Hàng rong bán thức ăn đường phố không có dụng cụ che đậy tại một cổng trường trên địa bàn quận Thanh Xuân. (Ảnh: Bình Minh)
Tại các cổng trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, cứ mỗi giờ tan học là xuất hiện nhiều hàng quán bán rong, chủ yếu là bán quà vặt cho học sinh. Việc mua bán xảy ra rất bình thường, người bán thì vô tư dùng tay không đeo gang nilon bốc, nắm, sơ chế thực phẩm, còn học sinh thì vô tư tiêu dùng những món quà vặt mà không biết quy trình chế biến có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Theo Điều 8, Thông tư Số 30/2012/TT – BYT của Bộ Y tế, quy định đối với người kinh doanh thức ăn đường phố, thứ nhất, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức An toàn thực phẩm theo quy định.
Thứ hai, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.
Thứ ba, người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số ca mắc so với năm trước. Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình gia tăng.
Trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số người mắc so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Do vậy, tuân thủ các quy định về thức ăn đường phố cần được thực thi để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.