Chuyển đổi số

Những quy định của chính phủ Thái Lan trong quản lý nền kinh tế số

Hạnh Tâm 11/10/2023 14:01

Thái Lan là một trong những quốc gia ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về cơ sở hạ tầng số và thương mại điện tử (TMĐT) kể từ đại dịch COVID-19.

Theo một nghiên cứu năm 2022 do ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thực hiện, Thái Lan là một trong tám quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai toàn diện luật quản lý thương mại số.

Trong trường hợp không có thỏa thuận đa phương, Thái Lan cũng giống như nhiều quốc gia khác đang tận dụng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) để định hình các quy định toàn cầu về thương mại số; nhưng cách tiếp cận này đòi hỏi nhiều nguồn lực và có thể dẫn đến sự phân tán về quy định và tăng chi phí kinh doanh.

Chính phủ Thái Lan với những thành tựu và động thái thúc đẩy KTS

Vào năm 2021, riêng TMĐT ở ASEAN đã đạt tổng giá trị hàng hóa là 170 tỷ USD, dự kiến đạt 360 tỷ USD vào năm 2025 và 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Thái Lan là một trong những quốc gia ở ASEAN và châu Á chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận số, xu hướng này càng được đẩy nhanh hơn trong đại dịch COVID-19.

a1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn

Thái Lan tự hào có mức độ thâm nhập của người tiêu dùng điện tử lớn thứ hai trong ASEAN, với 48 triệu người dùng Internet và 9 triệu người dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu cho đến giữa năm 2021. Đáng chú ý, 67% số người dùng này nằm ngoài khu vực Bangkok. Năm 2021, nền kinh tế Internet ở Thái Lan đạt giá trị hàng hóa toàn cầu là 30 tỷ USD, tăng 51% so với năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Riêng TMĐT Thái Lan đã đạt 21 tỷ USD vào năm 2021, đứng thứ 19 toàn cầu.

Làn sóng số hóa cũng đã chuyển đổi nhiều lĩnh vực dịch vụ ở Thái Lan, với những tiến bộ đáng chú ý nhất là dịch vụ tài chính. Đầu tư nước ngoài vào các dịch vụ số đã tăng mạnh, đặc biệt là trong TMĐT, công nghệ tài chính, y tế điện tử và giáo dục trực tuyến. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự thâm nhập Internet và điện thoại di động ngày càng tăng cũng như sự cải thiện của hệ thống thanh toán điện tử và hậu cần.

Về giao dịch TMĐT, 50% là giữa doanh nghiệp (DN) với người tiêu dùng (B2C), tiếp theo là giữa DN với DN (B2B) ở mức 27% và giữa DN với chính phủ (B2G) ở mức 23%. 1/3 giao dịch TMĐT B2B là trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ với sản xuất là 16% và bán lẻ và bán buôn là 15%.

Năm 2016, Thái Lan đã thực hiện chiến lược Thái Lan 4.0 nhằm chuyển đổi đất nước sang phát triển thông qua chuyển đổi công nghiệp trong 10 lĩnh vực chính, bao gồm các ngành công nghiệp kỹ thuật số và định vị Thái Lan là trung tâm kỹ thuật số dựa trên tri thức và đổi mới của ASEAN. Tương tự như các ngành công nghiệp truyền thống như ô tô, điện tử, hóa dầu và công nghiệp nặng, Thái Lan đã ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) ở hành lang kinh tế phía Đông (EEC), chiếm 60% tổng dòng vốn FDI vào năm 2021.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, Thái Lan đã triển khai một số dự án nhằm thúc đẩy, tăng cường nền kinh tế số và CĐS trên nhiều phương diện khác nhau.

Đầu tiên, trong hệ sinh thái TMĐT, Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) thuộc bộ Thương mại đã lập Thaitrade.com vào năm 2011, đóng vai trò là thị trường điện tử B2B kết nối hơn 25.000 DN xuất khẩu Thái Lan, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME) với các nhà nhập khẩu quốc tế.

Thứ hai, để củng cố cơ sở hạ tầng số, Thái Lan đã khởi xướng xây dựng công viên kỹ thuật số Thái Lan trong EEC vào cuối năm 2021. Quan hệ đối tác công tư này nhằm mục đích thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, tăng cường kết nối số và mong muốn công viên trở thành một trung tâm đổi mới số của ASEAN bằng cách thu hút các ngành kỹ thuật số và công nghệ cao.

Thứ ba, để tạo thuận lợi cho thương mại, bao gồm cả kích hoạt số và giao hàng số cũng như những hàng hóa và dịch vụ truyền thống, Thái Lan đã triển khai giai đoạn thí điểm của nền tảng thương mại kỹ thuật số quốc gia (NDTP) vào tháng 9/2022. NDTP sẽ đóng vai trò là điểm tập trung để liên lạc và phân phối tài liệu điện tử giữa các đối tác thương mại. NDTP được liên kết với các cơ sở của Thái Lan như cơ chế một cửa quốc gia và sẽ được tích hợp với các nền tảng số tương tự ở các quốc gia khác.

Những quy định trong nước về thương mại số của chính phủ Thái Lan

Năm 2016, Thái Lan đã thành lập văn phòng ủy ban Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số quốc gia để soạn thảo các chính sách quốc gia cho nền kinh tế và xã hội số. Một năm sau, cơ quan xúc tiến KTS được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp số và thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ số. Cả hai đơn vị này sau đó đã được nhập vào Bộ Kinh tế và Xã hội số, được thành lập hồi tháng 10/2016 để thay thế cho Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Đạo luật phát triển kỹ thuật số cho kinh tế và xã hội (2017) đã thiết lập khung pháp lý cho sự phát triển số của cả nền kinh tế và xã hội ở Thái Lan đồng thời cũng thành lập quỹ phát triển xã hội và KTS để tài trợ cho những kế hoạch phát triển xã hội và nền KTS trong tương lai.

Trong 5 năm qua, Thái Lan đã đưa ra một số lượng đáng kể các quy định mới liên quan đến nền KTS. Theo một báo cáo gần đây của ADB, Thái Lan là một trong 8/49 quốc gia được khảo sát ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thực thi luật thương mại số. Khung pháp lý hiện hành của Thái Lan về thương mại số gồm nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm giao dịch điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu, tội phạm mạng và việc áp dụng luật mẫu của ủy ban liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) về thương mại điện tử.

Luật giao dịch Điện tử (2019) đã thiết lập sự tương đồng về mặt pháp lý của hồ sơ và chữ ký điện tử với hồ sơ giấy và chữ ký viết tay. Tất cả các DN số ở Thái Lan đều phải đăng ký theo luật đăng ký thương mại. Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPA) được ban hành vào tháng 6/2022 nêu ra các nghĩa vụ đối với cả DN TMĐT trong nước và nước ngoài về việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Vào tháng 12/2022, Thái Lan đã ban hành nghị định về nền tảng số, trong đó nêu rõ nghĩa vụ của các nhà cung cấp nền tảng số.

Đáng chú ý, PDPA không yêu cầu nội địa hóa dữ liệu và Thái Lan có các hàng rào phi thuế quan (các cách thức ngăn chặn, gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải là đánh thuế nhập khẩu) và hệ thống các loại thuế thấp hơn trong những tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) so với mức trung bình của Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Thái Lan áp đặt chặt chẽ hơn những giới hạn đối với những đầu tư nước ngoài và các hoạt động của các DN viễn thông cũng như đối với hoạt động bán hàng và giao dịch trực tuyến. Do đó, điểm số của Thái Lan trên chỉ số hội nhập thương mại số khu vực (RDTII) của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của liên hợp quốc tại Châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP) cao hơn (cho thấy nhiều chính sách hạn chế thương mại kỹ thuật số hơn) so với mức trung bình của ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương.

Thái Lan cũng nhận được điểm số cao hơn (hạn chế hơn) trong cả hai chỉ số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với DSTRI (chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ số) cao thứ tư và STRI (chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ) cao thứ hai trong ASEAN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những quy định của chính phủ Thái Lan trong quản lý nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO