Truyền thông

Phát triển báo chí dữ liệu trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của toà soạn, nhà báo

Bình Minh 10:57 16/03/2024

Để phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí, nhà báo chủ động nghiên cứu báo chí dữ liệu để xây dựng nội dung vượt trội.

Báo chí dữ liệu biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số

Theo chuyên gia báo chí, truyền thông Trần Lệ Thùy, báo chí dữ liệu biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của các phương pháp mới trong sản xuất và xuất bản tin tức, như báo chí dữ liệu (data journalism). Theo Heravi và Lorenz (2020), báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện.

b1.jpg
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu các sản phẩm báo chí được số hóa tại Hội báo toàn quốc 2024. (Ảnh: BTC)

Theo de-Lima-Santos và cộng sự, (2021), một chiến lược phổ biến để đầu tư dài hạn vào việc phát triển kỹ năng báo chí dữ liệu là sử dụng phần mềm sáng tạo. Đồng thời, để sản xuất câu chuyện tương tác và hình ảnh, hầu hết các phòng báo chí phụ thuộc ít nhiều vào các nền tảng bên ngoài.

Còn theo Ojo và Heravi (2018), theo nghiên cứu được thực hiện về các dự án đoạt giải báo chí dữ liệu, hầu hết các dự án báo chí dữ liệu đoạt giải điều chứa đựng các đồ họa tương tác và động, được xây dựng và lưu trữ trên nhiều nền tảng nội bộ và bên ngoài.

Theo Fink và Anderson 2015, báo chí dữ liệu là một nghiệp vụ báo chí tích hợp không gian truyền thông số với việc sử dụng dữ liệu số học và biểu đồ hình ảnh. Các học giả đã cố gắng định nghĩa một cách dứt khoát cho hiện tượng mới này trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc hiểu biết khái niệm.

Theo nghiên cứu của Larrondo-Ureta và Ferreras Rodríguez (2021), báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu.

Tính chất cơ bản của báo chí dữ liệu bao gồm việc sử dụng các cách kể chuyện hình ảnh tương tác, phân tích thống kê, bản đồ 3D và nhiều phương pháp khác để truyền đạt tin tức và thông tin dựa trên dữ liệu.

Theo nghiên cứu của chuyên gia, các nhà báo dữ liệu thì ưu tiên dữ liệu là trung tâm trong các tác phẩm báo chí, thay vì coi dữ liệu là các thành phần bổ sung. Hầu hết dữ liệu được lấy từ các nguồn công khai, tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu trong các bài báo của độc giả. Các phương pháp hình ảnh hóa dữ liệu thành công sẽ giúp biến dữ liệu được trình bày trong các bài báo trở nên dễ hiểu hơn...

Các toà soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội"

Chuyên gia báo chí truyền thông Trần Lệ Thùy

Các nghiên cứu sự hấp dẫn của báo chí dữ liệu cũng được minh chứng bằng các số liệu điều tra xã hội học cụ thể như: Khám phá câu chuyện (82%) và tìm hiểu sự thật (81%) được xem là hai lĩnh vực có giá trị lớn nhất trong báo chí dữ liệu. Dự đoán lại đứng cuối cùng, chỉ có 35% người chọn trong nghiên cứu.

Về mặt đóng góp của báo chí dữ liệu đối với xã hội, qua khảo sát cho thấy: Đa số người đọc cho rằng nó làm cho một câu chuyện đáng tin cậy hơn (73%) và giúp độc giả hiểu được những gì họ đang đọc (71%). Chỉ có 41% người đọc tin rằng báo chí dữ liệu tăng tính công bằng, hoặc rằng nó là một sự cần thiết do tăng số lượng dữ liệu (43%)...

Từ những nghiên cứu, số liệu được thống kê, bà Trần Lệ Thùy khuyến nghị: "Các toà soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội".

Áp dụng chiến lược nội dung vượt trội để tăng trưởng bền vững

Trao đổi về xây dựng nội dung vượt trội, theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, nếu có chiến lược nội dung vượt trội thì những tổ chức tin tức truyền thông chất lượng vẫn có thể tăng trưởng bền vững vào năm 2024.

Nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho thấy, một số hướng đi để giải quyết vấn đề của báo chí, truyền thông trong năm nay là: tìm cách giải thích tin tức phức tạp một cách tốt hơn (67%); Cung cấp tin tức nêu vấn đề và đi kèm giải pháp tiềm năng (44%); Kể thêm những câu chuyện truyền cảm hứng về con người (43%); Tập trung vào việc xây dựng liên kết trực tiếp độc giả thông qua website, app (ứng dụng), newsletter và podcast. "Đây chính là các số liệu gợi mở cho các cơ quan báo chí để làm đòn bẩy gia tăng độc giả", nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ.

Nhiều ý kiến đều cho rằng, các cơ quan báo chí có chiến lược nội dung vượt trội hiệu quả đều phải phát triển báo chí dữ liệu. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hoá dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.

b3.jpg
Một số tác phẩm báo chí nội dung vượt trội của Báo Nhân dân điện tử.

Cũng theo nhà báo Ngô Việt Anh, để phát triển báo chí dữ liệu, cần hiểu rõ bản chất, vai trò, điều kiện thực thi nó, có giải pháp tổng thể trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn năng lực, nguồn lực, xu hướng thế giới, đặc thù công chúng của từng cơ quan báo chí. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: Chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.

Như vậy, báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Để phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Để thực hiện điều này, theo nhà báo Ngô Việt Anh, vai trò của các cơ quan có tính định hướng, quản lý, dẫn dắt như Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Hội nhà báo Việt Nam rất quan trọng. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cần tham mưu, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; Hội Nhà báo có vai trò dẫn dẵn, tư vấn xây dựng các mô hình quản lý và mô hình nghiệp vụ của các cơ quan báo chí trong xây dựng hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - cơ hội và thách thức
    Chuyển đổi số (CĐS) báo chí là một lời giải cho đổi mới, sáng tạo (ĐMST) để cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, xuyên quốc gia, giảm sự lệ thuộc về phân phối nội dung, góp phần ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền quốc gia về thông tin trên không gian mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển báo chí dữ liệu trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của toà soạn, nhà báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO