Những thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng tương lai bền vững

Bảo Bình| 16/09/2021 18:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thể hiện nhiều cơ hội và tiềm năng to lớn, nhưng ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 như thế nào, cũng như quản trị công nghệ ra sao chính là bài toán mà các chính phủ phải đối mặt khi xây dựng một tương lai bền vững.

Bão, cháy rừng hay hạn hán là những hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu khiến các chính phủ đau đầu. Nhưng may mắn là, công nghệ sẽ giúp chúng ta đối phó trực tiếp với biến đổi khí hậu - chẳng hạn, công nghệ giúp chúng ta kiểm soát lượng khí thải carbon, giúp chúng tạo nên những trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió, và xe điện. Những công nghệ này kích thích người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư, những người có thể hình dung ra những ứng dụng tiềm năng của các công nghệ mới nổi, để hướng tới một đời sống bền vững và các mô hình kinh doanh mới.

Ngoài lợi ích kinh tế và môi trường bền vững, những công nghệ mới nổi này cũng cho phép các nhà hoạch định chính sách có được cơ sở dữ liệu (CSDL) và những hiểu biết sâu sắc, giúp họ đưa ra các quyết định phức tạp. Như vậy, công nghệ đã được ứng dụng vào phục vụ nhu cầu của công chúng và các nhà hoạch định chính sách.

Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 khi xây dựng tương lai bền vững - Ảnh 1.

Biểu tượng về CMCN 4.0 tại triển lãm Hannover. Ảnh: Reuters

Cơ hội của các công nghệ CMCN 4.0

Theo các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà hoạch định chính sách có thể khai thác cuộc CMCN 4.0 để thúc đẩy chương trình phát triển bền vững. Đây là cuộc cách mạng tự động hóa các hoạt động sản xuất và công nghiệp truyền thống, sử dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới và công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến.

Dưới đây là 4 ví dụ về các công nghệ 4.0:

1. HyperSpectral Imaging là một kỹ thuật cung cấp dữ liệu quang học có độ phân giải cao giúp cải thiện việc giám sát môi trường. Các dữ liệu hình ảnh giúp giám sát môi trường như phát hiện vị trí ô nhiễm (ví dụ, phát thải CO2) hoặc che phủ cây để bảo tồn. 

Kỹ thuật này ngày càng trở nên dễ tiếp cận và chính xác hơn, đồng thời có thể sử dụng ở các quy mô khác nhau từ vệ tinh, máy bay không người lái đến cảm biến gần. Mặc dù chi phí công nghệ vẫn còn đắt, song nhiều phiên bản cải tiến đã được phát triển, những công nghệ tiêu dùng có chi phí thấp hơn - như công nghệ cảm biến quang phổ của Spectricity - là chìa khóa đưa công nghệ áp dụng vào quy định chính thống. 

Nói thêm về công nghệ cảm biến quang phổ này, nó có thể tạo ra các giải pháp cảm biến và hình ảnh cấp chuyên nghiệp đủ nhỏ và công suất thấp để vừa với điện thoại thông minh hoặc thiết bị đeo được. 

Công nghệ độc đáo này sẽ mang lại một loạt các ứng dụng y tế, mỹ phẩm, thực phẩm và thực tế tăng cường vào túi và/hoặc cổ tay của người tiêu dùng. Ở quy mô lớn, công nghệ này giúp cho việc giám sát và giảm thiểu khả dụng ngay cả đối với các cơ quan có ngân sách nhỏ, cho phép đưa ra quyết định chính xác, phù hợp với địa phương hơn.

2. Công nghệ sổ cái phân tán (DLT), bao gồm cả blockchain, sẽ cải thiện các quy trình và hệ thống hiện tại, hỗ trợ tính minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình khi ra quyết định. 

Hiện tại, chúng ta mới chỉ bắt đầu nắm bắt được các ứng dụng của công nghệ này, vào các lĩnh vực như tiêu chuẩn hóa môi trường, xã hội và quản trị (ESG), hay bảo hiểm. Theo OECD, các nền tảng DLT cung cấp một cách chuẩn hóa dữ liệu, đánh giá hiệu suất tài sản và tăng cường tuân thủ trong các lĩnh vực như tiêu chuẩn ESG (nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty) và theo dõi các SDG (các mục tiêu phát triển bền vững). 

Ngoài ra, các nền tảng DLT có thể cung cấp các tùy chọn bảo hiểm phi tập trung, bảo vệ các thị trường mới nổi, nơi dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng. Các DLT có vẻ đầy hứa hẹn trong việc cải thiện các hệ thống do chính phủ phát triển, chẳng hạn như chứng chỉ khí thải và các cơ chế khác để bảo vệ cộng đồng toàn cầu.

3. Công nghệ sinh học và sinh học tổng hợp là việc tạo ra các sản phẩm bắt chước và/ hoặc thay thế các sản phẩm hiện có đang sử dụng nhiều tài nguyên hoặc gây ra chi phí ngoại tác cao (ví dụ: do suy thoái môi trường). 

Công nghệ sinh học và sinh học tổng hợp đặt ra nhiều thách thức về quy định và an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công nghệ này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội thay đổi thói quen tiêu dùng và cải thiện hệ thống quản lý môi trường. Sinh học tổng hợp đang được tái tưởng tượng để mang lại lợi ích cho con người và hành tinh.

4. Trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệucung cấp thông tin chi tiết từ dữ liệu phức tạp, giúp các nhà hoạch định chính sách tăng tốc độ ra quyết định và tăng độ chính xác của mỗi quyết định. Cả hai đều phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào để hiểu một hệ thống và cách dự đoán các kịch bản trong tương lai bằng các công cụ như digital twin (bản sao số). 

Ví dụ, các cơ quan chính phủ có thể sử dụng dữ liệu và AI để dự đoán các điều kiện dẫn đến bão, cháy rừng và hạn hán. Dữ liệu đầu vào tăng lên có thể tạo ra các thuật toán mạnh mẽ hơn, cung cấp các dự đoán chính xác hơn, chẳng hạn như cường độ và tần suất của các thảm họa thiên nhiên. Tất cả những công cụ này cho phép các nhà hoạch định chính sách ứng phó sớm hơn và hiệu quả hơn với các thiên tai tiềm ẩn, cứu người và giảm thiểu rủi ro kinh tế và xã hội. 

Hơn nữa, các bài tập và mô phỏng tầm nhìn xa có thể giúp chính quyền địa phương và khu vực chuẩn bị và ứng phó hiệu quả hơn bằng cách phân bổ chính xác các nguồn lực.

Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 khi xây dựng tương lai bền vững - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia WEF, các nhà hoạch định chính sách có thể khai thác công nghệ 4.0 để thúc đẩy chương trình phát triển bền vững.

Bài toán thách thức quản trị công nghệ CMCN 4.0

Cách mạng 4.0 có cơ hội lớn đóng góp vào các chính sách thông minh nhằm phát triển bền vững, tuy nhiên, quản trị công nghệ có trách nhiệm là điều cần thiết. Công nghệ là những công cụ có nhiều hứa hẹn định hình một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng không thể bỏ qua những thách thức quản trị công nghệ. Rõ ràng là các chính phủ phải cân bằng cách thức tận dụng các công nghệ 4.0 trong khi vẫn hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và bảo vệ công dân. WEF đã đưa ra 5 ví dụ về những thách thức như vậy.

Thứ nhất, việc sử dụng công nghệ 4.0 để giám sát và đo lường các hoạt động tác động đến môi trường (ví dụ: mức độ ô nhiễm và carbon) đòi hỏi một bộ tiêu chuẩn cung cấp các điểm tham chiếu chung trong và giữa các ngành (ví dụ: y tế, sản xuất) để đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu và thực thi. Việc sử dụng các cơ chế quản lý được dẫn dắt bởi nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như các tiêu chuẩn tự nguyện, quy tắc ứng xử và các giao ước trong ngành, có thể giúp đưa ra các mục tiêu chính sách nhanh hơn so với sự can thiệp của quy định.

Thứ hai, cần kiểm tra việc áp dụng các công nghệ 4.0 vào việc hoạch định chính sách xem có đạt được các kết quả dự kiến hay không. Trong trường hợp này, các chính phủ có thể sử dụng các "sandbox", hoặc chứng minh khái niệm (proof-of-concept), giúp xác định hiệu quả các lợi ích và các lĩnh vực cải tiến, từ đó triển khai thực tế các công nghệ 4.0 trong hoạch định chính sách. Ví dụ, tiến hành thí điểm blockchain trong một ngành để đảm bảo rằng các hệ thống được kiểm tra và tin cậy trước khi được sử dụng trong các lĩnh vực khác.

Thứ ba, bất cứ khi nào công nghệ thu thập dữ liệu của một cá nhân, điều quan trọng là phải bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân, để tạo ra một hệ thống tin cậy hỗ trợ lợi ích công cộng lớn hơn, trong khi vẫn bảo vệ cá nhân đó. Các mô hình chia sẻ dữ liệu mới, chẳng hạn như cộng tác dữ liệu, có thể khuyến khích việc trao đổi dữ liệu giữa DN và chính phủ để tạo ra giá trị công tích cực. 

Mối liên kết giữa các hệ thống công nghệ thông tin công - tư có thể cho phép đưa ra các quyết định chính xác và nhanh chóng, đồng thời đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ dữ liệu chính thức được xây dựng thay vì dựa trên cơ sở đặc biệt.

Thứ tư, công nghệ quản lý đòi hỏi phải tôn trọng pháp quyền, nhân quyền và các giá trị dân chủ trong suốt vòng đời của sản phẩm hoặc dịch vụ. Công nghệ có các mặt trái của nó, vì vậy, cần xem xét các ứng dụng ngoài ý muốn. Các chính phủ có thể sử dụng nguyên tắc dự đoán để xác định tác động của việc ứng dụng công nghệ 4.0 và những gián đoạn tiềm ẩn trong quá trình sử dụng, ứng dụng quy tắc quét chân trời (horizon scanning), một kỹ thuật được sử dụng để phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm ẩn) hoặc lập kế hoạch kịch bản.

Thứ năm, các chính phủ đều muốn đưa ra những chính sách lấy con người làm trung tâm, khuyến khích cạnh tranh, chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, thúc đẩy các thể chế dân chủ. Việc sử dụng các công nghệ 4.0 mà không lấy con người làm trung tâm có thể làm giảm hiệu quả của công nghệ - ví dụ, các can thiệp kỹ thuật để xóa đói giảm nghèo nhưng lại hoàn toàn bỏ qua các yếu tố kinh tế - xã hội và văn hóa có thể là gốc rễ của vấn đề. Để tạo điều kiện cho quá trình xây dựng chính sách bao trùm hơn, một số nhà hoạch định chính sách đang ra ý tưởng xây dựng luật từ nguồn lực cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng tương lai bền vững

Các ví dụ trên cho thấy cách công nghệ 4.0 có thể giúp các chính phủ đưa ra dự đoán tốt hơn, đưa ra quyết định sáng suốt hơn, cải thiện việc thực thi quy định và xây dựng cấu trúc thị trường mạnh mẽ hơn, hỗ trợ một tương lai bền vững hơn. Các công nghệ 4.0 này giúp các chính phủ nhanh nhẹn hơn trong việc hoạch định chính sách để đảm bảo rằng chúng thích ứng và có thể đáp ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô các công nghệ này sẽ không thể đạt được nếu không có các chính sách, khuyến khích và môi trường pháp lý phù hợp. Đó chính là lúc các chính phủ cần áp dụng lối quản trị linh hoạt. WEF cho rằng chúng ta cần các cấu trúc thị trường phù hợp, cho phép giao dịch năng lượng mặt trời ngang hàng; cần các khuôn khổ pháp lý mới cho phép lưu thông luồng dữ liệu xuyên biên giới; cải thiện việc giám sát và theo dõi quá trình hấp thụ carbon; và các khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng linh hoạt hơn để quản lý các sản phẩm tổng hợp.

Đồng thời, công nghệ mới nổi có thể cho phép các chính phủ thiết kế các chính sách phù hợp, cải thiện quản trị và đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững. Các bản báo cáo có độ chính xác cao hơn, minh bạch hơn về những hoạt động tác động đến môi trường và những khả năng đánh đổi được nêu ra một cách rõ ràng có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách có thể thích ứng với môi trường pháp lý để khuyến khích sự đổi mới và phát triển tích cực với khí hậu và thiên nhiên, trong trường hợp đối mặt với sự phức tạp và không chắc chắn.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 và phương pháp quản trị nhanh có thể là những trang bị để các chính phủ “lật ngược tình thế”, giảm thiểu thảm họa và dẫn dắt các DN, công dân chuyển đổi sang một tương lai bền vững hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng tương lai bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO