Nhận diện yếu tố tác động đến người trẻ trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo
Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo được công nhận là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất trên toàn cầu. Trên thực tế, công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang đến cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên tài năng và cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Tóm tắt:
Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo:
- Là ngành sử dụng nhiều lao động trên toàn cầu và tạo cơ hội việc làm, đặc biệt cho giới trẻ.
- Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, với doanh thu hàng năm gần 2,3 nghìn tỷ USD và chiếm 3,1% GDP toàn cầu.
- Tại Việt Nam, được coi là yếu tố chiến lược trong phát triển quốc gia với mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
Yếu tố tác động tích cực đến người trẻ:
- Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo cung cấp cơ hội việc làm bền vững, vượt qua khủng hoảng kinh tế tốt hơn
các ngành khác.
- Thúc đẩy sự bình đẳng giới và tạo việc làm cho người có trình độ học vấn thấp.
- Đóng vai trò trong bảo vệ môi trường qua các hoạt động sản xuất và sáng tạo xanh.
Thách thức đối với giới trẻ Việt Nam:
- Có sự chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của một số ngành trong công nghiệp văn hóa, như nghệ thuật biểu diễn
truyền thống gặp khó khăn trong tuyển sinh và thu hút người trẻ.
- Các lĩnh vực như thiết kế, marketing, và sáng tạo nội dung thu hút đông đảo sinh viên hơn.
Các chính sách đãi ngộ nghệ sĩ đã có cải thiện nhưng vẫn cần thay đổi để tối ưu:
- Tối ưu hóa nguồn lực: Cần tạo môi trường hấp dẫn để thu hút người trẻ vào nghệ thuật, đảm bảo tương lai và thu
nhập cho họ.
- Hoàn thiện chính sách: Cần linh hoạt quy định tuổi nghỉ hưu cho nghệ sĩ, chờ phê duyệt từ Chính phủ.
- Xây dựng quỹ hỗ trợ: Tạo quỹ tài trợ nghệ thuật từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, và tổ chức phi chính phủ.
- Đào tạo nhân lực: Tổ chức khóa đào tạo và bồi dưỡng để phát triển kỹ năng nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa.
- Giáo dục tư tưởng: Đẩy mạnh giáo dục chính trị và trách nhiệm xã hội cho nghệ sĩ trẻ.
- Đãi ngộ nghệ sĩ: Cần ủy ban độc lập đánh giá và đề xuất đãi ngộ đặc biệt cho nghệ sĩ.
Tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đối với mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có thể nhận thấy và được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, phạm vi của nghiên cứu này chủ yếu để phân tích các yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến người trẻ trong lĩnh vực phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như mở ra tiềm năng cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đối với người trẻ.
Công nghiệp văn hóa:
Vai trò và sức mạnh của công nghiệp văn hóa trên thế giới
Ngành công nghiệp văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực mặc dù nằm trong số những nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức của môi trường. Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tạo ra doanh thu hàng năm gần 2,3 nghìn tỷ USD, đóng góp 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trong số các nền kinh tế lớn của G20 có dữ liệu gần đây, tỷ trọng của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong tổng giá trị gia tăng dao động từ 0,7% ở Mexico đến 3% ở Hoa Kỳ.
Ngoài ra, UNESCO ước tính rằng các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo chiếm 6,2% việc làm toàn cầu. Trong đó, một số nước như Trung Quốc năm 2022 đạt doanh thu 180 tỷ USD; Nhật Bản, năm 2019, doanh thu chiếm 1,9% GDP của quốc gia và lực lượng lao động chiếm 1,9% (1,3 triệu người); Vương quốc Anh tính đến tháng 6/2023 có 2,5 triệu người tham gia vào nền công nghiệp văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự ảnh hưởng lẫn nhau trong vòng tuần hoàn của sự phát triển, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đều phát triển rất mạnh mẽ và trở thành xu thế của thời đại, thành động lực tăng trưởng. Các ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của mỗi quốc gia.
Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xác định như một thành tố then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về hội nhập quốc tế trong đó xác định xây dựng và triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng. Với tầm nhìn dài hạn đến 2030, việc thực hiện của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bắt đầu từ một nền tảng thực sự vững mạnh.
Trong 10 năm tới, Chính phủ Việt Nam xác định đầu tư phát triển nền công nghiệp văn hóa trong 12 lĩnh vực, bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó: Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, Internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Vai trò của người trẻ trong sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo
Hiện nay, với tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật và công nghệ, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong phát triển, thúc đẩy nền kinh tế thông qua ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động kinh tế sáng tạo là rất quan trọng để trong tương lai, những người trẻ tuổi có thể cạnh tranh trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đây cũng là cơ hội trao quyền cho thanh niên có thể nêu gương trong cộng đồng, dám tham gia vào nền kinh tế sáng tạo hoặc thế giới kinh doanh theo tài năng của họ trong việc đạt được các giá trị xã hội và văn hóa. Đạt được mục tiêu này, ngoài việc tăng số lượng người trẻ trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, còn tạo ra sự tác động tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội như năng suất thấp, thất nghiệp, tội phạm và những vấn đề khác.
Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, hay nền kinh tế Cam (Orange Economy), ước tính tạo ra 50 triệu việc làm trên toàn thế giới và tuyển dụng nhiều người trẻ (15 - 29 tuổi) hơn các ngành khác. Trước những thách thức cấp bách và ngày càng gia tăng của thị trường lao động, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, các công việc sáng tạo và văn hóa đại diện cho một con đường đầy hứa hẹn để tạo ra sự tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn.
Trong báo cáo Giải pháp cho việc làm của thanh niên (S4YE) - Nền kinh tế Cam: Với vai trò là động lực thúc đẩy việc làm cho thanh niên, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, như nghệ thuật, thủ công, phim ảnh, trò chơi điện tử, thời trang và âm nhạc, làm tốt nhiệm vụ bảo tồn truyền thống và mở rộng thế giới quan.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, và nằm trong số ít các quốc gia đạt được đa số các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (SDG) của Liên Hợp Quốc trước năm 2015. Với 70% dân số dưới 35 tuổi, Việt Nam được coi là quốc gia có dân số trẻ. Người trẻ đại diện cho nguồn ý tưởng và sáng tạo vô tận, một lực lượng thúc đẩy sự thay đổi cho đất nước.
Trong một nghiên cứu về thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh, trong tốp 10 ngành mà thế hệ trẻ Việt Nam mong muốn được làm thì ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (trong đó có nghệ thuật, giải trí) đứng thứ 3, chỉ sau kế toán, giáo dục. Điều đó có thể thấy ngày càng nhiều người trẻ đã, đang và mong muốn được góp mặt trong ngành công nghiệp văn hóa.
Thời gian qua, sức mạnh của người trẻ trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam ngày càng được thể hiện: nhiều sản phẩm văn hóa “made in Vietnam” đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như: Các sản phẩm điện ảnh, phim truyền hình, phim ngắn, nhiều bộ phim truyền hình ăn khách, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, lối sống của người Việt đã xuất hiện nhiều hơn, chiếm lĩnh “giờ vàng” vốn trước đây thuộc về các tác phẩm điện ảnh nước ngoài và đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, series phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Những sản phẩm phim đồ họa 3D, 4D, phim hoạt hình giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; về các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; các video trải nghiệm văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực.
Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái được những thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa. Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội (MXH), nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên Việt Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến đặc sản địa phương, cũng như khởi nghiệp từ văn hóa, du lịch trên chính quê hương mình...
Yếu tố tác động đến người trẻ trong ngành công nghiệp văn hóa
Nguồn nhân lực tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được đánh giá là trẻ trung, năng động, có cá tính. Môi trường của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo cũng mang nhiều yếu tố tích cực dưới đây đối với người trẻ, tạo bệ phóng vững chắc trên con đường phát triển của họ.
- Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tiềm năng cung cấp nhiều cơ hội việc làm có khả năng chống chịu cú sốc hơn. Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây tốt hơn các ngành khác. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngành này vẫn tiếp tục tăng trưởng mặc dù thương mại thế giới giảm 12%, với hàng hóa và dịch vụ sáng tạo đạt 592 tỷ USD và tăng 14% hàng năm từ năm 2002 - 2008. Tương tự như vậy, các dịch vụ sáng tạo hoạt động tốt hơn các ngành dịch vụ khác sau đại dịch COVID-19, chỉ chứng kiến mức giảm 1,8% trong xuất khẩu vào năm 2020 so với mức giảm 20% trong xuất khẩu của tất cả các dịch vụ. Hơn nữa, lĩnh vực sáng tạo đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu, với hàng hóa và dịch vụ sáng tạo chiếm lần lượt 3 và 21% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào năm 2020.
- Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo bao trùm hơn, thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng giới và thanh niên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các ngành nghề văn hóa cao hơn so với các ngành nghề phi văn hóa ở gần 60% các quốc gia. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, những cá nhân trong độ tuổi từ 15 - 24 chiếm gần một phần tư tổng số việc làm trong các ngành nghề văn hóa.
- Ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tạo ra việc làm cho những cá nhân có trình độ học vấn dưới trung học, một nhóm nhân khẩu học thường dễ bị bất ổn việc làm nhất (Bảng 4). Ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập thấp hơn, những người chưa hoàn thành chương trình trung học chiếm 27,3% những người làm việc trong các ngành nghề văn hóa và 15% những người làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo.
- Nền kinh tế sáng tạo cung cấp một con đường bền vững hơn hướng tới tăng trưởng, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thủ công, đồ thủ công mỹ nghệ thường sử dụng các quy trình sản xuất quy mô nhỏ, thân thiện với môi trường. Ngành thời trang đã bắt đầu chuyển đổi sang các hoạt động xanh hơn và tuần hoàn hơn bao gồm sự phát triển của thị trường quần áo cũ và các đầu vào thô bền vững hơn để phục vụ cho nhóm khách hàng có ý thức hơn về môi trường. Ngoài ra, những người làm công việc sáng tạo có thể thúc đẩy nhận thức về môi trường thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc, phim ảnh và triển lãm.
- Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trải dài trên nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều kỹ năng và tài năng khác nhau. Tiềm năng của các ngành công nghiệp sáng tạo nằm ở phạm vi năng lực và sự hợp tác tiềm năng có thể được sử dụng hiệu quả bao gồm phim ảnh, thời trang, trò chơi điện tử, âm nhạc và nghệ thuật.
Thách thức của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với giới trẻ Việt Nam
Quá trình toàn cầu hóa diễn ra không chỉ tác động về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta đã và đang phải đối mặt với quá trình toàn cầu hóa văn hóa, sự cạnh tranh văn hóa, tranh giành ảnh hưởng giữa các nền văn hóa một cách mạnh mẽ. Nguồn nhân lực Việt Nam trẻ trung, năng động, có cá tính nhưng họ đang cần một bệ đỡ vững chắc để có thể đi một cách đường hoàng, đĩnh đạc. Hiện tại, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức dưới đây:
1. Chênh lệch đầu ra
Trong ngành công nghiệp sáng tạo, có thể nói lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, hội họa, quảng cáo số, nghệ thuật số... đang thu hút giới trẻ cũng như có mặt trong thị trường việc làm nhiều nhất. Tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm của nhóm ngành nghệ thuật lại đứng trong top đầu những ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất giai đoạn 2018 - 2021. Số liệu của Bộ GD&ĐT thống kê hồi tháng 5/2023 cho thấy, trong 4 năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm lĩnh vực nghệ thuật dao động từ 93,5 - 97,1%. Tính trong khoảng 4 năm, nghệ thuật là lĩnh vực có năm đạt tỷ lệ cao nhất ở mức hơn 97%.
Một số nhóm ngành như ngành công nghiệp giải trí, phim hoạt hình 3D, sản xuất phim truyền hình, quảng cáo... cũng phát triển mạnh nên thu hút bạn trẻ theo học các ngành này. Lĩnh vực thiết kế đòi hỏi người học có tư duy sáng tạo và cơ hội việc làm hiện rất cao do nhu cầu nhân lực ngày càng cao.
Trong khi đó, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, rối, cải lương.), nghệ thuật hàn lâm (Opera, Ballet) lại đang khan hiếm nghiêm trọng nguồn nhân lực trẻ. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%.
Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Nhà hát Cải lương Việt Nam có 9 diễn viên dưới 35 tuổi, chiếm tỷ lệ 12%. Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam có xấp xỉ 10 diễn viên dưới 35 tuổi, chiếm tỷ lệ 14%. Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Nam có 10 diễn viên dưới 35 tuổi, chiếm 18%. Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát đương đại tỷ lệ nghệ sỹ trẻ chiếm cao hơn một chút.
Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những người trẻ tài năng, có thanh, có sắc song họ đang bị thu hút mạnh mẽ vào những lĩnh vực “hot”, dễ thành sao như điện ảnh, ca nhạc, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội... Trong khi đó, với nghệ thuật truyền thống hay hàn lâm để nổi tiếng thì phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, học tập, rèn luyện cả chục năm trời.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực nghệ thuật luôn được truyền thông liên tục nhắc đến bởi không chỉ có cơ hội việc làm cao mà mức lương cũng thuộc “hàng top”. Thế nhưng, khác với thực tế, những ngành học này chưa thể thu hút thí sinh theo học dù “cầu lớn hơn cung”. Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2023, lĩnh vực nghệ thuật chỉ chiếm 1,47% thí sinh tham gia xét tuyển đại học, tăng 0,11% so với năm 2022. Dù có mức tăng nhẹ so với năm trước, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng con số này là vô cùng thấp so với nhu cầu hiện tại.
2. Chênh lệch đầu vào
Thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu về các sản phẩm sáng tạo cũng ngày càng tăng cao. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho những người có khả năng sáng tạo. Vì vậy, tỷ lệ sinh viên lựa chọn các ngành mang tính sáng tạo trong công nghiệp văn hóa ngày càng tăng lên. Một số ngành được coi là “hot” như thiết kế, thời trang, marketing, sáng tạo nội dung trên các nền tảng xã hội, thiết kế đồ họa, biên tập viên phim và video...
Riêng đối với nghệ thuật biểu diễn, tình trạng khan hiếm nhân lực đầu vào luôn là vấn đề nhức nhối mặc dù đầu ra có tiềm năng. Hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 01 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm, thậm chí có trường phải cho giáo viên nghỉ bớt vì quá ít sinh viên; một số trường phải đóng ngành đào tạo vì không có người học. Các trường nghệ thuật đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng rất khó tuyển sinh. Việc đào tạo nhạc công cho kịch hát dân tộc cũng buộc phải ngừng bởi không có người học. Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, một trong những trường có số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh đông nhất so với các cơ sở đào tạo năng khiếu, số hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào trường năm 2024 là khoảng 1.010, so với năm 2023 là giảm gần 1/3 (1.500 hồ sơ). Chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình vẫn luôn thu hút số lượng thí sinh đăng ký cao với số hồ sơ chiếm 50%, trong khi số hồ sơ đăng ký vào các chuyên ngành Kịch hát dân tộc rất ít ỏi, như Chèo có 15 hồ sơ, Múa rối 7 hồ sơ...
Xung quanh vấn đề đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Tạ Quang Đông cho biết: “Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải không có sự đầu tư của nhà nước mà thực tế đang thiếu người học. Theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo học sinh ở nước ngoài, riêng với Nga, chúng ta có 1.000 suất học bổng hàng năm nhưng không đủ người để đi. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 2 đề án về đào tạo trong nước và cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Hàng năm, chúng tôi vẫn tuyển sinh các cháu trong độ tuổi, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo ở nước ngoài để đưa đi. Chúng tôi có quan hệ trực tiếp với tất cả các trường đào tạo nghệ thuật nổi tiếng nhất, danh tiếng trên thế giới để cử sinh viên tới học, nhưng số người đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Về lĩnh vực điện ảnh thì trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đưa được 30 học sinh tới Mỹ, Australia học đại học và trên đại học, âm nhạc cũng vậy. Đối với ngành múa và xiếc, trong năm tới, chúng tôi xúc tiến việc đưa các cháu nhỏ tuổi hơn đi học từ hệ trung cấp”.
3. Bất cập về chính sách
Một bất cập lớn mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn luôn “kêu cứu” suốt nhiều năm qua là những bất hợp lý về tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu. Tổng hợp từ các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho thấy, số lượng nghệ sĩ, diễn viên “hết tuổi nghề” nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ hưởng lương là rất lớn, đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật đặc thù như xiếc, múa... Số này, nếu không được bố trí, sắp xếp vị trí phù hợp hoặc tham gia công tác đào tạo, truyền nghề thì họ vẫn ở lại từ 10-15 năm nữa mới đủ tuổi về nghỉ chế độ, gây khó khăn cho đơn vị trong quá trình trẻ hóa đội ngũ, nâng cao chất lượng biểu diễn. Lương chính, phụ cấp và khung thù lao đều rất thấp nhưng điều kiện thăng hạng viên chức để tăng thu nhập lại bộc lộ khá nhiều bất cập.
Căn cứ vào báo cáo rà soát của Vụ Pháp chế tổng hợp cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTT&DL thì hiện tại có 7 nội dung chính cần nhanh chóng tháo gỡ và có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế (hợp đồng lao động đối với diễn viên; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp; thăng hạng chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng, ưu đãi; phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp lưu động; tuổi nghỉ hưu, tuổi hưởng lương hưu của viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn).
Mặt khác, nội dung về Xây dựng chính sách quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm tại Quyết định số 01/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 1/1/2020 cho thấy một sự thật phũ phàng là tất cả những nghệ sĩ hợp đồng (cả dài lẫn ngắn hạn) đều bị đưa ra khỏi bảng lương.
Tuy nhiên, những nghệ sĩ hợp đồng ấy đa phần là người trẻ, đóng vai trò soloist hoặc nghệ sỹ chính. Trong khi đó, quy luật của sân khấu là “thầy già, con hát trẻ”, nên các vở diễn lớn đều cần đến những nghệ sĩ trẻ này. Dù đồng lương biên chế còn ít ỏi, nhưng không có nó cũng đồng nghĩa không bảo hiểm, không được công nhận là người của Nhà hát. Những nghệ sĩ trẻ làm sao có thể toàn tâm cống hiến cho các đơn vị nghệ thuật khi bị coi như kẻ ở nhờ? Mà họ thì luôn đứng giữa ngã ba đường, với quá nhiều lời mời gọi từ điện ảnh và truyền hình - những môi trường trọng vọng hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Giải pháp
Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, chính sách đãi ngộ nghệ sĩ thuộc ngành văn hóa nghệ thuật đã có những chuyển biến tích cực. Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành như Nghị định 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ (cho phép một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù được tuyển dụng các nghệ sĩ, diễn viên tuổi đời đủ 15 tuổi trở lên vào ngạch công chức, viên chức) cũng đã mở ra cho các nghệ sĩ trẻ cơ hội việc làm ổn định; Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng với nhiều thay đổi nhằm nâng cao đời sống văn nghệ sĩ...
Dù vậy, những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách đang đòi hỏi phải thay đổi toàn diện để giới nghệ sĩ biểu diễn có thể yên tâm gắn bó với các đoàn nghệ thuật, từ đó thỏa sức sáng tạo và cống hiến cho công chúng những tác phẩm chất lượng trong tương lai.
1. Tối ưu hóa các nguồn lực: Ngay từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (năm 1943), Đảng ta đã xác định vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa, luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu với rất nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo dục văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, sự thay đổi về thị hiếu của khán giả cũng đang là trở ngại lớn trên con đường thu hút nhân tài để phát triển nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chính vì vậy, muốn giải bài toán này thì cần thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực để chấn hưng nghệ thuật. Khi nghệ thuật hấp dẫn người xem, đời sống nghệ sĩ được đảm bảo thì sẽ hấp dẫn được nhiều người học. Đồng thời, khi thu hút được nhiều tài năng thì nghệ thuật cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Vấn đề mấu chốt để thu hút người trẻ đến với ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là làm thế nào để họ cảm thấy “có tương lai”, có thu nhập tương xứng với tài năng và cống hiến nghệ thuật.
Thực tế, trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ như miễn giảm học phí, chế độ bồi dưỡng nghề và hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn cho học sinh, sinh viên. Chẳng hạn như người học được giảm 70% học phí, được nhận học bổng, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp... Tuy vậy, trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành nghệ thuật truyền thống vẫn rất èo uột. Ngược lại, theo học chuyên ngành điện ảnh, truyền hình thì phải đóng toàn bộ học phí, làm bài tập tốn kém, nhưng số thí sinh thi vào lại đông.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ sỹ: Gần đây, trong quá trình triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có ý kiến: “không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề, các cơ quan, đơn vị sử dụng cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy những kinh nghiệm, sức lao động của người lao động”.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ VHTT&DL đã hoàn thiện và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (Công văn 2467/BVHTTDL-NTBD ngày 12/6/2024), trong đó có nêu các chính sách về tuổi nghỉ hưu, hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3. Xây dựng quỹ hỗ trợ: Chính phủ có thể xây dựng các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa nhằm tài trợ cho các dự án sáng tạo, các hoạt động biểu diễn, công trình nghệ thuật và các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa. Nhằm đạt được mục tiêu đó, hàng năm, Chính phủ có thể dành một phần ngân sách để tài trợ cho các dự án sáng tạo và hoạt động văn hóa. Các khoản tài trợ này có thể được xác định và cấp phát thông qua quy trình ngân sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài ra, có thể huy động nguồn tài trợ cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật từ các doanh nghiệp thông qua các gói tài trợ, quảng cáo, tài trợ sự kiện hoặc đóng góp tiền mặt cho các dự án và hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, có thể huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và cá nhân. Để thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa, cần thiết lập chính sách, quy định và quy trình xác định, đánh giá và phân phối các khoản tài trợ, bảo đảm sự minh bạch, công bằng và hiệu quả.
4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Nên xây dựng chương trình đào tạo và phát triển nhân lực thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, chương trình bồi dưỡng... Để thúc đẩy cơ chế này, Bộ VHTT&DL có thể tìm kiếm nguồn xã hội hóa để tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của các nghệ sĩ, nhà sản xuất và chuyên gia văn hóa. Cụ thể là các khóa đào tạo về quản lý nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất, marketing và quảng bá, quản lý sự kiện cùng các kỹ năng sáng tạo khác, cung cấp cơ hội học tập và phát triển cho cộng đồng địa phương, tạo ra một môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các tài năng văn hóa.
Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL có thể xây dựng các chương trình học bổng dành cho các nghệ sĩ và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa, qua đó thúc đẩy sự phát triển năng lực của các cá nhân có tiềm năng và đam mê trong lĩnh vực này.
5. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục chính trị, định hướng, động viên nghệ sĩ trẻ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người làm công tác văn hóa, thường xuyên tự phê bình và phê bình, chống các biểu hiện ảo tưởng, mơ hồ, hữu khuynh, kiên quyết ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời cảnh giác, tránh tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá chế độ trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Nghệ sĩ trẻ phải tích cực tham gia công tác đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
6. Xem xét lại việc đãi ngộ đối với các nghệ sĩ: Nhà nước đã có nhiều chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho nghệ sỹ, nghệ nhân, song như vậy vẫn chưa đủ. Việc khen thưởng, tôn vinh nghệ sỹ cần có những ủy ban độc lập theo dõi, đánh giá quá trình nghiên cứu, thực hành văn hóa, nghệ thuật của các nghệ sỹ, chủ động lập hồ sơ, đề xuất Nhà nước khen thưởng, công nhận danh hiệu, từ đó có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Ngoài ra, một số nước còn có các quỹ nghệ thuật hoạt động độc lập, khách quan để tài trợ dự án nghiên cứu, thực hành của các nghệ sĩ.
Kết luận:
Cụm từ thế hệ trẻ (người trẻ) luôn gắn liền với sự thay đổi, hy vọng và tương lai, qua đó hứa hẹn một cuộc sống mới, một xu thế mới và một sự phát triển mới. Sự linh hoạt về mặt sinh học, văn hóa, xã hội cho phép họ khả năng sáng tạo không có bất kỳ hạn chế nào. Về bản chất, trí tưởng tượng của người trẻ sẽ là nguồn nguyên liệu sản xuất cho nền kinh tế. Sáng tạo luôn là tài sản lớn nhất của người trẻ. Vì vậy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, nhờ có họ, trở thành một thị trường tiềm năng cho bất kỳ ngành kinh tế của mỗi quốc gia biết nhìn nhận và nắm bắt, biến nó thành nguồn tài sản vô giá. Nhận diện được các yếu tố tác động đến người trẻ trong ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế của quốc gia đó.
Tài liệu tham khảo:
1. UNESCO, 2022a, 2023
2. OECD, 2021
3. Khảo sát năm 2024 của UNCTAD về công nghiệp sáng tạo
4. UNCTAD, dựa trên Triển vọng ngành công nghiệp sáng
tạo toàn cầu 2023-2027
5. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, https://tulieuvankien. dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-vedang/hoi-nghi-bch-
trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtwngay-962014-
hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uongdang-khoa- xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590
6. https://bvhttdl.gov.vn/hoan-thien-chien-
luoc-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep- van-hoa-viet-nam-20241014201324964. htm#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20 n%C4%83m%202030%2C%20ph%C3%A1t%20
tri%E1%BB%83n,h%C3%B3a%20%C4%91%C3%B3ng%20 g%C3%B3p%207%25%20GDP.
7. https://www.s4ye.org/node/3725
8. https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/ PD_Factsheet_Age%20%26%20Sex%20structure%20in%20
Viet%20Nam_printed%20in%202016_VIET_0.pdf
9. Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam, 8-2020, British
Council
10. UIS (2020), World Bank World Development
Indicators (2023)
11. https://giaoducthoidai.vn/thi-truong-nghe-thuat-viet-hut-
nguoi-tre-post637295.html
12. https://tienphong.vn/bo-gddt-cong-bo-nhung-nganh-co-
ty-le-tuyen-sinh-cao-nhat-post1514639.tpo
13. Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL
14. https://bvhttdl.gov.vn/thu-truong-ta-quang-dong-nghe-
thuat-bieu-dien-phai-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-dong-
thoi-gin-giu-va-quang-ba-duoc-ban-sac-truyen-thong-van-
hoa-viet-nam-2024011316464127.htm
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)