Truyền thông

Một số gợi mở ban đầu về ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động báo chí – xuất bản

PGS.TS Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 16/01/2024 06:00

Công nghệ Blockchain gần đây đang thu hút rất nhiều sự chú ý nhờ tốc độ phát triển và sự ảnh hưởng đáng kinh ngạc lên nhiều lĩnh vực.

Tóm tắt:

Hiểu về Công nghệ Blockchain và ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản như thế nào?

+ Giúp đảm bảo rằng mỗi trải nghiệm đều độc đáo, giúp cho nhà sản xuất nội dung với từng cá nhân khác nhau được kết nối với nhau ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều hạ tầng và trong một môi trường bảo mật.

+ Tạo tính minh bạch vượt trội.

+ Nếu được áp dụng trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, blockchain có thể trở thành “khắc tinh” của những tin giả.

+ Giảm thiểu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ bảo hộ quyền tác giả.

+ Thúc đẩy sự phát triển của truyền thông số...

Vậy Blockchain là gì? Những ứng dụng của công nghệ Blockchain trong cuộc sống như thế nào? Tiềm năng của nó trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ra sao? Bài viết này sẽ đưa ra một số gợi mở ban đầu về định hướng công nghệ trong tiến trình chuyển đổi số báo chí, xuất bản hiện nay.

“Cuốn sổ cái kỹ thuật số Blockchain” và bước ngoặt của thế kỷ 21

“Sổ cái” là một khái niệm phổ dụng với những chuyên gia kinh tế, tài chính. Đó là nơi ghi chép toàn bộ quá trình giao dịch của một doanh nghiệp, một tổ chức với bên ngoài qua từng loại tài khoản khác nhau như: khoản thu, chi, mua bán, nợ của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Tất cả mọi thứ được ghi chép thống kê lại rõ ràng trong cuốn sổ cái với mục đích tổng hợp lại để so sánh đối chiếu với các số liệu thống kê so sánh có sự chênh lệch hay không.

Vậy có tồn tại một thứ “sổ cái” nào có thể thâu tóm được hết các giao dịch của mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp, không chỉ trong ngành tài chính mà ở mọi lĩnh vực, ngành nghề trong không gian số? Để tất cả mọi thông tin đều được kiểm soát minh bạch, để mọi giao dịch đều diễn ra thuận lợi? Đó chính là bài toán ban đầu để ra đời công nghệ “Blockchain”, với mong muốn “đóng dấu thời gian một tài liệu kỹ thuật số”, thông qua chuỗi dữ liệu bất biến giúp xác định thời gian chính xác của các tệp dữ liệu để không bị chỉnh sửa và giả mạo [1].

Bản chất mô hình hoạt động của công nghệ Blockchain có thể hình dung như “cuốn sổ cái điện tử” được phân phối trên hệ thống máy tính phi tập trung, lưu trữ mọi thông tin về các giao dịch trong đời sống xã hội và đảm bảo những thông tin đó gần như không thể bị thay đổi. Mọi dữ liệu được lưu trên sổ cái cần phải được xác nhận bởi hàng loạt máy tính trong mạng lưới chung. Tất cả các bản sao này được cập nhật khi dữ liệu hoặc giao dịch mới được ghi vào Blockchain thông qua sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia.

Bằng cách cho phép phân phối các thông tin kỹ thuật số nhưng không được sao chép, công nghệ Blockchain đã tạo ra xương sống cho một loại hình Internet mới với những tính năng chính gồm:

Tăng hiệu suất và minh bạch: Đây là tính năng đầu tiên và quan trọng của công nghệ Blockchain. Do có nhiều máy tính cùng kết nối làm việc với nhau, tạo nên một tổng thể với hiệu năng cao hơn. Việc kết nối nhiều máy tính sẽ tạo nên một “siêu máy tính” để giải quyết những bài toán phức tạp, trong khi không phải đầu tư mới; đồng thời cũng tránh nguy cơ mất mát dữ liệu do chỉ “tập trung tất cả trứng vào một giỏ”.

Tăng tính bảo mật: Tin tặc sẽ rất khó có thể lấy tất cả tài sản kỹ thuật số của một cá nhân hay tổ chức, do dữ liệu Blockchain được lưu trữ trên hàng ngàn thiết bị với mạng lưới là các Node [2] phân tán. Trong đó, mỗi Node có khả năng sao chép và lưu trữ một bản sao của cơ sở dữ liệu Blockchain. Nhờ thiết kế như vậy, có thể chống lại các lỗi xảy ra trên Node đơn làm ảnh hưởng đến hệ thống Blockchain. Các hacker vì vậy cũng khó có thể thực hiện các cuộc tấn công vào toàn bộ mạng lưới Blockchain.

Tính ổn định và bất biến: Nếu không có sự đồng ý từ phần lớn các nút, không ai có thể thêm bất kỳ khối giao dịch nào vào sổ cái. Do đó, bất kỳ người dùng nào trên mạng Internet sẽ không thể chỉnh sửa, xóa hoặc cập nhật được dữ liệu Blockchain một cách tùy tiện. Đây là cơ sở rất quan trọng để tạo ra tính định danh cho bất kỳ thông tin nào trong môi trường số.

Vừa tập trung, vừa phân tán: Tất cả dữ liệu được lưu trữ được chia sẻ nhiều lần giữa tất cả các nút của mạng Blockchain (Blockchain platform) và được cập nhật liên tục. Thông tin được chia sẻ dễ dàng được xác minh và truy cập cho bất kỳ ai trong mạng lưới. Điều này cũng đảm bảo rằng dữ liệu không thể bị đánh cắp và được đồng bộ hóa với các tệp khác. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất nằm ở việc vì không có điểm trung tâm nên dữ liệu không thể bị hỏng hoặc bị tấn công.

Tạo ra sự đồng thuận: Mọi ứng dụng của Blockchain đều phát triển mạnh nhờ các thuật toán đồng thuận. Kiến trúc được thiết kế thông minh và các thuật toán đồng thuận là cốt lõi của kiến trúc này. Mọi Blockchain đều có sự đồng thuận để giúp mạng đưa ra quyết định. Nói một cách khác, sự đồng thuận là một quá trình ra quyết định cho nhóm các nút đang hoạt động trên mạng. Ở đây, các nút có thể đi đến một thỏa thuận nhanh chóng và tương đối nhanh hơn.

untitled.jpg

Công nghệ Blockchain và ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Khi mới ra đời, Blockchain được chỉ được biết đến như các khối lưu trữ dữ liệu về các giao dịch tiền tệ số Bitcoin. Tuy nhiên, Blockchain thực sự là một cách đáng tin cậy để lưu trữ dữ liệu về các loại giao dịch hoặc hoạt động sản xuất khác.

Mang lại những trải nghiệm mới đến với công chúng

Chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt lớn trong ngành báo chí, xuất bản. Blockchain không chỉ là công cụ, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra một thế giới mới đầy màu sắc và cảm xúc khi Blockchain mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho công chúng truyền thông.

Việc ứng dụng công nghệ Blockchain với các cơ quan báo chí xuất bản, đặc biệt là các Đài truyền hình, các đơn vị có sản phẩm nghe nhìn là tất yếu trong tương lai. Số phận của các sản phẩm nghe nhìn đang gắn chặt chẽ vào cuộc cách mạng “thực tế ảo” VR/AR. Khi các công nghệ thực tế ảo và tăng cường ngày càng trở nên phổ biến, việc tích hợp Blockchain sẽ giúp đảm bảo rằng mỗi trải nghiệm đều độc đáo, đồng thời giúp cho nhà sản xuất nội dung với từng cá nhân khác nhau được kết nối với nhau ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều hạ tầng và trong một môi trường bảo mật.

Hãy tưởng tượng khán giả theo dõi một bộ phóng sự và muốn biết thêm nhiều chi tiết về nhân vật, địa danh hay những vấn đề mà tác phẩm đó đề cập? Nếu độc giả khi đọc một cuốn sách mới xuất bản mong muốn được hiểu thêm về cuộc đời tác giả, về quá trình sáng tạo và những niềm vui, nỗi buồn, những trăn trở mà tác giả đã đi qua? Blockchain giúp lưu trữ và truy xuất thông tin nhanh chóng, từ đó công chúng khám phá ra câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm, mỗi chương trình, v.v..

Tính minh bạch vượt trội là một trong những lợi ích chính mà công nghệ Blockchain mang lại. Việc theo dõi và xác minh nguồn gốc nội dung trở nên dễ dàng và thông suốt hơn bao giờ hết. Điều này tạo ra một môi trường trong sáng, giảm thiểu gian lận và đảm bảo rằng mỗi tác phẩm sáng tạo đều được công nhận xứng đáng.

Công nghệ Blockchain nếu được áp dụng trong lĩnh vực báo chí - xuất bản có thể trở thành “khắc tinh” của những tin giả. Công nghệ này trong quá trình hoạt động sẽ ghi nhận những thông tin về nội dung (tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản, quyền sở hữu trên Blockchain), nhờ đó khán giả có thể truy vết được nguồn gốc thông tin nội dung mà mình tiếp nhận. Nhờ đó sẽ phân biệt được đâu là tin tức gốc, đâu là tin tức thứ cấp cũng như đâu là tin giả và tin thật. Thêm vào đó, người tiếp nhận thông tin còn có thể biết được nội dung tin tức đến từ nguồn nào, do cá nhân hay tập thể nào sản xuất hoặc do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Từ khả năng ghi nhận được thông tin về nội dung công bố, xuất bản, công nghệ Blockchain sẽ giúp các tòa soạn bảo vệ được quyền lợi của các nhà báo, các tác giả sáng tạo nội dung, đồng thời hạn chế và ngăn chặn việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ giữa các bên hiện đang là vấn nạn ở Việt Nam.

Giảm thiểu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ bảo hộ quyền tác giả

Ứng dụng công nghệ Blockchain là hướng đi không chỉ dừng lại bảo vệ bản quyền, mà còn là việc tạo ra một hệ thống trong đó người sáng tạo có quyền lực đối với tác phẩm của mình, từ việc quyết định giá bán cho đến việc quản lý cách thức phân phối.

Thực tế cho thấy, thông tin trong môi trường kỹ thuật số có thể bị sao chép và phát tán không giới hạn nhờ Internet. Một mặt, việc này giúp người dùng web trên toàn cầu có cơ hội tiếp cận nội dung miễn phí. Như mặt khác, chủ nhân sở hữu bản quyền thì đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát sở hữu trí tuệ và số tiền lẽ ra phải thuộc về họ từ quyền đó. Ứng dụng công nghệ Blockchain có thể tạo ra các nền tảng quản lý nội dung số, với khung khổ “hợp đồng thông minh” để có thể bảo vệ bản quyền và tự động hóa việc bán các tác phẩm trực tuyến, loại bỏ nguy cơ sao chép, phân phối lại. Đây là điều mà các cơ quan báo chí và xuất bản đang nỗ lực tìm kiếm lâu nay.

Hạ tầng số với công nghệ Blockchain có thể hỗ trợ cho các cá nhân sáng tạo số hóa dữ liệu meta của nội dung độc đáo của họ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ trên “một sổ cái không thể thay đổi” và “có dấu thời gian”. Cấu trúc chỉ thêm mới của Blockchain giúp người sáng tạo dễ dàng thực thi quyền lợi của mình khi xảy ra vi phạm. Blockchain cho phép lưu trữ và chia sẻ các hồ sơ, bằng chứng và kiểm tra chất lượng của các sản phẩm một cách an toàn và bất biến. Nếu có tranh chấp về quyền tác giả, Blockchain có thể giúp chứng minh sự sở hữu tài sản trí tuệ một cách tường minh, đơn giản.

Tối ưu hóa hoạt động quản trị sáng tạo nội dung

Blockchain cho phép theo dõi và điều khiển các khâu trong quy trình sáng tạo nội dung từ ý tưởng ban đầu tới khi định hình tác phẩm và đến tay công chúng. Việc ứng dụng Blockchain mang lại cho những nhà lãnh đạo cơ quan báo chí xuất bản khả năng theo dõi lộ trình của một tác phẩm từ nguồn gốc của nó, thông qua từng điểm dừng của quy trình sáng tạo nội dung và cuối cùng là quá trình phát hành, quảng bá tác phẩm. Nếu một tác phẩm được phát hiện là có vấn đề hay sai sót thì nó có thể được truy xuất nguồn gốc thông qua từng điểm dừng và các công đoạn. Không chỉ vậy, các cơ quan báo chí, xuất bản còn có thể dự báo, xác định những vấn đề vướng mắc có thể phát sinh sớm để từ đó chủ động ứng phó, giải quyết.

Quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí hay ấn phẩm xuất bản trải qua nhiều công đoạn, nhiều mắt xích và với sự tham gia của các nhân sự khác nhau. Việc Blockchain có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, giúp lãnh đạo cơ quan báo chí và xuất bản có thể quản lý có thể dễ dàng theo dõi các khâu trong quy trình sáng tạo và phân phối sản phẩm một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả, dựa trên việc xác định “dấu vết” tham gia của từng cá nhân, từng bộ phận hay quy trình sản xuất nội dung.

Blockchain có thể ứng dụng hiệu quả đối với các sản phẩm có dung lượng dài, độ phức tạp cao. Ví dụ như, trong việc xây các bộ từ điển, sách giáo khoa hoặc ấn bản nhiều tập, với sự tham gia của nhiều tác giả, với nhiều nguồn cơ sở dữ liệu thông tin khác nhau. Làm thế nào để có thể lưu trữ và chia sẻ các hồ sơ dữ liệu, kiểm chứng, phân tích đánh giá và kiểm tra chất lượng của từng mục từ một cách đơn giản, thuận lợi và thống nhất? Việc ứng dụng công nghệ Blockchain cho phép trao đổi dữ liệu giữa các bên tham gia chuỗi quy trình sáng tạo tác phẩm một cách chính xác và nhất quán.

Công nghệ Blockchain giúp tăng cường kết nối giữa công chúng với cơ quan báo chí, xuất bản. Do Blockchain tạo ra những công cụ giúp cơ quan báo chí, xuất bản giám sát quy trình thực hiện từng tác phẩm, thậm chí từng linh kiện, modul của hệ chuỗi tác phẩm theo thời gian thực. Trong đó từng thành tố, từng chi tiết thông tin đều được “định danh”, được cấp danh tính số, khiến công chúng dễ dàng nắm bắt và tra cứu được nguồn gốc cơ sở dữ liệu, củng cố thêm niềm tin về những gì mà nhà báo, tờ báo hay nhà xuất bản đã đưa ra.

Bên cạnh đó, Blockchain có thể giúp công chúng xác minh tính chính xác của thông tin tác phẩm, họ có thể sử dụng Blockchain để theo dõi toàn bộ quy trình sáng tạo tác phẩm từ thời điểm khởi đầu, đi qua các bước để đến với người tiếp nhận thông tin. Sự đòi hỏi về tính minh bạch này càng giúp gia tăng uy tín, thương hiệu và vị thế xã hội cho cơ quan báo chí, xuất bản.

Công nghệ Blockchain thúc đẩy sự phát triển của thị trường truyền thông số

Trong những năm gần đây, NFT3 ngày càng được ứng dụng nhiều vào trong các tài sản số. Nếu biết khai thác, các tòa soạn báo hoàn toàn có thể chuyển đổi bài báo của mình thành NFT, như vậy mỗi nội dung bài báo đều sẽ trở thành tài sản số và có thể chuyển nhượng hay rao bán trên môi trường điện tử. Từ đó, các tòa soạn có thể xây dựng bộ sưu tập tài sản số các bài viết, nội dung có chất lượng. Và sau khi đã được tài sản hóa thành NFT, độc giả có thể mua những phiên bản số của nội dung đó. Ngay tại thời điểm này, những video clip, sách điện tử (ebook) hoặc video clip có thể được đánh giá, mua bán thông qua Blockchain, mở ra cơ hội kinh doanh mới và giúp các tác giả và cơ quan báo chí, xuất bản kiếm được thu nhập xứng đáng từ tài năng và thế mạnh của mình.

Với công nghệ Blockchain, công chúng trong vai trò người tiêu thụ sản phẩm truyền thông có thể tìm kiếm các mô hình thanh toán linh hoạt hơn, nơi họ chỉ phải trả tiền cho nội dung mà họ thực sự tiêu thụ. Công nghệ Blockchain có khả năng ghi lại mỗi lần một tác phẩm nội dung được truy cập hoặc sử dụng, cho phép việc xác định giá dựa trên lượt sử dụng thực tế. Khi đó, các khoản thanh toán nhỏ cho từng lượt xem hoặc truy cập có thể được thực hiện một cách hiệu quả, mở ra cơ hội cho các mô hình giá mới và linh hoạt hơn.

Trong tương lai gần, Blockchain cũng là công nghệ để các cơ quan báo chí xuất bản phát hành nội dung số không phụ thuộc qua trung gian. Trên thực tế, khâu trung gian là một trong những mắt xích ràng buộc hoạt động sáng tạo và phát hành nội dung số. Các dịch vụ phát trực tuyến theo yêu cầu như: YouTube, Spotify, Apple Music và Soundcloud, v.v.. đều là các bên trung gian và mặc định chi phối, thụ hưởng quyền lợi từ các nhà sáng tạo nội dung khi muốn liên kết tới công chúng số. Làm thế nào để các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí phát hành được sản phẩm nội dung tới người dùng cuối mà không phải trả phí cho kênh trung gian? Câu trả lời có thể dựa trên mô hình liên kết, hay còn gọi là “hợp đồng thông minh” giữa chủ thể sáng tạo nội dung với công chúng số.

Ví dụ như, một khi người sáng tạo nội dung (tác giả, cơ quan báo chí hay nhà xuất bản) đã đăng ký tài sản của họ trên một nền tảng Blockchain, Blockchain ghi lại mỗi lần sử dụng nội dung đó.

Việc theo dõi này cho phép tạo ra một cơ cấu giá dựa trên việc sử dụng theo thời gian thực, linh hoạt và hoàn toàn minh bạch. Ví dụ, tính trên số lượt nghe/xem và tải, người sáng tạo nội dung có thể nhận được thanh toán dựa trên các điều khoản đã được lập trình sẵn trên hợp đồng thông minh. Điều này được thực hiện bởi sản phẩm kỹ thuật số sẽ luôn được coi là tài sản, lúc này người sáng tạo nội dung có thể nhận được thanh toán bất kỳ giá trị nào dù nhỏ hay lớn.

Những nền tảng giao dịch nội dung số như Netflix hay Amazon Prime v.v.. chỉ là điểm khởi đầu. Nhiều chuyên gia đang đưa ra giả thuyết về sự phát triển của mô hình “Netflix cá nhân”, nơi mỗi người sáng tạo có thể tự mình xác định giá trị và mô hình kinh doanh của mình? Ứng dụng Blockchain đang mở ra khả năng này! Theo như một số chuyên gia nhận định, nếu biết ứng dụng các sản phẩm của công nghệ Blockchain vào trong báo chí, xuất bản sẽ có thể làm thay đổi cách vận hành, phân phối thông tin và hoạt động của các tòa soạn báo, nhà xuất bản, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi số báo chí Việt Nam hiện nay.

Ứng dụng Blockchain trong báo chí xuất bản - con đường rộng nhưng không bằng phẳng

Công nghệ Blockchain vẫn đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Quy mô thị trường ứng dụng công nghệ Blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỷ USD vào năm 2029 [4]. Từ những ứng dụng đầu tiên trong tài chính, đến việc truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, nay Blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, từ thiện, y tế, giáo dục, truyền thông [5], v.v.. Báo chí, xuất bản không thể đứng ngoài, đứng sau nhịp tiến công nghệ mới này.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến ban đầu về chuyển đổi số báo chí, về việc ban hành Chiến lược về chuyển đổi số báo chí và từ nay đến năm 2025 phải tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ, công nghệ số trong báo chí. Như chính người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định: “Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đến lĩnh vực báo chí truyền thông", và nêu thực tế “lĩnh vực báo chí của chúng ta đang tụt hậu về công nghệ, thậm chí lùi xa!” [6]. Tuy nhiên, sự phát triển của ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực báo chí xuất bản sẽ gặp phải nhiều thách thức khác nhau.

Thứ nhất đó là thách thức về quy định pháp lý, việc thiếu hướng dẫn pháp lý cụ thể cho Blockchain như hiện nay có thể dẫn đến các vướng mắc phức tạp. Cần thiết phải có một chiến lược phù hợp từ cơ quan quản lý Nhà nước và sự phối hợp của những chuyên gia về pháp lý và công nghệ sẽ giúp nắm bắt và định hình một khung pháp lý hiệu quả.

Thứ hai, sự phát triển của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực báo chí, xuất bản còn gặp trở ngại bởi khả năng liên kết, mở rộng trên thực tế. Hệ sinh thái Blockchain đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả các bên tham gia. Tuy nhiên, do đặc thù chức năng, nhiệm vụ, mô hình quản trị cũng như lợi ích khác nhau nên việc phát triển một mạng lưới Blockchain trong lĩnh vực báo chí xuất bản ở Việt Nam còn là một bài toán không hề đơn giản./.

[1]. Ý tưởng về Blockchain được hai nhà nghiên cứu là Scott Stornetta và Stuart Haber công bố năm 1991. Tuy nhiên, cha đẻ của Blochain được ghi nhận là Satoshi Nakamoto vào năm 2008.

[2]. Node chính là các thiết bị điện tử như máy tính, laptop, điện thoại thông minh, v.v. có thể tương tác, kết nối với nhau tạo thành mạng lưới Blockchain.

[3]. Viết tắt của Non-fungible tokens (có nghĩa là Token không thể thay thế), là một sản phẩm của công nghệ Blockchain. Mỗi NFT có một mã nhận dạng riêng biệt và duy nhất, nhờ đó tạo ra sự khác biệt so với số còn lại. Đây là đặc điểm đặc trưng, đóng vai trò là bằng chứng về tính nguyên bản và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đây là một dạng thức của tài sản ảo, đại diện cho các vật phẩm trong thế giới thực như: nghệ thuật, âm nhạc, game hay video, v.v..

[4]. Báo cáo của Grand View Research (2022).

[5]. Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group, báo cáo tại hội thảo ‘World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023’ (Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/6/2023).

[6]. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông (Hà Nội, 19/7/2023).

Tài liệu tham khảo:

1. “Tổng quát Blockchain – Nền tảng ứng dụng trong tương lai”. (http://itprotraining.vn/vi/tip...BlockChain_Nen_tang_ung_dung_trong_tuong_lai). Truy cập ngày 21/6/2023.

2. Alex Tapscott, Don Tapscott. 2018. Cuộc Cách Mạng Blockchain. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân & Alphabook.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông. 2023. “Ứng dụng công nghệ
Blockchain vào chuyển đổi số trong giáo dục đại học” (https://
mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159044/Ung-dung-cong-nghe-Blockchain-vao-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc.
html). Truy cập tháng 11/2023.

4. Nicholas Jonhson và Brendan Markey – Towler. 2021. Cách
mạng công nghiệp 4.0 dưới góc độ kinh tế học: Internet, AI, Blockchain. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

5. Phạm Thị Lan Anh. 2023. “Tổng quan về công nghệ blockchain và ứng dụng”. Trang thông tin Khoa Công nghệ Thông tin - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (https://fita.vnua.
edu.vn/tong-quan-ve-cong-nghe-blockchain-va-ung-dung/). Truy cập tháng 11/2023.

6. Thi Uyên. 2023. “Blockchain có thể trở thành “thiên địch” của tin giả”. Báo Nhân dân online (https://nhandan.vn/blockchain-co-the-tro-thanh-thien-dich-cua-tin-giapost767802.html). Truy cập tháng 11/2023.

7. Trọng Đạt. 2023. “Đề xuất chuyển đổi số báo chí bằng công nghệ Blockchain”. Báo điện tử Vietnamnet (https:// vietnamnet.vn/de-xuat-chuyen-doi-so-bao-chi-bang-cong-nghe-blockchain-2179439.html). Truy cập tháng 11/2023.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)

Bài liên quan
  • Ban Cơ yếu Chính phủ và VBA hợp tác phổ cập blockchain
    Ngày 30/11/2023, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phổ cập công nghệ blockchain.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Một số gợi mở ban đầu về ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động báo chí – xuất bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO