An toàn thông tin

Nhận diện hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam

Nhật Minh 23/06/2023 17:32

“Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” là chủ đề của chiến dịch được triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023 trên không gian mạng Việt Nam.

Chiến dịch được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cho người dân trên không gian mạng.

Lừa đảo trực tuyến vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường

Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các "tip" hướng dẫn nhận diện 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

24-hinh-thuc-lua-dao.png

Để thực hiện việc này, Cục ATTT cũng đã cung cấp, ban hành tài liệu cẩm nang về “Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, góp phần bổ sung nhiều kiến thức giúp người dùng phòng tránh, bảo vệ an toàn bản thân, gia đình trên không gian mạng hiện nay.

Đánh giá về thực trạng, tình hình lừa đảo trên môi trường trực tuyến hiện nay, theo đại diện Cục ATTT, đây là vấn đề diễn biến phức tạp, khó lường về hậu quả.

“Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022”.

Chỉ ra nguyên nhân gây ra tình trạng này, theo Cục ATTT, nguyên nhân chính vẫn là từ những hạn chế về nhận thức, sự chủ quan, cả tin của người sử dụng trước những tình huống tinh vi, khéo léo mà kẻ lừa đảo mạng dụ dỗ.

Theo đó, để khắc phục hạn chế, tình trạng nêu trên, đồng thời giúp tăng cường bảo vệ người dùng mạng, theo Cục ATTT, giải pháp thiết thực, hiệu quả lúc này là cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, phải coi đây chính là một nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong thời đại số hóa.

“Do đó, Cục ATTT mong nhận được hưởng ứng tích cực từ người dùng, sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt, cần sự phối hợp tích cực từ phía các cơ quan báo chí để cùng nhau chung tay phòng chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ ATTT cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng”, Cục ATTT nhấn mạnh.

Tài liệu giúp người dùng mạng hành động nhanh

Cụ thể hơn, khi nói về các nội dung trong tài liệu “Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” khuyến cáo, chỉ rõ các hình thức, phương thức, nhóm đối tượng tập trung sử dụng, lừa đảo phổ biến như: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu (SMS Brandname)…

“Đặc biệt, ở từng tình huống cụ thể này, tài liệu chỉ rõ các phương cách hướng dẫn để giúp người dùng mạng nhận diện, đối phó, phòng tránh an toàn”, lợi ích cẩm nang tạo ra.

Hơn nữa, tài liệu còn giúp người dùng mạng cách hành động nhanh nếu đã bị lừa đảo như: Không tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch; thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú…

Trong trường hợp nếu đã chuyển tiền cho một kẻ lừa đảo, điều cần làm: Liên hệ ngay với ngân hàng; thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú; theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)…

Trường hợp khác khi bị lừa có thể liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, ATTT như: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công An; Cục ATTT (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục ATTT là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; email ais@mic.gov.vn; Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05)…

Như vậy có thể nói, với những nội dung hướng dẫn cụ thể trong tài liệu, đây chính là những kiến thức bổ ích để người dùng mạng tham khảo, sử dụng hữu ích để bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường không gian số.

Cũng thông qua tài liệu, cùng những khuyến nghị từ Cục ATTT, thiết nghĩ khi người dùng toàn xã hội, các cơ quan tổ chức tích cực hưởng ứng và hành động, quyết tâm cao thực hiện theo những nội dung trên, chúng ta tin tưởng, kỳ vọng những lợi ích mang lại sẽ lớn lao, bảo vệ được người dùng mạng an toàn, thực chất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO