Truyền thông

Nghệ An: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay

T.H 06/10/2024 06:52

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức trong hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân nên cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã có những đổi thay rõ nét.

Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về Phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” với những nội dung chính như: hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các dân tộc thiểu số rất ít người (dưới đây gọi tắt là dân tộc rất ít người) trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Mục tiêu của Đề án là: Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để thực hiện tốt Đề án của Chính phủ, những năm qua Nghệ An đã không ngừng nỗ lực để xây dựng và thực hiện hiệu quả các mục tiêu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

tho1.jpg
Nét văn hóa của dân tộc Thổ - Nghệ An. (Ảnh Internet)

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách để phát triển đời sống vùng DTTS một cách toàn diện

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số với 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm 10 dự án (12 tiểu dự án): Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tính từ năm 2022, có 72/316 danh mục đã được phê duyệt và đang tiến hành quy trình giao vốn. Các Sở, ngành và UBND các huyện hiện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, ngân sách Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2022 tổng kinh phí 15.587 triệu đồng, gồm 04 dự án định canh định cư tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong để thực hiện các nội dung san lấp mặt bằng, đường nội vùng, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt...

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, Ngân sách Trung ương bố trí năm 2022 tổng kinh phí là 308.808 triệu đồng, thực hiện 235 danh mục dự án. Đến ngày 23/11/2022, UBND cấp huyện đã phê duyệt và được giao vốn năm 2022 cho 144/235 danh mục dự án với số kinh phí là 149.144 triệu đồng. Hiện nay, có 57 danh mục đã được phê duyệt đang tiến hành quy trình giao vốn, còn 34 danh mục đang hoàn thành thủ tục đầu tư...

Về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ đào tạo 2.546 lao động với kinh phí 11.730 triệu đồng (tỷ lệ giải ngân đạt 58%). Dự kiến tiến độ thực hiện cuối năm đạt 65% tổng số kinh phí được phân bổ. Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng chỉnh sửa chương trình, hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị... đã và đang tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu, kết quả giải ngân 100% kế hoạch...

Năm 2023, Nghệ An tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí…

Đặc biệt, công tác tổ chức cán bộ vùng DTTS cũng được quan tâm sâu sắc. Giai đoạn 2020 - 2023, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào người DTTS sinh sống; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác quy hoạch cán bộ là người DTTS: Đây là nội dung luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra việc phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng yêu cầu tỉ lệ cán bộ người DTTS phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn. Cấp ủy các cấp đã quan tâm điều động, luân chuyển cán bộ xuống cơ sở hoặc giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị với nhau vừa bảo đảm tăng cường cán bộ cho các địa bàn, lĩnh vực cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn.

Những vấn đề cấp thiết để đẩy mạnh công tác phát triển vùng DTTS Nghệ An

Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn đó những khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng DTTS, trong thời gian tới, Nghệ An đã đề ra những giải pháp đa chiều để phát triển một cách bền vững như:

Hoàn thiện và triển khai các chính sách đặc thù: chính sách bảo tồn văn hóa được xây dựng dựa trên nhu cầu và đặc thù của từng dân tộc thiểu số, thay vì áp dụng chung chung cho toàn bộ khu vực. Chính sách cần thiết thực, có tính khả thi và đi vào đời sống của người dân.

Tăng cường phân quyền cho địa phương: Để chính quyền địa phương có thể chủ động hơn trong việc triển khai các chương trình bảo tồn văn hóa, cần phân cấp quản lý linh hoạt, cho phép các xã, thôn bản có thể tự quyết định các hoạt động bảo tồn dựa trên nguồn lực địa phương.

Đào tạo cán bộ quản lý văn hóa: Cần có các khóa đào tạo chuyên môn sâu về văn hóa DTTS cho cán bộ địa phương, đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng để quản lý và triển khai các hoạt động bảo tồn văn hóa. Ngoài ra, khuyến khích tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, những người hiểu rõ văn hóa bản địa, vào các vị trí quản lý.

Hỗ trợ kinh tế cho người dân: Để khuyến khích người dân tham gia bảo tồn văn hóa, cần kết hợp giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Các mô hình du lịch cộng đồng, sản phẩm văn hóa truyền thống (đồ thủ công, nhạc cụ, trang phục truyền thống) cần được hỗ trợ quảng bá và phát triển, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.

Một vấn đề cần phải quan tâm đặc biệt chính là số hóa di sản văn hóa và thúc đẩy mạnh mẽ việc quản lý văn hóa cùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào công tác quản lý văn hóa. Khoa học và công nghệ có thể rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp cho công tác quản lý văn hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng để vận dụng nhân tố khoa học và công nghệ một cách hiệu quả thì cần có sự đầu tư lớn, có chính sách phát triển rõ ràng để vừa nâng cao năng lực cán bộ, vừa nâng cao trình độ tiếp nhận của người dân. Dù rất khó khăn nhưng việc vận dụng khoa học và công nghệ 4.0 vào quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay là rất cần thiết...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO