Truyền thông

Nhiều địa phương tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Trâm Anh 06/12/2024 15:20

Các địa phương trên cả nước không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh của quốc gia, góp phần đưa du lịch Việt Nam vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

picture22.png
Mỗi địa phương đều mang nét đặc trưng riêng về cảnh quan, con người, phong tục và văn hóa, tạo nên bức tranh du lịch đa sắc màu cho Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Mỗi địa phương tại Việt Nam mang những nét đặc trưng riêng về cảnh quan thiên nhiên, con người, phong tục và văn hóa, tạo nên bức tranh du lịch đa dạng, hấp dẫn, góp phần định hình bản sắc độc đáo cho du lịch Việt Nam, thu hút du khách quốc tế.

Nhận thức được tiềm năng này, các tỉnh, thành phố trong cả nước không ngừng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại địa phương, hướng đến mục tiêu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Quảng bá Việt Nam qua di tích lịch sử, văn hóa

Tiên phong trong hoạt động quảng bá du lịch, thủ đô Hà Nội đã tổ chức nhiều lễ hội du lịch thường niên với chuỗi hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Giới thiệu các sản phẩm kích cầu du lịch của các khu, điểm, doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; Khu gian hàng ẩm thực Hà Nội, đem đến cho du khách cơ hội thưởng thức những món ăn ngon đặc sản của Hà Nội; trải nghiệm làm nghề truyền thống tại khu giới thiệu du lịch làng nghề truyền thống; tham gia các Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận về hiện trạng, tiềm năng, cơ hội, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cho thủ đô Hà Nội.

Các DN lữ hành trên địa bàn cũng rất tích cực mang đến cho du khách những sản phẩm tour độc đáo, mang lại trải nghiệm mới, được xây dựng trên cơ sở những điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm-Sơn Tây và nhiều địa điểm hấp dẫn khác.

picture23.png
Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” thu hút lượng lớn khách du lịch tham gia khám phá khu di sản về đêm. Ảnh: N. Nguyễn

Đến với TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ hàng đầu Việt Nam, hội tụ nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển hạ tầng, đổi mới sáng tạo cũng đã đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh của thành phố du lịch.

Các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, tuyến Metro số 1 và nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được triển khai, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn thúc đẩy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và mạng lưới giao thông phục vụ du lịch được thuận tiện.

Bên cạnh đường bộ, TP. HCM hiện có 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Với lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận.

Nhiều khu vực sông nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. HCM có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. HCM)... không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên mà còn là những điểm đến nổi tiếng theo hình thức du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách nước ngoài tới thăm.

Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đã đạt được những thành công nhất định. Đặc biệt, tại TP. HCM hiện khai thác gần 60 tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn (độ dài tuyến dưới 10 km), tầm trung (độ dài tuyến dưới 60 km), tầm xa (độ dài tuyến trên 60 km).

picture24.png
Tràm Chim được biết đến là nơi cư trú loài sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới cùng nhiều loài chim quý hiếm. Du khách sẽ được đi thuyền khám phá rừng tràm bạt ngàn, và chiêm ngưỡng các loài chim quý như sếu đầu đỏ vào mùa cao điểm. (Ảnh: Quốc Trung)

Du lịch đường sông đã và đang là một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Du lịch đường sông góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông.

Một điểm đến không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là phố cổ Hội An với tuổi đời ước tính hơn 400 năm, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Theo đó, tại đây, các hoạt động quảng bá du lịch thường tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản. Nổi bật trong các sự kiện là Lễ hội đèn lồng Hội An và các hoạt động nghệ thuật đường phố, qua đó giới thiệu hình ảnh đặc sắc của đô thị cổ nhằm quảng bá tới du khách quốc tế.

Việc tổ chức các chuỗi sự kiện tại các làng nghề truyền thống và không gian sáng tạo trên địa bàn cũng là cơ hội để giới thiệu nét đẹp văn hóa, tôn vinh và phát huy những giá trị nghề truyền thống của phố cổ Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

picture25.png
Làng nghề lồng đèn 400 năm tuổi ở Hội An không chỉ duy trì các giá trị văn hóa truyền thống mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Tổ quốc

Quảng bá bản sắc Việt Nam qua các lễ hội

Với Đà Nẵng, thành phố đã từng bước khẳng định được vị thế của mình như một "thành phố đáng sống" trong nhiều năm qua. Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá du lịch nổi bật, góp phần nâng cao hình ảnh của một thành phố văn minh, hiện đại, an toàn và tươi đẹp.

Có thể kể đến như: Khai thác du lịch đêm tại cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu, với các hoạt động âm nhạc dân tộc, vũ hội đường phố vào cuối tuần. Đây là nỗ lực của địa phương trong việc phát triển kinh tế ban đêm nhằm mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Ngoài ra, hàng năm tại Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều lễ hội lớn nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến với thành phố. Tiêu biểu có thể kể đến là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Lễ hội kéo dài trong vài ngày bao gồm các hoạt động vui chơi, giải trí sôi động, trở thành yếu tố chính giúp Đà Nẵng tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách du lịch, đặc biệt là vào cao điểm hè. Đây là sự kiện nổi bật nhất với các màn trình diễn pháo hoa quy mô lớn với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới, kết hợp cùng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu "Đà Nẵng - Thành phố sự kiện và lễ hội."

picture26.png
Lễ hội bắn pháo hoa quy mô lớn với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới trở thành yếu tố chính giúp Đà Nẵng tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách du lịch. Ảnh: Internet

Tại các địa phương khác trên vùng núi phía Bắc, nhiều lễ hội đã được nâng tầm thành sự kiện văn hóa, du lịch cộng đồng quy mô lớn, trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của tỉnh cũng như đất nước con người Việt Nam.

Có thể để đến như: Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) được tổ chức vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội diễn ra các nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa, thể thao, diễn xướng và hội thi dân gian; Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang) không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của hoa tam giác mạch mà còn bao gồm các hoạt động như múa dân gian, đua thuyền trên sông, và các trò chơi dân gian; Lễ hội Mùa Xuân (Sapa), thu hút du khách bởi không khí lạnh giá, cảnh sắc núi rừng hùng vĩ và các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số, với các màn trình diễn múa, hát, và lễ hội hóa trang; …

Có thể nói, các địa phương trên cả nước, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh đất nước theo cách riêng. Mỗi hoạt động quảng bá du lịch của từng địa phương dần trở thành sự kiện văn hóa nổi bật của tỉnh đó, tạo nên màu sắc độc đáo thu hút du khách, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới./.

Bài liên quan
  • Công nghệ số tăng trải nghiệm, kích cầu du lịch Việt Nam
    Việc triển khai áp dụng các nền tảng số ở tầm quốc gia của ngành du lịch để tạo nên sự liền mạch và thống nhất về dữ liệu, sự kết nối liên thông chặt chẽ giữa các chủ thể trong ngành du lịch như cơ quan quản lý, các điểm đến, doanh nghiệp, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO