Những cuốn sách giá triệu đô và cuốn sách “giá 1 hào”
Hẳn khi hỏi tên những cuốn sách có giá đắt nhất thế giới thì ít nhiều trong chúng ta cũng đều đã từng nghe đến 1 trong 5 cuốn sách triệu đô.
Nhưng có cuốn sách quý với “giá 1 hào” thì mình không chắc lắm. Xin chia sẻ cùng các bạn về những cuốn sách triệu đô và cuốn sách quý nhưng "giá 1 hào" dưới góc nhìn của mình nhé!
Những cuốn sách giá triệu đô?
Cuốn “Mr. William Shakespeares Comedies, Histories & Tragedies”
Theo trang most expensive, cuốn “Mr. William Shakespeare's Comedies, Histories & Tragedies” là tác phẩm xuất bản năm 1623 và phát hành trong vòng 7 năm sau khi danh hào Shakespeare qua đời với khoảng 800 bản. Hiện trên thế giới chỉ còn lưu giữ được khoảng 228 cuốn Folio. Giá trị cao nhất mà cuốn sách này được ghi nhận tại một phiên đấu giá năm 2006 khi một nhà tài phiệt bỏ ra 6,1 triệu USD để sở hữu tác phẩm kinh điển này.
Cuốn "The Canterbury Tales”
"The Canterbury Tales” là một trong những cuốn sách viết tay đắt nhất trên thế giới với những câu chuyện về xã hội nước Anh thế kỷ 15 với đủ nhân vật, ngành nghề được thể hiện thông qua hình thức thơ và một số ít là văn xuôi. Cuốn sách được đem bán đấu giá vào năm 1998 với giá chốt phiên là 7,5 triệu USD.
Cuốn “Birds of America”
Kỷ lục cuốn sách có “giá chát” không thể không kể đến là “Birds of America”. Đây là cuốn sách in đắt thứ hai trên thế giới của tác giả người Mỹ gốc Pháp John Jame Audubon – một nhà tự nhiên kiêm hoạ sĩ (1785 - 1851). Nội dung thú vị và độc đáo của cuốn sách này chính là mô tả cụ thể về các loài chim sống trên nước Mỹ thông qua 435 bản vẽ kích thước thật. Điều này lý giải lý do vì sao cuốn sách này lại có khổ giấy lên đến 98x76cm, chỉ xuất bản được 200 cuốn trong bối cảnh xã hội cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ. Tại phiên đấu giá năm 2010, cuốn sách được chốt với giá cuối cùng là 11 triệu USD.
Cuốn “Bay Psalm Book”
Một trong những cuốn được mệnh danh có 102 chính là cuốn “Bay Psalm Book” là cuốn sách được in đầu tiên vào năm 1640 tại Massachusetts của Mỹ (khi đó vẫn là thuộc địa của Anh). “Bay Psalm Book” đã là cuốn sách để đầu giường của những người theo Thanh giáo và điều làm nên giá trị của cuốn sách bởi nó như là “tuyên ngôn độc lập” của “New England” với giáo hội Anh với 300 trang được dịch từ tiếng Do thái sang tiếng Anh. Nhà Sotheby ở New York, Mỹ - gia đình đã sở hữu cuốn sách 400 năm tuổi vào thời điểm 16/11/2013 đã lập kỷ lục khi trao lại cuốn sách này cho tỷ phú người Mỹ David Rubenstein với giá 14,16 triệu USD.
Cuốn “Leicester Codex”
Tỷ phú giàu nhất thế giới năm 1992 Bill Gates là người đã “ôm trọn vẹn kho báu” - cuốn sách “Leicester Codex” - một bản chép tay của thiên tài Leonardo Da Vinci vào năm 1994 với giá chốt phiên là 30,8 triệu USD. Cuốn sách gồm 72 trang trong đó tập hợp hơn 300 các công trình nghiên cứu của ông về nhiều lĩnh vực khác nhau như nước, sự chuyển động của dòng chảy, ánh sáng của mặt trăng, các phác thảo những bức hoạ nổi tiếng, các câu trả lời hay giải thích hiện tượng trong tự nhiên như sự hình thành hóa thạch trên núi…
Một điều đặc biệt trong nhất các sự đặc biệt mà Leonardo đã khiến cho nhân loại không thể tưởng tượng ra khi ông viết ngược toàn bộ nội dung để tăng tính bảo mật cho cuốn sách. Điều này có nghĩa là nếu muốn đọc được “Leicester Codex” thì phải soi trước một chiếc gương.
Cuốn sách quý “giá 1 hào”?!
Nếu như đâu đó trên thế giới có những cuốn sách được đưa ra bán đấu giá hàng triệu USD thì ở Việt Nam ta lại có những Cuốn sách quý đi vào lòng triệu triệu người dân Việt mà giá chỉ mất 1 hào! Vậy đó cuốn sách đó tên và nội dung là gì và tại sao cuốn sách quý như vậy mà chỉ với "Giá 1 hào"?
Cuốn "Giá 1 hào” là cách mà mình gọi riêng thôi bạn ạ! Còn nguyên bản là “Lịch sử nước ta” do Việt minh tuyên truyền bộ xuất bản với Giá 1 hào vào năm 1942. Tác giả là người mà cả bạn và mình đều biết đấy! Mình vẫn thường gọi bằng cái tên thân thuộc “Cụ Ké”! Tháng 1/2015, cuốn "Lịch sử nước ta" được NXB Chính trị quốc gia - sự thật phát hành với 3.000 cuốn, nhỏ gọn, với vỏn vẹn 28 trang (nguyên bản 14 trang), khổ 10 x14,5cm.
Cuốn "Giá 1 hào" được Cụ Ké viết vào khoảng cuối năm 1941 – thời kỳ nằm gai nếm mật trên căn cứ địa Cao Bằng. “Giá 1 hào” được viết "không đao to búa lớn", "không lời lẽ mỹ miều" mà bằng dòng chảy của tâm can, bằng những câu thơ súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc mà Cụ Ké “đã khơi nguồn cho dòng chảy lịch sử của dân tộc thấm sâu vào mỗi người dân, tạo thành sức mạnh đoàn kết toàn dân đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” và “chỉ ra cho chúng ta thấy rằng tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu của nhân dân ta, chúng ta phải làm sao cho tinh thần yêu nước ấy của tất cả mọi người đều được phát huy trong sự nghiệp đấu tranh yêu nước và cách mạng dân tộc”.
Cách viết của Cụ Ké là viết cho dân ta hiểu - dân ta là từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến lực lượng công nhân, tầng lớp tri thức hay nói cách khác là từ cụ già đến em thơ khi đọc đều hiểu - phù hợp. Mục đích là để nói sao cho dân hiểu, dân tin là dân theo, dân hành động. Có dân thì việc khó mấy cũng xong!
Thay lời kết: Mọi sự so sánh đều khập khiễng!!!
Giá trị của một cuốn sách không nằm ở giá tiền hay bìa sách, mà ở nội dung và thông điệp nó truyền tải. Vậy đừng đánh giá cuốn sách qua bìa của nó hay đừng đánh giá cuốn sách qua giá tiền của nó” mà hãy đặt trong bối cảnh lịch sử, nền văn hoá,… để thấy được mỗi một cuốn sách đều có sứ mệnh riêng của nó, bạn nhé!
Phải chăng cuốn "Giá 1 hào" là để người dân Việt có kinh tế bình thường nhất trong xã hội cũng đều có cơ hội tiếp cận “kho báu”?! Đây là câu hỏi mà bấy lâu nay mình chưa có lời giải. Bạn hãy giúp mình “giải mã” câu hỏi này được không?
Và với riêng mình, thì cuốn "Giá 1 hào" đã trở thành “một vật báu” – Một dấu mốc quan trọng giúp “một bà mẹ linh tinh học” như mình ôn lại lịch sử một cách dễ dàng sau thời gian dài quay cuồng với “tã lót, cháo bột..". Hơn hết, “Giá 1 hào" còn giúp mình tìm ra phương pháp để hỗ trợ, đồng hành và giúp cho con tiếp cận môn lịch sử một cách tự nhiên đến thú vị!
Cuốn “Giá 1 hào” là do một người bạn tặng mình - một người có thể “nghiến ngấu”, “đắm chìm”, “quên trời quên đất” khi cầm trong tay một cuốn sách hay, một cuốn sách "hợp khẩu vị". Thói quen đọc sách của người bạn đó được hình thành là nhờ từ khi mới 5 tuổi, người bạn đó đã dắt bà ngoại lên chùa tụng kinh phật. Mắt bà bị loà, cậu bé 5 tuổi đã trở thành người dẫn đường, là đôi mắt của bà và đọc lại các trang kinh vanh vách để cho bà ngoại đọc theo.
Còn thói quen đọc sách của mình và các con chính thức được quay trở lại từ mùa hè năm 2015 - khi mình thấy nguy cơ con có thể sẽ nghiện game, nghiện lướt Internet. Ngày đó, mình đã áp dụng bài cũ cổ xưa "quản không được thì cắt" - cắt Internet, tặng tivi cho một cậu đồng nghiệp cơ quan cũ, về nhà không làm việc bằng điện thoại, máy tính (trừ khi các con đã ngủ). Hơn 1 năm sống trong cảnh “không tivi, không mạng”, lên giường là mẹ và con mỗi người có một cuốn sách (ban đầu, con thích đọc gì cũng được, bắt đầu từ những cuốn truyện tranh Đô-rê-mon… cho đến cuốn “Lịch sử nước ta”, “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Thần thoại Hy Lạp”,... cũng được hai cậu con trai “ngấu nghiến”.
Mùa hè 2017 thì Internet bắt đầu được khôi phục lại trong gia đình mình. Đó cũng là lúc “viên gạch” đầu tiên cho cuộc “Cách mạng mới - Làm mẹ trong kỷ nguyên số" của mình chính thức được đặt và chuyển sang “thời kỳ mới”. Khỏi phải nói, một bà mẹ không phải là dân IT lúc đó trong lòng có ti tỉ mối lo. Dự án nho nhỏ được đồng nghiệp tại AIS hỗ trợ và biến thành hiện thực mặc dù “đơn đặt hàng” có “hơi khác thường: “Hãy giúp chị dạy các con cách chơi game!” với đầu ra mong muốn là 3 nội dung: (1) Con biết tạo game ra mà chơi để phát triển tư duy, tránh game bắn chém giết, máu me; (2) Con nhận diện nguy cơ trên không gian mạng để tự biết bảo vệ mình và tự chịu trách nhiệm khi dùng Internet; và (3) con biết cách khai thác tài nguyên Internet cho cuộc sống.
Kết quả đạt được đã ngoài mong đợi. Xuất phát từ việc làm sao để hỗ trợ, đồng hành và cổ vũ con từ một cậu học trò lớp 4 có nguy cơ nghiện Internet, nghiện game, đã tuý toáy bẻ WiFi, web,… con giờ đây vẫn là học trò vẫn thích đọc sách, nhưng lại biết tìm sách và tìm cách để có thông tin an toàn trên mạng thông qua các thiết bị, hơn hết đã bộc lộ một số tố chất “dũng cảm”. Con nhận ra bản thân con muốn gì khi được tiếp cận những cuốn sách như "Hacker", "Mật mã",... Những cuốn sách chuyên ngành do đồng nghiệp AIS tặng mỗi khi con có thành tích hay con được tiếp xúc những “cuốn sách sống ở AIS”!
Mình vẫn nhớ như in ngày trước, mỗi lần dự các hội thảo như Hacker Mũ Cối về, con mình đều ngưỡng mộ ra mặt, “con muốn nay mai đỉnh như các chú ở cơ quan mẹ”. Và nay, chàng trai 14 tuổi đã tự thân lên kế hoạch, săn vé giá rẻ, một mình lên đường bay nửa vòng trái đất để tự nhập học với mong muốn được theo đuổi IT, an ninh mạng dưới sự cổ vũ của gia đình và “một số đồng nghiệp đỉnh tại AIS” và những người bạn của mẹ trong giới an ninh mạng.
- Với mình, “sách” được nhìn theo nhiều góc độ và trong đó có cả “sách người”
- Với mình, sự sống của cuốn sách chính là sách đi “từ đời vào sách và từ sách ra đời”!
- Chẳng biết liệu mình có thể theo kịp “xu thế” hiện đại không nữa!? Nhưng rất thành thật, mình thấy hạnh phúc mỗi khi được cầm trong tay và đọc một cuốn sách mình cần, mình thích theo phương pháp cổ truyền - Sách giấy! Với mình, hạnh phúc này sẽ vẫn là cốt lõi mà mình muốn “giữ gìn và bảo tồn” trong hành trình đến với “Văn hoá đọc”!
Thói quen đọc sách của mỗi người có lẽ sẽ bắt đầu từ những việc rất thú vị. Hãy chia sẻ lại câu chuyện của bạn về sách hay bất kể những gì bạn học được từ sách để chúng ta cùng nhau giữ gìn sự sống của sách trong kỷ nguyên công nghệ, bạn nhé!./.