Đời sống xã hội

Những con tàu lập nhiều chiến công tìm kiếm cứu nạn

Ngọc Anh 13/12/2023 15:25

Để phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, phải có phương tiện hiện đại mới có thể đáp ứng được, nhất là cứu nạn trên biển. Hiện nay Việt Nam đang sở hữu những con tàu cứu hộ khá hiện đại.

Tàu SAR 411

Trong 7 tàu cứu nạn của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC), SAR 411 thuộc loại tàu lớn nhất với chiều dài 38,5m, rộng 7m.

t3-1698676608780.jpeg
Sẵn sàng làm nhiệm vụ trên tàu SAR 411. Ảnh: cand.com.vn.

Tàu SAR là từ viết tắt của cụm từ "search and rescue", tức là tìm kiếm và cứu nạn. Tàu SAR 411 được đóng tại Hà Lan năm 2004 với giá thời điểm đó khoảng 10 triệu Euro. Tàu có tầm hoạt động 250 hải lý, mớn nước 2,52m. Theo thiết kế, tàu có thể chứa được tối đa 40 người mỗi lần, cùng 20 thuyền viên. Tàu được thiết kế phần khoang bằng vỏ thép, còn boong tàu bằng nhôm.

Là tàu cứu nạn chuyên dụng, SAR 411 được trang bị đầy đủ các tính năng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Để phục vụ công tác liên lạc, tàu được trang bị hai máy vô tuyến radio telephone VHF của Furuno kiểu FM-8500; hai máy vô tuyến VHF cầm tay hiệu SRH kiểu 50.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, các thông tin liên lạc đặc biệt quan trọng bởi trên biển không có sóng điện thoại. Tất cả đều liên hệ qua sóng vệ tinh. Hệ thống radar để phát hiện các mục tiêu trong khu vực tàu hoạt động nhằm phòng tránh đâm va, đặc biệt là vào ban đêm.

Trên tàu được trang bị đầy đủ tiện nghi, với hệ thống ra đa hiện đại, có phòng khách, phòng ngủ, khu nhà bếp có tủ lạnh, máy rửa bát. Và đặc biệt không thể thiếu của tàu cứu nạn là phòng chăm sóc y tế...

Hệ thống phao cứu sinh được trang bị dọc trên tàu với nhiều chủng loại. Trong đó, có phao Epird được dùng trong những trường hợp khẩn cấp khi tàu gặp sự cố. Khi tàu gặp sự cố, phao gặp nước sẽ tự động bung ra và phát tín hiệu báo nạn.

Căn phòng đặc biệt của tàu cứu nạn, được ví như "bệnh viện di động trên biển". Trong phòng có giường tiểu phẫu để thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho những nạn nhân gặp nạn và 8 giường bệnh. Tàu được trang bị đầy đủ tủ thuốc y tế, các dụng cụ cần thiết để sơ cấp cứu như monitor để đo các thông số SPO2, nhịp thở, nhịp tim, mạch, huyết áp...

Ngoài ra, còn có máy khí rung, máy hút đầm dãi, máy đo nhiệt độ hồng ngoại, máy mở nội khí quản cho những người bị suy hô hấp, bị hen và một số bệnh mãn tính liên quan đến đường hô hấp, có chỉ chỉ tự tiêu, chỉ khâu cầm máu..

Không gian buồng máy rộng lớn của tàu SAR 411. Tàu có công suất máy chính 6310 HP, được thiết kế với tốc độ 26 hải lý/ giờ. Dưới khoang máy của tàu còn có buồng lạnh để dùng cho những trường hợp nạn nhân xấu số. Trường hợp nạn nhân tử vong, lực lượng cứu nạn sẽ đưa nạn nhân vào túi đựng thi thể, đưa vào tủ ướp lạnh để đưa về bờ. Nhiệt độ của tủ luôn duy trì khoảng 0-4 độ, có thể chứa được 4 thi thể.

Dù vất vả nhưng lực lượng cứu nạn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Khi hoàn thành công việc, cứu được các nạn nhân đưa về bờ, tất cả đều vui mừng phấn khởi tới quên cả chiếc bụng rỗng cồn cào hay say sóng. Với họ, được làm công việc ý nghĩa, hỗ trợ được các ngư dân và được ngư dân yêu mến đã là niềm hạnh phúc.

Tàu cứu hộ "Đại Dương"

Tàu Titan 960 (hay còn gọi là tàu cứu hộ đại dương), là một trong 2 con tàu cứu hộ cứu nạn hàng đầu Đông Nam Á do Đức sản xuất còn đến ngày nay (1 tàu thuộc Singapore và 1 tàu thuộc Việt Nam). Tàu Titan 960 là một trong số ít tàu trong đội hình tàu của Quân chủng Hải quân hoạt động được trong điều kiện gió bão cấp 12, vì thế tàu còn có mệnh danh là “Tàu cứu hộ đại dương”.

Tàu Cứu hộ Đại dương Titan 960 hoạt động trên biển.

Titan 960 là một trong những loại tàu hiện đại nằm trong đội hình tàu của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân kể từ năm 1992 đến nay với nhiều tính năng vượt trội cùng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm, những năm qua, tàu 960 luôn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, nổi bật là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Ngoài nhiệm vụ chính là trực bảo vệ chủ quyền trên biển, quá trình thực hiện nhiệm vụ tàu cũng kết hợp với làm công tác chuẩn bị tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Cấp ủy- chỉ huy tàu xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của đơn vị.

Hàng năm tàu đều chú trọng vào công tác huấn luyện về công tác cứu kéo trên biển, công tác huấn luyện quân y, cứu người, đuối nước trên biển. Mọi cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều có đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Được biên chế về Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân từ năm 1992, ngoài các nhiệm vụ chính trị trọng tâm thì tàu Titan 960 còn có nhiệm vụ đưa đón các đoàn khách đến thăm quân dân Trường Sa, nhà giàn DK1.

Đại úy Hồ Sỹ Thế, nhân viên Hàng hải tàu Titan 960 cho biết, quanh năm làm nhiệm vụ trên biển, khó khăn nhất CBCS tàu phải đối mặt là sóng to, gió lớn, biển động, đặc biệt khi nhận lệnh đi cứu nạn thường trong đêm tối, thời tiết phức tạp nhưng khi về cập cảng lại nhớ đến cái sóng, cái gió của biển khơi.

"Ở trên biển thường thì vào mùa cuối năm, nhiều tàu cá gặp nạn nên tàu thường nhận nhiệm vụ đi cứu kéo. Bộ phận Hàng hải, lái tàu thường ở khu vực trên cùng, sóng gió lắc rất là mạnh. Nhiều chuyến đi cứu nạn trong màn đêm là CBCS thức cả đêm, cả ngày nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng mà với bản lĩnh chính trị và được rèn luyện thể lực thường xuyên nên chúng tôi đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ" - Đại úy Hồ Sỹ Thế nói.

Làm chủ con tàu “Cứu hộ đại dương” là những CBCS có tuổi đời còn rất trẻ, đa phần thế hệ 9X từ các miền quê khác nhau hội tụ về. Mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ nhưng đều có cùng chí hướng, luôn coi “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.

Mỗi năm “kình ngư của biển” -Titan 960 hoạt động từ 8 - 9 tháng trên biển, nhiều chuyến đi kéo dài 50, 60 ngày, tàu hoạt động độc lập trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp. Đến nay, tàu đã thực hiện hàng trăm chuyến trực bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tàu thăm dò, khai thác dầu khí, cản phá, xua đuổi hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển nước ta. Cứu kéo hàng chục tàu cá, tàu hàng và hàng trăm ngư dân gặp nạn trên biển về đất liền an toàn. Vì thế nhiều năm qua, Tàu Titan 960 luôn là điểm tựa tin cậy, là chỗ dựa vững chắc của những ngư dân và những người hoạt động trên biển, xứng đáng với tên gọi “Tàu cứu hộ đại dương”.

Trao đổi với báo chí, Đại úy Nguyễn Viết Chiến, Chính trị viên tàu Titan 960 cho biết, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, để tàu luôn hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ xuất sắc, CBCS trên tàu luôn đoàn kết, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi có lệnh. Những chuyến công tác xa nhà, xa đất liền, lênh đênh trên biển cả tháng, yếu tố tinh thần giữ vai trò quyết định. Bởi thế, hơn lúc nào hết, Cấp ủy, Chỉ huy tàu 960 luôn chú trọng, quan tâm đến mọi tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của anh em, kịp thời động viên tập thể CBCS trên tàu vượt khó khăn.

Trước mỗi chuyến ra khơi, mọi CBCS tàu được tổ chức sinh hoạt, quán triệt các yêu cầu, nhiệm vụ của đợt công tác trên biển, bảo đảm 100 % cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ, an tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Với những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, tàu Titan 960 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, Quân chủng Hải quân tặng thưởng nhiều Bằng khen cùng nhiều Giấy khen các loại. Tập thể Tàu Titan-960 luôn là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Lữ đoàn 125, Vùng 2 nói riêng và Quân chủng Hải quân nói chung./.


Bài liên quan
  • Tìm kiếm cứu nạn, những chiến công thầm lặng
    Không đao to búa lớn, mỗi tuần, mỗi tháng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn lặng thầm làm công việc cứu giúp người dân bị nạn. Như dưới đây là những chuyện rất mới, vừa xảy ra trong hơn 1 tháng qua.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những con tàu lập nhiều chiến công tìm kiếm cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO