Triển vọng khởi nghiệp tại Đông Nam Á: tạo ra các công ty có khả năng mở rộng và bền vững
Trong năm 2024, các startup Đông Nam Á được cho là sẽ đa dạng hóa việc thu hút đầu tư thông qua huy động vốn từ cộng đồng và đầu tư xuyên biên giới. Mục tiêu sẽ là tạo ra các công ty có khả năng mở rộng và bền vững.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á vẫn mạnh mẽ dù phải đối mặt với những thách thức phức tạp trong những năm gần đây. Mối đe dọa quan trọng nhất mà các công ty phải đối mặt là đại dịch COVID-19, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, các công ty khởi nghiệp (startup) đang áp dụng các công nghệ mới và hoạt động mạnh mẽ trong nền kinh tế số - một lĩnh vực được khu vực đặt mục tiêu trị giá 295 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Statista Research, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng kiến sự gia tăng của các kỳ lân - các công ty có giá trị trên 1 tỷ USD. Gần đây nhất là J&T Express, một công ty logistics của Indonesia. Khu vực này cũng chứng kiến sự gia tăng của các siêu ứng dụng - các ứng dụng di động như Grab cung cấp nhiều giải pháp số như dịch vụ tài chính và gọi xe trong một nền tảng trung tâm.
Theo các chuyên gia, Đông Nam Á đang là mảnh đất màu mỡ cho các startup trong nhiều ngành nghề khác nhau, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), thực phẩm và đồ uống (F&B), logistics, cùng nhiều ngành khác. Các startup rất cần nguồn vốn, đổi mới và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng.
Các sáng kiến và chính sách phát triển khởi nghiệp của chính phủ các nước ASEAN
Các sáng kiến và luật pháp của chính phủ các nước ASEAN đang giúp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong khu vực, trong đó các bên liên quan trong hệ sinh thái cùng nhau xây dựng các quy định để hỗ trợ khởi nghiệp.
Hai ví dụ khá rõ về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ ASEAN đến từ Philippines và Singapore. Theo Startup Genome, Philippines hỗ trợ các startup thông qua một số chính sách pháp lý và tài chính. Họ có Quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp, Quỹ tài trợ và Kế hoạch phát triển Philippines từ năm 2023 - 2028.
Trong khi đó, chính phủ Singapore đã liên tục thực hiện các chính sách thân thiện để truyền cảm hứng cho các nhà sáng lập, tổ chức nước ngoài và các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) phát triển các công ty đổi mới nhằm giải quyết nhu cầu của người Đông Nam Á.
Singapore có các chiến lược khác nhau để hỗ trợ pháp lý cho các DN mới. Ví dụ, chính phủ đã công bố Chiến lược AI quốc gia và thành lập cơ quan Enterprise Singapore để hỗ trợ các startup.
Tuy nhiên, môi trường pháp lý tại các quốc gia vẫn còn hạn chế và cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Bối cảnh đầu tư vào ASEAN
Bối cảnh đầu tư của Đông Nam Á cũng biến động qua các năm. Theo một báo cáo được công bố bởi Funding Societies, nền tảng tài chính kỹ thuật số SME hợp nhất lớn nhất ở ASEAN, gần 7 trong số 10 nhà sáng lập dựa vào gia đình, bạn bè và tiền tiết kiệm cá nhân để nhận vốn. Theo các chuyên gia, cần có sự hỗ trợ vốn từ bên ngoài mạnh mẽ hơn nữa.
Các VC, các nhà đầu tư DN trong và ngoài nước cũng như các nhà đầu tư thiên thần đã cố gắng giải quyết những thách thức kinh tế bằng việc đầu tư cho các DN mới. Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy các nhà đầu tư đang có sự thay đổi trong kỳ vọng về các giao dịch rót vốn và thoái vốn.
Nguồn đầu tư tư nhân xuống mức thấp nhất trong 6 năm và các DN số phải thể hiện giá trị của mình với nhà đầu tư. Họ cần đưa ra những lộ trình rút lui rõ ràng, định giá đầu vào thực tế và chương trình kinh doanh dẫn đến lợi nhuận.
Báo cáo của công ty đầu tư Rigel Capital nhấn mạnh việc gọi vốn cho các startup vào năm 2023 đã giảm một nửa xuống còn 7,96 tỷ USD so với con số của năm 2022. Tuy nhiên, đã có sự phục hồi trong quý 4 năm 2023, với khối lượng giao dịch tăng 10,6%.
Mặc dù báo cáo cho thấy một số thách thức về nguồn vốn do những khó khăn kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn có kỳ vọng rằng khu vực này đang trên đà đi lên trong việc huy động vốn đầu tư. Ví dụ về các công ty được đầu tư hàng đầu hiện nay bao gồm Bolttech, Kredivo và Carsome.
Cơ hội cho khởi nghiệp
Các startup trong khu vực sẽ phát triển sau khi vượt qua nhiều khó khăn trong quá khứ. Họ đã trải qua những mùa đông đầu tư, các quy định ngột ngạt và những khó khăn khi áp dụng các chính sách ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Hơn nữa, họ đã giải quyết các xung đột địa chính trị, tội phạm mạng và các vấn đề khác, bao gồm cả việc tạo ra giải pháp cho các quốc gia khác nhau trong ASEAN với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau.
Theo Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp (Startup Talent Report) năm 2023 của Glints và Monk's Hill Ventures, những thách thức chưa từng có như đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có trong cách tiếp cận nguồn nhân lực, chẳng hạn như sa thải nhân viên để hợp lý hóa hoạt động kinh doanh hoặc đưa ra các khoản thưởng theo hiệu suất và các lựa chọn công việc linh hoạt.
Mặc dù những thách thức này vẫn còn tồn tại nhưng có nhiều yếu tố khác cho thấy khu vực này sẽ thành công. Đầu tiên, sự phổ biến của điện thoại thông minh cho phép kết nối nhiều hơn, tạo ra thị trường thương mại lớn hơn. Ngoài ra, các công ty đang phát triển các công nghệ tiên tiến như blockchain, tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy các ngành công nghiệp.
Các lợi ích khác bao gồm dân số trẻ, am hiểu công nghệ ở Đông Nam Á, các chính sách hỗ trợ, nâng cao và đào tạo nhân viên về công nghệ cũng như xóa bỏ các hạn chế đối với lao động nước ngoài tài năng. Những cải tiến trong dịch vụ tài chính và thanh toán đã thúc đẩy cơ sở hạ tầng khu vực và thu hẹp khoảng cách để những người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các giải pháp tài chính thuận tiện và kịp thời.
Trong năm 2024, các xu hướng gọi vốn được cho là sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính giai đoạn đầu cho các công ty mới nổi, đa dạng hóa việc gọi vốn thông qua huy động vốn từ cộng đồng và đầu tư xuyên biên giới. Mục tiêu sẽ là tạo ra các công ty có khả năng mở rộng và bền vững.
Cuối cùng, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang các giải pháp xanh và phương pháp tiếp cận bền vững. Việc tăng cường gọi vốn và cam kết chống ô nhiễm và phát thải carbon sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho ASEAN và thế giới./.