Những vấn đề an ninh môi trường biển trong tình hình mới

P.V| 14/07/2022 07:56
Theo dõi ICTVietnam trên

An ninh môi trường biển là trạng thái ổn định, an toàn của tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển và cảnh quan biển, qua đó đảm bảo khả năng duy trì sự sống toàn cầu một cách bền vững của môi trường biển.

Thực trạng xâm hại môi trường biển

Những năm qua, việc xâm hại môi trường biển trở thành vấn đề nóng và cấp thiết, đe dọa trực tiếp đến môi trường sống và sự ổn định chính trị của cả nước. Đó là tình trạng buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển tiếp tục tiềm ẩn nhiều phức tạp, không chỉ gây thất thu ngân sách hàng năm, gây mất an ninh, an toàn trên biển, chất lượng xăng dầu không được kiểm soát mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường biển.

Hoạt động khai thác cát trái phép; buôn bán, vận chuyển vật liệu nổ; sử dụng vật liệu nổ, xung điện đánh bắt hải sản ... vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của biển .

Các công trình, dự án ven biển tuy đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động xả thải.

Hoạt động của các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển và vùng ven biển phát sinh rất lớn lượng chất thải ra môi trường như: Nguồn thải từ hoạt động sinh hoạt dân cư, xây dựng, sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón sử dụng trong nông nghiệp, nguồn thải nuôi trồng thủy hải sản... Trong khi đó, hầu hết các loại chất thải này đều không qua xử lý mà trực tiếp đổ ra biển hoặc qua các cửa sông đổ ra biển, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển rất cao.

Những vấn đề an ninh môi trường biển trong tình hình mới - Ảnh 1.

Để bảo vệ an ninh môi trường biển cần sự vào cuộc quyết liệt của người dân và cơ quan chức năng

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Mục 3.5, Chương 3 "Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016", ước tính khoảng 70% - 80% lượng rác thải trên biển bắt nguồn từ đất liền do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các sông ở ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Theo đánh giá này, chất lượng nước biển ven bờ tại các đô thị ven biển còn khá tốt, trong đó hầu hết giá trị các thông số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tổng hàm lượng các chất rắn lơ lửng cao, sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ (COD, NH4+) và dầu mỡ khoáng trong nước biển là những vấn đề cần được quan tâm và xử lý kịp thời.

Hoạt động của các bãi tắm và hệ thống các hoạt động du lịch biển, dịch vụ nhà hàng, khách sạn đi kèm... ở khu vực ven biển cũng đặt ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường biển do lượng chất thải đổ ra biển rất lớn: Việt Nam hiện có 125 bãi biển thường xuyên đón khách du lịch trong và ngoài nước, với trên 1.400 cơ sở lưu trú, cung ứng gần 50.000 buồng, hàng ngàn nhà hàng kinh doanh ăn uống, khu du lịch sinh thái, giải quyết việc làm cho gần hàng chục ngàn lao động trực tiếp lao động gián tiếp phục vụ khách du lịch.

Trong khi đó, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên; ý thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển, ven biển của du khách chưa cao; rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy trình, nhất là tại các bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, khách sạn…; phần lớn rác thải sinh hoạt đều được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Hệ thống xử lý nước thải cũng chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại khu vực này chủ yếu xả thẳng ra biển. Chất thải từ các hoạt động chế biến thủy, hải sản, làm muối cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Giải pháp góp phần đảm bảo an ninh môi trường biển

Một là các cơ quan chức năng phải thường xuyên tham mưu cho chính quyền các giải pháp nhằm kết hợp chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, triển khai các dự án phát triển KT - XH với củng cố quốc phòng - an ninh; nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo" ban hành kèm theo Quyết định số 1072 / QĐ - TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xâm hại môi trường biển, đảo, nhất là nêu cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với nhân dân vùng ven biển và ngư dân thường xuyên bám biển về công tác bảo vệ môi trường biển.

Kịp thời tham mưu, đề xuất chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan các biện pháp chắn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường biển; phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực ven biển .

Hai là, đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường biển. Xây dựng các phóng sự, bài viết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường biển, đưa tin các hành vi vi phạm, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và các doanh nghiệp. Các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Hải quan phối hợp để trao đổi thông tin, kịp thời phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm về môi trường biển. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên Phòng, Cảnh sát biển trong nắm, trao đổi thông tin, xử lý tốt các vụ, việc phức tạp về môi trường biển.

Ba là, tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường chức năng môi trường biển. Khi mà các mối đe dọa đến sức khỏe đại dương và an ninh môi trườn biển và khu vực hiện nay như ô nhiễm môi trường biển, suy thoái môi trường biển và sự cố môi trường biển; việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo vệ, tăng cường khả năng thích ứng hay giảm thiểu các biến động toàn cầu là yêu cầu cấp bách. Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển nhằm vững bước trong việc cung cấp thông tin, hoạch định chính sách biển và an ninh môi trường biển.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế đảm bảo an ninh môi trường biển. Hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường biển toàn cầu luôn phải coi là một nhu cầu cần thiết đối với các quốc gia, mà nền tảng là hợp tác thông qua ký kết, thực thi các điều ước quốc tế, tạo cơ hội cho Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ, đầu tư về chuyên môn, tài chính, kỹ thuật từ các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Liên Hợp Quốc (1982), Công ước về Luật biển (UNCLOS 1982).

2. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường.

4. Quốc hội (2015), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - Chuyên đề môi trường đô thị, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề an ninh môi trường biển trong tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO