Nhiều Hội Nhà báo ngậm ngùi bỏ phí hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ sáng tạo báo chí chất lượng cao
Ba năm liền, Hội Nhà báo tỉnh Sơn La không được Sở Tài chính duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao với lý do Hội không có chức năng đặt hàng báo chí, trong khi hầu hết các hội nhà báo địa phương khác đều đã suôn sẻ nhận tiền theo cơ chế giao nhiệm vụ.
Bỏ phí khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước
Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2021 và Hội nghị Thi đua khen thưởng năm 2024 vừa được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào chiều 18/3 tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Hội nghị được tổ chức nhằm liên tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao”.
Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí của ba năm 2021 - 2023; ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả trong các năm tới.
Quyết định số 558/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/4/2021, phê duyệt Chương trình Hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT), báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam nêu một loạt con số đáng chú ý.
Trong 3 năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương là 27,7 tỷ đồng. Kết quả đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cấp thẩm quyền một số địa phương không phân bổ kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 558. Cụ thể, Sơn La 400 triệu đồng (2021, 2022 và 2023); Tiền Giang 80 triệu đồng (2021), và Lai Châu 160 triệu đồng (2023).
Một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng không giải ngân hết. Một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng chưa gửi hồ sơ quyết toán theo thời gian quy định.
Đối với báo chí ở Trung ương, 3 năm qua, kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là 11,46 tỷ đồng. 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo đã thực hiện và quyết toán kinh phí với số tiền 10,17 tỷ đồng với Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định. Qua đó, hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí để giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn 39 đơn vị được phân bổ kinh phí nhưng không thực hiện, tổng kinh phí 1,29 tỷ đồng, trong đó năm 2021 có 10 đơn vị; 2022 có 16 đơn vị, và năm 2023 có 13 đơn vị.
Cái khó ở địa phương
Ông Đinh Anh Đức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La phản ánh bất cập tại địa phương: “Năm nào Hội Nhà báo tỉnh cũng có nội dung tờ trình kế hoạch triển khai trình UBND tỉnh, UBND tỉnh đều cho ý kiến chỉ đạo là chuyển xuống Sở Tài chính, đề nghị Sở Tài chính triển khai sớm chương trình này. Sở Tài chính tổ chức họp 3 - 4 bên liên quan để triển khai, nhưng tại cuộc họp nào, Sở Tài chính cũng nói Hội Nhà báo cấp tỉnh không có chức năng nhiệm vụ đặt hàng báo chí nên không thể là đầu mối để triển khai chương trình này. Vì thế, 3 năm nay chúng tôi đều chưa triển khai được, và năm 2024 cũng sẽ lại tiếp tục không triển khai được”.
“Các tỉnh khác thì được, riêng Sơn La không được, chúng tôi cảm thấy chỉ đạo từ trên xuống có nhiều bất cập. Hội viên sáng tạo được nhiều sản phẩm rất hay nhưng giờ cũng đã giảm sút nhiệt tình để tham gia thực hiện các tác phẩm báo chí chất lượng cao”, ông Đức băn khoăn.
Ghi nhận ý kiến từ địa phương, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Đức Lợi nhận xét: “Đây là do cách hiểu của địa phương. Hiểu theo cơ chế đặt hàng thì mới có đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật. Trong Quyết định số 558 đã ghi rõ: Trường hợp chưa có đơn giá thì có thể thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ chính trị. Các địa phương khác đều đã thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ chứ không theo cơ chế đặt hàng. Sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cử đoàn công tác tới làm việc với Sở Tài chính Sơn La để làm rõ điều này”.
Trường hợp của Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu lại có vướng mắc khác. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo Lai Châu cho hay, về việc hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng báo chí cho các địa phương, Lai Châu đã cố gắng thực hiện từ trước đến năm 2022. Sang năm 2023, khi thực hiện nội dung này thì vướng ở chỗ Thông tư số 22 của Bộ Tài chính ban hành 4/4/2023 bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 42 ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ NSNN cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở trung ương và các hội VHNT địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020.
“Chúng tôi cũng nêu ý kiến rằng Lai Châu là một tỉnh nghèo, được Trung ương quan tâm hỗ trợ cho, tại sao không thực hiện. Cũng cố thuyết phục lãnh đạo Sở Tài chính nhưng năm 2023 chúng tôi vẫn phải trả lại nguồn kinh phí hỗ trợ, không thực hiện được”, ông Mạnh kể.
Cần lưu ý, trong Quyết định số 558, tại Điều 2 mục 4 khoản a và khoản b đã quy định: UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí hàng năm theo đúng quy định hiện hành, giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao; Tạo điều kiện cho các hội nhà báo địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao; Chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ việc thực hiện triển khai các nhiệm vụ và huy động các nguồn vốn khác hợp pháp để thực hiện.
Trong bối cảnh kinh tế báo chí nhiều khó khăn, nếu bỏ qua nguồn kinh phí hỗ trợ quý báu từ NSNN thì thật đáng tiếc.
Chia sẻ khó khăn của Sơn La và Lai Châu, ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM bày tỏ: “Nghe quá xót xa. Ở TP.HCM chúng tôi thực hiện thuận lợi hơn. Trong quá trình thực hiện thấy trôi chảy, không vướng mắc gì. Chúng tôi đang tính đổi mới cách thức thực hiện cho hiệu quả hơn: Từ đầu năm chủ động phối hợp ban biên tập các báo để định hướng gợi ý một số đề tài, ngoài những đề tài theo quy định chung thì quan tâm những đề tài cần thiết cho sự phát triển của thành phố như chuyển đổi số…”.
Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh thẳng thắn đề xuất: “Hội Nhà báo Sơn La đã đấu tranh 3 năm. Vì sao các cơ quan báo chí không vào cuộc? Nếu Sở Tài chính Sơn La đúng thì có nghĩa các tỉnh khác sai. Nếu các tỉnh khác đúng thì Sơn La sai, cần phải phê phán”.
Bàn thêm về việc kinh phí hỗ trợ thường đến với các hội nhà báo khá chậm, ông Lực phân tích: “Lâu nay chậm trễ do Hội Nhà báo Việt Nam không phải đầu mối làm việc với Bộ Tài chính mà phải thông qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cần đề xuất Chính phủ giao Hội Nhà báo Việt Nam là đầu mối để được cấp kinh phí trực tiếp, không qua Bộ VHTT&DL hay Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nữa.
Trả lời đề xuất này, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Đã nhiều lần có ý kiến để Hội Nhà báo Việt Nam làm đầu mối trực tiếp, nhưng về nguyên tắc vẫn phải thông qua một cơ quan nhà nước. Sắp tới sẽ đề nghị chuyển đầu mối chỉ đạo triển khai chương trình này từ Bộ VHTT&DL sang Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Tại Hội nghị, 29 tập thể Hội và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2023 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; 18 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam./.