Truyền thông

Đọc sách - Con đường kéo người trẻ đến gần cuộc sống hơn

ThS. Trương Khải Minh - Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam 21/04/2023 14:06

Mahatma Gandhi, anh hùng dân tộc Ấn Độ, một trong những người có sức ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ XX từng nhận định: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Trong một xã hội vận hành trên cơ sở kinh tế tri thức, văn hóa đọc không chỉ là thành tố của nền văn hóa mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy nền văn hóa phát triển.

Tóm tắt:
- Một độc giả có “văn hóa đọc” hoàn toàn chủ động, độc lập và tự do trên hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức và cảm xúc;
- Văn hóa đọc ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách văn hóa cá nhân;
- Văn hóa đọc chính là bộ kỹ năng cơ bản để đạt được năng lực học tập suốt đời, khi sự kết nối và chuyển giao tri thức được diễn ra trên quy mô toàn cầu;
- Để văn hóa đọc thực sự đi sâu vào đời sống của những người trẻ, cần phải giải quyết triệt để những trở lực đối với văn hóa đọc của người trẻ.

Văn hóa đọc là thước đo văn hóa cá nhân

Trước hết, văn hóa đọc chính là thước đo văn hóa đối với mỗi cá nhân. Về bản chất, “đọc” là một hình thái phát triển tư duy thông qua hành động chuyển mã từ kí hiệu ngôn ngữ trong văn bản thành biểu tượng, hình ảnh để làm giàu nhận thức, đồng thời cũng là sự kết nối về mặt cảm xúc giữa người đọc - khách thể thụ hưởng văn hóa với tác giả - chủ thể sáng tạo văn hóa. Nói một cách hình tượng, đọc không chỉ “làm giàu khối óc” mà còn “làm đầy con tim”, hay như cách nói của Marxim Gorky: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người”.  Như vậy, có thể hiểu, bản thân việc “đọc” cũng đã là một hành động hàm chứa văn hóa, xét cả về mục đích và phương tiện của hành động.

portrait-of-the-author-maxim-gorky.jpg

Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người.

Marxim Gorky

Xét trên bình diện cá nhân, “văn hóa đọc” được hiểu là năng lực cảm thụ, hiểu biết và phân tích thông tin ngôn từ của mỗi cá nhân với các dạng thức tài liệu khác nhau, “văn hóa đọc” cũng biểu thị năng lực thấu cảm của độc giả với quá trình sáng tạo văn hóa của tác giả. Một độc giả có “văn hóa đọc” hoàn toàn chủ động, độc lập và tự do trên hành trình chinh phục những đỉnh cao tri thức và cảm xúc của một tác phẩm.

Với mỗi cá nhân, văn hóa đọc có ba đặc điểm cơ bản. Thứ nhất là tính mục đích, điều này thể hiện năng lực chọn lọc tài liệu theo nguyện vọng, sở thích và nhu cầu của cá nhân độc giả. Đặc điểm thứ hai là tính toàn diện, độc giả sẽ tự do lựa chọn nhiều tài liệu khác nhau để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và thưởng thức văn hóa của mình. Đặc điểm thứ ba là tính kế hoạch theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, cái đọc sau mở rộng và đào sâu tri thức thu được từ cái đọc trước.

Văn hóa đọc là động lực thúc đẩy văn hóa dân tộc

Dưới góc độ nền văn hóa của một quốc gia, dân tộc, văn hóa đọc là hiện tượng văn hóa - xã hội trên cơ sở quá trình của hoạt động nhận thức, chính vì vậy, văn hóa đọc chi phối, tác động đến trình độ phát triển trí tuệ, tinh thần của xã hội. Văn hóa đọc ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách văn hóa cá nhân, vậy nên nó có một vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển con người, nền tảng cho sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc.

Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định: “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, tri thức là tài nguyên chính, là động lực, công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế xã hội, năng lực “học tập suốt đời” sẽ là năng lực cơ bản để con người có thể tồn tại và thích nghi trong một xã hội không ngừng vận động, biến đổi dưới sự tác động của khoa học công nghệ.

Văn hóa đọc chính là bộ kỹ năng cơ bản để đạt được năng lực học tập suốt đời, khi sự kết nối và chuyển giao tri thức được diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Giới trẻ đang đọc sách như thế nào?

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy đọc sách là một hoạt động đòi hỏi tính chủ đích, độc lập và tự giác cao độ ở mỗi cá nhân. Chúng ta đã biết đến rất nhiều những dịp tôn vinh sách và văn hóa đọc như “Ngày sách và bản quyền thế giới”, “Ngày sách Việt Nam”, “Ngày sách và văn hóa đọc”… Tuy nhiên, để trả lời một cách thấu đáo cho câu hỏi “Người trẻ Việt Nam đang đọc sách như thế nào?”, không gì thực tế hơn là vào những thư viện, giảng đường, những “thánh đường tri thức” để tìm hiểu.

Một khảo sát vào năm 2019 do Cục Xuất bản thống kê trong ba năm gần nhất cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho học sinh sinh, sinh viên. Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu bản sách chia trên hơn 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi năm một người Việt đọc 1 quyển sách.

Một khảo sát cũng vào thời điểm đó của báo điện tử Dân Trí nhắm vào đối tượng là giới trẻ cho thấy kết quả đáng quan ngại: 98% giới trẻ cho biết họ không hề đọc quyển sách nào trong tuần qua; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt một năm qua và chỉ 12% bạn trẻ trong nhóm 20-30 tuổi cho biết bản thân có đọc sách, truyện khác ngoài sách chuyên môn.

Ở những giảng đường cũng có tình trạng tương tự, khi thao tác “lướt - quẹt”, “nghe - nhìn” với sự tác động của các phương tiện truyền thông hiện đại đang có xu hướng phát triển và lấn át thao tác “lật - giở”, “đọc - viết” của những người đọc sách truyền thống, hầu hết sinh viên có thói quen tham khảo và tìm tài liệu trên mạng

0-1638615889_750x0.jpg

Internet, đồng thời tổng hợp thông tin một cách cơ học qua thao tác copy - paste mà ít khi có sự chọn lọc, tổng hợp hoặc phân tích tài liệu thông qua quan điểm, góc nhìn cá nhân, trong khi như đã phân tích ở trên, độc lập, tự do và có chủ đích trong tiếp nhận tri thức là một năng lực cơ bản mà những người có “văn hóa đọc” đã rèn luyện được trong quá trình đọc sách.

Những trở lực đối với văn hóa đọc của người trẻ

Nhìn nhận một cách khách quan, những phong trào nâng cao văn hóa đọc thời gian gần đây, việc giáo dục nhận thức về vai trò của đọc sách và nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường đã có những tác động tích cực đến người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhóm đối tượng đặc thù, học tập và hoạt động trong môi trường giáo dục trình độ cao. Đây là nhóm đối tượng được định hướng năng lực nghiên cứu tài liệu theo các lĩnh vực chuyên môn đặc thù, bản thân việc học tập và nghiên cứu đòi hỏi nhóm đối tượng này phải có kỹ năng đọc và nghiên cứu tài liệu ở mức độ cao và phải có khả năng vận dụng những thông tin trong tài liệu vào thực tiễn. Tuy nhiên, để văn hóa đọc thực sự đi sâu vào đời sống của những người trẻ, cần phải giải quyết triệt để những vấn đề, có thể coi là những trở lực đối với văn hóa đọc của người trẻ.

Thứ nhất là những tác động của bối cảnh truyền thông xã hội. Thói quen tiếp nhận thông tin ngắn gọn, thiếu chiều sâu, “đặc sản” của các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra những thói quen đọc xấu như đọc nhanh, đọc lướt ngay khi cần kỹ thuật đọc sâu, làm hạn chế kết quả việc đọc sách mang lại. Khi sử dụng mạng xã hội, nếu không có khả năng làm chủ, người trẻ cũng sẽ dễ bị “định hướng đọc” - chỉ đọc những gì là trào lưu trên mạng, thiếu sự độc lập trong việc lựa chọn sách và khó khăn trong việc đánh giá, thẩm định thông tin trên những sách được xuất bản trên mạng.

Thứ hai, người trẻ đang thực sự thiếu một môi trường trải nghiệm đọc thực sự tự do và độc lập. Môi trường giáo dục với lối tư duy áp đặt một chiều cũng góp phần triệt tiêu trải nghiệm đọc tự do, độc lập và sáng tạo của người trẻ. Việc “tri thức hóa” trải nghiệm đọc sách cũng là trở lực đối với việc phát triển văn hóa đọc. Như đã phân tích ở trên, hoạt động đọc sách của học sinh, sinh viên hiện nay chủ yếu gắn với việc nghiên cứu tài liệu khoa học phục vụ học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, điều này đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta vô hình trung đã quên đi khía cạnh cảm xúc, khía cạnh tinh thần của việc đọc sách. Sẽ rất khó để có một môi trường trải nghiệm đọc sách tự do, sáng tạo khi chúng ta “gắn mác”, “dán nhãn” và bắt người trẻ phải đọc sách này thay vì sách kia, đọc sách hàn lâm thay vì sách văn học lãng mạn, hành trình trải nghiệm tri thức và cảm xúc này nên là một cuộc bộ hành tự do của chỉ riêng độc giả mà thôi.

Thứ ba, người trẻ đang thiếu trải nghiệm thực tế. Giống như một tác phẩm văn học chỉ có thể ra đời khi trong khối óc và trái tim của tác giả, cuộc sống đã ứ đầy, một độc giả chỉ có thể cảm nhận sâu sắc và trọn vẹn về tác phẩm đó khi đời sống thực tiễn của anh ta tràn đầy những trải nghiệm nhận thức và cảm xúc phong phú.

Theo Kelly Gallanger, một nhà giáo và một tác giả ở California, một chuyên gia về văn hóa đọc của Tổ chức đọc sách quốc tế (IRA) nhận định về mối quan hệ nhân quả trong sự suy giảm văn hóa đọc của người trẻ: Ít trải nghiệm cộng với ít đọc khiến cho kiến thức nền của họ ngày càng mỏng đi; và vì phông kiến thức, phông văn hóa nghèo nàn mà khi bắt đầu đọc, họ chỉ chạm được vỏ ngữ nghĩa của ngôn từ mà không cảm nhận được nó, không thấu hiểu, không thể tư duy… Chính việc này khiến họ quay trở lại thấy việc đọc là nhàm chán, khó hiểu, năng lực đọc bị tiêu hủy kéo theo động lực đọc cũng biến mất. Việc thiếu trải nghiệm sống thực tiễn, ít quan sát, lắng nghe cuộc sống đã triệt tiêu năng lực tưởng tượng, tư duy, làm mất đi sợi dây kết nối giữa ngôn từ và hình ảnh, vấn đề cốt lõi của hoạt động đọc như đã phân tích ở trên.

kelly-gallagher.jpg

Ít trải nghiệm cộng với ít đọc khiến cho kiến thức nền của họ ngày càng mỏng đi; và vì phông kiến thức, phông văn hóa nghèo nàn mà khi bắt đầu đọc, họ chỉ chạm được vỏ ngữ nghĩa của ngôn từ mà không cảm nhận được nó, không thấu hiểu, không thể tư duy. 

Kelly Gallanger

Giống như lo ngại của Albert Einstein: “Tôi sợ một ngày nào đó, công nghệ sẽ lấn át sự tương tác của con người chúng ta. Thế giới sẽ có một thế hệ những kẻ ngốc”. Nghịch lý là khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì sợi dây liên kết giữa con người với cuộc sống càng trở nên mơ hồ và mong manh. Đọc sách và văn hóa đọc chính là con đường đơn giản nhất, hữu hiệu nhất để kéo con người đến gần hơn với cuộc sống, thông qua những trải nghiệm nhận thức và cảm xúc một cách độc lập, tự do và giàu liên tưởng, điều này đặc biệt quan trọng đối với những người trẻ - thế hệ sẽ kiến tạo và định hình thế giới trong tương lai gần./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2023)

Bài liên quan
  • Đọc sách là tài sản tích lũy cho tương lai
    Đọc sách không thể giàu ngay về mặt vật chất nhưng chắc chắn chúng ta sẽ giàu về suy nghĩ. Mọi thứ ở bên ngoài đều là kết quả từ bên trong. Suy nghĩ dẫn đến cảm xúc, từ cảm xúc tạo ra hành động, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đọc sách - Con đường kéo người trẻ đến gần cuộc sống hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO