Nghe sách nói, xu hướng mới của người yêu sách

Quang Hoàng| 26/04/2020 09:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong sự phát triển của văn hóa đọc nói chung của cộng đồng, sự tiếp cận với sách không đơn thuần là sách in nữa. Sách nói ra đời và phát triển mạnh mẽ nhờ có những tính năng phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Trong vài năm gần đây, sách nói (audiobook) đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ hay thậm chí là lội ngược dòng so với các loại sách điện tử khác đang có chiều hướng sụt giảm tại những thị trường xuất bản lớn nhất của thế giới như Mỹ, Anh, Nhật…Tại Việt Nam, sách nói cũng đã xuất hiện và được khai thác, đặc biệt cho một số đối tượng độc giả như người khiếm thị. Tuy nhiên, phần lớn độc giả Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu một cách đầy đủ về sách nói, xét về cả yếu tố ưu nhược điểm lẫn cách sử dụng hiệu quả nhất, để có thể tạo thêm cho mình một hình thức giải trí và trau dồi kiến thức hữu ích.

Có hai ưu điểm vượt trội và khác biệt của sách nói mà không một loại hình sách báo nào có thể sánh được. Đây cũng chính là lí do sách nói chưa bao giờ lụi tàn và hiện đang ngày càng phát triển mạnh mẽ mặc dù phải mất cả một thế kỷ để tìm phương thức tồn tại và con đường đi phù hợp nhất.

Thứ nhất, đó là tính đa nhiệm. Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến một phần đông dân số ca thán rằng họ không có thời gian để đọc sách. Trong trường hợp này, sách nói là lựa chọn tối ưu nhất. Chỉ với sách nói, độc giả vừa có thể thưởng thức cuốn sách bằng cách "nghe" vừa làm việc nhà, lái xe, tập thể dục hay cả khi tắm. Như vậy, chỉ với một quỹ thời gian mà họ có thể hoàn thành 2 công việc.

Nghe sách nói, xu hướng mới của người yêu sách - Ảnh 1.

Sách nói là một lựa chọn mới của nhiều người vì nhiều ưu việt. Ảnh minh họa

Thứ hai, sách nói là hình thức giải trí và bổ sung kiến thức phù hợp nhất với người khiếm thị. Cộng đồng người khiếm thị trên thế giới thậm chí còn tôn vinh sách nói như là "sinh ra để dành riêng cho họ." Đánh giá cao vai trò không thể thay thế của sách nói đối với người khiếm thí, trong giai đoạn phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho người khiếm thị lên cao, vào năm 1931, Quốc hội Mỹ đã thành lập Dự án Sách cho Người khiếm thị Trưởng thành (Books for the Adult Blind Project) – tiền thân của Thư viện Quốc hội dành cho Người khiếm thị và Khuyết tật, trong đó lấy sách nói làm trung tâm của mọi hoạt động. Tại Việt Nam, nhiều dự án sách nói cho người khiếm thị cũng đã được các cá nhân và tổ chức triển khai hàng chục năm nay. Nổi bật nhất có thể kể đến dự án "Thư viện sách nói dành cho người mù" do chị Nguyễn Hướng Dương khởi xướng và phát triển từ năm 2009. Đây là thư viện hiếm hoi dành cho người khiếm thị ở nước ta, với đa dạng đầu sách, thuộc nhiều thể loại như sách giáo khoa, sách văn học, sách pháp luật, sách thiếu nhi…, hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp xã hội.

Bên cạnh đối tượng người khiếm thị, sách nói còn được xem là rất phù hợp với người già mắt kém và trẻ nhỏ chưa biết chữ.

Nếu nói về nhược điểm của sách nói, điểm đáng chú ý và hiện vẫn đang gây tranh cãi giữa các chuyên gia hàng đầu thế giới là khả năng lĩnh hội của người nghe. Theo nghiên cứu, 10-15% chuyển động của mắt khi đọc sách chữ truyền thống là chuyển động thoái lui – mắt quay lại kiểm tra những gì vừa mới đọc. Việc này diễn ra song song và kết hợp trơn tru trong cả quá trình đọc. Điều này giúp tăng cường khả năng lĩnh hội thông tin của người đọc. Với hoạt động "nghe sách", bạn có thể dừng hoặc tua lại đoạn phát ra nhưng rõ ràng đây là hành động cố ý và gây nên sự gián đoạn. Ngoài ra, với sách nói, bạn không thể đánh dấu những điểm quan trọng cần ghi nhớ để rà soát lại sau khi đọc nên chuỗi thông tin nghe được có thể sẽ bị "thất thoát" ít nhiều. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông David Daniel – thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa kỳ, giáo sư tâm lý học tại Đại học James Madison, sự khác biệt về mặt lĩnh hội giữa hình thức "nghe sách" và "đọc sách" là rất ít – nếu đó là dạng sách giải trí.

Tại Việt Nam, sách nói xuất hiện và được độc giả nhanh chóng đón nhận trong vài năm gần đây. Tuy chưa có báo cáo nào thống kê các chỉ số phát triển của sách nói trên toàn thị trường Việt Nam, nhưng theo Báo cáo nói trên của Waka, số lượng audiobooks trên nền tảng này tăng gần 4 lần trong giai đoạn từ cuối 2017 đến Quý III/2018. Bên cạnh đó, số lượt nghe tăng gần 5 lần trong khoảng thời gian này.

Mặc dù có tiềm năng phát triển lớn như vậy, nhưng thị trường sách nói tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trước tiên, hiện nay vẫn còn có quá ít nhà cung cấp tham gia vào lĩnh vực này để mở rộng kho nội dung sách nói cho các nền tảng khai thác. Các nội dung sách nói hiện nay vẫn còn rất nhỏ lẻ và manh mún, tập trung chủ yếu vào mảng sách self-help, chưa chú trọng vào những thể loại nội dung có khả năng thu hút và giữ chân người nghe như tiểu thuyết lãng mạn, trinh thám, sách thiếu nhi…

Ngoài ra, tương tự như sách điện tử nói chung, sách nói cũng đang phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan và trắng trợn. Điều đáng lưu tâm là phần lớn trong những cá nhân thu âm sách nói và lan truyền trên mạng cũng như những độc giả chọn nghe từ những nguồn này đều không nhận thức được rằng mình đang vi phạm bản quyền. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng họ bỏ công ra thu âm cuốn sách đó thì có thể tùy ý sử dụng bản ghi âm hay người khác chia sẻ thì họ nghe thôi. Bản chất, hiện nay hầu hết sách nói là bản phái sinh của sách giấy đã công bố trước đó. Gần như chưa có cuốn sách nào chỉ ra độc quyền bản sách nói. Và vì thế, quyền sở hữu trí tuệ thuộc về tác giả/nhà xuất bản sách giấy. Mọi hành vi thu âm, sao chép và chia sẻ đều được coi là hành vi vi phạm bản quyền và có thể bị xử lý bởi pháp luật.

Nếu xử lý được 2 vấn đề trên, sách nói sẽ có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng của mình tại Việt Nam và hòa chung được với xu thế trên thế giới. Nói như ông Philip Pullman, một nhà văn vĩ đại của Anh (với các bộ sách như "His Dark Marterials", "La Belle Sauvage" ….), sách nói mang lại cho độc giả một thói quen từ cách đây hàng nghìn năm: trước khi có chữ viết, loài người thường kể chuyện cho nhau nghe. Mà cái gì đã là thói quen hiện hữu hàng nghìn năm thì trở thành điều tự nhiên. Vậy nên, có thể nói sự phát triển của sách nói chính là phát triển thuận theo tự nhiên.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nghe sách nói, xu hướng mới của người yêu sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO