Dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy, doanh số TMĐT toàn cầu sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 3.453 tỷ USD trong năm 2019.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Ecommerce Foundation, cùng với sự tăng trưởng của doanh số ngành TMĐT, người mua hàng online cũng ngày càng chịu chi hơn khi mua sắm. Nếu vào năm 2014, con số trung bình dành cho việc mua sắm trên các trang TMĐT là 1.228 USD/người/năm, thì tới năm 2017, nó đã tăng lên thành 1.425 USD, tăng 7,4% so với năm 2016.
Các điều kiện dường như đều đã đến lúc chín muồi với những thương hiệu được tin dùng trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chỉ cần duy trì công việc kinh doanh như thường lệ là đã đủ.
Để trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng thì sự tiện lợi và phù hợp vẫn là những yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, nhiều DN đã ứng dụng những công nghệ mới nhất để đảm bảo cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất có thể, bao gồm trải nghiệm cá nhân hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ dùng thử thực tế tăng cường và đổi mới hình thức giao hàng.
Dưới đây là những công cụ TMĐT tử đáng chú ý mà các DN cần tận dụng để giữ chân khách hàng của họ thông qua sự hài lòng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
AI thúc đẩy mua sắm trực tuyến
Dữ liệu của người mua hàng trực tuyến là tài sản quý giá đối với các DN TMĐT.Thông qua dữ liệu này, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể nắm bắt được hành vi của khách hàng (mối quan hệ, xu hướng và sở thích,…), từ đó lựa chọn những sản phẩm và phương thức tiếp thị có khả năng khiến họ quan tâm.
Ứng dụng AI để phân tích hành vi lướt web của người tiêu dùng và sau đó thiết lập các phân khúc khách hàng sẽ giúp các DN TMĐT xây dựng và triển khai các chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn. Ví dụ: Từ hành vi của người tiêu dùng (thông qua phân tích dữ liệu của hàng ngàn thuộc tính tâm lý, nhân khẩu học và hành vi của người dùng phương tiện truyền thông xã hội), các DN có thể xác định được những đối tượng mà họ nên nhắm mục tiêu.
Với các sản phẩm và tiếp thị được cá nhân hóa tới những người tiêu dùng được nhắm mục tiêu, họ có nhiều khả năng mua hàng hơn và sự quan tâm của họ đối với thương hiệu sẽ sâu sắc hơn. Trên thực tế, các DN áp dụng trải nghiệm tiếp thị được cá nhân hóa tăng doanh số trung bình 19%.
Thực tế, các nhà bán lẻ trực tuyến đã rất sáng tạo trong việc khai thác dữ liệu này. Ví dụ: Adidas có chiến lược giảm giá cho khách hàng đối với các phạm vi sản phẩm được cá nhân hóa, trong khi thương hiệu thời trang ASOS tự động đưa ra các trình duyệt trang web có liên quan tới đến khách hàng khi họ truy cập vào trang chủ.
Ngoài ra, các thương hiệu TMĐT có thể khám phá các khả năng mà AI mang lại cho mình bằng cách triển khai một chatbot AI để cung cấp các câu trả lời cho những truy vấn của khách hàng. Thông qua chatbot AI, các nhu cầu và vướng mắc của khách hàng sẽ được giải đáp nhanh chóng, từ đó gia tăng khả năng bán được hàng cho các nhà bán lẻ trực tuyến.
Thực tế tăng cường và thực tế ảo
Chi phí đổi/hoàn trả hàng chiếm một phần không nhỏ trong tổng chi phí mà các DN TMĐT phải bỏ ra.Tại Hoa Kỳ, người ta ước tính rằng việc hoàn trả hàng sẽ tiêu tốn 550 tỷ USD vào năm 2020, tăng 75,2% so với năm 2016. Tuy nhiên, các loại hình công nghệ tạo ra môi trường giả lập thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ giúp giảm thiểu đáng kể chi phí này cho các DN TMĐT.
Mặc dù, chưa được đón nhận một cách rộng rãi nhưng cả AR lẫn VR đã và đang sở hữu những bước tiến nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT, khi phần nào khắc phục hạn chế của quá trình mua sắm trực tuyến.
Với sự trợ giúp của VR/AR, người mua hàng không chỉ được xem hình ảnh, video mà còn có thể quan sát, “ướm thử” sản phẩm ở nhiều góc độ khác nhau, hay đặt chúng vào không gian thật để cân nhắc sự hài hòa, thẩm mỹ với đồ vật xung quanh.
Gần đây, hãng nội thất IKEAđã ra mắt một ứng dụng cho phép người dùng chèn một hình ảnh ảo của một mảnh đồ nội thất vào môi trường xung quanh của họ, giúp cho họ hình dung tốt hơn món đồ trông như thế nào trong nhà của mình.
Trong khi đó, các thương hiệu TMĐT kinh doanh phụ kiện và quần áo có thể triển khai "gương ảo" trên trang web của họ, giúp người mua hàng có thể mặc thử hoặc đeo thử trước khi mua, tạo ra trải nghiệm gần giống như khi mua sắm trực tiếp. Có thể hình dung những mặt hàng trông như thế nào khi ướm trên người hứa hẹn sẽ giảm tỷ lệ đổi/trả hàng. Điều này làm cho TMĐT trở nên linh hoạt,dẫn đến doanh thu trực tuyến tăng nhanh theo xu hướng phát triển công nghệ và xã hội.
Mặc dù còn chưa phổ biến, song những lợi thế cạnh tranh và tiềm năng mà VR cũng như AR mang lại các hãng bán lẻ TMĐT trong tương lai sẽ rất lớn. VR/AR được kỳ vọng sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm và góp phần thay đổi hành vi của người dùng trong tương lai Michael Valdsgaard, người phụ trách về chuyển đổi số tại Inter IKEA Systems, chia sẻ: “AR và VR sẽ là tác nhân thay đổi toàn bộ ngành bán lẻ, giống như cách mà Internet từng làm”.
Đổi mới hình thức giao hàng
Người tiêu dùng muốn được đáp ứng nhanh hơn và thuận tiện hơn, do đó, nhu cầu về giao hàng nhanh - thậm chí trong cùng ngày – đã tăng cao. Việc ứng dụng các công nghệ mới đã góp phần giải quyết bài toán này.
Ví dụ, Amazon đã hợp tác với các siêu thị để mở rộng dịch vụ “click and collect” giúp khách hàng dễ dàng nhận đơn hàng nhanh chóng và phù hợp với họ.
Click and Collect (Đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng lấy hàng) cho phép người mua sắm mua các mặt hàng trực tuyến rồi sau đó chọn cách đến cửa hàng thực tế để lấy hàng; điều này kết hợp TMĐT và cửa hàng bán lẻ vật lý với nhau. Mô hình này thường có thể làm cho hành trình mua sắm thuận tiện hơn cho người tiêu dùng: mua hàng từ nhà của họ, và đến nhận các mặt hàng bất cứ khi nào thuận tiện nhất cho họ, thay vì trả tiền cho việc vận chuyển.
Mô hình này đang trở nên phổ biến nhanh chóng. Khi được thực hiện đúng, nó sẽ mang lại những lợi ích cho người mua sắm cũng như nhà bán lẻ.
Trong khi đó, tại châu Âu, các nhà bán lẻ trực tuyến đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô Skoda để phát triển một hệ thống cho phép khách hàng nhận đơn đặt hàng trong chính thùng xe của họ. Nhân viên chuyển phát nhanh chỉ cần mở khóa thùng xe trong một khoảng thời gian nhất định, sử dụng ứng dụng để thả đơn hàng vào.
Suy nghĩ về những phương thức giao hàng cho khách hàng một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất có thể mang lại lợi thế “đi tắt đón đầu” cho các DN TMĐT.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các chuyên gia hi vọng rằng những phương thức giao hàng mới như dịch vụ giao hàng bằng robot đang được thử nghiệm ở San Francisco mang lại hiệu quả chi phí tốt hơn cho DN và tạo ra sự thuận tiện nhất cho khách hàng.