Để có thể từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, thời gian tới, TPHCM phải cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; tiêm vaccine cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường năng lực điều trị; đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến quy mô dưới cấp xã, phường; thực hiện nghiêm giãn cách trong thời gian còn lại và tăng cường, đổi mới công tác xét nghiệm…
Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý thông tin sức khoẻ của người dân (kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine), đánh giá nguy cơ dịch bệnh… để các hoạt động của DN, người dân trong trạng thái bình thường mới được diễn ra thông thoáng, an toàn, chắc chắn, đồng thời kiểm soát dịch bệnh bền vững.
Trong suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 luôn chỉ đạo xuyên suốt việc xây dựng, triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh… tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư…
Với phương châm “vừa làm, vừa phối hợp” giữa các đơn vị phục vụ thiết thực cho mục đích chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế, Bộ Công an trong tổ chức thực hiện.
Trên tinh thần đó, TPHCM đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ TT&TT, Bộ phận thường trực, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn khi kết nối, liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng khác nhau cũng như sử dụng để điều hành hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Vì vậy, Thành phố mong muốn sớm triển khai ứng dụng phòng, chống dịch duy nhất như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi cập nhật, làm sạch thông tin tiêm chủng, kết quả xét nghiệm của người dân để đưa lên hệ thống dữ liệu quốc gia; trích xuất, sử dụng các dữ liệu này phục vụ phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trao đổi tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng là phải khẩn trương xây dựng một ứng dụng phòng, chống dịch duy nhất, không chỉ sử dụng riêng tại TPHCM, mà sau khi hết giãn cách xã hội sẽ phục vụ cho việc liên thông đi lại trong cả nước, thậm chí đi ra nước ngoài.
Về một số vấn đề cụ thể cần làm ngay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an, các DN viễn thông, công nghệ thông tin (Viettel, VNPT) khẩn trương hoàn thiện, vận hành thông suốt hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Người dân tiêm chủng ở đâu cũng được cập nhật ngay. Khắc phục tình trạng mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa thông tin mới có thể cập nhật lên hệ thống dữ liệu quốc gia.
Trước mắt, cần có giải pháp trung gian, tạm thời để kịp thời cập nhật thông tin tiêm chủng của tất cả người dân TPHCM phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cập nhật kết quả xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh của người dân thực hiện tại các cơ sở y tế, điểm xét nghiệm, các DN… lên hệ thống dữ liệu quốc gia, đồng thời tổ chức phân hệ dữ liệu phục vụ cho hoạt động điều hành phòng, chống dịch của Thành phố.
Hiện nay, TPHCM đã xây dựng bản đồ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng tổ dân phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thành phố tiếp tục đánh giá nguy cơ ở quy mô nhỏ hơn nữa, thậm chí đến từng gia đình, trên cơ sở phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) sử dụng nền tảng Bản đồ số Việt Nam (Vmap).
Bản đồ này không chỉ phục vụ phòng, chống dịch mà hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai các gói an sinh, tiền hỗ trợ đến từng gia đình, cá nhân, không để người dân tập trung tại các địa điểm chi trả như vừa qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TPHCM là địa phương đang bị dịch nặng nề nhất, hiệu quả ứng dụng công nghệ sẽ rõ nhất nếu làm tốt, từ đó trở thành mô hình cho các địa phương khác áp dụng. Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an đều có bộ phận thường trực tại TPHCM phải phối hợp giải quyết ngay các vướng mắc cho Thành phố.
Bên cạnh đó, TPHCM cần mạnh dạn nêu yêu cầu, “đề bài” và huy động nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch hiệu quả.