Truyền thông

Nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đỗ Thêu 18:26 21/09/2023

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý đô thị tại Hà Nội.

Qua đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để kiến thiết TP. Hà Nội ngày càng phồn vinh.

53.2.jpg
Rất nhiều ý kiến các cấp ban, ngành đều cho rằng Thủ đô cần có những chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy sự phát triển.

Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Ông Tùng nhấn mạnh, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật. Dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành.

Trong đó, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND TP. Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Về quy hoạch và quản lý đô thị, cơ bản tán thành với các quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: Cần có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn; Bổ sung quy định về nguồn vốn lập quy hoạch và việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch.

Ngoài ra, cần cụ thể hóa nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian ngầm bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự,...

Đối với các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi.

Chẳng hạn: Xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP Hà Nội được hưởng theo phân cấp (khoản 4 Điều 35); Nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42) hay các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45),…

Tạo cơ chế để Thủ đô thu hút nhân tài

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù như: HĐND TP Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.

TP. Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của Thủ đô để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm.

Thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể, chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn. Do vậy, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Long cho biết thêm.

53.1.jpeg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự nhất trí cao về việc phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự nhất trí cao với các ý kiến thảo luận về việc phân cấp, phân quyền, giao quyền cho thành phố những chính sách đặc thù, vượt trội, vượt trên quy định hiện hành. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND TP. Hà Nội và Thường trực HĐND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố.

Đối với vấn đề di dời cơ sở ô nhiễm y tế, trường học ra khỏi nội đô, đề nghị giao cho TP Hà Nội bỏ tiền ngân sách và thực hiện theo quy hoạch; cơ chế nữa là hỗ trợ cho các cơ quan trung ương di chuyển trụ sở, cải tạo trụ sở cũng nên thực hiện bằng ngân sách thành phố./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO