Những bức thư UPU: Tấm vé diệu kỳ du hành vào thế giới tuổi thơ
Giải Nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) thuộc về em Nguyễn Đỗ Quang Minh (lớp 9/1, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Viết thư quốc tế Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) lần thứ 53 đã được tổ chức ngày 17/5/2024 tại TP. Ninh Bình. Tham dự Lễ trao giải có Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Bùi Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024) do UPU tổ chức với chủ đề “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”. Chủ đề cuộc thi gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập UPU trong năm 2024 (1874 - 2024).
Đây là cuộc thi lần thứ 36 được tổ chức ở Việt Nam do các cơ quan: Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) và báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức.
Việt Nam tích cực tham gia cuộc thi viết thư UPU
Phát biểu tại Lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Bùi Hoàng Phương cho biết, là một thành viên tích cực của UPU, Việt Nam đã và luôn chủ động tham gia các hoạt động do UPU tổ chức, đặc biệt các hoạt động hướng tới kỷ niệm 150 năm thành lập UPU.
Chủ đề của các cuộc thi Viết thư UPU đều là những chủ đề gắn với các vấn đề nóng và được quan tâm trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc. Trong hơn 30 năm tham gia cuộc thi, học sinh của Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng và được UPU đánh giá rất cao.
Như các năm trước, cuộc thi năm nay đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các em học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức và Ban Giám khảo, chất lượng bài tham dự cuộc thi của các em ngày càng được nâng cao. Các em nhận được giải cao không chỉ tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn mà còn ở các tỉnh vùng xa và rải đều khắp 3 miền đất nước.
Bài giải Nhất cuộc thi năm nay thuộc về một nam sinh - em Nguyễn Đỗ Quang Minh - học sinh lớp 9/1, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
Năm nay, sau 7 năm giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đã trở lại với Đà Nẵng, địa phương từng được mệnh danh là “thành phố UPU” với 8 giải Nhất quốc gia, 1 giải Nhất quốc tế và 1 giải Nhì quốc tế. Và thật vui và bất ngờ, em Nguyễn Đỗ Quang Minh là em ruột của em Nguyễn Đỗ Huyền Vy - bạn đã giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá: “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia hưởng ứng tích cực của các nhà trường và các em học sinh trong cả nước. Các em học sinh Việt Nam đã và đang tham gia nhiệt tình vào Cuộc thi, giành được nhiều giải cao quốc tế. Đây là những thành tích rất đáng tự hào, chứng tỏ tinh thần nhân văn quốc tế và trách nhiệm đối với xã hội, với các vấn đề toàn cầu của các em học sinh Việt Nam”.
Chào mừng các đại biểu, các em học sinh về dự Lễ tổng kết và trao giải tại Ninh Bình, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Đây là dịp để các em học sinh tỉnh Ninh Bình hiểu biết hơn nữa về cuộc thi, về ngành Bưu chính nói chung và về vai trò của Bưu chính là cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia, hỗ trợ nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử và đóng góp vào sự phát triển của chính phủ số và xã hội số".
Tấm vé diệu kỳ du hành vào thế giới tuổi thơ đầy mầu sắc
Tại Lễ trao giải, nhà văn Phong Điệp, thành viên Ban giám khảo cuộc thi đã bày tỏ: “Những bức thư của các em gửi tới tham dự cuộc thi UPU thực sự là những tấm vé diệu kỳ giúp tôi có cơ hội được du hành vào thế giới tuổi thơ đầy mầu sắc. Được nghe các em bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình”.
Được hòa nhịp vào trí tưởng tượng phong phú của các em, nhà văn Phong Điệp cho biết được thấu hiểu hơn những điều các em mong mỏi, khao khát. “Ở độ tuổi từ 9-15 tuổi (độ tuổi được tham dự cuộc thi này), các em cho thấy sự trưởng thành về nhận thức và tư duy của mình. Mối quan tâm của các em không đơn thuần chỉ là những câu chuyện trong gia đình, trường lớp, mà các em đã cho thấy ý thức trách nhiệm của bản thân đối với các vấn đề có tính toàn cầu như: chiến tranh, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, công nghệ số, bạo hành trẻ em, chăm sóc sức khỏe cộng đồng,…".
Du hành trong thế giới tuổi thơ nhờ những cánh thư UPU, nhà văn Phong Điệp chia sẻ nhà văn đã được khám phá vô vàn điều bổ ích, thú vị và không khỏi có những lúc giật mình tự hỏi: “Khi ở vào lứa tuổi ấy mình đã bao giờ có được sự tự tin và cách nghĩ sáng tạo, quyết liệt như các em, có được những khát vọng đẹp đẽ giống như các em, có được những áng văn xúc động như các em đã viết? Là thế hệ đi trước, mình đã làm được những điều như các em gửi gắm, trông đợi? Vậy nên dù tham gia chấm thi nhưng chính tôi thấy mình được học thêm nhiều điều có giá trị”.
Câu chuyện về bưu chính rất tự nhiên, thú vị
Cuộc thi được phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng ngày 5/1 đến 31/3/2024. Ban Tổ chức đã nhận được gần 1,5 triệu bức thư dự thi từ các em học sinh trong cả nước. Các địa phương có nhiều bài dự thi chất lượng là Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa... Các địa phương này phát huy tối đa kinh nghiệm và thế mạnh vốn có nên bài dự thi được chọn lựa, đầu tư kỹ lưỡng từ nhà trường và thường có những bài dự thi vượt trội. Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng có nhiều bức thư được đầu tư theo chiều sâu.
Chủ đề cuộc thi gắn kỷ niệm 150 năm thành lập UPU trong năm 2024 nhưng không chỉ tập trung nói về lịch sử hay vai trò của ngành Bưu chính trong việc phục vụ thế giới mà chủ đề năm nay khuyến khích giới trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình về thế giới chúng ta đang sống trước những thách thức toàn cầu và đề xuất các giải pháp để thay đổi. Cốt lõi của điều này nằm trong mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, một chương trình tốt đẹp với mục đích thắt chặt sự kết nối giữa các thế hệ và đảm bảo cho một hành tinh đáng sống trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Theo Ban giám khảo, những bức thư được chọn vào chung khảo và được đánh giá cao là những bức thư có sự sáng tạo, có cảm xúc riêng biệt, tạo ấn tượng. Có nhiều bức thư viết chỉn chu, nổi bật với những ý tưởng và thông điệp lớn lao nhưng cũng có nhiều bức thư được viết bằng giọng hồn nhiên, dễ thương, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Sau 5 vòng chấm, Ban Giám khảo quốc gia đã chọn 130 bài vào vòng chung khảo. Kết quả: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút Triển vọng; 12 giải dành cho các thí sinh là người khuyết tật.
Các em đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.
Ban giám khảo đánh giá cao bức thư của Quang Minh vì đã biết cách dẫn dắt, lồng ghép chủ đề một cách tinh tế. Đặc biệt, em đã biết xử lý câu chuyện về bưu chính rất tự nhiên, thú vị. Nội dung bức thư đan xen giữa truyền thống với hiện đại, và khẳng định: Khoa học dù phát triển đến đâu thì thư tay vẫn tồn tại.
Bức thư đoạt giải Nhất của em Nguyễn Đỗ Quang Minh đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi UPU để dự thi quốc tế./.