Đời sống xã hội

Nguy cơ cháy nổ trong những khu nhà trọ công nhân

Mai Hà 20/12/2023 09:59

Ở các khu công nghiệp, rất nhiều công nhân đang phải ở trong các khu nhà trọ chật chội, thiếu tiêu chuẩn PCCC, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Đa số các khu nhà trọ dạng “dãy phòng trọ cho thuê” thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Internet

Thực trạng

Dù biết rủi ro và hiểm nguy cận kề nhưng nhiều người lao động buộc phải chấp nhận thuê ở, sinh sống nhiều năm, bởi vì họ không có cách nào khác.

Ở các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân như Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) được mệnh danh là “thủ phủ công nhân”. Đây là nơi người lao động từ các tỉnh, thành phố lân cận đến làm việc. Ở khu công nghiệp Thăng Long, chủ yếu công nhân thuê trọ quanh các xã Kim Chung, Đại Mạch, Võng La... thuộc huyện Đông Anh.

Phần lớn các nhà trọ do người dân tự xây dựng lên, nhiều dãy trọ tạm bợ, thiếu thốn, xập xệ. Qua nhiều năm sử dụng, hầu hết các dãy trọ cho công nhân thuê đều xuống cấp và hầu như không có biện pháp phòng chống cháy nổ.

Thông thường mỗi căn nhà trọ ở khu vực này có giá rẻ, đa số công nhân thuê trọ gần khu công nghiệp này đều phải sống trong điều kiện phòng ốc thiếu thốn, cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Do thu nhập thấp, không có điều kiện thuê phòng trọ tiện nghi.

Các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh như khu công nghiệp Thăng Long, cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê… có trên khoảng 4.000 doanh nghiệp; 22.400 công nhân đang thuê trọ. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân cho thuê trọ và rải rác ở các xã lân cận như: Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối…

Một trong những dấu hiệu cảnh báo về việc nguy hiểm, mất an toàn cho cư dân là xe điện, xe máy được để cùng trong phòng ở.

Với diện tích chật hẹp, lại chứa nhiều đồ, trong đó có những vật dụng như xe máy, bếp gas… nên nguy cơ cháy nổ tại những phòng trọ cũ luôn hiện hữu. Đối với những nhà trọ cao tầng mới xây, xe máy để chung ở dưới sân có nguy cơ cháy nổ cao; đồng thời khi xảy ra cháy, khả năng thoát hiểm sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều nhà chỉ có một cầu thang đi lại, không có thang thoát hiểm.

Các nhà trọ có quy mô khối tích lớn, xây dựng từ 5-6 tầng; chủ trọ thường cho phép người thuê để xe máy ở tầng 1. Trong khi đó, lối thoát hiểm chỉ có một cầu thang bộ. Những nhà trọ khoảng 3 tầng trở xuống lại bố trí các “chuồng cọp”. Khi xảy ra cháy nổ, khả năng thoát nạn rất khó. Các chủ trọ đã được tuyên truyền, huấn luyện về công tác PCCC song chưa được đầy đủ. Việc trang bị những phương tiện chữa cháy còn rất hạn chế.

Có những đợt kiểm tra cho thấy đa phần các bình chữa cháy đều quá hạn sử dụng; có những bình chữa cháy hết cả khí, cả bột chữa cháy. Công nhân ở trọ vẫn sử dụng những bình gas, bếp gas tại khu vực ở, rất dễ xảy ra cháy nổ.

Các khu nhà trọ công nhân thường thiếu khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt chung. Đa số khu vực sân chung, công nhân thường sử dụng để xe máy, sinh hoạt chung. Họ có thể tụ tập, ăn uống hoặc đốt vàng mã tại khu vực chung. Những nơi này thường không có lối thoát nạn khi xảy ra cháy.

7 tháng của năm 2023, khởi công 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Khi góp ý cho Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện đang thiếu quy định của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê.

Theo ông Lê Hoàng Châu, rất cần thiết ban hành quy định về tiêu chuẩn đối với phòng trọ do số lượng phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê rất lớn trong phạm vi cả nước.

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Trong số đó, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô 161.227 căn hộ.

Cùng đó, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp cũng hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô 127.272 căn hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, riêng trong 7 tháng của năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn; trong đó, nhà ở xã hội gồm 7 dự án có quy mô 8.815 căn và 3 dự án nhà ở cho công nhân với quy mô 11.038 căn.

Bên cạnh đó, thực hiện triển khai gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã chuyển danh sách sang Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay vốn. Tổng quy mô của các dự án khoảng 20.188 căn hộ với tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương là 7.516 tỷ đồng - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của hộ gia đình được 4.381/15.000 tỷ đồng cho 12.200 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Cùng đó, Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũng bắt đầu thực hiện giải ngân.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có 11 UBND tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng. Trường hợp các dự án được phê duyệt cho vay sẽ giải quyết 12.442,78/120.000 tỷ đồng - đạt khoảng 10,4% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ.

Hiện các địa phương và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Theo đó, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng (thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng). Các Sở Xây dựng trong cả nước đang rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét công bố danh mục.

Tuy nhiên, cho dù có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công thì chưa chắc tình trạng hiện nay đã được cải thiện. Bởi vì trong thực tế các dự án nhà trọ cho công nhân ở các khu công nghiệp khá khang trang nhưng giá vẫn là cao so với mức lương của họ.

Ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang tồn tại nghịch lý, các dự án nhà thu nhập thấp bán cho công nhân thì ế, nhưng công nhân vẫn ở nhà trọ không đảm bảo điều kiện PCCC.

Nhiều chuyên gia cho rằng khi chính sách không đủ hấp dẫn người mua, phân khúc nhà ở cho công nhân nên hướng tới việc cho thuê.

Quanh các khu công nghiệp có rất nhiều nhà trọ nhưng không phải nhà trọ nào cũng đảm bảo chất lượng sống và điều kiện PCCC. Nhà ở xã hội cho thuê sẽ là giải pháp tốt cho các hộ gia đình hoặc nhóm công nhân muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà ở cho công nhân nên là sản phẩm đặc thù, được phát triển bởi chính chủ đầu tư khu công nghiệp và cho công nhân thuê.

Công nhân từ nơi khác đến họ chỉ đi làm theo thời vụ, có thể nghỉ việc hoặc bị cho thôi việc bất cứ khi nào, do đó họ chỉ có nhu cầu đi thuê nhà trọ.

Trước mắt để giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, phải triển khai có hiệu quả công tác PCCC tại các nhà trọ. Cần yêu cầu người có nhà cho thuê, chủ hộ gia đình, có trách nhiệm duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong các căn nhà trọ, phòng trọ. Nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, sử dụng trang bị, phương tiện PCCC, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đã có 276 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 7,3 triệu mét vuông. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp có 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu mét vuông sàn, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhà ở của công nhân. Số lao động còn lại, hoặc là đi làm và về trong ngày hoặc thuê nhà trọ của người dân chung quanh nơi làm việc. Qua kiểm tra cho thấy, đa phần những khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu an toàn và tương đối phức tạp về an ninh trật tự./.

Bài liên quan
  • Nan giải an toàn PCCC ở các khu tập thể cũ
    Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)... đang tồn tại những bất cập trong PCCC.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ cháy nổ trong những khu nhà trọ công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO