Nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp

Đỗ Thêu| 08/11/2022 08:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp cơ sở theo mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh như vậy tại "Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của Tổ KNCĐ tại An Giang" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, tổ chức tại TP. Long Xuyên (An Giang) mới đây.

Hệ thống khuyến nông đóng góp quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, tổng số cán bộ khuyến nông các cấp trên toàn quốc là 36.812 người. Trong đó, cấp trung ương là 92 người, cấp tỉnh là 2.114 người, cấp huyện là 4.347 người, cấp xã là 8.880 người, cấp thôn bản là 21.379 người và khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm ngàn nông dân ở các vùng, miền trong cả nước.

Hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp rất tích cực và quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Khuyến nông là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; Cũng là nơi cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khuyến nông hiện đang gặp những khó khăn, thách thức và thiếu tính bền vững, đó là: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của tổ chức chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương thực hiện không đồng bộ, thống nhất đã có 33/63 tỉnh tiến hành sắp xếp Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh. 

Có 2 tỉnh giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh, 36/63 tỉnh đã tiến hành hợp nhất Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật (BVTV), Trạm thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện. Nhiều tỉnh đã giải thể đội ngũ khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn ấp. Điều này đã gây nên tình trạng "đứt gãy" hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững.

Theo ông Lê Quốc Thanh, trong bối cảnh mới và những yêu cầu mới vừa tạo ra những thuận lợi mới, cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới cho cả ba vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta. Ngành khuyến nông tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển.

Trước nhất là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền.

Giai đoạn hiện tại, công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, đa dạng hoạt động khuyến nông theo cách tiếp cận dịch vụ; Tăng cường công tác khuyến nông cơ sở, cấp xã, lấy hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; Tăng cường nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển HTX (vận động, tư vấn thành lập HTX, tư vấn tổ chức sản xuất), thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số. Đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ KNCĐ" là hết sức cần thiết nhằm góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.

"Nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở theo mô hình Tổ KNCĐ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông. Phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông", Giám đốc Lê Quốc Thanh khẳng định.

Kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp cơ sở theo mô hình Tổ KNCĐ

Tại buổi tọa đàm các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ nông dân, cũng có nhiều ý kiến, kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của Tổ KNCĐ. Việc hình thành các Tổ KNCĐ thuộc hệ thống khuyến nông nhằm tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ. Hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình thuộc các lĩnh vực khác nhau, lúa gạo, cây ăn trái, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Các ý kiến cũng thống nhất cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp cơ sở theo mô hình Tổ KNCCĐ.

Qua đó để tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu, có khả năng tham gia liên kết chuỗi giá trị. Thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm, cho thành viên các HTX và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết: KNCĐ là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giúp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sở NN&PTNT An Giang đã có quyết định thành lập thí điểm 10 Tổ KNCĐ. Ban hành quy chế hoạt động của tổ nhằm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình KNCĐ.

Cụ thể, 10 Tổ KNCĐ thí điểm được triển khai tại các xã: Vọng Đông, Thoại Giang, Bình Thành, Tây Phú, An Bình, Vọng Thê (huyện Thoại Sơn); xã Tân Tuyến, Tà Đảnh (huyện Tri Tôn); xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú); xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành).

"An Giang rất kỳ vọng Tổ KNCĐ đi vào hoạt động sớm sẽ giúp thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp tỉnh nhà", Phó Giám đốc Trương Kiến Thọ nhấn mạnh ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO