Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT

08/02/2022 06:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Doanh số bán lẻ thương mại điện tử ( TMĐT) B2C của Việt Nam trong năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến năm 2021 đạt 13 tỷ USD, đứng thứ 4 khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội vẫn đang còn rất nhiều; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, tranh chấp với đối tác trong TMĐT; thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT rất đáng lo ngại. 

Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh. Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, TMĐT đang cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia. 

Hiện trạng phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT giai đoạn 2016- 2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Theo Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT Việt Nam đạt 52 tỷ USD. 

Theo Sách trắng TMĐT 2021, năm 2020, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đạt 49,3 triệu người. Doanh số bán lẻ TMĐT B2C của Việt Nam trong năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước (Hình 1). 

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 1.

Hình 1: Quy mô TMĐT B2C Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (tỷ USD). Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021

Nếu như năm 2020 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á thì năm 2021, dự kiến quy mô thị trường đạt 13 tỷ USD, TMĐT Việt Nam đứng thứ 4 khu vực. Tuy nhiên dự báo của Google, Tamasek và Bain and Co, quy mô thị trường TMĐT đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2025 sẽ giúp Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN. 

Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, TMĐT góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhất là DN vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để có được những con số trên, Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch TMĐT trên smartphone nhiều. 

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 2.

Hình 2: Quy mô thị trường TMĐT năm 2021 và dự báo năm 2025

Trong hai năm 2020-2021, dù bất lợi bởi dịch COVID-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới nhưng đây lại là cơ hội để TMĐT “trỗi dậy” hơn bao giờ hết. Sự thông dụng cũng như tính tiện lợi và nhanh chóng tương tác của những nền tảng mới như Facebook, Messenger, Zalo, Viber, WhatsApp, Skype... đang dần thay thế cho hình thức kết nối truyền thống thông qua email. Khảo sát năm 2020 của VECOM cho thấy gần như 100% DN tham gia khảo sát thường xuyên sử dụng các nền tảng như Facebook Messenger, Zalo, Viber, WhatsApp, Skype... với các mức độ khác nhau. Số liệu thống kê của Statista cho thấy số lượng người dùng MXH Việt Nam đạt 71,7 triệu người năm 2021 và sẽ tăng lên 83,78 triệu người vào năm 2026. 

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 3.

Hình 3: Ứng dụng MXH hàng đầu Việt Nam và xếp hạng người dùng MXH theo quốc gia (Nguồn: statista)

Theo số liệu thống kê của Napoleon Cat, tính đến tháng 6/2021 tại Việt Nam Facebook có 76 triệu người dùng (tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và là MXH phổ biến nhất tại Việt Nam; xếp thứ 7 thế giới về người dùng); Messenger đạt 68,5 triệu người dùng, Zalo đạt hơn 60 triệu người dùng, Instagram có hơn 10,7 triệu người dùng....

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 4.

Hình 4: Bảng xếp hạng các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam (Quý 3/2021) Nguồn: Ipricegroup. https://iprice.vn/insights/mapofecommerce

Lợi thế lớn nhất để mở rộng quy mô TMĐT Việt Nam chính là dân số và dư địa tăng trưởng nhờ vào quy mô người tiêu dùng Việt Nam còn khá lớn. Theo “e-Economy SEA 2021”, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ dân số chưa tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam còn đến 29,3%, trong khi Thái Lan là 10,1%. 

Theo các chuyên gia, mức độ sôi động này tạo thành bởi nhiều yếu tố như niềm yêu thích công nghệ của người Việt, độ phong phú của các nền tảng tham gia, và giãn cách xã hội vì COVID-19 cũng góp phần tăng tốc cho TMĐT. Báo cáo quý III do iPrice Group công bố hôm 25/11/2021 cho thấy tổng lượt truy cập trung bình top 10 trang TMĐT Việt Nam đã gấp hai lần Thái Lan và gần ba lần Malaysia trong quý 3/2021. Đó là chưa kể, trong khu vực, người Việt chỉ kém người Malaysia về mức độ tương tác qua Facebook với các trang TMĐT, với tỷ lệ là 36% so với 44%. Thống kê của Napoleon Cat cho thấy 81% dân số Việt Nam có Facebook, tính đến tháng 10/2021.

Báo cáo của VECOM cho thấy các DN ngày càng quan tâm tới nền tảng mạng xã hội để hỗ trợ kinh doanh nhiều hơn với việc tỷ lệ DN có bán hàng trên các mạng xã hội đều có chiều hướng tăng dần. Tương tự, xu hướng quay trở lại của các sàn TMĐT thời gian gần đây ngày càng thể hiện rõ rệt hơn với việc năm 2020 có tới 22% DN tham gia khảo sát có tham gia sàn giao dịch TMĐT (tăng 5% so với năm 2019), trong đó có tới 23% cho biết họ tham gia sau khi dịch COVID-19 khởi phát. 

Nhiều doanh nghiệp có giải pháp xây dựng website mới có công nghệ tự động điều chỉnh giao diện tương thích với các nền tảng khác nhau như máy tính, máy tính bảng, di động. 53% doanh nghiệp cho biết đã quảng cáo website/ứng dụng di động thông qua các mạng xã hội, đây cũng được coi là nền tảng chính trong nhiều năm liên tiếp được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhiều nhất. Tiếp sau đó mới là giải pháp quảng bá thông qua các công cụ tìm kiếm (29%). MXH và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai kênh hiệu quả nhất cho hoạt động quảng cáo trực tuyến so với các phương thức trực tuyến truyền thống khác như báo điện tử, tin nhắn và ứng dụng di động.

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 5.

Hình 5: Giao dịch B2C (Nguồn: Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam)

Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp DN mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tham gia các giao dịch trên môi trường mạng. Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội vẫn đang còn rất nhiều. 

Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, tranh chấp với đối tác trong TMĐT. Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh. Thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, TMĐT đang cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ trong giai đoạn hiện nay.

Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT - Ảnh 6.

Hình 6: 5 nhóm hành vi vi phạm trong TMĐT bị xử phạt vi phạm hành chính

Những điểm mới về quản lý sàn giao dịch TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Quản lý mạng xã hội có hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT

Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP1, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT bao gồm:

a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

b) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; 

c) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

d) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Như vậy, ngoài việc quản lý các sàn TMĐT truyền thống (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo...), các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... đã được đưa vào diện quản lý nếu như thoả mãn một các quy định của một sàn giao dịch TMĐT nêu trên.

Thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài

Các nghĩa vụ thuế của các tổ chức xuyên biên giới tại Việt Nam, các đối tác tại Việt Nam trong vài năm qua đều thực hiện tự nguyện. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu và tiền phạt từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh TMĐT trên các trang web, facebook... tại một số cục thuế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến tháng 12/2020 chỉ ở mức 240,89 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội 148 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng 24.33 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội đã đưa vào quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp các dịch vụ tiện ích trên các ứng dụng Google Play, Apple Store... Các cá nhân này đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến 9/2021 là 203 tỷ đồng, trong đó riêng 7 tháng năm 2021 là 39 tỷ đồng.

Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định về trường hợp khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (nhà cung cấp ở nước ngoài) như sau:

- Nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TCCUDVTGTT) thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

- Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà NHTM, TCCUDVTGTT không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì NHTM, TCCUDVTGTT có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu.

- Hàng tháng NHTM, TCCUDVTGTT có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đáng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho NHTM, TCCUDVTGTT để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 5 nhóm hành vi vi phạm trong TMĐT với mức xử phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng đối với cá nhân, mức xử phạt gấp hai lần đối với tổ chức vi phạm. 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT. Cụ thể là:

Bổ sung chủ thể tham gia hoạt động TMĐT: Các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT bao gồm:

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website TMĐT bán hàng).

- Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT.

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website TMĐT bán hàng và website cung cấp dịch vụ TMĐT (khách hàng).

- Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động TMĐT

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn TMĐT nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động TMĐT. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn TMĐT là phải công bố những thông tin sau về điều kiện và giao nhận áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ giới thiệu trên website: các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ; thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng; các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có; phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận. 

Trường hợp phát sinh chậm trễ trong việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải có thông tin kịp thời cho khách hàng và tạo cơ hội để khách hàng có thể hủy hợp đồng nếu muốn.

Trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán: Theo quy định tại NĐ 85, thông tin về hàng hóa, dịch vụ đối với website TMĐT bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:

- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Như vậy, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website TMĐT sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.

Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT: Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT sẽ phải chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của Luật này. Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung quy định: Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website TMĐT thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông tin về điều kiện giao dịch chung: Theo NĐ 85/2021/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website TMĐT. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng hiểu rõ về chính sách kiểm hàng của từng DN để đưa ra quyết định lựa chọn tiến hành giao dịch. 

Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ TMĐT phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.

Trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng:

Đối với những sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ chung, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm:

a) Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

b) Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT có nhiều hơn 02 bên tham gia;

d) Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán;

đ) Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định mà gây thiệt hại khi không: (i) có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐTư; (ii) hỗtrợ cơ quan quản lýnhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

Như vậy, quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Hiện nay, các sàn TMĐT đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong trong việc xác minh và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Tuy vậy, với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn TMĐT có nhiều hơn 02 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài.

Hoàn thiện quy trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung các quy định mới có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với những quy định rõ ràng, giảm thời gian xử lý hồ sơ và ứng dụng nền CNTT vào đăng ký. 

Theo quy định, việc nộp, tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn. Việc khai báo hồ sơ, thương nhân, tổ chức truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT và tiến hành theo quy trình 05 bước giúp thủ tục này trở nên dễ dàng, đơn giản hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Thanh Thư, TMĐT sẽ phát triển thế nào trong 5 năm tới. VNExpress.net. Chi tiết tại https:// vnexpress.net/thuong-mai-dien-tu-se-phat-trien-the-nao-trong-5-nam-toi-4336327.html

2. Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021. Chi tiết https://idea.gov.vn/?page=document

3. Báo cáo chỉ số phát triển TMĐT Việt Nam năm 2021. Chi tiết https://vecom.vn/bao-cao-chi- so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2021

4. Website: Bộ Công thương www.moit.gov.vn; Cục TMĐT và KTS www.idea.gov.vn; Bộ TT&TT www.mic.gov.vn;

5. Văn bản pháp luật: Nghị định 85/2021/NĐ-CP; Nghị định 52/2013/NĐ-CP; Nghị định 126/2020/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP; Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mới về quản lý giao dịch TMĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO