Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số

PV| 08/01/2021 21:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đã triển khai có ý nghĩa việc ứng dụng CNTT hướng tới nền kinh tế số và xã hội số. Bài học kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới Chính phủ số sẽ góp phần ứng dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Sáng ngày 8/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì hội thảo trực tuyến: "Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số".

Điểm cầu chính của hội thảo tại Hà Nội và được truyền trực tuyến với đầu cầu Nhật Bản và 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển CPĐT - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio chủ trì hội thảo. Ảnh: VGP

Ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hướng tới nền kinh tế số và xã hội số

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đây là Hội thảo lần thứ 3 giữa VPCP và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển CPĐT (hội thảo lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8/2019, lần thứ 2 vào tháng 02/2020), và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai CPĐT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản, cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ các cơ quan nhà nước của Việt Nam nói chung, hỗ trợ VPCP nói riêng về cải cách hành chính, xây dựng CPĐT trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, năm 2020 vừa đi qua với rất nhiều khó khăn, thách thức cho các quốc gia trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và là một trong số ít quốc gia trên thế giới và khu vực có mức độ tăng trưởng dương (đạt 2,91%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Một trong những giải pháp mà Việt Nam đã triển khai có ý nghĩa trong bối cảnh giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động của nền kinh tế đó là việc ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hướng tới nền kinh tế số và xã hội số; đây cũng là một xu hướng tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các nước.

Việt Nam đã xây dựng và vận hành một số Hệ thống thông tin nền tảng quan trọng của CPĐT tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin bao cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho người dân, doanh nghiệp (DN). Trong đó, Cổng DVCQG sau hơn 1 năm vận hành đến nay đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 DVCTT trên tổng số gần 7 nghìn TTHC tại 4 cấp chính quyền với những dịch vụ thiết yếu đối với mỗi người dân, DN.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay có hơn 102,5 triệu lượt truy cập, trên 424 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 28,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; gần 769 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng DVCQG; tiếp nhận, hỗ trợ trên 46 nghìn cuộc gọi, hơn 9.800 phản ánh, kiến nghị.

"Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVCTT là vào khoảng trên 8.100 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi VPCP triển khai các hệ thống thông tin nêu trên vào khoảng hơn 9.800 tỷ đồng, tương đương 426 triệu đô la Mỹ/năm".

Trong những thành công kể trên, Việt Nam nhận thức có dấu ấn của sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản mà trực tiếp là Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Văn phòng Nội các và Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT

Từ chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của bộ, cơ quan, địa phương mình. Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển CPĐT là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế. Nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT, gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Đồng thời, đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các DN, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Triển khai hiệu quả việc cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG; số hóa kết quả giải quyết TTHC, ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN.

"Qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai CPĐT, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển CPĐT

Tại hội thảo, Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio nêu ý kiến, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục phức tạp thì việc phát triển CPĐT, Chính phủ số ngày càng trở nên quan trọng trên toàn thế giới. Đại sứ Nhật Bản đánh giá cao việc triển khai cung cấp dịch vụ công của các cơ quan của Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID -19 với các dịch vụ công đa dạng, tránh tiếp xúc trực tiếp.

Đại sứ cũng cho rằng các hệ thống thông tin mà VPCP đang triển khai là một trong nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính, nhằm hỗ trợ việc ra chính sách một cách nhanh chóng, kịp thời.

Theo Đại sứ Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam trong phát triển CPĐT. Chính phủ Nhật Bản mong muốn thông qua hội thảo chia sẻ các kinh nghiệm Nhật Bản đã thực hiện từ trước đến nay, hy vọng Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc ra các chính sách quyết định, đóng góp vào sự phát triển CPĐT của Việt Nam trong thời gian tới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO