Truyền thông

Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong báo chí

Ngọc Mai 18/03/2024 13:02

"Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa việc đổi mới, sáng tạo (ĐMST) trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Sáng 18/3/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam. Tới dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành, địa phương.

toan-canh-tong-ket-hoi-nb-2024.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2023

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng khi các cấp hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2023.

ong-nguyen-trong-nghia-18032024.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Năm 2024 là một năm báo chí vượt khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, tìm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên số.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu 4 kết quả nổi bật gồm:

Công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo (NLB), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được tăng cường, phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên được thường xuyên và có nhiều đổi mới để bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại.

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội. Phương thức hoạt động của Hội có nhiều ĐMST, đáp ứng yêu cầu của một nền báo chí cách mạng, hiện đại.

Công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên được quan tâm, chú trọng, động viên, khích lệ các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý NLB, hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Các hoạt động giáo dục truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam được quan tâm, tổ chức thường xuyên thông qua các hoạt động về nguồn, tổ chức hội thảo, tọa đàm về lịch sử báo chí cách mạng.

Xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản của Hội, tạo cơ sở quan trọng để triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam; Tích cực, chủ động hướng dẫn, đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua xây “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

“Tôi đánh giá cao những kết quả mà Hội Nhà báo Việt Nam đạt được trong năm 2023, đặc biệt nhấn mạnh tính hiệu quả của công tác nghiệp vụ, với thành công của Giải Báo chí quốc gia, Chương trình Hỗ trợ báo chí chất lượng cao, cùng một loạt hội thảo, tọa đàm, tập huấn về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông và chuyển đổi số, trong đó, Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn số: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” và Diễn đàn Báo chí toàn quốc những ngày qua là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực và kết quả ấn tượng của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội Nhà báo trong năm 2023”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp hội và các nhà báo - hội viên tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43 ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ hai, Hội nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhập địp của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải phải một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn hoạt động ĐMST trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo, đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp hạn chế những bất cập, những nguy cơ khiến nhân lực và vật lực ngành báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo (AI), robot và các công cụ số, các yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ ba, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”…

Thứ năm, chú trọng định hướng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu nhằm làm rõ lý luận báo chí hiện đại với các vấn đề nghiệp vụ báo chí số, báo chí sáng tạo, mô hình kinh tế báo chí, định hướng XHCN trong hoạt động báo chí…, hướng tới một nền báo chí Chuyên nghiệp - Nhân văn - Hiện đại.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; Nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải Báo chí quốc gia - giải báo chí uy tín, quan trọng nhất của báo giới cả nước.

Tiếp tục tổ chức hiệu quả chủ trương “Hướng về cơ sở”, tăng cường hợp tác với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và các hiệp hội nhà báo, báo chí quốc tế…

Thứ bảy, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tốt công tác chuẩn bị Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Năm 2024 là một năm báo chí vượt khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, tìm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên số. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện các chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, tạo hành lang pháp lý và môi trường để các nhà báo - hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo để có những tác phẩm báo chí theo hướng báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo, tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp nội dung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp số, trong đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo là những chủ thể nòng cốt”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.

Xây dựng Hội Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”

Nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, đề xuất 3 nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam.

ong-le-quoc-minh-18032024.jpg
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập báo Nhân dân: xác định rõ giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam.

Một là, thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Hội Nhà báo Việt Nam đã đặt ra, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam thời gian tới.

Hai là nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động hội hiện nay, nhất là những cơ quan báo chí, hội nhà báo các cấp trong việc thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025…

Ba là thảo luận, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành trong việc đổi mới nội dung, phương thức để tăng tính hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo.

Báo cáo Tổng kết công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 2/2024, toàn Hội có 25.424 hội viên đang sinh hoạt tại 307 đơn vị các cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên Chi hội, 223 Chi hội trực thuộc Hội). Với 13.435 hội viên, 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc.

Năm 2023, chủ trương “Hướng về cơ sở" của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở; Xây dựng tổ chức Hội ngày càng mạnh mẽ về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, NLB.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi cho biết, chủ đề hoạt động của năm 2024 là: “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh: Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”; hoàn thành chương trình toàn khóa, tiến hành Đại hội các cấp hội nhà báo hướng tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO