Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá cao khi nói về Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ đối với công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cách đây gần 1 năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Sau một năm, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc; nền kinh tế phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục, đi cùng với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Đặc biệt, GDP quý III/2022 tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83% và là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011, trong khi quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực. Những thành quả nói trên bắt đầu từ sự chuyển hướng mang tầm chiến lược từ chống dịch bằng các biện pháp hành chính theo Chỉ thị 15, 16, 19 khi chưa đủ vaccine, thuốc chữa bệnh sang chống dịch theo Nghị quyết 128.
Bước ngoặt trong tư duy và cách thức tổ chức mới trong phòng chống COVID-19
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết 128/2021/NQ-CP được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân. Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức tổ chức thực hiện mới trong phòng chống dịch COVID-19. Nghị quyết đã thể hiện sự điều chỉnh với yêu cầu cấp bách là cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 128 đã cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong phòng chống dịch cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, vừa không "cát cứ", tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng, bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành cũng cần hết sức chú ý đến việc phòng chống các loại dịch bệnh khác để tránh tình trạng nhiều dịch bệnh phát sinh, dịch chồng dịch, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường củng cố tuyến y tế cơ sở, sẵn sàng các phương án, kịch bản, nhân lực, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám chữa bệnh, phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa bàn cụ thể. Phòng bệnh phải từ sớm, từ xa, ngay từ tuyến cơ sở.
Trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt, cần tiếp tục duy trì các giải pháp bảo vệ tốt những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong thời gian qua trên tinh thần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho các hoạt động kinh tế, xã hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững, như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, chúng ta cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định, hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Đi liền với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, tháo gỡ khó khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, phát huy một cách hiệu quả nhất Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trong tình hình mới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam phân tích, để ứng phó và phòng chống dịch, hầu hết các quốc gia đều thực hiện theo phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", đồng thời các nước tiếp thu kinh nghiệm của nhau trong ứng phó với dịch bệnh.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm hay, mô hình tốt để áp dụng trong phòng chống dịch. Ở mọi thời điểm và giai đoạn khác nhau, chúng ta đều rất năng động, sáng tạo trong tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về phòng chống dịch, đồng thời điều chỉnh kịp thời chủ trương, chính sách để ban hành phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn.
Trong khó khăn chồng chất, các biện pháp phòng chống dịch đã được triển khai hết sức đồng bộ và hiệu quả. Một trong những giải pháp mang tính quyết định chính là chiến lược vaccine và nhờ chiến lược này, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản từ những tháng cuối năm 2021.
Khi tiến độ tiêm vaccine đã được bao phủ toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã nhanh chóng chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch và Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được ban hành.
Đại biểu khẳng định, sau 1 năm nhìn lại, Nghị quyết 128 còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Từ chống dịch bằng các biện pháp hành chính, trong đó có những biện pháp mạnh theo Chỉ thị 15, 16, 19 khi chưa đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chúng ta đã chuyển hướng sang chống dịch một cách khoa học theo Nghị quyết 128 khi nước ta đã có đẩy đủ cơ sở, điều kiện, nhất là về vaccine, độ phủ vaccine.
Điều này đã chứng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 theo kết luận của Trung ương là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp và Nghị quyết đóng vai trò quyết định với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân.
Thực tế chứng minh, từ đòi hỏi của thực tiễn, Nghị quyết 128 được ban hành rất phù hợp với bối cảnh và hoàn cảnh của đất nước, do đó, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy vai trò như "chìa khóa" để hóa giải khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng thực hiện thành công "đa mục tiêu ", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Giá trị cốt lõi của Nghị quyết 128 chính là sự linh hoạt trong phòng chống dịch và trong phát triển kinh tế, không coi nhẹ mặt nào. Một mặt, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn liền với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mặt khác, kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo tiền đề cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực để kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh các quyết sách được đề ra tại Nghị quyết 128 đã góp phần làm dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sau quá trình phục hồi đã duy trì được tốc độ tăng trưởng như thời điểm chưa phát sinh dịch bệnh, thậm chí còn tăng trưởng với tốc độ cao hơn…
Phát huy được tính hiệu quả cho nền kinh tế
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Điện tử Chính phủ, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng (người đầu tiên thành lập ngân hàng Việt Nam tại Mỹ năm 2005) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP là quyết định phù hợp của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ở thời điểm tháng 10/2021 là hoàn toàn phù hợp, "không thể sớm hơn, cũng không thể muộn hơn", phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế mở cửa dần dần của các nền kinh tế trên thế giới…
Nghị quyết 128 đã phát huy được tính hiệu quả cho nền kinh tế. Cụ thể là từ cuối năm 2021, nền kinh tế bắt đầu được cởi mở hơn, các thành phần kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các thị trường (như thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu và ngay cả thị trường tiền tệ) cũng đã được mở cửa trở lại để đi vào một giai đoạn mới là giai đoạn phục hồi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã đi vào giai đoạn phục hồi thực sự. GDP của 6 tháng đầu năm lên đến 6,42%. Con số này chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta phục hồi rất mạnh và vượt hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chúng ta kiểm soát được tình hình lạm phát.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia có GDP tăng trưởng khả quan. Trong 3 tháng tới, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đã đề ra trong cả năm 2022./.