Những lý do Đông Nam Á trở thành điểm "nóng" mới thu hút Big Tech
Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm hấp dẫn của ngành công nghệ khi lãnh đạo các công ty Big Tech liên tục đến khu vực này trong khoảng thời gian ngắn.
Điểm nóng mới về công nghệ
Mới nhất là ngày 19/5/2024, CEO của Tesla và SpaceX, ông Elon Musk đã đến Indonesia để ra mắt dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Khi được hỏi liệu ông có dự định đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện của Indonesia hay không, Musk để ngỏ câu trả lời khi cho biết ông tập trung vào Starlink trước tiên.
Chính phủ Indonesia trong nhiều năm qua đã cố gắng thu hút hãng ô tô Tesla của Elon Musk xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện để phát triển lĩnh vực này bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên niken phong phú của đất nước.
Trước đó, trong những tháng qua, các CEO của Apple, Microsoft và Nvidia đã có những chuyến công du đến các quốc gia Đông Nam Á, cam kết đầu tư hàng tỷ đô la và đàm phán với các nguyên thủ quốc gia. Chỉ trong tuần qua, Amazon đã "làm nóng" Singapore khi công bố kế hoạch đầu tư trị giá 9 tỷ USD trước hàng nghìn khán giả đang cổ vũ và vẫy que phát sáng tại một địa điểm công cộng.
Sau nhiều thập kỷ đứng thứ hai sau Trung Quốc và Nhật Bản, Đông Nam Á với khoảng 675 triệu dân đang thu hút nhiều đầu tư công nghệ hơn bao giờ hết. Chỉ riêng về các trung tâm dữ liệu (TTDL), các công ty lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chi tới 60 tỷ USD trong vài năm tới để đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) video, mua sắm trực tuyến và AI tạo sinh của dân số trẻ tại khu vực này.
Sức hấp dẫn của Đông Nam Á
Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm của khu vực đã đến khi Trung Quốc gặp thách thức hơn các công ty Mỹ và Ấn Độ. Thung lũng Silicon đang quan tâm đến chế độ thân thiện với doanh nghiệp, nguồn nhân tài phát triển nhanh chóng và thu nhập ngày càng tăng. Sự ra đời của AI đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo công nghệ theo đuổi các nguồn tăng trưởng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng số cho tương lai của khu vực này.
Sean Lim, đối tác quản lý của NWD Holdings có trụ sở tại Singapore, chuyên đầu tư vào các dự án dựa trên AI và các lĩnh vực khác, nhận định: các cuộc chiến tranh đang diễn ra đã khiến khu vực Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn.
Hãy lấy ví dụ về CEO Tim Cook và Satya Nadella, tháng trước họ đã bắt đầu chuyến công du lớn nhất Đông Nam Á trong nhiều năm. Các khoản đầu tư mà họ cam kết sẽ giúp biến khu vực này thành “chiến trường” lớn giữa những gã khổng lồ như Amazon, Microsoft và Google trong các lĩnh vực tương lai như AI và đám mây.
Lực lượng lao động ngày càng tăng của khu vực đang khiến Đông Nam Á trở thành một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc. Khi các chính phủ thúc đẩy cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, nơi đây trở thành cơ sở hấp dẫn cho mọi thứ, từ sản xuất và TTDL đến nghiên cứu và thiết kế.
Lim của NWD cho biết: “Các chính phủ đang đầu tư xuyên biên giới một cách chuyên nghiệp và có một nguồn nhân tài dồi dào”.
Đông Nam Á cũng đã trở thành một thị trường lớn cho các thiết bị và dịch vụ trực tuyến. Theo ước tính của chính phủ Singapore, khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua ngày càng tăng. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi thị trường dịch vụ dựa trên Internet của khu vực lên 600 tỷ USD, theo ước tính của Google, Temasek Holdings và Bain & Co.
Apple, hãng có các thiết bị đắt tiền từ lâu vẫn nằm ngoài tầm với của đại đa số trong khu vực, hiện đang mở thêm cửa hàng (Apple Store) mới tại khu vực. CEO Tim Cook đã đến thăm Việt Nam, Indonesia và Singapore vào cuối tháng 4, gặp gỡ các thủ tướng và công bố các khoản đầu tư mới khi công ty tìm kiếm các khu vực tăng trưởng mới ngoài Trung Quốc, nơi doanh số bán hàng tăng vọt.
Tại Jakarta, CEO Tim Cook đã gặp một người có ảnh hưởng ở Indonesia với gần 800.000 người theo dõi trên Instagram qua món sa tế gà và học đủ ngôn ngữ địa phương để nói “Bạn khỏe không” trong một video lan truyền trên mạng xã hội.
Trên tài khoản X của vị CEO này, khách hàng ở Indonesia đã yêu cầu Tim Cook về một Apple Store và dịch vụ tốt hơn cho các sản phẩm Apple tại quốc gia này. Sau chuyến đi, Apple báo cáo doanh thu tại Indonesia đã đạt kỷ lục, ngay cả khi tổng doanh số toàn cầu sụt giảm.
“Đây là những thị trường mà thị phần của chúng tôi thấp”, Cook nói trong một một hội nghị đầu tháng 5. “Dân số đông và ngày càng tăng. Và sản phẩm của chúng tôi thực sự đang có rất nhiều tiến bộ”.
CEO Microsoft Nadella cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình sau cuộc gặp với lãnh đạo Malaysia, Indonesia và Thái Lan vào đầu tháng 5. Tại Bangkok, CEO Microsoft đã bắt tay và trò chuyện với các quan chức chính phủ cấp cao cũng như giới doanh nhân hàng đầu nước Thái Lan.
Trong vòng vài tuần, hai sự kiện lớn có chủ đề AI sẽ diễn ra tại Singapore với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo hàng đầu từ OpenAI, Anthropic, Microsoft và các tổ chức khác để quảng bá sâu hơn về tiềm năng của công nghệ này đối với Đông Nam Á.
Chất xúc tác cụ thể cho các công ty công nghệ là AI tạo sinh, với các dịch vụ như ChatGPT nhanh chóng thu hút được người dùng. Theo báo cáo của công ty tư vấn Kearney, việc tăng tốc áp dụng AI ở Đông Nam Á có tiềm năng tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực vào năm 2030.
Điều đó có nghĩa là cần có nhiều TTDL hơn để lưu trữ và xử lý lượng thông tin khổng lồ được truyền giữa những người sáng tạo nội dung, công ty và khách hàng.
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, nhu cầu TTDL ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến sẽ tăng khoảng 25%/năm cho đến năm 2028. Con số này so sánh với mức 14% một năm ở Mỹ. Đến năm 2028, Đông Nam Á sẽ trở thành nguồn doanh thu TTDL ngoài Mỹ lớn thứ hai trên thế giới.
Các điểm nóng bao gồm khu vực Johor Bahru phía nam Malaysia, nơi Nvidia năm ngoái đã hợp tác với một công ty hạ tầng địa phương để lên kế hoạch xây dựng công viên TTDL AI trị giá 4,3 tỷ USD. Nvidia cũng đang nhắm đến Việt Nam, nơi CEO Jensen Huang coi là ngôi nhà thứ hai tiềm năng của công ty. CEO Huang đã thưởng thức món ăn đường phố và cà phê trứng, một đặc sản của Việt Nam, khi trao đổi với một số người làm công nghệ tại Việt Nam.
Kể từ đó, công ty đã xem Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là những địa điểm tiềm năng để đầu tư. Keith Strier, Phó Chủ tịch phụ trách các sáng kiến AI toàn cầu, đã đi thăm các thành phố này vào tháng trước.
Là một khu vực với khoảng chục quốc gia khác nhau về chính trị, văn hóa và địa lý, Đông Nam Á không phải là thị trường dễ dàng nhất để các công ty toàn cầu hoạt động. Những thách thức bao gồm khó khăn trong việc thích ứng văn hóa làm việc địa phương cũng như sự biến động của các loại tiền tệ khác nhau, Lim của NWD cho biết.
Nhưng hiện tại, các công ty công nghệ lớn đang tận dụng những lợi thế của khu vực như lực lượng lao động có tay nghề cao với chi phí thấp. Hầu hết các công ty Mỹ đều công bố chương trình đào tạo với chính quyền địa phương, trong đó Microsoft hứa hẹn sẽ đào tạo tổng cộng 2,5 triệu người về kỹ năng AI ở Đông Nam Á vào năm 2025.
Nicholas Lee, Phó giám đốc công ty tư vấn chính trị văn phòng Global Counsel ở Singapore, cho biết: “Sự thay đổi này bị ảnh hưởng bởi cả động lực bên ngoài và bên trong. Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự khác biệt về chính sách giữa các khu vực pháp lý lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại và chi phí tăng cao cũng cho thấy các công ty cần phải quản lý chi phí một cách thận trọng”.
Việt Nam: “điểm hạ cánh hoàn hảo”
Nhân chuyến thăm của CEO Tim Cook tới Việt Nam trung tuần tháng 4/2024, Dan Ives, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Wedbush Securities nhận định được CNN dẫn lời là Việt Nam là “điểm dừng hoàn hảo để các công ty công nghệ đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc”. Ông chỉ ra số lượng lớn kỹ sư được đào tạo ở là một yếu tố.
Ông nói với CNN: “Chúng ta không chỉ nói về (sản xuất) các thiết bị điện tử giá rẻ. Chúng ta đang nói về chuỗi giá trị cao hơn… Điều đó thậm chí còn không nằm trong tầm ngắm (của các công ty nước ngoài) hai năm trước”.
Intel cũng đã lưu ý tới sự trỗi dậy của Việt Nam. Vào năm 2021, công ty đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào một khuôn viên rộng lớn ngay bên ngoài TP. Hồ Chí Minh, nơi mà công ty cho biết sẽ là cơ sở thử nghiệm và lắp ráp đơn lẻ lớn nhất trên thế giới.
Đồng thời, cuộc chiến thương mại giữa hai nước Trung - Mỹ, bắt đầu vào năm 2018 khi Washington áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đã leo thang vào năm ngoái khi cả hai bên đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sản xuất chip như biện pháp ăn miếng trả miếng.
Trong khi đó, trong thời kỳ đại dịch, chính sách “không COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy rủi ro của việc tập trung sản xuất vào một địa điểm duy nhất.
Theo một chuyên gia tại Dragon Capital, một công ty quản lý quỹ địa phương chuyên đầu tư vào Việt Nam, được Bloomberg dẫn lời cho biết Việt Nam là “người được hưởng lợi lớn” từ các động thái của các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng hóa các trung tâm sản xuất của họ - một chiến lược được gọi là “Trung Quốc + 1”.
Nguyễn, người sở hữu một công ty quản lý tài sản trị giá 6 tỷ USD, nói với CNN rằng chi phí lao động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với nước láng giềng Trung Quốc.
Việt Nam cũng có một lợi thế khác, Nguyễn nói: Dân số trẻ, có học thức và đang bùng nổ. Đó là một sức hút lớn đối với các công ty công nghệ nước ngoài đang tìm cách thuê công nhân cho các nhà máy của họ và tìm kiếm người tiêu dùng cho sản phẩm của họ.
“Việt Nam có dân số 100 triệu người. Nếu là ở châu Âu thì Việt Nam sẽ là quốc gia lớn nhất khu vực”, bà nói, đồng thời lưu ý rằng việc sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu dự đoán là 3,2%. Đến năm 2025, IMF dự báo mức tăng trưởng 6,5% tại Việt Nam./.