Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên

Lan Phương - Mạnh Vỹ| 10/05/2019 09:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Diễn đàn doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được Bộ TTTT tổ chức với sự tham dự của 1000 đại biểu diễn ra ngày 9/5/2019, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo  Diễn đàn. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc và giải đáp các kiến nghị của các DN công nghệ. Diễn đàn có sự tham dự của Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung,

Diễn đàn có 4 phiên, gồm: DN Công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; DN Công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển DN công nghệ tại Việt Nam; Chia sẻ giải pháp, kết nối DN công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh tuyên bố “Make in Việt Nam”

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc và chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển DN công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam). Đây là tuyên bố của chúng ta tại Diễn đàn.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị đại biểu tham quan các gian triển lãm công nghệ “Make in Vietnam”

Trên tinh thần ấy, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp. Các DN công nghệ Việt Nam cần phát huy được tinh thần "có công mài sắt, có ngày nên kim”. DN cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không phải đơn thuần chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thực sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích các DN lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển DN công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Các DN lớn của Việt Nam cần đặt sứ mạng DN gắn liền với sứ mạng quốc gia.

Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các DN công nghệ.

“Make in Vietnam” giúp Việt Nam thịnh vượng, hoà bình

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình. "Make in Vietnam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại". 

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng, “Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.

Phát triển kinh tế - xã hội dựa vào phát triển DN công nghệ

Nhận định về vai trò của các DN đối với nền kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng chính sách công và quản lý Fullbright nhận định: “Ngoài Singapore, Indonesia thì Việt Nam cũng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ. Các DN công nghệ có thể giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế. Trong vòng 10 năm qua, các DN công nghệ Việt Nam về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế”.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Thành

Đến từ Hàn Quốc, GS. Youngrak Choi, nguyên thành viên ban cố vấn của tổng thống Hàn Quốc, đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển kinh tế-xã hội dựa vào phát triển DN công nghệ.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 5.

GS. Youngrak Choi

Nền kinh tế Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ sau gần 60 năm qua. Điển hình nếu như GDP nước này năm 1960 chỉ là 2 tỉ USD thì đến năm 2017 đã đạt 1.530 tỉ USD, tăng gấp 765 lần. GDP bình quân đầu người cũng tăng gấp 376 lần, đạt khoảng 29.744 USD.

Để có được thành tựu trên, Hàn Quốc đã biến chuyển từ một nước nhập khẩu công nghệ trở thành quốc gia sở hữu nhiều tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng làm chủ công nghệ, tiêu biểu như Samsung, Hyundai, Posco…

“Điểm mấu chốt là động lực tự thân của các DN tư nhân. Họ đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi”.

Một trong những đổi mới sáng tạo quan trọng là phát triển lĩnh vực CNTT-TT. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, robot, blockchain, xe tự hành, dữ liệu lớn…

Trong quá trình này, Chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng. “Chính phủ cần kết hợp tốt với các DN, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các DN”.

Việt Nam cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt phải mạnh tay hơn cho nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xác định động lực là sức mạnh nội tại của các DN.

Bài toán của thành phố lớn cần các DN giải quyết bằng công nghệ

Đại diện cho thành phố lớn nhất cả nước phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên công nghệ mới mà số hóa đóng vai trò cơ bản, để phát triển các nhu cầu của đô thị. Một thành phố lớn như Hà Nội bắt buộc phải tìm kiếm các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề hàng ngày.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đức Chung


"Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu, thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số, huy động nguồn lực từ DN trên địa bàn, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, tích hợp và khai thác các dịch vụ số, ứng dụng tối đa các văn bản điện tử, sử dụng hệ thống phân tích CSDL số, tăng ứng trên thiết bị di động, chuẩn hoá CNTT cho nhân dân, khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số".

"Thành phố sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những thành phố đầu tiên có cơ chế mở cho DN phát triển", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

DN Việt muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm và cần sự hỗ trợ

Tự tin về khả năng của các DN công nghệ Việt, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA cho biết: “DN phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù Việt Nam mà các DN nước ngoài không thể làm được”.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 7.

Ông Lữ Thành Long

"DN phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như blockchain, AI, machine learning… vào các sản phẩm”, ông Long khẳng định.

Cũng khẳng định tiềm năng của DN công nghệ Việt, ông Lê Minh Quốc, Giám đốc kỹ thuật Công ty MK Smart thuộc Tập đoàn MK cho biết: “Tập đoàn MK Smart không ngừng đổi mới sáng tạo trong suốt 20 năm qua đã cần mẫn ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ chip và bảo mật số của thế giới”.

Nhỏ gọn hơn Windows 10 trên 200.000 lần nhưng hệ điều hành chip của MK với hệ sinh thái bảo mật trên chip có sẵn thư viện lập trình có thể hỗ trợ các DN dễ dàng tích hợp chip nhúng trong các thiết bị IoT, AI… của DN mình cho mọi lĩnh vực. Bảo mật ở mức hệ điều hành mới được bảo vệ chủ quyền an ninh số quốc gia của Việt Nam”.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Thế Tân

Ông Nguyễn Thế Tân VCCorp khẳng định: “Các DN công nghệ VN rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm”.

Nhưng ông Tân cho rằng: “Các DN không dám chạy hết tốc độ, không huy động được lực lượng xã hội vì nghi ngại.

Lý do của việc này là: trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách thì những chính sách và quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ví dụ, cần có cơ chế hỗ trợ cái mới phát triển như việc tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới”.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 9.

Ông Trần Thanh Hải

Đại diện cho DN khởi nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc công ty cổ phần Be Group cho biết môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. "Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số DN nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ".

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Trung Chính

Để DN công nghệ phát triển, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CMC cho biết Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ DN công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các DN công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu như Huawei, ZTE, Alibaba, Tencent là một ví dụ.

Còn về phía DN, ông Trần Trung Chính cho rằng DN cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế (World Class), vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Nâng tầm quy mô DN bằng ứng dụng công nghệ và phát triển mảng kinh doanh mới

Muốn nâng tầm quy mô của DN, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc, Công ty Haravan chỉ ra rằng mỗi DN khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 11.

Ông Phạm Hải Văn

Dẫn chứng là mảng online đang đem lại doanh thu 10% cho những đơn vị hợp tác với Haravan như Vinamilk, hay tiết kiệm 50% chi phí cho Biti’s. Nhãn hàng giày tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, đây cũng là nhóm khách hàng sử dụng nhiều ứng dụng điện tử, điện thoại thông minh.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 12.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ

Đại diện cho Tập đoàn Vingroup, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Tập đoàn, Chủ tịch Công ty Vinfast: hiện nay công nghệ là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất, thậm chí là duy nhất cho sự phát triển của các DN.

Vingoup đang phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, hướng tới trở thành Tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong những năm tới.

Hướng tới thị trường toàn cầu

Để xây dựng DN công nghệ hướng tới thị trường toàn cầu, ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch Got It! đề xuất một số ý kiến.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 13.

Ông Trần Việt Hùng

Đó là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao "on the job" trong các công ty công nghệ kết hợp nguồn lực Việt Nam và bên ngoài như thung lũng Silicon (Silicon Valley); Thu hút các chuyên gia công nghệ người Việt đang ở nước ngoài và xây dựng các vườn ươm dài hạn, ít nhất là 9 tháng.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 14.

Ông Eric Sidgwick

Để tận dụng nền kinh tế số để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hơn, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: "Còn quá sớm để nói Việt Nam có bị mắc bẫy thu nhập trung bình hay không nhưng cần có chính sách để tạo thu nhập cao hơn, tăng năng suất lao động".

Bộ TTTT bảo trợ các DN ICT

Lắng nghe tất cả các ý kiến của DN trao đổi tại toạ đàm để thúc đẩy phát tiển DN công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi tất cả các ý kiến mà các DN nêu và đề xuất.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 15.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Về vấn đề sandbox, Bộ trưởng cho rằng rất khó để có luôn một chính sách về vấn đề "sandbox". Vì đây là một vấn đề mới, các DN nên thử một vài lần trước đã.

“Khi vấn đề đã lộ ra, chúng ta sẽ tạo ra một quy định cụ thể cho vấn đề sandbox. Nếu chúng ta chưa hiểu vấn đề mà đã ra chính sách thì việc áp dụng sẽ không khả thi.

Theo Bộ trưởng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các DN nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi nhất. Những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn. Tỉnh Phú Thọ đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ AI trong chẩn đoán khám chữa bệnh ung thư (trong khi nhiều bệnh viện lớn Trung ương chưa triển khai), đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bổ sung tại chỗ sự thiếu hụt bác sĩ trình độ cao.

Về phát triển ngành nội dung số Việt Nam, Bộ trưởng cho biết trong năm nay, Bộ TTTT sẽ tìm chiến lược phát triển ngành nội dung số. Bộ trưởng đề nghị cùng với VNG, VCCorp có thể đề xuất về một chiến lược phát triển nội dung số Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước có thể coi đây là một ví dụ để tham khảo.

Điều này sẽ giúp mang tới những góc tiếp cận khác để giải quyết vấn đề. Lúc đó, xây dựng chính sách không phải là việc việc riêng của các cơ quan quản lý nhà nước thuần tuý mà là việc của tất cả người dân Việt Nam.

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 16.

Các DN thoả đáng trước các giải đáp của người đứng đầu ngành TTTT

Trước đề xuất của các DN về vấn đề bình đẳng hỗ trợ giữa DN nước ngoài và trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT cũng rất trăn trở về vấn đề bảo hộ ngược.

Theo người đứng đầu ngành TTTT, bất kỳ một DN nào muốn đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải có tránh nhiệm giúp cho Việt Nam phát triển thịnh vượng bằng cách tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là tuyên bố của một nước có chủ quyền.

Các DN kinh doanh trong lĩnh vực ICT nếu có vấn đề với luật pháp có thể lấy Bộ TTTT làm đầu mối, ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác. Bộ TTTT tuyên bố sẽ bảo trợ cho các DN trong lĩnh vực ICT, đây là thành phần chính trong cuộc CMCN số và cuộc CMCN 4.0.

Đồng hành cùng cộng đồng DN

Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên - Ảnh 17.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm tổng kết Diễn đàn

Sau một ngày diễn ra khẩn trương với nhiều tham luận, nội dung được tập trung thảo luận, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã nhấn mạnh:Bộ TTTT tiếp thu và và cam kết khẩn trương thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất của các chuyên gia, DN công nghệ trong và ngoài nước. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng với cộng đồng DN trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 DN công nghệ Việt Nam vì sự thịnh vượng của bản thân các DN và của quốc gia, dân tộc.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những thông điệp từ Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO