Người hùng ở bản Nùng Khâu Vai
Lương Văn Hùng, chàng trai người Nùng (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là một trong những người đầu tiên trong bản đốt đuốc, lội bộ xuống huyện để học chữ. Anh cũng là người tiên phong làm du lịch, nuôi cá trên thượng nguồn sông Nho Quế…, tự mình xóa nghèo và giúp cả bản làng cùng thoát nghèo.
Người Nùng đầu tiên đốt đuốc đi tầm chữ
Đến Khâu Vai, địa danh có phiên chợ tình diễm lệ bậc nhất trên cao nguyên đá Hà Giang, nhắc đến cái tên Lương Văn Hùng (cán bộ phụ trách văn hóa xã, Giám đốc hợp tác xã (HTX) du lịch, nông nghiệp…), bà con trong bản đều không giấu niềm tự hào. Anh là người con trai Nùng ưu tú nhất của bản làng, là tấm gương vượt khó vươn lên tự mình đi học cái chữ để xóa nghèo, sau đó giúp bà con trong bản cùng thoát nghèo.
Sinh năm 1981, 11 tuổi, Lương Văn Hùng quyết tâm rời bản Khâu Vai xuống huyện đi học… lớp 1. Con đường khi ấy còn chưa thành hình, chỉ là đường mòn, xuyên qua những triền núi, luồn lách trên những khoảng trống của đá tai mèo. Dậy từ tờ mờ sớm, phải đốt đuốc soi đường.
Cùng thế hệ đi “mót chữ” với Hùng, có chị Linh Thị Vị (hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai) và Lý Hồng Páo (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã). Đây là ba đứa trẻ đầu tiên của bản Khâu Vai đi học. Sau ba đứa trẻ này, đến thế hệ các chị Hoàng Thị Đao (sinh năm 1986), Lương Thị Mòn - em gái Hùng (sinh năm 1983), cũng đều đang là cán bộ xã, và các em của Hùng... noi gương anh đều quyết tâm đi học.
Cái chữ đến với những đứa trẻ người Nùng đầu tiên của bản Khâu Vai mấy chục năm về trước tựa như những bó đuốc đầu tiên thắp lên và soi rọi, là động lực để những đứa trẻ ở Khâu Vai sau này noi theo. Cuộc vận động xóa mù, học cái chữ làm hành trang xóa nghèo… được chính những đứa trẻ ham học nhen lên ở nơi hẻo lánh, xa xôi này.
Hết lớp 9, Vị và Páo được Ủy ban lên xin về làm cán bộ vì địa phương không có người bản địa biết chữ. Hùng tiếp tục ở lại đi học, hết cấp 3, học tiếp đại học, rồi mới về xã làm cán bộ văn hóa.
Nhìn xung quanh bản làng chỉ có cây ngô độc canh, từ mùa này qua mùa khác, đời này sang đời khác…, Hùng nhận ra rằng, phải thay đổi. Muốn hết đói, phải trồng đa canh. Hùng vận động bà con trồng thêm cây ăn quả, cây khoai lang, phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển nghề thủy sản…
Bản Khâu Vai có phiên chợ tình diễm lệ một năm họp một lần thu hút bao khách du lịch khắp nơi tìm về; có di tích Miếu Ông - Miếu Bà gắn với câu chuyện tình diễm lệ của chàng Ba - nàng Út trong truyền thuyết; những phong cảnh hùng vĩ làm đắm say du khách… Những thứ ấy đều có thể giữ chân du khách ở lại.
Trong khi đó, các bản làng trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang, từ Nậm Đăm, Sủng Là cho tới bản Lô Lô Chải… cũng đều đã làm du lịch, và bà con đổi thay từng ngày nhờ có khách du lịch tới thăm bản làng, lưu trú. Ý tưởng lấy huyền thoại quê hương để làm du lịch bắt đầu nhen lên trong Hùng.
Nhưng, phong tục của người Nùng Khâu Vai, đó là không cho người lạ ngủ qua đêm tại ngôi nhà có bàn thờ tổ tiên. Thậm chí, con dâu con rể khi về nhà bố mẹ cũng không được phép ngủ cùng nhau, phải ngủ riêng… Bà mế (mẹ của Lương Văn Hùng) không đồng ý.
Lúc này, Hùng đã là cán bộ xã, vợ là giáo viên, nhà có mấy nương ngô, ủn ỉn làm đủ ăn, không lo đói. Đưa người lạ về bản làm đảo lộn cuộc sống vốn đang yên ổn, họ đi khắp làng ngó nghiêng, chụp ảnh…, người già không thích.
Hùng không đồng tình với ý của mẹ nhưng anh không dám cãi lời. Anh cũng không thể vì mế mà từ bỏ ước mơ. Không làm homestay trong nhà có bàn thờ tổ tiên thì sẽ làm những ngôi nhà mới chỉ để đón khách. Hùng đặt vấn đề thuê căn nhà sàn trước kia là trụ sở Ủy ban xã, nay đã dời sang vị trí mới nên bỏ không để cải tạo, làm homestay du lịch.
Thời điểm ấy, Hà Giang đang triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản làng gắn với nông nghiệp, nông thôn làm hướng phát triển kinh tế, xóa nghèo. Năm 2012, tại Khu du lịch sinh thái Panhou (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì), Hội nghị triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng Nông thôn mới, 10 tiêu chí được đưa ra làm cơ sở để lựa chọn, xây dựng những bản làng kiểu mẫu phát triển thành làng văn hóa du lịch, gọi là “Tuyên bố Panhou”.
Những làng văn hóa du lịch lần lượt ra đời, như Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Thanh Sơn (Vị Xuyên), Nà Ràng (Xín Mần), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), Tát Ngà (Mèo Vạc)… là những mô hình đầu tiên bản làng làm du lịch ở Hà Giang.
Sự tối ưu của mô hình này đó là khai thác được những lợi thế tại chỗ của địa phương và phát huy tối đa những bản sắc văn hóa bản địa. Các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi được hình thành cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách.
Văn hóa bản địa trở thành thứ thu hút, giữ chân du khách, biến thành nguồn thu kinh tế khi nâng tầm lên thành các sản phẩm du lịch. Một chuỗi cung ứng, liên kết bền vững được hình thành.
Ý tưởng của Hùng được chính quyền xã ủng hộ, bởi nó phù hợp với bối cảnh chung, và nó thực sự là bước đi thực chất. Homestay của Hùng là mô hình đầu tiên ở Khâu Vai đón khách. Sau Hùng, dọc con đường của thôn Trung Tâm, 14 ngôi nhà khác gắn biển làm du lịch.
Bây giờ, một năm, Khâu Vai đón trên 1 vạn du khách, đông nhất là dịp diễn ra lễ hội chợ tình. Mỗi tuần, cũng có 1, 2 đoàn du khách đến tham quan. Phát triển du lịch nông thôn được chính quyền xã đưa hẳn vào nghị quyết. Thế là, đường hướng phát triển kinh tế xóa nghèo của Khâu Vai đã thành hình, làm nông nghiệp gắn với du lịch, nông thôn.
Làm giàu trên dòng Nho Quế
Từ trung tâm xã, xuôi con dốc chừng 2km là thôn Ha Dế. Con đường vào thôn chục năm nay khang trang, rộng rãi bởi dự án Thủy điện Nho Quế 3 xây dựng tại đây, người ta phải mở đường công vụ phục vụ thi công nhà máy.
Sau khi nhà máy hoàn thành, chủ đầu tư trả lại cho địa phương, nó trở thành đường dân sinh. Đoạn cuối đường, tiếp giáp với sông Nho Quế là bãi tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông cũng phục vụ công trình. Năm 2012, dự án đi vào hoạt động, thủy điện tích nước tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn, mực nước ổn định, bãi tập kết vật liệu xưa trở thành bến thuyền...
Nhận thấy vùng lòng hồ thủy điện rất thích hợp để nuôi trồng thủy sản, Lương Văn Hùng làm bè nuôi cá trên sông. Nhưng, anh bị dọa sẽ thả thuốc diệt cỏ cho cá chết hết. Một ngày, anh ra ngoài bè cho cá ăn, cá chết nổi trắng bè, toàn những con đang tuổi lớn, to cỡ hai bàn tay. Vỏ chai thuốc diệt cỏ nổi lềnh phềnh cạnh đó. Xót, và uất ức. Nhưng anh nhủ: “Cứ để họ thả đi, chết lứa này thì nuôi lứa khác, họ thả chán, sẽ không thả nữa”.
Số cá chết gây thiệt hại cả trăm triệu đồng. Bắt đền thì không được, vì nhà nó nghèo, lấy đâu ra. Báo công an, nó đi tù thì cũng khổ vợ con nó. Hùng không chọn 2 cách ấy. Anh đến gặp người làm việc ác, bảo: Nếu còn tiếp tục, thì lúc đó sẽ báo công an. Người ấy chừa. Những kẻ hiềm khích, định làm việc xấu, việc ác với Hùng cũng không dám nghĩ xấu nữa.
Mô hình nuôi cá lồng trên thượng nguồn Nho Quế dần vào khuôn khổ. Hùng phổ biến cho nhiều người cùng nuôi. Những bè cá lồng đứng chân trong lòng hồ. Trong báo cáo hàng năm của xã Khâu Vai có thêm mục: diện tích nuôi trồng thủy sản…
Năm 2020, Hùng vận động thêm nhiều người trong bản cùng đứng lên thành lập HTX chuyên hoạt động du lịch - thủy sản, lấy tên: HTX dịch vụ du lịch - thủy sản Châu Kiệt. Châu Kiệt là tên ghép từ tên hai đứa con của Hùng. HTX có 10 lồng nuôi cá lăng, bống, trắm, chép...
Ngoài ra, có vài ba hộ khác tuy không vào HTX nhưng cũng vẫn nuôi thả, và Hùng nhận bao tiêu đầu ra, vì những người nuôi đều chưa biết kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, HTX dịch vụ du lịch – thủy sản Châu Kiệt có 12 xã viên do Lương Thị Mòn (em gái Hùng) làm Chủ nhiệm, Nông Văn Sình, Và Mí Di, Thò Mí Pó, Thò Mí Tông, Hứa Văn Sơn... đều là người H’mông, người Dao, người Nùng trong bản làm xã viên. Mỗi người đóng góp 350 triệu đồng đầu tư đội thuyền 6 chiếc làm du lịch chở khách trải nghiệm, khám phá thượng nguồn dòng Nho Quế.
Năm 2022, HTX đã bỏ ra số tiền gần 400 triệu đồng đầu tư làm con đường bê tông dài gần 200 mét dẫn xuống bến thuyền. Ở vùng cao, đó là một tài sản vô cùng lớn!
Sau 4 năm lăn lộn với nghề cá, anh Lương Văn Hùng ở xã Khâu Vai trở thành người sở hữu nhiều lồng cá đặc sản nhất huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Lặn lội về Tuyên Quang để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi cá đặc sản trên sông Lô, trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Đặc biệt, anh tìm gặp một tập đoàn chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hà Nội để học kỹ thuật. Có vốn kiến thức cơ bản, anh Hùng đầu tư nuôi 10 lồng cá với các giống như chép, lăng, chiên... Nguồn nước sạch, môi trường nuôi mới, lại nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn và các hộ nuôi ở Tuyên Quang hướng dẫn, đàn cá đặc sản lớn nhanh như thổi.
Anh Hùng cho biết, sau hơn 4 năm nuôi cá lồng trên sông Nho Quế, HTX của anh đã xuất bán được 3 lứa cá. Lứa đầu tiên vào năm 2021, lứa thứ 2 năm 2022 và tháng 4/2024 vừa rồi anh xuất bán lứa thứ 3. Trừ các khoản chi phí, mỗi lần xuất bán, HTX của anh Hùng thu lãi cả trăm triệu đồng.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông, lâm, thủy sản Châu Kiệt đang có 16 lồng cá, trong đó mới vào giống 10 lồng cá chép, cá bỗng, cá lăng… Những lồng còn lại dự kiến đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 sẽ vào giống cá mới.
Bà Linh Thị Vị, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc cho biết, những năm qua, chính quyền xã luôn khuyến khích người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Mô hình nuôi cá đặc sản tại HTX dịch vụ nông lâm thủy sản Châu Kiệt của anh Lương Văn Hùng là một điển hình được địa phương khuyến khích và nhân rộng./.