“Điểm nghẽn” nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí
Nhìn vào điểm tuyển sinh khối ngành Báo chí - Truyền thông những năm qua có thể thấy báo chí vẫn đang là một trong những ngành học hấp dẫn. Nghề báo vẫn là một nghề nghiệp có vị thế trong xã hội.
Tóm tắt:
- Những thách thức, hạn chế tạo ra điểm nghẽn của nguồn lực báo chí:
+ Thu nhập thiếu hấp dẫn.
+ Áp lực chuyên môn cao.
- Xu hướng chuyển nghề của cử nhân báo chí đang đặt ra những hệ quả đối với lĩnh vực này.
- Nhận diện thực trạng và đề ra các giải pháp thực thi đối với cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí.
Trên thực tế, số lượng sinh viên báo chí ra trường có được việc làm nhanh chóng cũng chiếm tỷ lệ cao trên thị trường lao động. Báo cáo khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của các trường đào tạo báo chí đều cho thấy tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là khoảng 80% trở lên. Thế nhưng, có một nghịch lý là trong số những cử nhân báo chí tìm được việc làm đó, những người làm việc đúng ngành đào tạo lại chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Nguồn nhân lực báo chí vẫn được đánh giá là còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về chất lượng.
Thực trạng nguồn nhân lực cho ngành báo chí
Trên thực tế, không ít sinh viên báo chí, ngay từ khi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, đã xác định sẽ không chọn đi theo nghề báo sau khi tốt nghiệp. Nguyên nhân của lựa chọn này có thể đến từ nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng, những thách thức, hạn chế hiện nay của nghề báo chính là những điểm nghẽn cho khả năng thu hút nguồn nhân lực của lĩnh vực này.
Thu nhập thiếu hấp dẫn
Nhìn vào mức chi trả của các cơ quan báo chí hiện nay, có thể thấy lương thử việc của một cử nhân báo chí ở mức khá thấp, chỉ khoảng vài triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ vậy, họ phải chấp nhận mức lương thử việc này trong nhiều tháng, thậm chí là 1-2 năm trước khi chính thức được ký hợp đồng. Đây là thực trạng khá phổ biến ở nhiều cơ quan báo chí và cũng là điều khiến nhiều người không thể kiên trì đi theo nghề này.
Ngay cả Thông tư số 13/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 26/8/2022 “quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông” cũng cho thấy rõ mức lương khiêm tốn của nghề báo, khi mức cao nhất chưa đến 12 triệu đồng và thấp nhất chỉ gần 3,5 triệu đồng [1]. Đây rõ ràng chưa phải là mức thu nhập lý tưởng và cũng là một phần nguyên do dẫn đến thực trạng một số phóng viên lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… để làm lợi cho bản thân mình và vướng vòng lao lý.
Trong khi đó, truyền thông - một nghề nghiệp có mối quan hệ gần gũi với báo chí, hiện nay đang ngày càng có vị thế ổn định và có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Điểm đáng nói là ngành truyền thông đưa cử nhân báo chí vào danh sách tuyển dụng dựa trên sự tương đồng cao về chuẩn đầu ra đối với kiến thức, kỹ năng, phẩm chất của nhóm ngành đào tạo báo chí - truyền thông.
Đồng thời, đây là lĩnh vực ngày càng khẳng định được tầm quan trọng đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị… nên rất có sức hút về thu nhập. Chính vì vậy, việc nhiều cử nhân báo chí chuyển sang làm việc trong ngành truyền thông là điều khá phổ biến. Thậm chí, nhiều sinh viên báo chí, khi còn chưa ra trường, đã tìm được việc làm thêm trong lĩnh vực truyền thông, thậm chí với mức lương cao hơn phóng viên đã công tác vài năm.
Áp lực nghề nghiệp cao
Nghề báo là một nghề khó, đòi hỏi sự đam mê, kiên trì rèn luyện ngay từ sớm. Một cử nhân báo chí cần đến 4 năm học tập để ra thành nghề. Nhưng trên thực tế, nếu không chịu khó rèn luyện trong quá trình học tập, thì việc không viết nổi một cái tin, không biết cách liên hệ nhân vật phỏng vấn, không nắm được quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí… là điều dễ hiểu. Và cũng không khó hiểu khi những người này sau khi ra trường không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực báo chí.
Nhưng ngay cả với những sinh viên khá, giỏi khi trở thành cử nhân báo chí, cũng gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc, bởi yêu cầu tuyển dụng thường ưu tiên lựa chọn những người có kinh nghiệm. Chỉ những sinh viên đã có sự cộng tác từ sớm với các tòa soạn, thể hiện được năng lực làm báo qua một thời gian công tác, thì mới có cơ hội trở thành phóng viên hợp đồng sau khi ra trường. Trở thành phóng viên rồi, họ vẫn phải tiếp tục rèn luyện, trau dồi nghề, cập nhật các công nghệ mới liên quan đến tác nghiệp báo chí và hệ sinh thái báo chí v.v.. trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ thì mới tăng năng lực cạnh tranh trong nghề.
Không chỉ được yêu cầu về kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, người làm báo còn cần có kiến thức và sự nhạy cảm về chính trị, trong khi đây là điểm mà nhiều sinh viên báo chí còn hạn chế. Những áp lực đến từ sự đánh giá, chỉ trích của xã hội, dư luận cũng là rào cản khiến nhiều người không thể đối mặt và bước tiếp với nghề. Không ít trường hợp các phóng viên, nhà báo… vì một vài sai sót trong tác nghiệp mà trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận xã hội, thậm chí có người bị dừng hợp đồng, bị cho thôi việc, hoặc chịu kỷ luật, cảnh cáo.
Bên cạnh đó, nghề báo là một nghề phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, làm việc bất kể thời gian, giờ giấc, thậm chí phải tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm như chiến trường, nơi xảy ra tai nạn, có thời tiết xấu… Vì vậy, nếu không có sức khỏe, thiếu đam mê với nghề, thiếu phẩm chất, đạo đức của nghề, thì các cử nhân báo chí “không mặn mà” với nghề là điều dễ hiểu.
Những hệ lụy
Trước xu hướng chuyển nghề của nhiều cử nhân báo chí, không khó để thấy những hệ quả đối với lĩnh vực báo chí. Những người được đào tạo bài bản về khả năng viết báo, sản xuất tác phẩm báo chí, được rèn luyện đạo đức báo chí… khi không làm nghề, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và sự chuyên nghiệp hóa của ngành.
Mặc dù hiện nay trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá tốt trong việc hỗ trợ các tòa soạn sản xuất ra nhiều tin tức với độ chính xác cao, nhưng trên thực tế, các công nghệ vẫn chưa thể thay thế lao động của nhà báo, đặc biệt ở khả năng quan sát, nhạy cảm, xử lý tình huống, cũng như sự sáng tạo và linh hoạt. Không một công nghệ nào thay thế được nhà báo trong việc thâm nhập thực tế, “đào sâu” thông tin, tiếp cận với các nhân vật của đời sống, nắm bắt các chi tiết hay… để từ đó viết những bài phóng sự, xã luận, bình luận sắc sảo, hay thực hiện các tuyến bài báo chí điều tra, phanh phui những vụ việc tiêu cực, chỉ ra những kẻ vi phạm pháp luật v.v..
Tất cả những hoạt động nghiệp vụ kể trên đều đòi hỏi nhà báo phải được đào tạo, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp như tại các trường chuyên về báo chí, hoặc với vai trò cộng tác viên, thực tập sinh ở các tòa soạn. Từ cấp độ cử nhân, để đào tạo trở thành một nhà báo “lành nghề” cần đến hàng chục năm rèn giũa về cả kiến thức, kỹ năng nghề và đạo đức nhà báo. Chỉ cần một nhà báo có đạo đức làm đúng trách nhiệm nghề nghiệp của mình là đã có thể góp phần không nhỏ vào sứ mệnh phản biện xã hội của cơ quan báo chí. Nhiều nhà báo như vậy sẽ trở thành lực lượng đông đảo giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ quyền công dân.
Do vậy, việc giảm dần “đầu vào” nguồn nhân lực báo chí sẽ tất yếu dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động báo chí nói chung, cũng như lao động báo chí chất lượng cao nói riêng, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng thông tin cũng như khả năng phản biện xã hội của báo chí.
Nhận diện thực trạng là vậy, nhưng đề ra và thực thi các giải pháp trong thực tế luôn là điều không dễ dàng. Nâng cao điều kiện làm việc và thu nhập của nghề báo có lẽ là giải pháp thực tế nhất hiện nay để có thể thu hút cử nhân báo chí. Đây cũng là thực tế cần hướng đến để nâng cao chất lượng cuộc sống của những người làm báo, vốn là nghề nghiệp đòi hỏi những nghiệp vụ khó và chịu áp lực cao.
Việc nâng cao thu nhập và điều kiện làm việc của nhà báo, phóng viên cũng sẽ góp phần giảm thiểu những tiêu cực không đáng có trong nghề, giúp bảo vệ danh tiếng nghề báo và khiến nhà báo trẻ vững tâm để rèn nghề.
Tuy nhiên, áp lực từ việc tự chủ tài chính hiện nay đang đặt một gánh nặng không nhỏ lên vai những người đứng đầu các cơ quan báo chí. Mặc dù vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết những vướng mắc về cơ chế tự chủ tài chính, thuế… để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí [2], trong đó có việc chủ động sử dụng kinh phí cải cách tiền lương, nhưng từ đề nghị cho đến triển khai cụ thể trong thực tế sẽ là cả một vấn đề về nội dung, thủ tục và thời gian.
Ở đây cần nhìn vấn đề rộng hơn, các tòa soạn thực tế cũng là các doanh nghiệp, vậy nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ thì sẽ rất khó phát triển. Do đó, không có gì thực tế hơn là sự tự vận động của từng cơ quan báo chí. Trong khi chưa thể có được nguồn thu từ việc bán tin bài độc quyền vì nhiều lý do, thì nguồn thu truyền thống như quảng cáo vẫn rất có ý nghĩa và vẫn có dư địa để tăng trưởng. Sự tăng trưởng được nhắc đến tại đây là tăng trưởng đàng hoàng bằng chất lượng nội dung, bằng chất lượng các sản phẩm báo chí, bằng sự trung chính và viễn kiến của lãnh đạo các tờ báo chứ không phụ thuộc vào quan hệ cá nhân, hay “lòng tốt” của doanh nghiệp. Nguyên nhân cuối cùng là, các tòa soạn báo có dám dũng cảm đối diện với vấn đề để tự bứt phá bằng trí tuệ và nội lực hay không mà thôi.
Vì vậy, trong lúc chờ đợi, việc những cử nhân báo chí có theo nghề hay không, sẽ phải trông chờ vào khả năng đào tạo, truyền cảm hứng về sứ mệnh của nghề báo của các cơ sở đào tạo báo chí, cũng như khả năng kết nối của các trường và các tòa soạn, tạo cầu nối cho sinh viên được trải nghiệm nhiều nhất với nghề. Chỉ có như vậy, sinh viên báo chí mới hiểu và hình thành lòng đam mê đối với nghề, từ đó rèn nghề và chấp nhận hy sinh thu nhập trong những năm đầu làm nghề vì một sứ mệnh cao cả. Còn nếu không, trong một tương lai không xa, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực báo chí sẽ là một thách thức nhãn tiền không chỉ của lĩnh vực báo chí, mà của cả xã hội./.
Tài liệu tham khảo:
[1].https://datafiles.chinhphu.vn/.../13-btttt.signed.pdf
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)