Báo chí

Nhà báo tham gia mạng xã hội và góc độ quản lý

ThS. Trần Thị Hoa Mai - Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền 09/03/2023 15:30

Vốn dĩ được thiết kế để thu hút sự tham gia của bất kể cá nhân nào, mạng xã hội (MXH) nhanh chóng vượt qua nhiều ranh giới, hình thành cộng đồng rộng lớn, trong đó có các nhà báo.

Tóm tắt:

Sau khi nêu một số điểm về thực tế sử dụng MXH của nhà báo trong đó điển hình là việc nhà báo góp phần lan truyền tin giả (fake news) trên MXH, tác giả khẳng định việc nhà báo tham gia MXH là cần thiết nêu ý kiến:

- Cần tăng cường hiệu quả hoạt động của nhà báo trên MXH

- Cần điều chỉnh hoạt động của nhà báo trên MXH bằng các nguyên tắc đạo đức.

Vài nét về hiện trạng nhà báo sử dụng MXH

Ban đầu, sự tham gia đều mang góc độ tự do cá nhân. Nhưng MXH đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, và chính điều đó tác động mạnh đến báo chí. Độc giả thay đổi cách tiếp cận thông tin, và báo chí không còn là kênh chủ đạo. Cách xử lý thông tin cũng thay đổi. Trên MXH, người đọc có thể thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, phản hồi với thông tin, và có thể tranh luận, chia sẻ, tiếp tục tạo ra nội dung mới.

Vai trò định hướng của báo chí không phải là mất đi, nhưng nó thực sự phải đặt vào trong một môi trường chưa từng xuất hiện trước đây. Một khái niệm tiếp theo ra đời là báo chí công dân. Nếu mỗi công dân mong muốn đưa tin, phân tích, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, thì có lẽ không nền tảng nào giúp họ tốt hơn MXH. Trong một bối cảnh như vậy, các nhà báo tham gia MXH, với các điều kiện tiếp cận thông tin của nghề nghiệp, với kỹ năng báo chí, với năng lực và các kỹ thuật truyền thông sẵn có của mình, mau chóng trở thành những nhà thông tin có đầy lợi thế trên môi trường mạng.

Không thể phủ nhận những lợi ích trong tác nghiệp mà MXH đem lại cho nhà báo, như việc khai thác thông tin, tương tác với công chúng, lan truyền thông tin theo cách thức mới và nhanh chóng trên mạng xã hội...

Nhưng cũng chính lúc này, có những bất cập nảy sinh khi nhà báo sử dụng MXH như một kênh thông tin của họ. Sự rắc rối có thể nảy sinh khi có sự không rõ ràng về vai trò, giữa việc nhà báo là đại diện của cơ quan báo chí tham gia MXH, hay họ chỉ là một cá nhân sử dụng một dịch vụ công nghệ mà thôi. Mặt khác, công chúng sẽ đặt các phát ngôn của nhà báo như thông tin chính thống của cơ quan báo chí hay chỉ là góc nhìn của một người tham gia MXH bình thường, điều đó hoàn toàn phụ thuộc nhận định cá nhân của họ.

Thêm một khó khăn nữa, đó là sự khác biệt về sự hình thành, tổ chức, quản lý giữa cơ quan báo chí - một đơn vị có chủ thể rõ ràng, và MXH - không có chủ thể quản lý, hoặc chỉ là sự quản lý thiên về dịch vụ công nghệ, không phải về nội dung.

anh-hanoimoi.jpg
(Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)

Tóm lại, báo chí có phần bị động trước sự xuất hiện của MXH, một thực thể có tác động rất mạnh đến báo chí, đặt báo chí vào một bối cảnh truyền thông hoàn toàn khác trước đây. Báo chí không có gì khác hơn, là cần phải nỗ lực có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục vai trò, chức năng xã hội vốn có của mình một cách hiệu quả trong bối cảnh thực tiễn mới.

Những điều chỉnh về mặt quản lý nhà báo sử dụng MXH đã sớm ra đời. Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam soạn thảo và công bố, áp dụng từ tháng 1/2019 là một sự điều chỉnh kịp thời để xác định những việc nên làm và không được làm của nhà báo tham gia MXH. Có thể thấy các điều khoản được quy định trong Quy tắc này đều hướng tới mục đích để báo chí sử dụng được những ảnh hưởng tích cực từ MXH, và ngăn ngừa các nhà báo có các phát ngôn, quan điểm và tác phong không đồng nhất với cơ quan báo chí, không phù hợp với quan điểm, mục tiêu và các giá trị của cơ quan báo chí.

Sau thời gian MXH phát triển tại Việt Nam, và sau khi công bố Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, các nhà báo hiện nay đang sử dụng MXH như thế nào?

Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ, được TS. Đỗ Anh Đức (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV Hà Nội) thực hiện và mô tả trong bài viết của mình [1], nhà báo Việt Nam sử dụng MXH có những đặc điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là tất cả các nhà báo được hỏi đều cho biết họ sử dụng ít nhất một nền tảng MXH. Tính phổ biến của việc tham gia MXH của nhà báo ở Việt Nam đã rất rõ ràng.

Thứ hai, trả lời cho câu hỏi về mục đích sử dụng MXH, có đến 81,8% nhà báo cho rằng họ sử dụng MXH để giải trí. Nhưng bên cạnh đó, cũng có mục đích tìm kiếm, khai thác thông tin. Tuy nhiên các nhà báo trong diện khảo sát cho rằng họ chỉ xem thông tin, ít khi khai thác được thành tin bài. Việc sử dụng MXH để quảng bá hình ảnh cá nhân cũng rất hạn chế.

Một trong những điều mà bộ Quy tắc sử dụng MXHi của người làm báo Việt Nam khuyến khích, là nhà báo tăng cường tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước. Nhưng thông qua khảo sát trên, chỉ có một nửa nhà báo chia sẻ lại tác phẩm của mình lên mạng xã hội, còn lại không thường xuyên thực hiện việc này.

Mặt khác, khi được phỏng vấn sâu về xác định vai trò của mình trên MXH, tất cả các nhà báo được hỏi đều cho rằng mình tham gia MXHi vì mục đích cá nhân, không đại diện cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định họ ý thức về tiếng nói của mình có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, vì người dùng MXH biết đến họ là nhà báo thuộc cơ quan A, B cụ thể.

Một trong những điều mà bộ Quy tắc quy định nhà báo tham gia MXH không được làm, là đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí và quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

Thực tế thì điều này rất khó quan sát và khó xác định. Nhiều nhà báo vẫn có thể lợi dụng “nhập nhằng” giữa “tính cá nhân của một người sử dụng MXH” và “tư cách một nhà báo đang hành nghề”, để thể hiện sự thiên kiến, chủ quan, có lúc lộ liễu, có lúc úp mở khi thiên vị, hoặc khi “dìm hàng” một thương hiệu, hay một đối tượng nào đó bằng các bài viết trên MXH, một cách có chủ ý, và bị chi phối bởi lợi ích.

Cũng có hiện tượng nhà báo điều tra được thông tin vi phạm của chủ thể nào đấy, nhưng không viết bài ngay mà úp mở thông tin trên MXH, khi được đối tượng liên hệ xin hối lộ thì không đăng bài nữa. Đó là những hành vi vụ lợi khi sử dụng MXH mà các nguyên tắc khó bao phủ được hết.

Nghiên cứu ở trên cũng phát hiện một hiện tượng khá phổ biến nữa, là khi trang cá nhân của nhà báo có uy tín nhất định, họ có thể viết bài quảng bá cho các thương hiệu hay dịch vụ theo hợp đồng cá nhân. Điều này không có quy định nào hạn chế nhà báo. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cũng sẽ có rủi ro cho công chúng khi tin tưởng những quảng bá của nhà báo là có sự bảo đảm của cơ quan báo chí chính thống nơi mà nhà báo làm việc.

1(1).jpg

Bản Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam quy định nhà báo không được thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Nhà báo vi phạm quy định này sẽ bị các chế tài xử lý, tuy nhiên, hậu quả của “fake news”, tin giả, tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, thì rất khó vãn hồi.

Một ví dụ trong thời gian bùng nổ của đại dịch COVID-19, thông tin về sự việc “bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ mình để cứu sản phụ đang nguy kịch” đã xuất hiện ban đầu trên tài khoản MXH Facebook của một cá nhân, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trên Facebook của một nhà báo khá nổi tiếng, thì mới lan đi nhanh chóng do có rất nhiều tài khoản khác chia sẻ lại. Hậu quả khi đã xảy ra khó có thể khắc phục, và lòng tin của công chúng suy giảm không chỉ đối với nhà báo đã đăng tin, mà cả cơ quan báo chí của nhà báo đó, và rất nhiều người nổi tiếng khác đã đăng tải lại thông tin này.

Bản Quy tắc cũng quy định nhà báo khi tham gia MXH không được “bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”, ngoài ra nhà báo cũng không được “thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội”.

Tuy nhiên, nhà báo trên trang cá nhân của mình vẫn là những con người có cảm xúc và có phong cách riêng, những thói quen sử dụng ngôn từ riêng trong đời thường. Có nhiều trường hợp, rất khó phân biệt đâu là những cảm xúc giận dữ chính đáng, và những thái độ tiêu cực cần tránh. Các khái niệm về thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa cũng vẫn là những khái niệm có biên độ rộng, nhiều tranh luận, ý kiến, quan điểm khác biệt. Vì vậy, những quy định của bản Quy tắc, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng là thước đo chuẩn xác trong đánh giá các phát ngôn của nhà báo trên MXH.

Một số ý kiến đề xuất

Thứ nhất, cần phải khẳng định, việc nhà báo tham gia MXH là cần thiết và nên được khuyến khích. Trước hết là do chính báo chí cũng cần xem mạng xã hội như đối tác của mình chứ không phải đối thủ, vì mạng xã hội đã làm thay đổi cục diện của ngành truyền thông. Trong bối cảnh mới này, công chúng mới là người quyết định họ sẽ xem nội dung gì, xem ở đâu. Báo chí cần tìm đến công chúng bằng cách xuất hiện trên MXH, và nhà báo cũng là một trong các đại diện của báo chí.

Nhiều nhà nghiên cứu sử dụng cụm từ “cánh tay nối dài” để chỉ hoạt động của nhà báo trên MXH. Họ có thể khai thác thông tin, tương tác công chúng, lan truyền nội dung của báo chí, góp phần định hướng dư luận, lập luận phản bác các luồng thông tin sai lệch, độc hại. Quá trình hoạt động trên MXH có thể làm nhà báo nắm chắc thêm về công chúng, cũng có thể kịp thời phát hiện những vấn đề lệch lạc về thông tin có thể gây ảnh hưởng xấu đến Nhà nước hay cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thứ hai, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của nhà báo trên mạng xã hội bằng việc nâng cao năng lực và kỹ năng nghề nghiệp. Việc điều chỉnh và quản lý hoạt động của nhà báo bằng Quy tắc, quy định pháp luật là cần thiết, tuy nhiên, gần như không thể xây dựng một bản Quy tắc bao trùm được mọi trường hợp phức tạp xảy ra trong thực tiễn, hơn nữa khi các sai phạm đã xảy ra rồi thì hậu quả của nó, một khi đã lan đi rộng rãi trên xa lộ truyền thông thì không thể khắc phục hoàn toàn được.

Việc phòng ngừa từ xa tốt nhất, là nâng cao năng lực, kỹ năng nhà báo, bằng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường nghề nghiệp và thẩm định thường xuyên.

0650_baochi.jpg

Nhà báo khác biệt với các cá nhân sử dụng MXH ở tính chuyên nghiệp, cùng với việc được đào tạo bài bản trong lĩnh vực truyền thông. Các chức năng và nguyên tắc của hoạt động báo chí là điều các nhà báo được tìm hiểu kỹ lưỡng, và cần được bảo đảm để các nhà báo không rời xa những nền tảng lý luận quan trọng này. Nó sẽ giúp các nhà báo xây dựng những nội dung chân chính cả trên báo chí và trên MXH. Nhà báo cũng sẽ luôn xác định được trách nhiệm của mình, là người đưa tin để kiến tạo lợi ích cho cộng đồng, xã hội, chứ không phải chỉ là người cung cấp một dịch vụ thông tin.

Bên cạnh đó, các kỹ năng như tìm hiểu, thu thập, xác minh, kiểm chứng thông tin, đánh giá các bằng chứng, xử lý thông tin và xây dựng nội dung một cách mạch lạc, cuốn hút… đều là những điều mà nhà báo có thể phát huy trên MXH. Tài khoản của nhà báo trên MXH vừa trở thành nơi cung cấp thông tin tin cậy, uy tín, vừa có thể trở thành đường dẫn để công chúng tìm đến với kênh thông tin báo chí chính thống. Tư duy và lập luận của nhà báo cũng sẽ định hướng cho người đọc và phản bác lại các thông tin sai trái lệch lạc xuất hiện trên MXH.

Thứ ba, và rất quan trọng, là cần điều chỉnh hoạt động của nhà báo trên MXH bằng các nguyên tắc đạo đức. Sự trung thực, lòng tự trọng, những hy sinh quyền lợi và cái tôi cá nhân để chọn lựa lợi ích cộng đồng, là những điều xây dựng nên phẩm chất nhà báo. Các quy định pháp luật sẽ luôn luôn có những khoảng trống, kẽ hở để vi phạm, nếu thiếu đi những phẩm chất đạo đức thì chắc chắn người ta sẽ luôn luôn tìm ra và tận dụng những kẽ hở đó.

Trong một phỏng vấn với ca sĩ Taylor Swift (Mỹ), cô ca sĩ chỉ mới ngoài 20 đã nói, không ai bắt cô phải tham gia giáo dục người khác, nhưng cô nghĩ đến việc những bài hát của mình sẽ ảnh hưởng đến những người hâm mộ (đa phần là thiếu niên) như thế nào, vì vậy mà cô lựa chọn nội dung rất cẩn thận. Mỗi một sản phẩm cô tạo ra, cô muốn nó góp phần xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ. Đó là nhận thức sâu sắc của một ca sĩ, vượt qua khỏi những quy định pháp lý trong biểu diễn âm nhạc.

Trong nghề nghiệp nào cũng cần những quan điểm đạo đức. Tương tự như vậy, nghề báo là một nghề có tác động xã hội to lớn. Nếu nhà báo sử dụng những lợi thế về nghề nghiệp của mình trên MXH để tìm kiếm những lợi ích cá nhân, ảo tưởng về quyền lực phát ngôn, quảng bá cho đối tượng này hoặc xâm phạm đối tượng khác theo chủ đích riêng, chạy theo những xu hướng truyền thông không lành mạnh… thì đó là những lệch chuẩn về đạo đức. Các hệ thống báo chí và mỗi cơ quan báo chí nên có sự chú trọng bồi dưỡng rèn luyện về đạo đức báo chí, bên cạnh việc kiểm soát bằng quy tắc và pháp luật.

Sử dụng hiệu quả MXH để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí là xu thế tất yếu của mọi nền báo chí hiện nay. Trong đó, quản lý hoạt động của nhà báo trên MXH là phổ biến ở nhiều nước. Việc quản lý đó sẽ đạt hiệu quả cao nếu như xây dựng được bộ Quy tắc cụ thể, chi tiết, thường xuyên đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng của nhà báo và liên tục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Mở rộng hoạt động báo chí trên MXH sẽ là một trải nghiệm nâng tầm cho nhà báo và cả cơ quan báo chí./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2023)

[1] TS. Đỗ Anh Đức, Cách thức sử dụng mạng xã hội của nhà báo hiện nay, tạp chí Người làm báo điện tử, 14/1/2022, https://www.nguoilambao.vn/cach-thuc-su-dung-mang-xa-hoi-cua-nha-bao-hien-nay-n53808.html (truy cập ngày 7/1/2023)
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM - Nhìn từ thành công của Singapore trên góc độ công nghệ và kỹ thuật
    Việt Nam đang có tham vọng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và Đà Nẵng thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu, Bệnh viện Tâm Anh ký hợp tác song phương
    Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa công bố ký kết hợp tác trao đổi nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa. Đây là hợp tác song phương đầu tiên của trường đại học danh tiếng thế giới với một viện nghiên cứu, hệ thống bệnh viện đa khoa uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Nhà báo tham gia mạng xã hội và góc độ quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO