Ngày 14/8/2020, Ban điều phối chung (JCC) của dự án tổ chức họp phiên 2 để ghi nhận những ý kiến tổng hợp, đánh giá, kết quả về hoạt động Dự án trong 01 năm vừa qua và kế hoạch hoạt động cho năm 2021 tiếp theo.
Dự án "Hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT và năng lực thực thi pháp luật về ATTT tại Việt Nam" chính thức được triển khai từ ngày 26/6/2019. Ngày 24/9/2019, Bộ TT&TT và Trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức thành công phiên họp JCC lần thứ nhất để khởi động dự án và thống nhất kế hoạch thực hiện năm 2020.
Ngày 03/6/2020, Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 938/QĐ-BTTTT phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng đảm bảo ATTT và năng lực thực thi pháp luật về ATTT tại Việt Nam". Đến thời điểm hiện tại, sau 01 năm hoạt động chính thức của dự án, với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia Dự án JICA Cybersecurity và Cục ATTT - Bộ TT&TT, các hoạt động Dự án đang được thực hiện thuận lợi và tốt đẹp.
Hiệu quả thiết thực trong hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao
Theo ông Yamazaki Hiroto, chuyên gia JICA về An ninh mạng/điều phối dự án cho biết: Dự án có 3 cấu phần chính: Kế hoạch phát triển nghề nghiệp và đào tạo an ninh mạng, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.
Về kế hoạch phát triển nghề nghiệp và đạo tạo nhân lực an ninh mạng, ông Yamazaki Hiroto cho biết: Nội dung này được thực hiện kỹ lưỡng khi tiến hành các bước từ phỏng vấn học viên tham gia các khóa học để từ đó thiết kế nội dung khóa học phù hợp, tổ chức bài kiểm tra ngắn trước và sau đào tạo để xem năng lực của học viên.
Sau khóa đào tạo này, dự án tiếp tục đào tạo trực tuyến 1 - 3 tháng và tiếp tục kiểm tra khả năng của học viên. Nếu đạt mức trên 90% yêu cầu thì các học viên sẽ tiếp tục tham gia các khóa thi cấp chứng chỉ quốc tế.
Khoá học đặt mục tiêu đào tạo 80 học viên là các chuyên gia từ Bộ TT&TT với 14 khóa đào tạo ngắn hạn và hiện đã có 72 cán bộ tham gia. Ngày 23/7/2020, các chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp cùng với Cục ATTT đánh giá chung về kết quả đào tạo này. Đến nay, 32 học viên đã đạt mức trên 90% yêu cầu để thi chứng chỉ quốc tế, 25 cán bộ đã nhận được chứng chỉ đào tạo ATTT quốc tế, đạt 75%.
Đánh giá về kết quả đào tạo của dự án, đại diện Cục ATTT, đơn vị chủ dự án cho biết: Để tổ chức đào tạo hiệu quả đúng đối tượng, Cục ATTT tham gia cùng với các chuyên gia Nhật Bản vào việc xây dựng từng nội dung đào tạo cho các đối tượng tham gia, yêu cầu cấp lãnh đạo trực tiếp của cán bộ tham gia đào tạo có ý kiến về nội dung đào tạo, bổ sung nội dung đào tạo cần thiết và đặc biệt phải xác nhận về cam kết để tạo mọi điều kiện cho cán bộ tham gia đào tạo.
Cục ATTT cũng đã tiến hành những khảo sát, đánh giá riêng về hiệu quả đào tạo nhân sự và các đánh giá của Cục cũng tương đồng với đánh giá của JICA. Cục cũng ghi nhận phản hồi tích cực của nhân sự về các khóa đào tạo và nhận định công tác đào tạo có hiệu quả, mang lại kết quả nâng cao năng lực cho cán bộ.
Cũng theo Cục ATTT, dự án rơi vào thời điểm khó khăn khi có việc sáp nhập về mặt tổ chức, đó là Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) nhập về Cục ATTT nhưng JICA đã gấp rút hỗ trợ các nhân sự của VNCERT. Dự án cũng chịu sự tác động của dịch Covid-19 nhưng đã được điều phối hoạt động linh hoạt thông qua hình thức tổ chức đào tạo trực tuyến và kết quả đào tạo được ghi nhận là đảm bảo chất lượng.
Cục đánh giá cao khi JICA đã cử chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tận tình cho nhân sự của Cục ATTT. Trong quá trình triển khai dự án, Cục đã đề xuất về đào tạo ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho các cán bộ kỹ thuật tham gia đào tạo và JICA đã tích cực hỗ trợ.
Ông Lê Nam Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đánh giá cao hiệu quả của dự án, đặc biệt là nội dung đào tạo nhân lực ATTT cấp cao. Đây là điều kiện lan tỏa hiệu quả của dự án cả trên diện rộng và chiều sâu. Mục tiêu và quy mô của Dự án đã và đang triển khai là một yếu tố để hỗ trợ cho những chiến lược, kế hoạch phát triển về ATTT nhấn mạnh về nguồn nhân lực Việt Nam trong thời gian tới.
Thành công của dự án giúp các đơn vị của Bộ TT&TT nhân rộng về mặt ảnh hưởng giá trị gia tăng bức tranh về mặt kinh tế trong trụ cột phát triển ATTT, an ninh mạng tại Việt Nam, không chỉ ở Bộ TT&TT mà còn nhân rộng ra các ngành khác.
Từ góc độ mô hình kinh tế, ông Trung cho biết: Đây là những đầu tư mô hình để phục vụ chính phủ chuyển đổi số nhanh hơn, thúc đẩy xã hội số hóa để đẩy nhanh tiến độ phát triển tại Việt Nam.
Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác về ATTT với Việt Nam
Trong thời gian tiếp theo của dự án, Cục ATTT đề xuất tiếp tục phối hợp cùng nhóm chuyên gia JICA để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án: Tổ chức các khóa học theo thống nhất Bảng kế hoạch đào tạo; Kiểm tra kết quả CDP sau mỗi 6 tháng; hỗ trợ thực hiện các sản phẩm tuyên truyền về ATTT….
Theo các chuyên gia Nhật Bản, với hiệu quả tích cực từ dự án, Dự án đã được phía Nhật Bản xem xét gia hạn kéo dài thêm 4 tháng.
Bà Iwama Nozomi, Phó Trưởng đại diện dự án JICA tại Việt Nam khẳng định trong thời gian qua, các chuyên gia Nhật và Cục ATTT đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện dự án hiệu quả.
Do ảnh hưởng của Covid-19, cuộc sống của người dân Việt Nam đã bị tác động, theo đó, ứng dụng CNTT đã được phát huy nhằm giúp người dân Việt Nam thích nghi để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc người dân tăng cường làm việc, giao dịch trên môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ATTT nên việc công việc quản lý, ứng phó rủi ro của Bộ TT&TT là một công việc hết sức quan trọng.
Bà cũng khẳng định: Giới trẻ Việt Nam cũng hết sức quan tâm và nhận thức nhất định về ATTT mạng. Điều này làm chúng tôi quan tâm, là động lực để Nhật Bản tăng cường hợp tác xây dựng hệ thống ATTT mạng ở Việt Nam. Song song với việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, JICA tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam về tăng cường nhận thức ATTT mạng.
Chủ trì và kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao thiện chí, sự tích cực hỗ trợ, cách làm việc nghiêm túc, chuẩn bị kỹ lưỡng của các chuyên gia Nhật Bản.
Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các mục tiêu của công việc đề ra cho đến tháng 11/2021. Việc kéo dài dự án 4 tháng phải có sở cứ hết sức tập trung chủ yếu vào nội dung tiếp tục nâng cao năng lực, nhận thức ATTT, phục vụ các mục tiêu quản lý ATTT.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam được hưởng lợi từ dự án này chính là phương pháp luận, cách thức để đề ra các tiêu chuẩn cũng như thực hiện các tiêu chuẩn trong nâng cao năng lực cho cán bộ ATTT, cũng như các phương pháp mới dễ tiếp cận liên quan đến vấn đề tăng cường nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ về ATTT khi dự án kết thúc".