Những câu chuyện đằng sau ứng dụng Bluezone

Thanh Sơn| 28/08/2020 08:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Bluezone là ứng dụng cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, giúp giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Những câu chuyện đằng sau ứng dụng Bluezone - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn dân cài đặt Bluezone để truy vết nhanh

Tại buổi giao lưu trực tuyến cùng cộng đồng Bphone - Bphone Fans Club diễn ra tối ngày 26/8, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã trả lời nhiều câu hỏi và tiết lộ nhiều thông tin thú vị liên quan đến ứng dụng Bluezone do BKAV phát triển. Ứng dụng này đang được khuyến khích sử dụng tại Việt Nam để giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Vì sao dùng công nghệ Bluetooth mà không phải mạng di động?

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết: Một trong những công nghệ được các nước và cả Việt Nam đưa ra cân nhắc khi làm ứng dụng kiểu Bluezone đó là công nghệ GPS và công nghệ mạng di động. 

Thứ nhất, đối với công nghệ GPS, vị trí ở ngoài trời có thể đạt mức khoảng 5m (đối với điện thoại di động ở ngoài trời) nhưng khi vào trong các tòa nhà thì sai số rất lớn. Ví dụ, bạn chỉ biết 1 người nào đó trong tòa nhà đó, chứ không biết họ đứng ở vị trí nào trong căn phòng, trong tòa nhà. Cho nên GPS không chính xác. Nếu dùng GPS thì khi xuất hiện 1 ca F0 trong tòa nhà, có thể phải cách ly cả tòa nhà.

Thứ hai, công nghệ di động sử dụng sóng điện thoại kết nối với trạm BTS. Các trạm BTS tùy theo băng tần, khoảng cách rất khác nhau, có những dải băng tần đạt hàng km, còn phần lớn trong thành phố mức độ sai số có thể lên đến hàng trăm mét, vài trăm mét. Ví dụ, ở ổ dịch Bạch Mai (Hà Nội) hay Đà Nẵng, thực tế cơ quan chức năng đã sử dụng các trạm BTS của nhà mạng để tìm những người có mặt ở ổ dịch, số lượng lên tới hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, tức là sai số là lớn.

Riêng công nghệ Bluetooth có thể phát hiện ở phạm vi từ 1 - 10m trong các tòa nhà, trong các văn phòng. Đây là lý do vì sao không chỉ Việt Nam mà cả thế giới hiện nay tin tưởng vào công nghệ này. Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp giúp tiết kiệm pin (BLE- Bluetooth Low Energy).

Theo CEO Bkav, thực tế chúng ta có thể bật hằng ngày, nó tốn không đến 10% pin. Như vậy, thực tế khi các bạn dùng hằng ngày, cuối ngày trước khi cắm sạc mà máy vẫn còn trên 10% thì trong trường hợp này bạn có thể dùng Bluetooth, dùng Bluezone một cách thoải mái mà không phải lo về vấn đề pin.

Nếu ai đã từng dùng tai nghe không dây sẽ thấy việc bật Bluetooth hằng ngày không phải vấn đề. Có thể là các bạn chưa quen thôi. "Tôi nghĩ rằng các bạn dần rồi sẽ quen. Biết đâu đấy sắp tới chúng ta sẽ sử dụng tai nghe không dây hết. Chưa kể ở đây là chúng ta đang cùng nhau phòng chống dịch, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng", ông Nguyễn Tử Quảng cho biết.

Hiện có bao nhiêu máy cài Bluezone?

Ông Nguyễn Tử Quảng tiết lộ: Đến nay là khoảng hơn 21 triệu người đã cài Bluezone. Tốc độ như vậy cũng là kinh khủng. Tôi nghĩ là như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì càng có nhiều người cài thì hệ thống này càng hiệu quả. Khi có khoảng 10 triệu người là chúng ta đã bắt đầu tham gia vào việc truy vết các F trong vụ dịch ở Đà Nẵng và đã có hiệu quả nhất định. Sau đó ở Hải Dương thì đã có nhiều người cài hơn và hệ thống phát huy hiệu quả tốt, được cơ quan y tế đánh giá cao.

Có bạn hỏi Bluezone có khai thác để trở thành một ứng dụng nào khác không? Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết: Bluezone được sinh ra là để chống dịch. Trước mắt chúng ta tập trung cho mục tiêu chống dịch và làm thế nào chống dịch hiệu quả để chúng ta có thể có một cuộc sống bình thường mới, dựa vào các nỗ lực, các chính sách chống dịch cũng như công nghệ như là Bluezone.

Bluezone là một dự án không vụ lợi. Tôi nghĩ, hạnh phúc của chúng tôi là được tham gia, không nói đến chuyện tiền nong hay kinh doanh ở đây, anh em được tham gia là cảm thấy hạnh phúc rồi. 

Các bạn để ý là từ đầu năm, chúng tôi đã tham gia một cách chủ động. Cho dù tôi nghĩ, lúc đó đã có những người hơi băn khoăn là mấy ông này tại sao lại tham gia vào COVID-19 như thế này? 

Các bạn thấy là công nghệ ngày nay đóng góp trong mọi khía cạnh, thế nên chúng tôi thấy mình hoàn toàn có thể tham gia. Có gậy dùng gậy có cuốc dùng cuốc, ngày xưa các cụ nói, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Chúng tôi cũng vậy thôi, được tham gia đã là hạnh phúc rồi.

Bkav thành lập nhóm chuyên nghiên cứu về COVID

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Bkav đã thành lập một nhóm chuyên nghiên cứu về COVID-19 dựa vào số liệu thống kê. Chúng ta thấy con virus corona này lây nhiễm nghe thì kinh khủng nhưng không phải là vô cùng, nó cũng có quy luật. Người ta đã thống kê và chúng tôi đã nắm được. Trên toàn thế giới thế giới, tỷ lệ lây nhiễm của COVID-19 có hệ số lây nhiễm là 2,5 - 3. Có thể được hiểu, cứ sau 1 chu kỳ lây nhiễm 5 ngày thì virus sẽ được nhân lên với 1 hệ số, ví dụ như 2,5 hay là 3.

Ví dụ, 1 người nhiễm COVID-19, họ sinh hoạt ở ngoài cuộc sống như bình thường và họ vô tình làm lây nhiễm cho trung bình 2,5 người khác trong 5 ngày. Sau 5 ngày tiếp theo, tức là sau 10 ngày, thì sẽ có 3x3 là 9 người nhiễm sau 10 ngày. Tiếp theo 5 ngày nữa là 15 ngày sau, ta có 9x3=27. Vậy là 27 người nhiễm sau 9 ngày. Cứ như thế chúng ta nhân lên, trên thế giới có mấy chục triệu người nhiễm theo cấp số nhân kiểu như vậy. Nghe thì cũng kinh khủng nhưng nếu hiểu biết quy luật đấy, chúng ta có thể kiểm soát nó.

Những câu chuyện đằng sau ứng dụng Bluezone - Ảnh 2.

CEO Nguyễn Tử Quảng trong buổi giao lưu.

Bkav được lợi gì khi làm Bluezone?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Câu hỏi này cũng có một số bạn đặt ra với tôi, có phải là Chính phủ bỏ tiền thuê Bkav không? Nếu như các bạn theo dõi Bkav và bản thân tôi từ trước đến nay, thì sẽ thấy định hướng của Bkav là luôn luôn thấy việc nào tốt cho xã hội, thì chúng tôi sẽ làm, trong năng lực và khả năng, bất kể nó là việc gì. 

Các bạn biết đấy, Bkav và cá nhân tôi, bắt đầu từ năm 1995 là làm phần mềm diệt virus và cung cấp miễn phí. 10 năm sau, tôi phải thương mại hóa nó để có kinh phí để làm tốt hơn nữa. Việc thương mại hóa là để có nguồn thu để làm tốt hơn nữa, chứ đối với cá nhân tôi không phải là để kiếm tiền. Đấy là xuất phát của Bkav, cũng là bản chất của Bkav. Và các việc khác cũng vậy.

Tương tự như vậy, với Bluezone, nếu các bạn để ý, ngay từ đầu tôi đã thành lập một đội trong Viện Nghiên cứu (của Bkav), khoảng 10 người, đến nay các bạn vẫn tiếp tục thống kê các số liệu và nghiên cứu các phương pháp, mong là có thể tham gia vào những việc hữu ích để có thể phòng chống dịch. 

Bởi vì chúng tôi thấy, vấn đề chống dịch là khoa học, là vấn đề về số học, về toán học, về logic và cả công nghệ nữa. Thấy vấn đề này hữu ích thì chúng tôi làm. Đến một ngày tôi nhận được điện thoại của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc đang tổ chức các nhóm công nghệ làm về vấn đề sử dụng Bluetooth. Nói thật tôi thấy mừng và lập tức thành lập một đội gần 100 người để tham gia chiến đấu với COVID-19 bằng công nghệ Bluetooth, ngay sau khi có lời đề nghị của Bộ trưởng. 

Các bạn sẽ ngạc nhiên, tại sao phải nhiều người đến thế? Thực sự để một phần mềm đơn giản như vậy hoạt động lại không hề dễ dàng. Nếu các bạn đọc sẽ biết, trên thế giới có một số nơi họ cũng đang làm, thế nhưng có lẽ Bluezone hiện là phần mềm tiết kiệm năng lượng nhất. 

Đấy vì chúng tôi sở hữu các công nghệ làm smartphone, từ phần mềm, phần cứng. Chẳng hạn như để tiết kiệm được như thế, chúng tôi phải dùng các thiết bị máy móc để đo đến tận lõi firmware của máy để tiết kiệm từng chu kỳ phát sóng, để một thiết bị phải đọc liên tục các tiếp xúc thế này có thể tiết kiệm năng lượng. Ở đây cũng yêu cầu về toán học cao với các thuật toán về mã hóa để đảm bảo tính riêng tư cho người dùng, rồi về phần mềm, nhiều thứ. Kể cả gần đây nữa là nhóm truy vết cũng đòi hỏi phải có nguồn lực.

Thật sự chúng tôi hạnh phúc khi được tham gia công việc này và theo đúng định hướng là bất kể việc nào hữu ích với xã hội là mình tham gia, nếu như mình có đủ năng lực. Hiện nay ngày đêm, một đội ngũ khoảng 100 người của Bkav vẫn tham gia tích cực việc này một cách không vụ lợi.

Tôi nghĩ, không chỉ Bkav đâu mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, các bạn thấy đấy, các nhà mạng cũng đang nỗ lực cùng chúng tôi hằng ngày, rồi Cục Tin học hóa, Cục An toàn An ninh mạng của Bộ TT&TT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Những câu chuyện đằng sau ứng dụng Bluezone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO