Nhà mạng Mỹ thanh toán 5 USD cho thuê bao bị ảnh hưởng vì sự cố mạng
Nhà mạng AT&T của Mỹ thông báo sẽ thanh toán cho những khách hàng bị ảnh hưởng do sự cố gián đoạn mạng vừa qua.
Cụ thể, trong nỗ lực khắc phục hậu quả, AT&T cho biết những thuê bao AT&T bị ảnh hưởng do sự cố gián đoạn dịch vụ ngày 22/2 sẽ được thanh toán 5 USD vì bất tiện mà họ gặp phải. Theo một ước tính, điều này có thể khiến công ty thiệt hại tới 140 triệu USD.
Con số đó cũng xấp xỉ với các nhà khai thác mạng di động khác gặp khó khăn với các vấn đề tương tự. Chẳng hạn như, nhà mạng Optus của Úc cho biết việc gián đoạn hoạt động năm 2023 đã khiến công ty thiệt hại khoảng 40 triệu USD. Và lần gián đoạn hoạt động năm 2022 đã ảnh hưởng đến nhà điều hành Canada Rogers, ước tính trị giá thiệt hại lên tới 70 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế chi phí tổn thất của AT&T có thể vượt xa số tiền đền bù cho khách hàng. “Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của sự cố này có thể vẫn chưa được xác định rõ cho đến khi các công ty cung cấp thông tin cập nhật về xu hướng đăng ký thuê bao (có thể trong các hội nghị sắp tới)", nhà phân tích tài chính tại KeyBanc Capital Markets viết trong một ghi chú gửi đến nhà đầu tư tuần trước, ngay sau khi sự cố bắt đầu.
Ngoài việc có thể mất khách hàng vào tay các đối thủ như Verizon và T-Mobile, các nhà phân tích đã lập luận rằng AT&T cũng có thể phải đối mặt với các khoản phạt về sự cố này, cũng như khả năng bị quốc hội xem xét "do tính quan trọng của dịch vụ”.
Ít nhất trước đây cũng đã có tiền lệ cho một số tình huống như vậy. Điển hình như, Telstra đã tiết lộ rằng sự cố gián đoạn hoạt động của Optus đã khiến "hàng chục nghìn" khách hàng của công ty này truy cập vào mạng lưới của họ. Giám đốc điều hành của Optus, Kelly Bayer Rosmarin, cũng đã từ chức sau sự cố.
AT&T cho biết khoản thanh toán 5 USD sẽ không áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng trả trước và sẽ chỉ áp dụng cho các tài khoản thay vì từng dòng dịch vụ.
Đồng thời, nhà mạng cũng cho biết họ đang "làm việc chặt chẽ" với các khách hàng doanh nghiệp để giải quyết lo ngại của họ. Hiện chưa rõ các khoản tín dụng sẽ lên tới bao nhiêu để bù đắp doanh thu bị mất.
Trong khi đó, Jim Patterson của Patterson Advisory Group đã chia sẻ trong bản tin hàng tuần của mình rằng: Chúng tôi nghĩ rằng AT&T đã có bước đi đúng đắn với tín dụng trả sau.
Patterson đã tính toán chi phí ngừng hoạt động của AT&T khi áp dụng khoản thanh toán 5 USD cho 28 triệu tài khoản trả sau là 140 triệu USD tương đương với khoảng 2% thu nhập hàng quý của AT&T trong hoạt động kinh doanh di động. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng chi phí của AT&T “có thể thấp hơn thế”.
Theo Patterson, sự cố ngừng hoạt động này có thể không liên quan nhiều đến việc họ chuyển sang lõi ảo hóa mà khả năng liên quan nhiều hơn đến việc ai đó không tuân theo quy trình (AT&T đã giảm hơn 22.000 nhân viên từ đầu năm 2022).
Trong tuyên bố của mình, AT&T cũng nhấn mạnh rằng sự cố gián đoạn mạng không phải do một cuộc tấn công mạng gây ra. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân là do việc áp dụng và thực hiện một quy trình không chính xác trong khi mở rộng mạng lưới. Công ty không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trước đó, ngày 22/2, AT&T, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Mỹ với hơn 290 triệu khách hàng thuê bao mạng 5G, đã phải đối mặt với sự cố gián đoạn dịch vụ trong khoảng 11 giờ. Sự cố này đã ảnh hưởng đến việc người dân thực hiện các cuộc gọi dịch vụ khẩn cấp 911 tại một số thành phố. Tối cùng ngày, công ty thông báo đã khôi phục được dịch vụ hoàn toàn./.