Make in Vietnam

Dịch vụ ATTT "Make in Viet Nam" cho học sinh có giá chỉ 4.000 đồng/tháng

Hoàng Linh 15:25 07/04/2023

Giải pháp SafeGate School của startup Việt Nam đáp ứng các tính năng an toàn thông tin (ATTT) cơ bản cho các hộ gia đình, học sinh trên không gian mạng.

Triển khai tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Đầu tháng 3/2023, trong Hội nghị về ATTT do Cục ATTT - Bộ TT&TT tổ chức tại Nghĩa Lộ, Yên Bái, Công ty An ninh mạng SCS đã đồng hành chia sẻ về việc đảm bảo ATTT trong trường học và hỗ trợ các trường tại Nghĩa Lộ trong việc đảm bảo ATTT mạng. Ban đầu, SCS dự kiến tài trợ 5 trường ở thị xã Nghĩa Lộ triển khai giải pháp ATTT trong trường học SafeGate School. Tuy nhiên, theo đề nghị của Cục ATTT, SCS đã triển khai tới toàn bộ 36 trường của Thị xã, hỗ trợ đảm bảo ATTT cho 14.000 học sinh, 700 cán bộ, giáo viên và nhân viên của các trường.

Ông Ngô Tuấn Anh, CEO của SCS cho biết là startup mới nhưng với tinh thần vì các thầy cô, các em học sinh và sự nghiệp bảo vệ người dân trên không gian mạng đang được Bộ TT&TT thúc đẩy, SCS đã quyết tâm triển khai. Trước đó, SCS có tiến hành khảo sát toàn bộ các trường với 4 tiêu chí cơ bản, đây cũng là những tiêu chí được xây dựng dựa trên khảo sát nhu cầu của các trường học.

Thứ nhất, ở trong trường học, nhà trường có kiểm soát được việc học sinh truy cập các nội dung không phù hợp, ví dụ nội dung người lớn, lừa đảo, kết nối tới mã độc hay không? Thứ hai, nhà trường có kiểm soát được thời gian sử dụng mạng Internet hay không?

Thứ ba, nhà trường có kiểm soát, chặn các ứng dụng không phù hợp như Titkok, Tinder hay không? Thứ tư, nhà trường có nắm bắt được tình hình sử dụng Internet thế nào, có máy nào bất thường hay không, ứng dụng nào bất thường.

Kết quả khảo sát khá bất ngờ với 100% trường học trả lời là cả 4 tiêu chí đều chưa đáp ứng, có nghĩa là chúng ta có 100% số trường “trắng” về ATTT mạng.

Ngày 23/3, chỉ trong 1 ngày, chính xác là 6 giờ, đội ngũ kỹ thuật của SCS, phối hợp với Sở TT&TT và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành triển khai xong cho toàn bộ các trường ở thị xã. Các thầy cô giáo được trực tiếp trải nghiệm sự khác nhau giữa hệ thống mạng chưa được bảo vệ và đã được bảo vệ, có thể hoàn toàn chủ động quản lý, kiểm soát hệ thống mạng của trường mình mà không cần phải biết các kiến thức về an toàn, an ninh mạng. Đây là điều khác biệt vì các giải pháp khác hầu hết đều cần các quản trị viên chuyên nghiệp để vận hành.

lap-dat-safegate-2.jpeg
Giải pháp SafeGate School được triển khai tại các trường học Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Theo tổng kết sơ bộ của SCS, sau hai tuần triển khai, hệ thống đã bảo vệ cho hơn 2000 máy tính và thiết bị di động. Số truy vấn Internet an toàn là hơn 3,6 triệu truy vấn; đặc biệt đã ngăn chặn khoảng 9% số truy vấn, tức hơn 300.000 truy vấn độc hại, lừa đảo, nội dung không phù hợp học sinh.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết đây là chương trình tài trợ của SCS, nhưng nếu tính phí, thì chi phí đảm bảo ATTT cho mỗi học sinh/tháng cũng chỉ vào khoảng 4.000 đồng, tương đương 1 cốc trà đá.

Mô hình “chuyển đổi số” trong an ninh mạng

Có được kết quả triển khai như vậy, trao đổi tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT quý I ngày 7/4, ông Ngô Tuấn Anh, CEO SCS cho biết do giải pháp SafeGate School áp dụng theo mô hình điện toán đám mây CNSP (Cloud Native Security Platform), hay còn gọi là Security As Service. Với mô hình này, thay vì mua sắm thiết bị đắt tiền 1 lần, có cán bộ quản trị riêng thì khách hàng sẽ trang bị thiết bị đầu cuối đơn giản với chi phí hợp lý và trả phí theo thuê bao. Toàn bộ các xử lý phức tạp, việc cập nhật tri thức an ninh mạng sẽ được chuyển lên hệ thống đám mây của SafeGate, do đó đơn giản hóa trong quá trình cài đặt, triển khai và sử dụng của người dùng.

ong-ngo-tuan-anh-07042023.jpg
Ông Ngô Tuấn Anh giới thiệu giải pháp tại Bộ TT&TT

“Thực tế triển khai mỗi trường chỉ mất 30 phút đổ lại. Với cách thức triển khai này, chúng tôi cũng suy nghĩ đây có thể là mô hình “chuyển đổi số” trong an ninh mạng”, ông Ngô Tuấn Anh cho hay.

Thêm nữa, giải pháp của SCS xây dựng là Make in Viet Nam, làm chủ toàn bộ từ phần mềm ứng dụng, hệ thống quản lý trên điện toán đám mây cho tới hệ điều hành firmware của các thiết bị mạng. Đây là điểm quan trọng đối với các giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Với mô hình này, khi hệ thống đã chạy được một thời gian, sẽ có được nguồn dữ liệu lớn để từ đó có thể đưa ra thêm các thông tin về xu hướng diễn biến tiếp theo về an ninh mạng.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, thị trường ATTT của Việt Nam có quy mô khoảng 500 triệu USD. Việt Nam hiện cũng có 1 triệu doanh nghiệp (DN), 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 27 triệu hộ gia đình, 44.000 trường học và 14.000 cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn các DN nhỏ và vừa, các trường học hay hàng triệu hộ gia đình chưa được trang bị một giải pháp nào để bảo vệ khi hoạt động trên không gian mạng. Để nhân rộng, ông Ngô Tuấn Anh cho biết cần vai trò của Bộ TT&TT.

Theo đó, SCS đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ thúc đẩy tạo thị trường ATTT mạng cho gia đình, SME và các cơ quan tổ chức có quy mô nhỏ.

Tiếp theo, triển khai Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025", đặc biệt là về nội dung “Triển khai giải pháp kỹ thuật trong trường học nằm giám sát, chặn lọc nội dung vi phạm pháp luật, nội dung không phù hợp với học sinh…” thì đây là một giải pháp phù hợp.

SCS cũng đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường quốc tế để cung cấp các sản phẩm ra các nước khác.

Một giải pháp an toàn, an ninh mạng cơ bản cần 2 tính năng

Trước đề xuất của SCS, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Một giải pháp an toàn, an ninh mạng cơ bản cho người dùng chỉ cần hai tính năng cơ bản: một là cho con em mình sử dụng Internet mấy tiếng vào giờ giấc nào; hai là cấm một số thứ, cấm vào trang này trang kia.

bo-truong-07042023.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Một giải pháp an toàn, an ninh mạng cơ bản cho người dùng chỉ cần hai tính năng cơ bản

Chỉ cần các tính năng cơ bản như vậy nhưng theo Bộ trưởng hiện chúng ta đang bỏ tiền ra cài và trả tiền cho DN nước ngoài và không thu được đồng tiền thuế hoặc chỉ một phần nhỏ. Bây giờ rất nhiều cha mẹ cài đặt giải pháp của hãng nước với mức giá đắt trong khi chúng ta có 4.000 đồng mà không dùng cũng không quảng bá gì. Cơ quan nhà nước cần phải hỗ trợ quảng bá những giải pháp tốt, cơ bản để đỡ cho DN.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trong lĩnh vực phụ trách cần tìm kiếm giải pháp cơ bản cho trường học, học sinh, người dân.

“Nếu thấy DN có giải pháp tốt thì cần nhân rộng. Hiện nay, giải pháp này đã làm thí điểm rồi thì cần nhân rộng ra 44.000 trường học. Trong quá trình triển khai quốc tế, nếu thấy tốt và quốc tế chưa có thì có thể mang mô hình này ra nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT nhận diện 6 vi phạm của TikTok
    Tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều ngày 6/4, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã thông tin các sai phạm của nền tảng xuyên biên giới TikTok tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ ATTT "Make in Viet Nam" cho học sinh có giá chỉ 4.000 đồng/tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO