Triển khai Nghị quyết cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH nhấn mạnh: Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp (DN) và của mỗi người dân.
Theo đó, Nghị quyết đã đặt mục tiêu: Đến năm 202 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; Đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%; Đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%.
Trên cơ sở đó, ngày 03/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và ngày 08/10/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Từ đó có thể thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm đến chính sách BHXH, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Phối hợp hiệu quả với Bưu điện
Riêng đối với ngành BHXH, để triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và các Nghị quyết của Chính phủ, ngày 16/8/2018, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 107-CTr/BCSĐ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.
Đến ngày 29/11/2018, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ban hành Quyết định số 2445/QĐ-BHXH thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN ở Trung ương và hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia tại địa phương.
Tiếp đó, ngày 30/01/2019, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-BHXH phê duyệt Phương án phối hợp với Bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Ngày 05/7/2019, BHXH Việt Nam ban hành văn bản số 2431/BHXH-BT về việc hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Từ tháng 09/2018, ngành BHXH phối hợp với Tổng Công ty BĐVN triển khai thí điểm mở hội nghị tuyên truyền (hội nghị khách hàng) để tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện tại 15 tỉnh, thành phố; và từ năm 2019 triển khai thí điểm nhân rộng toàn quốc, đạt được hiệu quả đặc biệt tích cực, rõ rệt.
Quyết liệt triển cải cách hành chính, ứng dụng CNTT
Cùng với việc ban hành các quyết định trên, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người dân và DN. Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khách hàng là người dân cũng như doanh nghiệp tham gia BHXH.
Với sự chủ động, tích cực, công tác cải cách hành chính (CCHC) ngành BHXH đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Tính trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng TTHC của BHXH đã giảm từ 115 xuống còn 28 TTHC (giảm trên 75%). Cụ thể, BHXH Viêt Nam đã giảm trên 70% số lượng, từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 28 thủ tục (năm 2017); đến tháng 5/2019 còn 27 thủ tục.... Trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN.
Đối với việc áp dụng CNTT, hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu của ngành BHXH như: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản và điều hành...
Với những giải pháp quyết liệt trên, tính đến hết ngày 31/12/2019, số người tham gia BHXH đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 574 ngàn người.
Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2017 (trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW) là 224.000 người, tăng hơn 20.300 người, tương ứng tỷ lệ tăng 10% so với năm 2016. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 là trên 277.000 người, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017; và năm 2019 là gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Năm 2020 là năm bản lề quan trọng trong việc hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ-TW. Do đó, ngành BHXH Việt Nam xác định đây là năm tập trung cao độ để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH.
Tuy nhiên trước những biến động, khó khăn phát sinh trong đời sống xã hội những tháng đầu năm 2020 (dự kiến còn tiếp tục kéo dài bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW thì bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, toàn Ngành BHXH phải chủ động, nỗ lực tìm ra các giải pháp mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH. Từ đó, tạo được niềm tin của xã hội, nhất là của người dân, người lao động, khẳng định được hình ảnh, vị thế của Ngành trong sự nghiệp an sinh xã hội.