĐS đối với cuộc sống hằng ngày và người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi phải học những thứ mới nên thời gian đầu họ không thực sự hưởng ứng.

Chẳng hạn như, vận động người dân triển khai sử dụng nền tảng quản lý nhà trọ, nhiều chủ nhà trọ là người lớn tuổi không thành thạo sử dụng công nghệ nên còn khá lúng túng, ngại thay đổi thói quen, và nhiều người có suy nghĩ CĐS sẽ bị giám sát nhiều hơn nên họ không sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, sau khi vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về CĐS, về lợi ích khi sử dụng nền tảng quản lý nhà trọ, lúc nào cũng có thể nắm bắt thông tin nhà trọ (số người, thông tin người thuê, nhắc nhở người thuê trọ, thanh toán điện tử...), giúp nhà trọ quảng bá hình ảnh để thu hút thêm được nhiều khách thuê hơn, từ đó người dân cũng dần phá bỏ được rào cản e ngại thay đổi và tham gia tích cực hơn.

Từ thực tế triển khai của mô hình “Nhà trọ CĐS” Phương Canh cho thấy việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ người dân quản lý nhà trọ, đưa kinh doanh nhà trọ lên môi trường số là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm mở rộng khả năng tiếp cận khách thuê trọ, từ đó giúp tăng doanh thu cho người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế số của phường.

Thông qua việc khách thuê khai báo qua mã QR-code, thông tin về số lượng nhà trọ, số lượng khách thuê, tình trạng lưu trú tạm trú đều được thống kê tự động và báo cáo rõ ràng trên phần mềm, cơ quan công an có thể tra cứu một cách nhanh chóng, hiệu quả mà không cần phải làm thủ công như trước, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân lực cho các cán bộ quản lý.

Đối với các cấp quản lý cao hơn như công an thành phố, thông qua nền tảng quản lý nhà trọ, có thể đánh giá được chất lượng, hiệu quả trong thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú của lực lượng Công an phường qua so sánh số liệu, thông tin người thuê trọ trên phần mềm và số liệu trên hệ thống Cơ sở quốc gia về dân cư. Căn cứ dữ liệu trên phần mềm, các sở, ngành, chính quyền địa phương còn có thể đánh giá, nắm tình hình dân cư trên địa bàn để tham mưu triển khai các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh về nhà trọ, như: tham mưu quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (trường học, chợ, khu dịch vụ, vui chơi, giải trí…); thực hiện các chế độ, chính sách về an sinh xã hội cho người dân đang sinh sống trên địa bàn.

Việc triển khai hiệu quả, thành công nền tảng quản lý nhà trọ là một điểm sáng trong hoạt động CĐS. Đây được coi là mô hình kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số từ cơ sở với những lợi thế mà nó mang lại có thể tạo hiệu ứng lan toả tích cực từ người dân này đến người dân khác, từ nhà này sang nhà khác, hay rộng hơn là từ phường này sang phường khác, và có thể tiếp tục được nhân rộng ra trên một địa bàn rộng lớn hơn, mang CNTT đến gần hơn với cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
    Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam-Malaysia tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới (như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh...).
  • Robot Delta hữu dụng trong nhiều ngành
    Nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng hoạt động với tốc độ và độ chính xác cao, robot Delta là một giải pháp tối ưu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại.
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
  • Bảo vệ các hệ thống mạng trọng yếu là cấp thiết
    Song song với tiến trình chuyển đổi số, các chiến dịch tấn công mạng, gián điệp và khủng bố mạng nhằm vào hệ thống công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) trọng yếu ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
  • ‏OPPO Find X8 Series sẽ chính thức lên kệ ngày 7/12‏
    Ngày 21/11, OPPO chính thức ra mắt Find X8 Series‏‏ tại Việt Nam và sẽ lên kệ ngày 7/12 tới. Đây là lần đầu tiên người dùng Việt Nam được trải nghiệm dòng flagship cao cấp nhất của OPPO cùng lúc với toàn cầu. ‏
Đừng bỏ lỡ
Mô hình “Nhà trọ chuyển đổi số” Phương Canh - Hiệu quả phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng số từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO