Những người làm báo từ rừng về phố
Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Bằng bút, giấy, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy đánh chữ, máy in… họ cùng nhau khắc họa thời điểm lịch sử huy hoàng ấy một cách sống động nhất. Những Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Nguyễn Huy Khánh, Nguyễn Hồ, Kim Toàn… thuộc nhiều đơn vị báo chí khác nhau đã để lại rất nhiều di sản vô giá cho hôm nay, ngay tại đô thành Sài Gòn vừa nguội tắt khói súng…
Từ "cái nôi" chiến khu Tây Ninh
Sài Gòn giải phóng sinh ngày 5/5/1975 giữa Sài Gòn, chỉ sau năm ngày hòa bình đầu tiên. Tờ báo được thai nghén bởi chính những nhà báo của báo Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, ra đời năm 1964 giữa chiến khu, đã trải qua 11 năm rèn luyện, trưởng thành trong lửa đạn kháng chiến, dưới những tán rừng Tây Ninh. Tổng Biên tập báo Giải phóng là nhà báo Nguyễn Thành Lê - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, được Trung ương cử vào nhận nhiệm vụ.
Bài báo "Tờ báo mang tên một sự kiện lịch sử: Sài Gòn Giải Phóng" trên trang điện tử báo Sài Gòn giải phóng, đăng dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước và cũng là 40 năm thành lập báo (5/5/1975-5/5/2015) viết: "Ngày 5/5/1975, theo Quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), một tờ báo xuất bản hằng ngày khổ lớn mang tên "Sài Gòn Giải Phóng" (SGGP) được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sài Gòn mới được giải phóng. Thế hệ đầu tiên làm báo SGGP từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp lại".
Có thể hình dung, để có "ngày ra mắt" khẩn trương ấy, ngoài nhân lực làm báo đã có sẵn là đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo Giải phóng, những người làm báo "từ rừng về phố" đã mang theo quyết tâm, kế hoạch cũng như những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và hình thức cho tờ báo cách mạng đầu tiên ra ngay sau ngày 30/4/1975 ở Sài Gòn và cả miền nam Việt Nam lúc bấy giờ. Họa sĩ của báo Giải Phóng là Dũng Tiến được phân công phác thảo manchette cho báo trước đó cả tháng trời.
Ngay từ ngày 1/5/1975, phóng viên báo Giải Phóng đã tỏa đi khắp các đường phố Sài Gòn để làm tin thời sự. Bức ảnh nữ nhà báo Minh Hiền đang tác nghiệp ngày hôm đó (hiện trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam), ghi dấu ấn về hoạt động làm báo chuyên nghiệp, năng nổ của họ trong điều kiện mới.
Nhà báo Nguyễn Hồ, nguyên Trưởng ban Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn 15 số báo Sài Gòn giải phóng đầu tiên, kể lại: Sau ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, phóng viên báo Giải Phóng đi công tác xa đã được tòa soạn gọi về nhận nhiệm vụ mới: "Chuẩn bị ra báo tại Sài Gòn"! Nhà báo Hai Khuynh đưa cho Nguyễn Hồ bản Đề án đánh máy đề ngày 6/4/1975, có dấu "Tuyệt mật" ở góc trái, với nhiều nội dung chỉ đạo cụ thể, trong đó có nhiệm vụ "phải xuất bản ngay báo Giải Phóng giữa Sài Gòn".
"Ba số báo đầu tiên được phác thảo kỹ lưỡng nội dung, hình thức mấy trang trong, có đầy đủ nghị luận, phóng sự, chân dung với đề tài hòa giải, hòa hợp dân tộc, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất. Hai trang ngoài sẽ là tin, bài thời sự nóng nhất, trong đó có thể có Thông cáo số 1 của Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn. Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát được chuẩn bị bản kẽm. Tất cả diễn ra song song với việc hoàn thành các số báo cuối cùng do Thư ký tòa soạn, nhà báo Đinh Phong phụ trách".
Tòa soạn tiền phương được lập, gồm một số cây viết chủ chốt của báo Giải Phóng như Hai Khuynh, Tô Quyên, Vũ Tuất Việt, các biên tập viên, họa sĩ, nhiếp ảnh Nguyễn Hồ, Minh Hiền, Trí Việt, Dũng Tiến, Nguyễn Đặng, Huỳnh Đức, Ngọc Loát, Khắc Điệp, cùng một phóng viên báo Thống Nhất vừa từ Hà Nội vào, một nhóm cán bộ Thành đoàn từ Sài Gòn lên dự lớp huấn luyện ở chiến khu và một tổ nhà in.
Sáng 29/4/1975, "có đến cả nghìn người, nữ mặc áo bà ba đen, khăn rằn, nón sáu múi, nam quân phục màu cỏ úa, dép râu, nón tai bèo xếp hàng chờ lệnh xuất phát. Hai bên đường, nhiều bà má đứng lau nước mắt tiễn đưa những đứa con Giải phóng" - giây phút rời chiến khu về Sài Gòn 50 năm trước dường như vẫn nguyên vẹn trong ký ức của nhà báo Nguyễn Hồ .
Tại đồn điền cao-su Bến Củi, các nhà báo bồn chồn nghe tin tức qua radio. Đoàn về đến Trảng Bàng thì hân hoan tột độ vì biết tin Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc lời kêu gọi Quân lực Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện. Vào đến nội thành, đường phố Sài Gòn tắc nghẽn, đoàn phải vừa đi xe tải, vừa sử dụng xe Honda để dễ dàng cơ động.
Đêm 30/4, đoàn tập kết tại 174 Hiền Vương, địa điểm cấp trên đã chỉ định đặt Tòa soạn báo Giải Phóng, nơi vốn là trụ sở Đảng Dân chủ và Báo Dân chủ của chính quyền cũ. Một số người phải vào rạp Long Vân tá túc chờ sáng. Sớm hôm sau, có rất nhiều người hay tin tìm đến, gồm các nhà báo, học giả, nhà văn, và cả người chuyên phát hành báo của các báo Sài Gòn như Tin sáng, Điện tín, Đại Dân tộc… Cấp trên có chỉ thị mới: "Làm tờ báo mới mang tên Sài Gòn giải phóng". Manchette cấp tốc hoàn thành, dưới đề thêm dòng chữ "Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định" theo đề xuất của nhà báo Nguyễn Hồ.
Khuya ngày 5/5/1975, số 1 báo Sài Gòn giải phóng chính thức rời nhà in với 4 trang khổ lớn, in offset, số lượng in lên tới 460.000 tờ. Niềm vui khó tả! Tiền bán báo gom về đựng trong bao tải khiến các nhân viên văn phòng, tài vụ phải mất mấy ngày đêm đếm và phân loại, vì hầu hết là tiền lẻ.
Tổng cộng đã có 15 số báo Sài Gòn giải phóng ra hằng ngày từ 5/5/1975 đến 19/5/1975. Những đêm xuống, các nhà báo ta chỉ chợp mắt vài giờ đồng hồ, trên những tờ báo trải tạm bợ giữa sàn nhà. Vẫn hệt như lúc ở chiến khu, cơm nấu bằng chảo gang quân dụng mang từ rừng ra và được chị cấp dưỡng đem đến tận bàn làm việc. "Không khí làm báo chưa bao giờ sôi nổi đến vậy. Chúng tôi càng được khích lệ khi có nhiều nhà báo trong số 23 nhật báo đối lập với chính quyền Sài Gòn và sinh viên, học sinh yêu nước tìm đến Tòa soạn tự nguyện nhận viết tin, bài, chụp ảnh và dẫn đường; chủ nhà in và anh chị em công nhân Tân Minh Ấn quán ở 432 đường Hồng Thập Tự nhiệt tình hợp tác in Báo Sài Gòn giải phóng...".
Sau đó, có lệnh bàn giao báo và nhà in cho Thành ủy Sài Gòn. Đội tiền phương tiếp tục trở về báo Giải Phóng, tiếp tục sứ mệnh thời bình của một tờ báo sinh ra trong khói lửa. Đến giữa tháng 7, báo Giải Phóng bộ mới ra mắt.
Tờ báo anh hùng trong lửa đạn và những nhà báo luôn ở tuyến đầu
Sắp tới kỷ niệm 60 năm Ngày báo Giải Phóng ra đời, nhưng rất nhiều cán bộ, nhân viên của báo hoặc đã hy sinh, hoặc không đợi được ngày này.
Từ giai đoạn chiến tranh ác liệt đến những ngày đầu quân quản tháng 4/1975, hơn một thập niên bền bỉ và nỗ lực, đội ngũ nhà báo-chiến sĩ báo Giải Phóng đã trực tiếp cáng đáng toàn bộ nội dung 375 số báo xuất bản ngay tại chiến trường, 15 số báo dã chiến ở Đô thành, đồng thời tự thu xếp cả việc in ấn, phát hành báo tới độc giả một cách chủ động, chuyên nghiệp, trong những điều kiện khó khăn, gian khổ nhất. Những hy sinh, những cống hiến to lớn của báo Giải Phóng, hiện được nhiều cơ quan, đơn vị đề xuất phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang (Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng đều đã nhận được danh hiệu này).
Một trong số đó là Nguyễn Hồ, người con của quê hương đồng khởi Bến Tre, một tấm gương của nghề viết, người được nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thép Mới cực kỳ tin tưởng cử làm tổ trưởng tổ biên tập và phóng viên kiêm Thư ký Tòa soạn báo Sài Gòn giải phóng suốt 15 số đầu tiên.
Khi báo Giải Phóng sáp nhập với báo Cứu Quốc thành báo Đại đoàn kết, ông làm Trưởng ban biên tập kinh tế báo mấy năm liền, rồi lần lượt giữ những cương vị quan trọng: Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Hãng phim của Đài, Phó Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tạo dựng một thời kỳ phát triển rực rỡ của điện ảnh và truyền hình phía nam; là tác giả, biên kịch nhiều bộ phim điện ảnh và tài liệu nổi tiếng như Vùng gió xoáy, Lưỡi dao, Chung cư, Chúa tàu Kim Quy, Đất phương Nam, Mê Kông ký sự, Ngọn nến Hoàng cung, Người Bình Xuyên, Blouse trắng… và nhiều phim ký sự dài tập kỳ công: Ký sự Tân Đảo, Đi tìm dấu tích ba Vua, Những vị tướng xứ Dừa…
Ông bắt đầu nghề báo bằng chép tin đọc chậm, lội rừng đi lấy tin trước khi lên rừng Miền Đông học lớp báo chí, rồi được biên chế vào báo Giải Phóng ở Tây Ninh, "đêm muỗi đốt không kịp vuốt mặt, ngày ruồi bu kín chén cơm", cứ vậy 11 năm đi hết các chiến trường, các chiến dịch lớn. Có lúc ông buông bút cầm súng chỉ huy du kích cơ quan đánh xe tăng, 5 người thì hy sinh 4. Gian khổ, chết chóc ông không sợ, chức tước không màng, khá nhiều cơ hội để thăng tiến mà ông không ham, chỉ ham viết văn, ham làm báo, làm phim.
Con người ấy khiêm nhường, chỉ cặm cụi làm việc, không quan tâm đến những danh hiệu hay khen thưởng này kia, có bận đã rất bất ngờ khi nhận được Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động, sau đó mới hay là do các đồng nghiệp - đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Phạm Khắc và nhà báo Đinh Phong - trân trọng những đóng góp của ông mà làm giùm hồ sơ… Nhắc đến chuyện này, nhà văn Ngô Thảo nhấn mạnh: "Đây là một việc cần thiết, để cho nhiều người đang tiếp tục lặng lẽ, âm thầm làm những công việc như Nguyễn Hồ đã và đang làm".