Những rào cản trong việc triển khai các ứng dụng agritech tại Myanmar

Ngọc Diệp| 15/02/2022 06:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Khoảng cách thế hệ và sự nghèo đói đang hạn chế khả năng tiếp cận của các giải pháp công nghệ nông nghiệp (agritech) tại các vùng nông thôn Myanmar.

Myo Thein, một người đàn ông 62 tuổi, đã làm nông nghiệp trong phần lớn cuộc đời của mình. Ông bắt đầu làm ruộng từ năm 16 tuổi, trồng chè, cà phê, bơ và mít trên mảnh đất rộng 20 mẫu Anh ở khu vực đồi núi Aung Ban, một thị trấn lớn ở bang Shan, miền đông Myanmar.

Khi rảnh rỗi, không làm công việc đồng áng, Myo Thein thường chúi mặt vào điện thoại thông minh. Lướt tin tức trên Facebook là trò tiêu khiển yêu thích của ông ấy. Ngoài ra, Myo Thein còn tương tác với bạn bè và các thành viên trong gia đình thông qua mạng xã hội hay xem video để giải trí. Cho đến giờ, ông ấy chủ yếu sử dụng điện thoại để truy cập giải trí. Ý nghĩ sử dụng điện thoại để tìm hiểu về các phương thức cải thiện năng suất cây trồng hay truy cập các giải pháp agritech chưa bao giờ xuất hiện trong đầu Myo Thein.

"Tôi làm nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm của bản thân và kiến thức được thừa hưởng từ gia đình. Tôi chỉ sử dụng điện thoại của mình để gọi cho mọi người hoặc sử dụng Facebook và Viber", Myo Thein cho biết.

Câu chuyện của Myo Thein là câu chuyện của nhiều nông dân khác ở Myanmar. Mặc dù có rất nhiều giải pháp agritech được phát triển trong nước, nhưng hầu hết người nông dân chưa thực sự hiểu agritech là gì. Đây là một rào cản nghiêm trọng đối với các công ty khởi nghiệp agritech, bao gồm công ty tư vấn nông nghiệp Village Link, nền tảng cho thuê máy móc nông nghiệp Tun Yat và nhà phát triển hệ thống thủy canh dựa trên IoT Hydro Plant. Đồng thời, nhiều nông dân đang bỏ lỡ các công cụ sáng tạo có thể cải thiện năng suất trồng trọt của họ.

Những rào cản trong việc triển khai các ứng dụng agritech tại Myanmar - Ảnh 1.

Công nhân hái lá chè tại trang trại của Myo Thein.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Đây được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.

Ngoài ra còn có những rào cản khác đối với các công ty agritech và nông dân. Cụ thể, tại nhiều vùng nông thôn của Myanmar, mức độ hiểu biết kỹ thuật số thấp và chi phí trực tuyến cao.

Ngành nông nghiệp hiện chiếm 38% GDP của Myanmar và đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn tồn tại những điểm yếu, kém hiệu quả, bao gồm năng suất cây trồng thấp và chuỗi cung ứng phân tán.

Đồng thời, một trong những bất cập lớn trong sản xuất nông nghiệp tại Myanmar là có quá nhiều trung gian, khiến nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp bị thiệt thòi khi sản phẩm làm ra được thu mua với giá thấp, tuy nhiên, khi qua tay thương lái và lên bàn ăn thì giá cả tăng lên đến cả chục lần.

Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng như cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar vào tháng 02/2021. Xung đột vũ trang và bạo lực đã tràn vào các vùng nông thôn, ảnh hưởng đến sự an toàn của những người nông dân, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Cước phí cuộc gọi và dữ liệu di động đắt đỏ

Mặc dù không biết gì về các ứng dụng agritech có sẵn, nhưng Myo Thein biết các hội nhóm trên Facebook, nơi những người nông dân chia sẻ các mẹo và kỹ thuật trồng cây cũng như quản lý đất đai của họ. Nhưng Myo Thein không tin tưởng những kênh này, vì ông ấy tin rằng việc đào tạo và trải nghiệm thực tế là quan trọng nhất.

"Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy những đồn điền thành công khi đi du lịch, tôi thường dừng lại và hỏi những người nông dân về cách họ trồng một loại cây cụ thể như thế nào - họ sử dụng phương pháp nào và loại đất của họ là gì", Myo Thein nói.

"Ông tôi cũng dạy tôi cách nhận biết các dấu hiệu từ thiên nhiên và động vật. Những thứ như tiếng chim dệt và sự xuất hiện của giun đất là dấu hiệu cho thấy mùa gió chướng đã đến. Tôi đọc những dấu hiệu đó và dự đoán thời tiết", Myo Thein nói thêm.

Trong khi kết nối Internet là điều kiện tiên quyết để truy cập hoặc tải xuống các ứng dụng agritech, thì một rào cản đối với Myo Thein là cước phí cuộc gọi và Internet di động ngày càng đắt đỏ. Trước tháng 12/2021, hóa đơn điện thoại của anh ấy chỉ vào khoảng 10.000 - 15.000 MMK (5,6 - 8,4 USD)/tháng. Nhưng hiện tại, con số này đã tăng gấp hơn 3 lần lên tới 30.000 - 50.000 MMK (16,9 - 28 USD).

Việc giá cước tăng nhanh chóng thực sự là khó kiểm soát được đối với những hộ nông dân có quy mô nhỏ hơn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), họ kiếm được 1,80 - 2,50 USD/ngày trong mùa gió mùa và lên tới 3,50 USD mỗi ngày trong mùa khô.

Vào ngày 8/1/2022, chính phủ quân sự đã tăng mức thuế thương mại đối với dịch vụ Internet, bắt buộc đánh thuế 20.000 MMK (11 USD) đối với mỗi thẻ SIM được bán ra, cũng như mức thuế 15% đối với doanh thu thu được từ dịch vụ Internet. Trước khi bị đánh thuế, một thẻ SIM chỉ có giá khoảng 1.500 MMK, hoặc hơn 80 xu một chút.

Chính vì vậy, việc truy cập Internet trở nên không khả thi hoặc thậm chí là không thể đối với nhiều người. Do đó, rào cản đối với các giải pháp agritech tại Myanmar không chỉ đơn giản là vấn đề về tiếp cận mà còn nằm ngoài tầm của người nông dân.

Nguồn điện hạn chế

Không giống như Myo Thein, Aye Soe Min, một nông dân 36 tuổi sống ở vùng nông thôn của vùng Sagaing, là một người ủng hộ nhiệt tình các giải pháp agritech. Sau 6 năm làm nhân viên ngân hàng, anh quyết định trở lại với nghề nông nghiệp truyền thống của gia đình mình vào năm 2014.

Gia đình của Aye Soe Min đã trải qua nhiều thế hệ làm ruộng nhưng sử dụng các kỹ thuật canh tác kém hiệu quả, và anh ấy đã cố gắng cải thiện thực tế này.

Để làm được điều này, Aye Soe Min đã nghiên cứu sâu về khoa học trồng trọt và cuối cùng thành lập Htwet Toe của Village Link, một ứng dụng di động cung cấp thông tin chi tiết về dinh dưỡng cây trồng và việc sử dụng phân bón.

Theo Aye Soe Min, một rào cản đối với việc áp dụng rộng rãi các giải pháp agritech là khả năng tiếp cận điện ở nông thôn. "Nhiều làng không có lưới điện. Ngay cả khi có thì điện cũng không được cung cấp 24 giờ", Aye Soe Min nói.

Theo một báo cáo năm 2019 của mạng lưới nông nghiệp Grow Asia, chỉ có 2,5% trong số 71 triệu nông dân sản xuất nhỏ của Đông Nam Á sử dụng bất kỳ một giải pháp agritech nào có sẵn trong khu vực.

Trong khi các thế hệ nông dân lớn tuổi như Myo Thein vẫn còn hoài nghi về các giải pháp agritech, thì những người trẻ hơn như Aye Soe Min lại lạc quan về những cải tiến mà các nền tảng này có thể mang lại trong việc trồng trọt lương thực.

"Việc ứng dụng agritech có thể được đẩy nhanh nếu các công ty khởi nghiệp đến thăm làng và tổ chức các hội thảo để giáo dục nông dân. Họ cần giúp nông dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, cài đặt các ứng dụng và thông báo cho họ về những lợi ích mà các giải pháp đó sẽ mang lại", Aye Soe Min nói thêm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những rào cản trong việc triển khai các ứng dụng agritech tại Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO