Phá tan luận điệu xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam
Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.
Các thế lực thù địch hiện vẫn không ngừng sử dụng luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người.
Chiêu bài của các thế lực xấu là đưa thông tin, báo cáo quy chụp về nhân quyền ở Việt Nam để lợi dụng vấn đề này kêu gọi sự can thiệp của quốc tế vào nội bộ chính trị Việt Nam. Hơn hết, những cơ quan, tổ chức tự xưng về nhân quyền còn chưa từng đặt chân đến Việt Nam.
Gần đây nhất, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền năm 2023 vào ngày 22/4/2024, nêu ra nhận định thiếu khách quan rằng “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền; phê phán, chỉ trích, cho rằng Việt Nam bắt, giam giữ những người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội... Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê “các nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” thời gian qua như Lê Anh Hùng, Phan Tất Thành... nhằm minh chứng những nội dung được đưa ra trong báo cáo.
Thực chất, đây đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự, bị bắt giữ, điều tra. Có đối tượng đã được đưa ra xét xử và tuyên phạt với những bản án đúng người, đúng tội theo đúng pháp luật hiện hành, được dư luận và người dân Việt Nam đồng tình, ủng hộ.
Hay như, các tổ chức như Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, “Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân” (CIVICUS Monitor)… cũng nhân danh “nhân quyền”, tự cho mình cái quyền để công bố các Báo cáo tổng kết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Chúng phán xét “nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về hầu hết mọi mặt”; “nhà cầm quyền hạn chế ngặt nghèo các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và truyền thông, nhóm họp, lập hội”; xuyên tạc trắng trợn rằng “có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ bị đóng kín” ở Việt Nam…
Thực chất, các tổ chức tự xưng công bố báo cáo hay đánh giá như trên là cố tình xuyên tạc tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa của ta, cổ xúy nền dân chủ phương Tây. Những thủ đoạn như vậy dễ gây nên sự hoài nghi, ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về giá trị tự do, dân chủ, dễ gây nên sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhẹ dạ, cả tin.
Chúng tán dương cho những người núp bóng “bất đồng chính kiến”, “phản biện xã hội” trong nước hoạt động theo khuynh hướng độc lập, trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó tìm cách kích động, biểu tình, gây âm mưu bạo loạn chính trị nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam.
Các thế lực chống phá còn cáo buộc Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hạn chế quyền tự do ngôn luận, kiểm soát trên không gian mạng. Việc các tổ chức phản động xuyên tạc vấn đề nhân quyền trên không gian mạng ở Việt Nam thực chất là muốn xoá bỏ Luật An ninh mạng nhằm tạo kẽ hở để chúng lợi dụng không gian mạng như phương tiện để nhằm phá hoại tư tưởng, can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình nội bộ của nước ta.
Việt Nam nỗ lực, tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người
Có thể thấy, việc nhận diện, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Qua gần 40 năm kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, trong đó có công tác bảo đảm nhân quyền. Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.
Ngày Nhân quyền thế giới bắt đầu có từ 10/12/1948, nhưng quyền con người, quyền công dân của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hiến định tại Hiến pháp 1946 và tiếp tục ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, rõ ràng hơn, đầy đủ hơn tại các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và nhất là tại Hiến pháp 2013.
Việt Nam cũng đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... liên quan đến quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế, nhất là Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…
Nhà nước ta cũng tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương quốc tế về quyền con người như: Phiên họp cấp cao và các Khóa họp thường kỳ trong năm 2022 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sỹ); đồng chủ trì thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền lương thực” với số nước đồng bảo trợ cao tại Khoá 50 Hội đồng Nhân quyền (tháng 7/2022)…
Việt Nam cũng đã thiết lập cơ chế bảo hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến pháp và các điều ước quốc tế về hợp tác lao động thông qua cơ quan đại sứ quán, lãnh sứ quán, Hội người Việt Nam ở các quốc gia sở tại; phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam hướng về xây dựng quê hương, đất nước gắn liền với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, đường lối, về thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam…
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ và đảm bảo quyền con người. Trong đó, công tác tuyên truyền về quyền con người được xác định là nội dung quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 1079, ban hành ngày 14/9/2022) xác định, công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.
Đề án khẳng định truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
Những nỗ lực nâng cao quyền con người ở Việt Nam được cả thế giới công nhận và đánh giá cao qua việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) sau nhiệm kỳ đầu (giai đoạn 2014 - 2016). Những thành quả tích cực của Việt Nam tại nhiệm kỳ Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo nhân quyền trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Giữ vững mục tiêu “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân Việt Nam quyết tâm, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm ổn định và sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay./.