Không biết đến công nghệ số dễ đi vào thế "mắc kẹt"
Bà Nguyễn Thị Thi - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là rất quan trọng với người nông dân.
Không ít nông dân cho rằng với xu hướng thị trường hiện nay nếu không biết đến công nghệ số thì rất dễ đi vào thế kẹt, lặp lại tình trạng cung vượt cầu, hàng dội chợ, hoặc trong khi nơi khác cần nhưng nông dân không thể bán. Cũng nhờ đăng tin bán hàng online, tham gia giới thiệu sản phẩm qua sàn TMĐT nên nhiều mặt hàng nông sản của nhiều địa phương có thêm đầu ra trong giai đoạn dịch bệnh.
Sau đợt dịch vừa qua, một số nông dân có tư tưởng tiến bộ đã có ý thức mở rộng kênh tiêu thụ, chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Tuy nhiên, theo bà Thi, vẫn còn nhiều nông dân thờ ơ, duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ theo tập quán cũ, sản phẩm thu hoạch xong vẫn nằm ngoài đồng chờ thương lái đến thu mua; còn thụ động trong việc tiếp cận các kênh phân phối hiện đại.
Dù tiêu thụ qua các sàn TMĐT có nhiều lợi thế nhưng các hộ nông dân tham gia kênh tiêu thụ này chưa nhiều. Một số sản phẩm tham gia nhưng số lượng nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, đóng gói, bảo quản còn hạn chế...
Cũng đề cập đến khó khăn của việc bán nông sản trên môi trường số, ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, trình độ dân trí chưa đồng đều nên trong công tác triển khai cài đặt, sử dụng các nền tảng số rất khó khăn. Người dân chưa quen với việc tiêu thụ nông sản qua các sàn TMĐT. Với cách buôn bán truyền thống, thương lái có thể vào tận nhà đặt hàng từ khi các sản phẩm còn đang thụ phấn, ra hoa, chăm sóc cho đến khi kết trái và thu hoạch. Người dân cũng chưa quen với hình thức thanh toán điện tử nên vẫn phải thực hiện công tác tuyên truyền.
Việc thanh toán các đơn hàng có giá trị cao gặp khó khăn do phải ra ngân hàng huyện cách xa nhà người dân. Thêm vào đó là thách thức trong công tác vận chuyển hàng hóa khi chuỗi cung ứng đứt gãy bởi COVID-19. Một số lái xe của các đơn vị cung ứng dịch vụ phải cách ly do mắc COVID-19, dẫn đến nhiều đơn hàng phải trả lại, gây khó khăn không nhỏ cho người dân.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Theo bà Thi, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng hiện nay để đạt được mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của các dự án đầu tư công nghệ...
Dưới góc nhìn của DN hỗ trợ đưa bà con nông dân lên sàn TMĐT, ông Phan Trọng Lê - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp khó hơn so với các ngành khác vì đối tượng tiếp cận là bà con nông dân không chỉ hạn chế về tiếp cận thông tin, phương tiện công nghệ, mà còn hạn chế về nhận thức.
Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; các hiệp hội như Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác, Hội Phụ nữ; UBND các tỉnh, sở ban ngành cũng như chính quyền cấp xã. Bên cạnh đó còn có sự vào cuộc của các DN, của các sàn TMĐT nhằm hỗ trợ bà con làm quen với hình thức kinh doanh mới.
"Sự vào cuộc này khác với các chính sách thông thường làm trước đây, tức là tạo điều kiện thuận lợi nhất mà chúng tôi gọi là những "cần câu cơm", bao gồm việc đào tạo cho bà con thay đổi cách làm", ông Lê đánh giá.
Theo đó, không chỉ là đào tạo cho bà con như thế nào để có thể đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, trên các kênh online mà còn đào tạo để bà con nhận thức thấy việc sản xuất ra sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về chất lượng để đáp ứng nhu cầu rộng hơn với yêu cầu cao hơn. Từ đó, bà con cũng phải có ý thức trách nhiệm trong việc làm ra sản phẩm, uy tín gắn với sản phẩm đó, từ đó nâng cao việc xây dựng thương hiệu.
"Như vậy, rõ ràng chính sách rất mềm nhưng đã đi vào bản chất vấn đề là nâng tầng lớp gần như thấp nhất về mặt trình độ, tiếp cận công nghệ, công nghệ thông tin lên tầm cao mới. Chúng tôi cho rằng đây là những chính sách hay và mới trong giai đoạn vừa qua, qua đó góp phần thay đổi nhận thức cho bà con nông dân", ông Lê đánh giá.
Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc bán hàng trên môi trường số, đến nay, Chi Lăng đã mở trên 8.000 tài khoản cho bà con. Với bước đi này, bà con đã tiếp cận được với hình thức kinh doanh mới trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua, đặc biệt vào thời điểm chưa có Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương lái lo lắng về tình hình dịch bệnh.
"Thông qua các sàn TMĐT, trong mùa na vừa qua, chúng tôi đã tiêu thụ được trên 60.000 tấn na với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng. Quan trọng nhất là không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Với việc bán hàng trên sàn TMĐT, không chỉ sản phẩm na, nhiều sản phẩm khác của huyện cũng đã được đông đảo người dân biết đến và đặt hàng", ông Trường kể.
Theo ông Trường kết quả này có được từ cách thức tuyên truyền thông qua việc thành lập các tổ công nghệ số tại từng thôn, bản. Tối tối, các tổ này làm nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con về các hoạt động bán hàng trên sàn TMĐT. Ngoài ra, Chi Lăng còn lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của thôn, bản, các chi hội để tuyên truyền rộng rãi đến người dân.
Đến nay, đã có sự kết nối tốt giữa các cán bộ, chuyên gia của các sàn TMĐT với người dân. Người dân hào hứng thực hiện chuyển đổi khi nông sản bán trên sàn TMĐT có giá gấp đôi so với mức giá ở chợ truyền thống.
"Điều quan trọng nhất, không những người dân đã vượt qua lũy tre làng mà còn kết nối tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, ở đâu cũng thấy nói về kinh tế số, trao đổi kinh nghiệm về bán hàng online. Tôi cho rằng đây là những kết quả hết sức tích cực và thành công tại Chi Lăng", ông Trường nói.
Vai trò "bà đỡ" của chính quyền
Ông Phan Trọng Lê cho rằng, trong câu chuyện hỗ trợ bà con chuyển đổi số hiện nay, điều quan trọng nhất là chính quyền các cấp phải thực hiện vai trò "bà đỡ" cho bà con, thông qua các cơ chế chính sách.
Trong giai đoạn hiện nay, phải sản xuất theo chuỗi, phải liên kết từ khâu sản xuất, lưu thông đến chế biến và tiêu thụ. Để thực hiện nội dung này, cần thành lập các tổ HTX, HTX để thực hiện chuỗi.
Với việc bà con còn thiếu kiến thức về marketing, cũng như mẫu mã, nhãn hàng và kể cả cấp mã số vùng trồng phù hợp với các địa phương, với thị trường, cần có những hỗ trợ và cú huých ban đầu. Khi người dân có thu nhập rồi mới đề nghị bà con chung tay.
Ngoài ra, theo ông Lê, hiện bà con nông dân Chi Lăng mới tham gia 2 sàn TMĐT là Vỏ Sò và Postmart. Do đó, tiến tới cần phải tuyên truyền, khuyến khích bà con tham gia các sàn TMĐT khác bởi kinh tế thị trường sẽ có cạnh tranh. Từ đó, bà con chọn được gian hàng TMĐT phù hợp nhất để bán được nhanh nhất, nhiều nhất và giá cao nhất.
Ở góc độ các sàn TMĐT, ông Lê cho biết, Postmart sẽ thường xuyên cập nhật các tính năng mới làm sao cho thân thiện hơn, gần gũi hơn, dễ sử dụng hơn, đáp ứng trình độ của người dân ở các vùng miền khác nhau. Thậm chí tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nguyên còn có đồng bào nói tiếng dân tộc, Postmart phải có chương trình đào tạo chuyên biệt để bà con nắm được.
"Chúng tôi cũng xây dựng hệ sinh thái, các công cụ số, sản phẩm số kết hợp với các đối tác khác để làm sao khi bà con lên trên nền tảng TMĐT bán hàng sẽ được kết nối sang các nền tảng khác, qua đó có thể bán đồng thời ở nhiều kênh. Các sàn phải có sự liên kết để tăng sản phẩm trên sàn, qua đó giúp được bà con nhiều hơn", ông Lê kiến nghị.
Ngoài ra, các sàn TMĐT cần phải nâng cấp, cải thiện hơn về điều kiện giao hàng, nâng cao chất lượng chuyển phát để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sàn cũng cần kết nối các chuỗi cung ứng để có thể kết nối được nhiều nhu cầu khác nhau, không chỉ kết nối nhu cầu giữa cá nhân với cá nhân mà còn kết nối nhu cầu giữa các cá nhân với DN, với các tổ chức trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con.
Trong khi đó, theo ông Vi Nông Trường, qua quá trình cùng tiếp cận với các chuyên gia kỹ thuật và qua trao đổi với người dân, bà con mong muốn các sàn TMĐT tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật đăng tải ảnh đảm bảo trung thực, quảng bá đúng hình ảnh sản phẩm.
Liên quan đến chất lượng sản phẩm, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các nhà vườn thực hiện tem truy xuất, loại bỏ tình trạng luống rau để nhà ăn và luống rau mang ra chợ.
Các sản phẩm nông nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn của VietGap và GlobalGAP để không những tiêu thụ ở thị trường trong nước mà sau này các đơn hàng trên sàn TMĐT còn hướng đến thị trường khu vực và quốc tế với những sản phẩm nổi trội.