Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Sau khi ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số (CĐS) báo chí, Bộ TT&TT đã cụ thể hóa việc hỗ trợ, giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để CĐS hiệu quả.
Theo Bộ TT&TT, công nghệ số cho phép việc sản xuất, phân phối nội dung nhanh chóng, phạm vi cung cấp thông tin rộng hơn và phù hợp xu thế tìm kiếm thông tin trên không gian mạng của độc giả hiện nay, tiết kiệm chi phí in ấn và vận chuyển. Đồng thời, công nghệ số cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như quảng cáo trực tuyến và các dịch vụ liên quan đến nội dung số.
Tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông
Theo số liệu của Bộ TT&TT công bố tại Hội thảo Khoa học quốc gia về CĐS báo chí, xuất bản tổ chức cuối năm 2023, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hàng ngày. Số lượng lớn các cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo tạo ra một kho thông tin khổng lồ. Bằng cách áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, chúng ta có thể xác định các xu hướng, mối tương quan và hiểu biết quan trọng từ nguồn này.
Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế, nhưng 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu; các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo, phụ thuộc vào các công cụ phân tích, đánh giá dữ liệu của các nền tảng này.
Do đó, CĐS báo chí, nắn dòng tri thức, quảng cáo chuyển hướng sang các nền tảng trong nước để thông tin, tri thức từ dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng nhằm phát triển báo chí lớn mạnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Bộ TT&TT dẫn dắt và thúc đẩy chiến lược CĐS báo chí
Là Bộ dẫn dắt công cuộc CĐS quốc gia, Bộ TT&TT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết cấp bách phải CĐS báo chí để dẫn dắt, định hướng dư luận, đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất nội dung, hình thành mô hình, sản phẩm kinh doanh mới nhằm tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí. Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng, tiền đề định hướng, thúc đẩy mạnh mẽ CĐS báo chí.
Tiếp đó, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 781/QĐ-BTTTT, ngày 8/5/2023 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra kế hoạch tăng trưởng chỉ tiêu theo năm; xác định 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chiến lược, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai một số giải pháp định hướng, thúc đẩy CĐS báo chí.
Những kết quả cụ thể có thể kể đến là việc tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng cho các lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên... về các nội dung liên quan đến CĐS nói chung và CĐS của báo chí nói riêng.
Để thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1361/QĐ-BTTTT ngày 08/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thúc đẩy nền tảng truyền hình số VTVGo trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia. Trên nền tảng này, người dân không chỉ có thể tìm thấy các kênh truyền hình quốc gia mà còn cả các kênh truyền hình địa phương. Hiện, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đang tích cực phát triển để ra mắt một nền tảng phát thanh số quốc gia.
Tiếp đó, Bộ TT&TT đã xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ TT&TT cho 8 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí, là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ CĐS thông qua 3 vấn đề: Các xu hướng lớn ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số hiện nay; công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai.
Đến ngày 2/6/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành CĐS báo chí. Công cụ này giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để CĐS hiệu quả.
Bộ Chỉ số xác định 5 trụ cột của CĐS báo chí: (1) Chiến lược; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; (3) Sự thống nhất về tổ chức và chuyên môn; (4) Người đọc, người xem, người nghe; (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số. Trong tháng 8 và tháng 10/2023, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho các cơ quan báo chí về Bộ Chỉ số và đến cuối năm 2023, Bộ đã công bố xếp hạng về mức độ trưởng thành CĐS của các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí, vận hành Cổng thông tin của Trung tâm (pdt.gov.vn) cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện CĐS.
Triển khai Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay đã có 43 đơn vị (Bộ Nội vụ, VTV và 41 địa phương) ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một số kết quả nổi bật trong CĐS tại các cơ quan báo chí
Hiện, một số cơ quan báo chí đã thực hiện CĐS trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Báo điện tử VietnamPlus, Báo điện tử VnExpress, Báo Tuổi trẻ...
Điển hình là Báo điện tử VietnamPlus, từ năm 2016 đã xuất bản các bài báo longform hoặc kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện để tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những sản phẩm báo chí sáng tạo như video 360o, newsgame, RapNewsPlus hay giúp độc giả lựa chọn bài viết qua các sản phẩm sử dụng công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo (AI), tiến tới giúp độc giả cá nhân hóa thông tin, áp dụng công nghệ VR, AR.
Năm 2021, kênh YouTube của Báo điện tử VietnamPlus đạt Nút bạc - mốc 100.000 đăng ký (subscribers), kênh TikTok đạt 700.000 người theo dõi (followers) chỉ trong vòng 1 năm. Ngày 24/5/2022, VTV ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney gồm 7 chương trình được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng (1 báo điện tử, 4 trang Fanpage và 1 kênh YouTube) và 1 trang thông tin điện tử...
Báo điện tử và kênh truyền hình, các trang mạng xã hội của Báo Thanh Niên đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm qua khi thực hiện CĐS. Đặc biệt, kênh YouTube của Báo Thanh Niên đã đạt mốc 5 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Từ năm 2021, chứng kiến sự trỗi dậy của Podcast.
Cuối năm 2021, Báo Nhân Dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hàng ngày trên nền tảng Podcast với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới thính giả trong và ngoài nước, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất cả nước cho công chúng. Giữa năm 2022, Báo Tuổi Trẻ, Báo Người Lao động... cũng đã ra mắt thử nghiệm Podcast. Đến nay, đã có 5 cơ quan báo chí triển khai mô hình thu phí nội dung (Báo điện tử VietnamPlus, Tạp chí Ngày nay, Báo điện tử VietNamNet, Báo Tuổi trẻ, Báo Người Lao động)...
Trong khi đó, hiện nay, nền tảng truyền hình số VTVGo đã cung cấp đầy đủ toàn bộ 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia và gần 50 kênh truyền hình thiết yếu của địa phương. Đồng thời, nền tảng truyền hình số VTVGo hiện còn được cài đặt sẵn trên giao diện của các hãng tivi thông minh lớn, từ năm 2024 nhiều tivi thông minh sẽ tích hợp cài đặt sẵn nút bấm VTVGo trên điều khiển tivi.
Theo số liệu của VTV, nền tảng VTVGo được cài đặt trên 28,5 triệu thiết bị điện tử, có tới gần 10 triệu người theo dõi và sử dụng, với trung bình 450 triệu lượt xem hàng tháng và có hơn 1 triệu kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới sử dụng. Việc các kênh truyền hình thiết yếu được đưa lên nền tảng VTVGo góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung cấp nội dung giải trí đến người dân.
Triển khai Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 15 Đài Phát thanh Truyền hình trên cả nước đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Có thể thấy, Bộ TT&TT đã và đang nỗ lực thúc đẩy CĐS báo chí một cách mạnh mẽ, đồng bộ và theo lộ trình cụ thể, rõ ràng. Bản thân các cơ quan báo chí chủ lực, các cơ quan báo chí khác nhau cũng có những nỗ lực riêng để thực hiện CĐS trong cơ quan báo chí mình để bắt kịp xu thế, duy trì và phát triển hoạt động báo chí thời đại 4.0./.