Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ ở chợ truyền thống và những khuyến cáo
Chợ là nơi có nguy cơ hỏa hoạn cao. Một khi đã xảy ra hỏa hoạn ở chợ, đám cháy thường bùng phát nhanh và dữ dội, khó dập lửa.
Chợ là nơi tập trung hàng hóa dễ bắt lửa với mật độ cao, khoảng cách giữa các gian hàng hẹp, hệ thống đường dây điện dày đặc. Nhiều tiểu thương bày bàn thờ trong gian hàng của mình, thường xuyên thắp hương, bật bóng đèn điện.
Nhiều khu chợ truyền thống được xây dựng tạm bợ bằng vật liệu dễ cháy như gỗ, lá, tấm nhựa, vải bạt. Một khi đã xảy ra hỏa hoạn ở chợ, đám cháy thường bùng phát nhanh và dữ dội, khó dập lửa. Những đám cháy chợ thường gây thiệt hại lớn về tài sản cho tiểu thương.
Năm nay đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ. Sáng 24/5/2023, chợ tạm Vina ở thành phố Vĩnh Yên bốc cháy dữ dội, thiêu rụi hơn 60 ki ốt và một xe ô tô, 1 ô tô khác bị cháy một phần. Người dân dựng ki ốt, lợp mái tôn, tạo thành chợ tạm trên khu đất trống đang chờ xây dựng, bán đồ gia dụng, quần áo, hàng điện tử. Chợ tạm này nằm cạnh một trung tâm thương mại. Đám cháy từ chợ tạm Vina lan sang trung tâm thương mại cạnh đó, làm cháy 1/3 trung tâm thương mại. Ngọn lửa cháy suốt từ 1h đến 5h sáng mới được dập tắt, dù cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc điều đến 8 xe chuyên dụng và 60 lính cứu hỏa.
Sáng sớm 22/4/2023, chợ Bình Thành, một trong hai chợ lớn nhất huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bùng phát đám cháy, khi nhiều tiểu thương chưa mở cửa hàng. Sau hơn 1 tiếng, lửa đã thiêu rụi 14 ki ốt, làm hư hỏng 2 ki ốt. Lửa bắt nguồn từ một ki ốt bán túi ni lông, sau đó lan ra những ki ốt bán mỹ phẩm, tạp hóa, quần áo… bên cạnh. Khu chợ này gồm hai dãy nhà lồng kiên cố và 1 khu nhà tạm lợp tôn ở giữa. Đám cháy xảy ra tại khu vực nhà tạm. Khi lửa bùng lên, những người có mặt đã tìm cách khởi động hệ thống máy bơm chữa cháy tại chỗ để dập lửa, nhưng không có nước.
Sáng 12/2/2023, trung tâm buôn bán lớn nhất thành phố Hải Phòng, chợ Tam Bạc, bị cháy. Khu chợ rộng khoảng 4.000m2 với 775 điểm kinh doanh này chủ yếu buôn bán vàng mã, vải vóc, quần áo, giày dép… Chỉ có 115 quầy hàng không bị ảnh hưởng vụ hỏa hoạn. Điểm bùng phát cháy là một quầy hàng bán giày dép. Thiệt hại sau vụ cháy chợ Tam Bạc lên tới hơn 50 tỷ đồng.
Một số khu chợ khác cũng bị cháy gần đây, như chợ huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chợ Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), chợ Ba Đồn (Quảng Bình)…
Cấu trúc, vật liệu xây dựng và thói quen buôn bán của tiểu thương ở chợ truyền thống tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Nhiều chợ truyền thống được xây dựng bằng vật liệu tạm bợ, dễ cháy như gỗ ván, lợp tôn hoặc giấy dầu, che chắn bằng bạt ni lông. Các quầy hàng sắp xếp lộn xộn. Lối đi giữa các quầy hàng nhỏ hẹp, thường chỉ khoảng trên dưới 1m.
Hàng hóa được bày nhiều, thậm chí lấn cả lối đi. Với cách sắp xếp gian hàng và thiết kế lối đi như vậy, lúc bình thường di chuyển đã chậm, nên khi xảy ra tình huống cháy, nổ, lửa sẽ có điều kiện cháy lan rất nhanh và mạnh, trong khi lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận để dập lửa.
Nhiều tiểu thương còn lập bàn thờ thần Tài, ông Địa trong quầy hàng chật hẹp chất nhiều đồ dễ bắt lửa, thường xuyên thắp hương. Hệ thống điện ở chợ truyền thống lộn xộn, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên. Các hạng mục về phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, trong nhiều trường hợp là làm cho có, đến khi cần không thể sử dụng được.
Phần lớn các chợ truyền thống được xây dựng lâu năm, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp. Thêm nữa, vì xây dựng đã lâu nên kiến trúc, cách bố trí chợ, điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn điện thường không đáp ứng được theo tiêu chuẩn hiện nay.
Với các chợ tạm, chợ cóc, người dân càng tùy tiện trong việc kéo điện để sử dụng, không mấy quan tâm tới những tiêu chuẩn an toàn về dây, mối nối, ổ cắm hay thiết bị tự ngắt khi có cháy nổ. Việc bày hàng, bán hàng cũng không tuân thủ nguyên tắc phòng cháy chữa cháy.
Nhìn lại vụ cháy chợ Tam Bạc ở Hải Phòng. Nguyên nhân gây cháy, theo Công an thành phố Hải Phòng, là do sự cố chập điện. Chợ Tam Bạc vốn là chợ hạng 1 cấp đô thị, có quy mô 775 điểm kinh doanh (tiêu chuẩn chợ hạng 1 là trên 400 điểm kinh doanh. Tổng diện tích khu chợ là 3.391m2. Theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01:2021/BXD, diện tích tối thiểu đối với chợ quy mô cấp đô thị là 10.000m2.
Như vậy, chợ Tam Bạc hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn về diện tích để chứa 775 điểm kinh doanh. Số lượng điểm kinh doanh gần gấp đôi mức tối thiểu về điểm kinh doanh đối với một khu chợ hạng 1 bị dồn trong một không gian chỉ bằng 1/3 diện tích tối thiểu theo quy định. Phải chăng khu chợ được xây dựng và vận hành 20 đã lạc hậu với những yêu cầu về an toàn phòng cháy và an toàn điện?
Trong vụ cháy thợ tạm Vina ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, đám cháy bùng phát sau tiếng sét lớn. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, chợ bị cháy là do sự cố chập điện. Về mặt pháp lý, ngôi chợ này là chợ trái phép, không được phép tồn tại.
Với những chợ đã xuống cấp, cần đầu tư cải tạo hoặc xây mới để đảm bảo việc kinh doanh được quy củ và an toàn, thì lại gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ, tại Hà Nội, có chợ Ngã Tư Sở, được xây dựng từ năm 1987. Chợ này có diện tích hơn 8.500m2. Dù được xếp hạng là chợ hạng 1, nhưng chợ đã xuống cấp đến mức báo động (mặc dù đối chiếu với quy chuẩn mới thì chợ Ngã Tư Sở cũng không đạt là chợ hạng 1 đô thị).
Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội, chợ Ngã Tư Sở được đưa vào danh mục xây mới, nhưng đang gặp vướng mắc, chưa thể xây dựng.
Sau những vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đã khuyến cáo các ban quản lý chợ truyền thống cần tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, vận động thiểu thương tự giác thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Yêu cầu được đưa ra là:
1. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Khi lắp đặt hệ thống điện ở các chợ, cần tính toán kỹ công suất, dòng điện tiêu thụ để sử dụng dây dẫn hợp lý, tránh quá tải đường dây gây cháy nổ.
2. Các hộ kinh doanh không được tự ý câu kéo điện. Trước khi đóng cửa quầy hàng, cần kiểm tra kỹ lưỡng nguồn điện, ngắt nguồn điện, chỉ để lại nguồn điện phục vụ cho công tác bảo vệ.
3. Tiểu thương cần sắp xếp hàng hóa hợp lý, không lấn chiếm lối đi. Hộ kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao cần có biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
4. Ban quản lý chợ cần thành lập đội phòng cháy chữa cháy thường trực để sớm phát hiện nguy cơ gây cháy, khi có cháy thì có khả năng xử lý tại chỗ kịp thời. Tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống.
Những vụ cháy chợ truyền thống thường xảy ra trong đêm, vào những thời điểm các quầy hàng đóng cửa. Hàng hóa kinh doanh tại chợ truyền thống thường là những mặt hàng có chất liệu dễ bắt lửa, nên khi cháy thì dễ cháy lan, khó dập lửa.
Những dịp lễ tết, hàng hóa tập kết về chợ càng nhiều. Nguy cơ hỏa hoạn ở chợ luôn thường trực. Một khi đã xảy ra cháy ở chợ truyền thống, thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023 cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ dân sinh, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 190 tỉ đồng. Riêng 11 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng, chưa kể vụ cháy 2000 m2 chợ Khe Tre (Thừa Thiên - Huế) xảy ra ngày 3/12/2023 chưa thống kê được thiệt hại.
Đáng lưu ý là có đến 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, trên 70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng./.